Ảnh hưởng của giải pháp nâng nền chống ngập đến nhà ở và khu dân cư đô thị TP HCM

H1: Hệ thống thủy văn tại Quận 8, TP HCM (Nguồn: PADDI, 2012)

Tác động của ngập lụt đến nhà ở – Trường hợp nghiên cứu tại Quận 8, TP HCM

Nằm trong khu vực địa hình thấp, nền đất yếu, lại bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, ngập lụt là thử thách lớn mà các khu dân cư thuộc Quận 8, TP HCM phải đối mặt. Từ kết quả quan sát thuộc Dự án nghiên cứu cấp Bộ (Nghiên cứu đề xuất mô hình nhà ở nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngập lụt tại TP HCM) và Trung tâm Điều hành Chương trình Chống Ngập nước TP HCM (2017), mức độ ngập gia tăng về phía Đông Nam với độ cao từ 0,3-1 m trong khoảng 2,8 giờ, trải dài từ phường 12-16; trong đó, phần lớn xuất hiện ở phường 14, 15, 16 (Hình 1). Đây là khu vực được ghi nhận có tình trạng nhà tạm ven kênh và hệ thống đê chưa hoàn chỉnh. Tình trạng ngập cục bộ và đơn lẻ xuất hiện ở cả đường chính và tuyến hẻm, đặc biệt gia tăng vào mùa mưa. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên, thủy văn và sự phát triển đô thị không đồng đều tại khu vực càng làm cho diễn biến ngập mang nhiều yếu tố khó đoán trước và nguy cơ tái ngập cao.

Tình trạng ngập kéo dài đã gây những tác động tiêu cực lên cuộc sống của người dân tại khu vực. Thực hiện khảo sát trên 107 hộ gia đình ở Phường 16, Quận 8, kết quả cho thấy, thiệt hại về tài sản và ô nhiễm môi trường là hai tác động lớn nhất mà người dân phản ánh về ngập lụt, tiếp theo là khó khăn về giao thông, tai nạn và ảnh hưởng đến sinh kế. Trong nhóm thiệt hại về tài sản, hư hại về nhà cửa là vấn đề nổi bật, chiếm 69,2%, người dân đánh giá ở mức độ nghiêm trọng là 3,1 trên thang điểm 5; trong khi đó hư hại tài sản trong nhà chiếm 61,5% ở mức độ nghiêm trọng là 2,76. Không những thế, việc ngập kéo dài không chỉ có tác động đơn lẻ lên chất lượng nhà ở mà còn kéo theo hậu quả từ các nỗ lực đối phó ngập lụt của người dân, ví dụ như tình trạng cải tạo quá nhiều với trung bình là 2,28 lần/hộ đã góp phần gây ra sự thay đổi cấu trúc, biến dạng công trình nhà ở. Điều này cho thấy vấn đề chống ngập cho nhà ở đô thị cần được nhìn nhận không chỉ ở các tác động đơn lẻ mà còn phải quan tâm đến khả năng gây ra tác động kép, làm cho công tác chống ngập trở nên khó khăn và phức tạp, thậm chí là kém hiệu quả ở một số trường hợp.

Ảnh hưởng của giải pháp nâng nền chống ngập đến công trình nhà ở và khu dân cư đô thị

Qua kết quả khảo sát của Dự án, có 94 hộ (87,6%) đã từng cải tạo nhà ở để chống ngập với các giải pháp như nâng nền nhà, xây bậc thềm hoặc tường chắn nước, sử dụng vật liệu chống thấm và các giải pháp khác. Trong số đó, nâng nền nhà là lựa chọn phổ biến hơn cả với 92,6% số hộ đã từng áp dụng. Để hiểu rõ hơn về giải pháp này, bài viết mô tả giải pháp nâng nền nhà và trao đổi về tính hiệu quả cũng như những các ảnh hưởng của nó đến công trình nhà ở và khu dân cư đô thị.

Giải pháp nâng nền nhà tại Quận 8

Nâng nền nhà (gọi tắt là nâng nền) là giải pháp điều chỉnh cao độ bề mặt nền nhà lên cao hơn mực nước ngập bên ngoài để nước không tràn vào không gian ở, gây cản trở sinh hoạt, ô nhiễm và tổn thất về tài sản. Việc nâng nền được thực hiện trên toàn bộ hoặc một phần của diện tích sàn tầng trệt. Việc lựa chọn diện tích sàn được nâng thường ưu tiên những không gian chính yếu trong nhà như phòng khách, bếp và phòng ngủ, hoặc những diện tích dễ bị ngập nhất. Các không gian thứ yếu cũng có thể được nâng tùy từng trường hợp, có thể với cao độ thấp hơn các không gian chính (Hình 2).

H2: Chủ hộ chỉ nâng nền phòng khách tại Quận 8 (Nguồn: Nhóm tác giả, 2017)

Việc nâng nền có thể được thực hiện nhiều lần, tùy vào cao độ mực nước ngập ở thời điểm nâng nền hoặc theo dự đoán ngập trong tương lai. Nhìn chung, mỗi lần nâng nền các hộ dân thường xét đến chênh lệch cao độ giữa nền nhà với mặt đường hoặc vỉa hè trước nhà để xác định cao độ cần nâng. Trên thực tế, nhiều hộ đã từng nâng nền hơn 1 lần. Chiều cao mỗi lần nâng thường thấy là 15 – 80 cm, trong đó chiều cao phổ biến nhất là ở mức 30 – 40 cm (Hình 3).

H3: Vị trí 2 lần nâng nền tại 1 nhà ở Quận 8. (Nguồn: Nhóm tác giả, 2017)

Hiệu quả của giải pháp nâng nền

Giải pháp nâng nền được đánh giá khá cao tại khu vực nghiên cứu. Có đến 87,1% số hộ cho rằng nâng nền có hiệu quả tương đối tốt đến rất tốt và khoảng 76% số hộ nói rằng đây là giải pháp họ sẽ lựa chọn cho lần cải tạo nhà tiếp theo. Nhìn chung, so với các giải pháp cải tạo khác, nâng nền là giải pháp được lặp lại nhiều nhất trong khu vực và theo người dân thì nó có tính lâu dài nhất trong việc chống hay giảm ngập. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đây là giải pháp tối ưu, nhất là khi xét đến các ảnh hưởng của việc nâng nền đến nhà ở và khu dân cư.

Ảnh hưởng của giải pháp nâng nền đến bản thân công trình nhà ở

Tuy có hiệu quả nhất định trong việc giảm ngập cho công trình, nhưng giải pháp nâng nền có một số hạn chế đáng kể về bố cục không gian, kết cấu công trình và thẩm mỹ.

Về bố cục không gian, khi nâng nền bao nhiêu thì chiều cao thông thủy của tầng trệt sẽ bị rút ngắn bấy nhiêu. Chiều cao này ở nhiều nhà sau khi nâng nền chỉ còn đủ vừa để sinh hoạt (khoảng 2,2 – 2,3 m), gần như phá vỡ bố cục không gian ban đầu và gây cảm giác không thoải mái cho người sử dụng. Thêm vào đó, khi một phần diện tích nhà được nâng cao hơn so với phần diện tích tiếp giáp với nó, giao thông bên trong và bên ngoài công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chênh lệch cao độ, dẫn đến việc bắt buộc phải xây thêm bậc thang hoặc bậc tam cấp để kết nối các không gian với nhau (Hình 2). Do các bậc thang hoặc tam cấp này là thành phần bổ sung khi cải tạo chứ không phải được thiết kế từ đầu, nên không có sẵn diện tích cần thiết để đảm bảo độ dốc, độ rộng, độ cao bậc như tiêu chuẩn quy phạm. Do đó, trong một công trình có diện tích nhỏ như nhà ở, việc sử dụng nhiều bậc thang hoặc tam cấp không đủ tiêu chuẩn gây khó khăn cho người sử dụng và có thể gây nguy hiểm cho người già và trẻ nhỏ.

Về kết cấu công trình, cao độ nền nâng luôn ảnh hưởng đến cấu trúc chịu lực của công trình. Khi cao độ nền nâng quá lớn thì buộc phải nâng cả mái và tầng gác (nếu có) để đảm bảo chiều cao thông thủy của công trình, do đó áp lực từ chiều cao cột và tường được xây thêm lên hệ chịu lực hiện hữu trở thành một bài toán khó. Thông thường ở những trường hợp này, hệ chịu lực cần được gia cố ở móng và cột để đảm bảo tính ổn định cho kết cấu. Đi kèm với việc nâng nền, hệ thống cửa đi và cửa sổ cũng cần được can thiệp nếu chiều cao cửa không còn đảm bảo với không gian sử dụng mới. Nhiều hộ dân buộc phải đúc lại lanh tô mới cho cửa ở vị trí cao hơn trước. Lúc này, việc nâng nền trở thành một giải pháp khá cồng kềnh về kỹ thuật và tốn kém (Hình 4).

H4. Vị trí lanh tô cũ cách nền nhà chỉ 30cm sau khi nâng nền (Nguồn: Nhóm tác giả, 2017)

Về tính thẩm mỹ, nhìn từ bên ngoài các công trình đã nâng nền, sự thay đổi về chiều cao khiến cho công trình gần như bị “biến dạng” so với nguyên trạng. Nâng nền cũng làm cho vị trí tương đối của các thành phần bên trong nhà bị ảnh hưởng, nhất là cao độ cửa sổ không còn phù hợp với tỷ lệ người sử dụng, buộc người dân phải tìm cách che chắn một phần diện tích cửa bằng vật liệu không đồng nhất với vật liệu sẵn có, ảnh hưởng đến thẩm mỹ (Hình 5).

Ngoài những yếu tố có liên quan đến kiến trúc nêu trên, cũng cần nói thêm rằng giải pháp nâng nền được xem là một trong những giải pháp tốn kém lớn về chi phí và trong một số trường hợp khó nâng thì phải đòi hỏi về kỹ thuật chuyên môn. Vì vậy, tuy nâng nền là giải pháp được người dân ưa chuộng, song nhiều người khi được hỏi vẫn e ngại về việc đầu tư cải tạo nhà với giải pháp này.

Ảnh hưởng của giải pháp nâng nền đến khu dân cư đô thị

Xét về mối tương quan giữa công trình và khu dân cư, giải pháp nâng nền cũng có một số hạn chế nhất định. Ví dụ như sau khi nâng nền, một số hộ cần phải xây thêm đường dốc (ramp) hoặc bậc thang để vào nhà. Tuy nhiên, do hạn chế về diện tích, người dân tự ý xây lấn ra đường hẻm hoặc vỉa hè, gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho xe cộ và người đi bộ khi vấp phải (Hình 6).

H6. Cao độ nền nâng khác nhau giữa các nhà cạnh nhau (Nguồn: Nhóm tác giả, 2017)

Thêm vào đó, hiện nay tại địa phương, cơ chế quản lý chỉ quy định cao độ tối đa của nền được nâng mà chưa quy định về chiều cao tương đối của nền so với cao độ mặt đường. Do đó, việc nâng nền không đồng bộ giữa các hộ dẫn đến cao độ công trình mỗi nhà mỗi khác. Ở góc độ tổng thể, cả 2 điều này làm ảnh hưởng đến mỹ quan toàn khu vực (Hình 7).

H7. Nhà nâng nền trước, đường nâng nền sau, nhà vẫn thấp hơn mặt đường (Nguồn: Nhóm tác giả, 2017)

Giải pháp này cũng có ảnh hưởng 2 chiều đến việc quản lý và định hướng giải pháp chống ngập cho nhà ở đô thị. Khi nền đường quá thấp, việc ngập nước thường xuyên ảnh hưởng sinh hoạt của các hộ dân trên tuyến đường dù nhà thấp hay cao so với mặt đường. Tuy nhiên, khi nền đường được nâng cao đi kèm với nâng cấp hệ thống thoát nước để tránh ngập cho khu phố, nước từ đường tràn vào các nhà thấp hơn mặt đường, buộc họ phải cải tạo nhà bằng cách nâng nền hay xây thêm tường chắn nước phía trước. Nhìn chung, nền đường hay hẻm có thể được nâng một hay nhiều lần tùy thuộc vào tình trạng ngập của từng khu vực và việc nâng nền của nhiều hộ dân, nâng cao bao nhiêu, dường như cũng đang cố gắng “chạy đua” với cao độ mặt đường để tránh nước tràn vào nhà. “Cuộc đua nâng nền” này dẫn đến tình trạng nhà và đường nhấp nhô không đồng bộ gây mất mỹ quan cho khu vực

Kết luận

Nhìn chung, giải pháp nâng nền phổ biến được người dân đánh giá cao hơn so với các giải pháp khác bởi tính hiệu quả và có tác dụng lâu dài. Tuy nhiên, giải pháp này mang tính riêng lẻ và cục bộ nên có những hạn chế nhất định đến khu phố ở nhiều mặt, bao gồm mỹ quan, an toàn giao thông và chống ngập toàn diện trong khu vực. Do vậy, để giải quyết tốt hơn bài toán chống ngập cho đô thị nói chung và cho công trình nhà ở nói riêng, giải pháp nâng nền cần được xem xét không chỉ ở quy mô nhỏ như nhà ở riêng lẻ mà còn cần được thảo luận ở quy mô lớn hơn, trong mối tương quan với khu phố xung quanh.

Đề xuất giải pháp toàn diện cho việc nâng nền chống ngập

  • Thứ nhất, để đảm bảo mỹ quan, an toàn và chống ngập toàn diện, trước tiên cao độ xây dựng cần phải được thống nhất dựa trên những dự đoán về mức nước ngập trong tương lai. Theo cán bộ quản lý địa chính tại địa phương, cao độ nền tối thiểu hiện tại quy định chỉ ở mức 20-25 cm so với cao độ mặt đường hoặc hẻm. Đồng thời, cao độ mặt đường và hẻm hiện nay được tính toán theo Bản đồ quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt với số liệu gần nhất từ năm 2014 ở mức 2000 mm so với mực nước biển. Đây là cao độ chung cho toàn TP HCM, tuy nhiên, khu vực nghiên cứu có địa hình tương đối đặc biệt, chịu ảnh hưởng nặng và thường xuyên từ ngập lụt nên cần được tính toán và dự báo mức nước ngập cụ thể và theo nhiều mốc thời gian trong tương lai. Theo đó, các công trình thoát nước được xây dựng kèm theo hệ thống đường sá ở khu vực và công trình nhà ở cải tạo hoặc xây mới sẽ có cơ sở để đề xuất và thi công với cao độ hợp lý.
  • Thứ hai, đi kèm với cải tạo nhà ở, các dự án nâng cấp đường và hẻm phố, cũng như các dự án cải tạo hạ tầng đô thị cần xét đến mối tương quan giữa trong và ngoài công trình, góp phần giảm tốc độ của “cuộc đua nâng nền nhà so với đường” mà nhiều hộ dân đã và đang làm trong địa bàn Quận 8 nói riêng và TP HCM nói chung. Thực tế, nghiên cứu tại khu vực khảo sát cho thấy dù đã có những quy định về cao độ mặt đường, hệ thống đường và hẻm trong các khu vực ngập cũng còn những hạn chế đáng kể về chênh lệch cao độ cũng như trong việc đấu nối các công trình thoát nước trên các tuyến phố và hẻm, gây ngập cục bộ ở một số nơi. Tình trạng này cần được sớm giải quyết và theo dõi để tránh tái diễn.
  • Thứ ba, trong các phương án cải tạo mà nhiều hộ dân đã làm tại địa bàn nghiên cứu, giải pháp xây tường chắn và ốp vật liệu chống thấm cho tường có thể được đề xuất cho những công trình không thể nâng nền được nữa do yếu tố kỹ thuật của công trình, hoặc do chưa nâng nền vì yếu tố tài chính, chờ quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Trong trường hợp các nhà có cao độ nền tương đối đồng đều, giải pháp tường chắn có thể được thực hiện một lần, chạy dài xuyên suốt tuyến phố để đảm bảo chắn nước ngập ở quy mô lớn. Với những hộ dân chịu nước ngập tràn trực tiếp từ kênh rạch, tường chắn này có thể được thay thế bằng một bờ chắn nước chạy dài theo bờ kênh, và nếu cần thiết, có thể được gia cố xây cao thêm sau một vài năm.
  • Thứ tư, ngoài cách tôn cao nền bằng việc xây đắp thêm (hiện nay nhiều hộ dân đã làm), có thể thực hiện chống ngập toàn diện bằng cách sử dụng pittong thủy lực để nâng toàn bộ nền nhà. Phương án này tuy phức tạp về kỹ thuật và cần có đơn vị thi công chuyên nghiệp tham gia, nhưng nó cho phép các công trình được nâng cao để chống ngập mà vẫn đảm bảo được chiều cao thông thủy của tầng trệt, giữ lại được kết cấu của toàn bộ công trình và đảm bảo tính nhất quán trong tương quan chiều cao của các nhà trong khu phố sau khi thực hiện cải tạo.

Cuối cùng, các sổ tay hướng dẫn về cải tạo nhà ở nhằm giảm thiểu tác động của ngập lụt nên được hoàn thiện cụ thể và chi tiết hơn. Một trong những tồn tại được tìm thấy trong quá trình điều tra là tuy có kinh nghiệm về cải tạo nhà ở chống ngập, hầu hết những người dân ở khu vực ngập thường sử dụng lặp lại chỉ một vài giải pháp do chưa có kiến thức và kỹ năng để đánh giá tình trạng ngập và tìm ra hướng giải quyết hợp lý hơn cho nhà của mình. Do đó, những sổ tay này cần tập trung hướng dẫn một số vấn đề mấu chốt trong cải tạo nhà ở bao gồm cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản để đánh giá mức độ ảnh hưởng của ngập lụt đến công trình, xác định các hạng mục cần được sửa chữa, cải tạo hay nâng cấp, và quy trình thực hiện.

Những đề xuất trên đây hy vọng sẽ được phối hợp thực hiện giữa các bên liên quan đến công tác chống ngập tại địa phương, từ cơ quan làm công tác quy hoạch, san nền, xây dựng hạ tầng, quản lý tại địa phương, đến cộng đồng dân cư trong khu vực ngập cũng như các hộ gia đình riêng lẻ. Khi được thực hiện đồng bộ, các giải pháp này sẽ mang lại kết quả toàn diện hơn trong việc chống ngập cho nhà ở và khu dân cư.

Tài liệu tham khảo

– Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM. (2017).

– Tình hình nước ngập đến năm 2017 và các biện pháp giải quyết [Trang thông tin của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM].

TS. KTS. Lê Thị Thu Hương

ThS. KTS. Kiều Thị Lê

ThS. Võ Dao Chi

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2018)