Diễn đàn kiến trúc Việt – Nhật được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam, Châu Á cũng như toàn cầu đang gánh chịu những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu.
Xem thêm:Thành phố carbon thấp- tương lai của đô thị Việt Nam
Liên tiếp từ đầu năm, chúng ta phải hứng chịu nhiều thảm họa môi trường. Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) vài lần nhận định Hà Nội có đợt ô nhiễm không khí cao và nguy hiểm nhất thế giới vượt cả Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ardhali Bazar (Ấn Độ). TP.HCM thì ngập lụt đến mức “thất thủ”, đường phố thành thác và sân bay thì dâng thành biển nước. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu các nhà máy nhiệt điện hoàn thành và đưa vào sử dụng, vận hành đúng kế hoạch, mỗi năm sẽ có 45.000 người chết do khí thải của các nhà máy này.
Trong bối cảnh đó, thật ý nghĩa, khi phần lớn nội dung của giới KTS Nhật Bản đều hướng đến việc tìm kiếm, chia sẻ những giải pháp tiến bộ nhất để ứng biến với biến đổi khí hậu, kiến tạo một môi trường sinh thái với những thiết kế tiết kiệm tối đa năng lượng, hướng tới giảm phát khí thải, gây dựng lại một môi trường phát triển bền vững.
Trong mỗi chia sẻ của giới nghề Nhật Bản, dễ nhận thấy vóc dáng một đại thụ, một cây thần trồi lên từ nơi mặt trời mọc đúng như ngữ nghĩa của biểu tượng Phù Tang.
Xem thêm:Kiến trúc Nhật Bản – Bài học lớn về Kiến trúc hiện đại bản địa cho Việt Nam?
ĐỪNG CẮT CÀNH ĐÀO… BỎ LỌ!
Tiếc là những phát biểu cũng như phần trưng bày giới thiệu sản phẩm từ phía các đại diện Việt Nam dường như không mấy kết nối, tương thích hay đồng điệu với những gì mà giới KTS Nhật Bản mang đến.
Đúng là từ huyền thoại xa xưa nhất của nhân loại, cây xanh luôn gắn liền với cảnh giới của địa đàng. Cây xanh góp phần biến đổi, làm đẹp cảnh quan, hạn chế bức xạ nhiệt, giảm nhiệt lượng trữ trong công trình, cung cấp bóng râm, góp phần tác động, thay đổi tình trạng “đảo nhiệt”, giảm phát thải khí CO2, kiến tạo hệ sinh thái mới bền vững cho đô thị… Nhưng cây xanh trong kiến trúc cũng không thể “cắt cắm” đơn giản như cách mà người Việt vẫn ứng xử với đào phai, đào bích, đào vườn, đào rừng mỗi khi xuân về.
Những tác động tích cực của cây xanh chỉ đúng khi từng cây xanh, mỗi sinh vật, sinh thể được đặt trong một vòng tuần hoàn của tự nhiên cùng những nỗ lực đích thực, nhân văn của con người.Kiến trúc xanh (KTX) không phải là thứ đũa thần để dễ thay đổi ý thức, thói quen ứng xử vẫn đang từng ngày tàn hủy môi trường. KTX không thể sửa sai cho những bản quy hoạch đô thị tồi. KTX không phải là vỏ bọc màu mè nhằm lạc hướng chú ý của mọi người trước những lỗi lầm của những bản vẽ thiết kế hay năng lực quản lý đô thị. KTX càng không phải là công cụ để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu.
Xem thêm:Bàn về phương pháp thiết kế Kiến trúc xanh tại Việt Nam
Số lượng những công trình được giải KTX quốc tế sẽ chỉ là những trang điểm mờ nhạt nếu giới KTS vẫn:
- Chưa thiết kế được một bộ quy tắc ứng xử thích hợp với đặc thù bối cảnh của nơi chốn;
- Chưa thực sự có những giải pháp khoa học, cơ may có thể ứng biến với biến đổi khí hậu, môi trường;
- Chưa có những nghiên cứu tử tế về một hệ sinh thái mới, trong đó các công trình kiến trúc phải sử dụng nguồn năng lượng sạch, hạn chế vật liệu tiêu tốn quá nhiều tài nguyên, năng lượng;
- Chưa có thông tin cụ thể về đánh giá tác động, ảnh hưởng, hiệu quả của công trình xanh;
- Chưa đưa ra lượng hóa, so sánh, quy đổi hay bù đắp chi phí phát sinh từ tiêu thụ năng lượng cho sản xuất vật liệu xây dựng, làm mát, sưởi ấm, chiếu sáng hay thông gió;
- Chưa có những tìm tòi thể nghiệm các chất liệu sử dụng năng lượng tái tạo;
- Chưa tìm thấy giải pháp thu hồi, tái sử dụng nước mưa;
- Chưa thiết lập những thống kê, hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết về lượng gió, mưa, nhiệt độ, ánh nắng mặt trời cho thiết kế;
- Chưa có việc chọn lựa giống, loại cây có tán lá hay độ che phủ phù hợp với các loại ánh sáng;
- Chưa chuyên sâu trong lựa chọn những giá thể giàu dinh dưỡng hay việc chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho cây mà không gây ô nhiễm;
- Chưa có sáng kiến nào cho việc trồng cây trên các loại mái (nghiêng, dốc, cong, bằng, mái lợp tôn, mái ngói, tường đứng) vách ngăn, trên nhà chờ xe buýt, cột điện, hàng rào, gốc cây;
- Hay chưa tính đến những khó khăn để duy trì, bảo hành những mảng xanh trong kiến trúc…
Với một não trạng buồn nản ấy, làm thế nào để biến kế hoạch Greening city – phủ xanh đô thị màu mè trở thành hiện thực hoành tráng? Làm cách gì để mỗi ngôi nhà, công trình có thể thay thế rừng đầu nguồn nhằm làm giảm nguy cơ lũ lụt nhờ trữ nước của cây xanh? Khi chưa hiểu cách thức lựa chọn, trồng, chăm sóc một loài cây, một lớp thực vật thì làm sao có thể tăng diện tích trồng trọt rồi tiến đến… tự túc tự cấp lương thực từ mái phố?
Nhận xét về những cái gọi là kiến trúc xanh thiếu căn cơ này, KTS Đoàn Kỳ Thanh không ngần ngại gọi đó là những “kiến trúc lừa đảo”. Nhẹ nhàng, dịu dàng, ít gay gắt và có phần tránh xung đột, trong bài viết “Công trình zero energy – khái niệm, nhu cầu và giải pháp”, Ths.KTS Trần Thành Vũ cũng cho rằng: Các KTX đã “tạo ra các tác động xanh giả tạo bằng cách trồng cây hay là sơn xanh trên bề mặt công trình với mục đích chụp ảnh và PR để có thêm hợp đồng thiết kế…”.
TRIẾT LÝ BONSAI
Nhật Bản là đất nước với khoảng 67% diện tích cây xanh, xếp thứ 2 thế giới và chỉ đứng sau Phần Lan với 69%. Tokyo có gần 20% diện tích được phủ xanh. Ở quận Nerima diện tích phủ xanh cao nhất 25,1%, thấp nhất là quận Chuo với 7,3%. Người Nhật không tàn phá rừng anh đào mỗi khi xuân về. Họ không chỉ giữ rừng nguyên sinh trong khuôn viên Đại học Saitama tại thành phố Saitama thuộc vùng Tokyo hay Công viên quốc gia Oishi ở chân núi Phú Sĩ… Họ trồng rừng ngay trên biểu tượng của hai chữ Phù Tang , trên bông hoa cúc gia huy của hoàng gia, nét khắc “ba cây nên rừng” trên triện của chính phủ hay biểu tượng của thành phố Tokyo được ghép bởi ba vòng tròn tạo hình một vòm cây xanh.
Với tinh thần đó, sứ mệnh đó, trong diễn đàn, các KTS Nhật đã giới thiệu rất nhiều những điều họ đã, đang và sẽ làm, những điều mà người Việt luôn yếu kém, thiếu thốn hoặc cố tình… lảng tránh. Về quy hoạch, Mitsubishi giới thiệu kinh nghiệm rất quý từ dự án phát triển khu dân cư Izumi Parktown ngoại ô Sendai, dự án thiết kế cảnh quan môi trường Marunouchi – khu trung tâm văn phòng nổi tiếng thế giới.
Về thiết kế kiến trúc, đại diện Taisei, KTS Maeda Yasutaka đã giới thiệu những công nghệ xanh ứng dụng trong tòa nhà không (đòi cấp) năng lượng. Đó là tường kính nhiều lớp, có sử dụng tế bào quang điện, màng mỏng hữu cơ. Hệ thống điều hòa không khí cá nhân (T – personal air) với thiết bị cảm ứng nhận diện người, vị trí thực tế để điều khiển lượng gió, hướng gió thoát ra từ những cửa thổi gió cá nhân chuyên dụng có thể điều khiển từ máy tính cá nhân tùy theo ý muốn.
Hệ thống tự động chiếu sáng với thiết bị cảm ứng sẽ nhận diện người, vị trí thực tế để điều khiển (tắt, bật, giảm) ánh sáng trong phòng. Hệ thống gió tự nhiên có thể đưa gió vào trong nhà qua những cột ống thông gió đứng, đối lưu gió tự nhiên, giảm thiểu thiết bị và điện năng tiêu thụ khi sử dụng điều hòa. Hệ thống quản lý năng lượng (T-green BEMS) cùng với việc hữu hình hóa việc sử dụng năng lượng, hệ thống tự điều chỉnh, cân băng 3 yếu tố: Sinh năng lượng, sử dụng, tiết kiệm, hỗ trợ người quản lý hạn chế những thời điểm sử dụng điện cao điểm, giúp tiết kiệm, sử dụng năng lượng một cách thông minh.
Gần cuối diễn đàn, trong lúc phần lớn những KTS Việt Nam đã bỏ về, KTS Motochisa Takanashi của Nekken Sekkei lại đề cập tới những vấn đề nhỏ bé hơn nhưng cực kỳ thiết thực. KTS nói về cách giữ cho các giá thể giàu dinh dưỡng, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây mà không ô nhiễm; cách lựa chọn giống cây cho phù hợp từng không gian hay việc chăm sóc cây xanh như một sinh linh chứ không phải là công cụ, phương tiện. Motochisa Takanashi bày tỏ rằng: “Trồng cây, kiến tạo kiến trúc xanh phải là một lẽ tự nhiên, chúng tôi ứng xử với mỗi phận cây như là khi tạo tác bonsai.”
Chỉ với biểu tượng văn hóa bonsai, Nekken Sekkei lại cho thấy những hành trình thật dài của văn hóa kiến trúc một dân tộc. Nó đủ để một thao tác, ý thức, cảm hứng làm vườn, kiến tạo kiến trúc xanh có thể hòa hợp, đồng nhất và lan tỏa tinh thần Kami – Wabi – Sabi (tạm hiểu là thần linh – thần thức – thần hứng).
Hành trình đó dường như được hiển thị từ huyền thoại Phù Tang đến sự hòa hợp của thiên nhiên và tâm linh như người ta có thể tìm thấy trong thiết kế của Nihon Sekkei; có tầm nhìn xa rộng cùng những chăm chút chi tiết, tỉ mỉ, tinh tế như quy hoạch của Mitshubisi; có tìm tòi vận dụng những công nghệ tiên tiến như Taisei, Toda; có sáng tạo không gian sinh thái như Nihon Sekkei… Chỉ với những giải pháp, con đường hay dòng chảy như thế, kiến trúc mới thực sự giúp cho con người, thiên nhiên kết nối, hòa hợp và thân ái với nhau hơn.
Theo Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp