Với mong muốn cho người Việt được sử dụng những sản phẩm tinh túy nhất, Thạch Bàn đã không ngừng nỗ lực trong suốt 6 thập kỷ qua. Từ “Anh cả đỏ” dẫn đầu trong ngành VLXD, đến nhà máy gạch lát Granite nhân tạo đầu tiên của Việt Nam và nay là một Tập đoàn cung ứng vật liệu xây dựng hàng đầu của cả nước. Có thể thấy được lịch sử 60 năm của Tập đoàn Thạch Bàn là lịch sử của những sứ mệnh tiên phong.
Uy tín “Anh cả đỏ”
Ngay từ ngày đầu thành lập, cái tên Thạch Bàn đã gắn với doanh nghiệp như một niềm tin, hy vọng về tương lai bền vững, là nền tảng cho sự phát triển của cả một ngành công nghiệp. Có lẽ vì cái tên “vận” vào người mà tập thể Thạch Bàn vẫn cứ tiến lên, trải qua bao thách thức, khó khăn trở thành cánh chim đầu đàn, người anh cả của nghề sản xuất gạch Việt Nam.
Thời điểm năm 1959, TP Hà Nội thành lập 04 công trường gạch thủ công để sản xuất gạch ngói xây dựng thủ đô sau ngày giải phóng. Đó là Gạch Từ Liêm, Hữu Hưng, Thạch Bàn và 382 Đông Anh. Đến nay, chỉ còn thương hiệu Thạch Bàn tồn tại và phát triển có danh tiếng trong ngành VLXD của Việt Nam. Giờ đây, khi nhắc đến thương hiệu 60 năm tuổi này, khách hàng luôn hình dung được về những sản phẩm chất lượng cao, xứng danh “Anh cả đỏ” trong ngành.
Tiên phong chuyển giao công nghệ bằng lò nung Tuynel – Bước ngoặt của công nghiệp sản xuất gạch Việt Nam
Sau giai đoạn làm gạch thủ công, đến những năm 1990, Thạch Bàn trở thành doanh nghiệp đầu tiên đầu tư phát triển công nghệ sản xuất gạch bằng hệ thống lò nung Tuynel. So với các lò nung truyền thống, công nghệ lò Tuynel cho ra đời những mẻ gạch chất lượng cực tốt, tăng tuổi thọ của công trình. Theo giới chuyên môn đánh giá, sự ra đời của lò nung tuynel là một cuộc cách mạng trong nghề làm gạch, nó thay đổi toàn bộ về mặt chất của nghề. Nó làm môi trường sản xuất sạch sẽ hơn so với sự nhếch nhác của các lò gạch truyền thống. Ngoài ra, nếu như trước kia, các lò gạch truyền thống chỉ sản xuất được cao nhất là 10 triệu viên, khi sử dụng tuynel lại có thể đạt được đến 20 triệu viên hay thậm chí là 40 triệu viên một năm.
Từ năm 1990 đến năm 2005, Thạch Bàn đã triển khai xây lắp và chuyển giao công nghệ này cho hơn 120 nhà máy ở hầu hết các tỉnh trên cả nước. Đây được coi là điểm mở đầu cho quá trình “lột xác” của nghề làm gạch truyền thống ở Việt Nam. Những goòng gạch ra lò từ công nghệ lò nung tuynel đã được thay lớp áo mới, cứng chắc, bền bỉ và ổn định hơn. Những nhà máy, xí nghiệp sử dụng lò nung tuynel đã nâng cao sản lượng, đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người lao động. Không còn những góc trời bụi mù khói than, những nỗi lo phấp phỏng của người thợ nung gạch, trả lại sự an tâm, trong lành cho lòng người và môi trường. Quan trọng hơn cả, đất nước có thêm bước phát triển mới trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Có thể nói rằng, đây là công nghệ nung gạch tối ưu nhất thời bấy giờ, chứng minh sức sáng tạo và tinh thần quyết liệu của Thạch Bàn trong công cuộc đổi mới nghề làm gạch ở Việt Nam.
Tiên phong trong sản xuất gạch Granite tại Việt Nam
Có thể nói ngành công nghiệp sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ với những dòng sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên vai trò của người tiên phong luôn tạo được ấn tượng đậm nét với người tiêu dùng và nhà máy sản xuất gạch ốp lát Granite nhân tạo của Tập đoàn Thạch Bàn năm 1996 đã làm được điều đó. Trong khi thị trường còn tràn lan gạch ceramic với các loại kích thước nhỏ, Tập đoàn Thạch Bàn lại chọn cho mình một hướng đi riêng với dòng gạch granite nhân tạo kích thước lớn hơn. Với bước đi mang tính đột phá này, Thạch Bàn đã phải đầu tư nhà máy hoàn toàn mới với công nghệ và máy móc trang thiết bị được nhập khẩu hoàn toàn từ Italia. Nhà máy này chính là nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam với công suất gần 2 triệu m2 / năm. Ngay sau khi sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường, tiếng vang của Thạch Bàn ngày càng lớn vì sự vượt trội về chất lượng sản phẩm so với các sản phẩm hiện có trên thị trường lúc bấy giờ.
Tiên phong mở đầu kỷ nguyên sản xuất gạch bằng công nghệ bán dẻo
Trước những trăn trở về việc cạn kiệt nguồn tài nguyên đất và năng suất chưa cao của các công nghệ sản xuất gạch ngói đỏ hiện tại, Tập đoàn Thạch Bàn đã nghiên cứu các công nghệ mới từ các nước có nền sản xuất tiên tiến để cho ra đời công nghệ bán dẻo – công nghệ Thạch Bàn. Sự ra đời của công nghệ bán dẻo đã tạo nên một cuộc cách mạng khác trong ngành sản xuất gạch ngói đất sét nung tại Việt Nam. Bởi xét về chất lượng, gạch sản xuất bằng công nghệ bán dẻo có ưu điểm vượt trội về tính cơ lý, xét về năng suất thì công nghệ này rút ngắn thời gian sản xuất bởi không cần phơi đảo, gạch mộc tạo hình xong được đưa ngay vào lò sấy nung. Công nghệ bán dẻo được xem là giải pháp mang tính đột phá bởi việc sản xuất gạch ngói không dùng đất sét ruộng mà sử dụng nguyên liệu “gầy” gồm các loại đất đồi, đất bóc thải loại từ các mỏ, bìa than… Công nghệ bán dẻo có thể nói chính là giải pháp mang tính đột phá vừa đảm bảo cung cấp sản phẩm gạch ngói cho công cuộc kiến thiết đất nước vừa đảm bảo gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau.
Tiên phong xây dựng nhà máy công viên xanh
Trong hình dung của nhiều người, nhà máy nói chung và nhà máy gạch nói riêng là tiếng ồn, là khói bụi, là ô nhiễm… nhưng nhà máy Thạch Bàn lại cho người ta một cái nhìn khác hoàn toàn. Với thiết kế hiện đại, tiện nghi, tận dụng tối đa ánh sáng, cây xanh, nhà máy Thạch Bàn đã làm nên một diện mạo chuẩn mực mới của một nhà máy hiện đại. Khác với nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực, nhà máy Thạch Bàn sử dụng công nghệ khí nén tự nhiên CNG (Compressed Natural Gas) để sấy và nung gạch. Với những ưu điểm nổi trội, công nghệ khí nén tự nhiên CNG đảm bảo được tiêu chí: xanh, sạch, thân thiện với môi trường và người lao động, độ an toàn cao và công nghệ nung gạch tiên tiến; vì vậy, đây là công nghệ được các nước phát triển trên thế giới sử dụng để giúp giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào môi trường.
Lối thiết kế tràn ngập màu xanh, ánh sáng đẹp và giàu sức sống, bước chân vào nhà máy Thạch Bàn ít ai có thể tưởng tượng được đây là một nhà máy sản xuất VLXD. Sử dụng thiết kế mở, nhà máy Thạch Bàn tận dụng được hoàn toàn ánh sáng tự nhiên, ban ngày không phải dùng điện chiếu sáng. Không chỉ góp phần tiết kiệm điện năng, không gian mở này còn góp phần đảm bảo sức khỏe cho công nhân, tạo ra sự hứng thú và nâng cao năng suất lao động.
Luôn chú trọng và đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, nhà máy Thạch Bàn chủ trương “phủ xanh” không gian. Bởi vậy, mọi không gian lớn, nhỏ của nhà máy, từ nhà xưởng, lối đi, văn phòng, bếp ăn… cây xanh đều được bố trí hài hòa, làm nên một diện mạo nền nã, xanh mát – trái ngược hoàn toàn với không gian của các nhà máy thông thường. Có thể nói, màu xanh của cây cỏ và sắc màu sinh động của hoa đã làm cân bằng lại môi trường và xua tan sự căng thẳng vốn có trong nhịp độ sản xuất mỗi ngày. Bước chân vào nhà máy Thạch Bàn, người ta sẽ phần nào có cái nhìn rõ hơn về khái niệm “nhà máy công viên xanh” được hiện thực hóa ở nơi này.
Có thể thấy, dù quá khứ hay hiện tại, Tập Đoàn Thạch Bàn vẫn luôn giữ cho mình nếp tư duy tích cực, chủ động, sáng tạo trong mọi công việc, xứng đáng là lá cờ đầu trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam.
(Bài đăng trên số 02-2019)