Bảo tồn di sản đô thị một đối trọng trong sự phát triển bền vững

Bảo tồn di sản đô thị một đối trọng trong sự phát triển bền vững

DI SẢN KIẾN TRÚC VÀ ĐÔ THỊ CÓ PHẢI TÀI NGUYÊN KHÔNG THỂ TÁI TẠO?

H.1 : Cấu trúc các ô phố của Hà Nội qua không ảnh
 

Bảo tồn đô thị so với bảo tồn công trình ra đời muộn hơn. Nếu như năm 1932 đã có Công ước Venise về bảo tồn công trình thì mãi tới năm 1987 mới có Hiến chương Washington về bảo tồn đô thị. Điều này cũng dễ lý giải, tác động ban đầu của con người trong sự phát triển đô thị chỉ ảnh hưởng trong một phạm vi hẹp, chủ yếu đối với công trình kiến trúc, chưa làm biến dạng được cấu trúc của các đô thị, nhưng đến giữa thế kỷ 20 thì tác động này cứ lớn dần lên, nó có thể làm biến đổi hoặc biến mất những cấu trúc đặc trưng của các đô thị và tới nay đã trở thành một hiểm hoạ mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên, để đưa được công tác bảo tồn đô thị vào quá trình quy hoạch, thiết kế và xây dựng của một TP là một việc không dễ dàng, nên thực tế trên thế giới chưa có nhiều đô thị được bảo tồn thành công.

Đối với Việt Nam, công tác bảo tồn công trình còn gặp nhiều khó khăn thì đối với việc bảo tồn đô thị còn khó khăn gấp nhiều lần. Ngay trong Luật Di sản ban đầu cũng không đề cập tới vấn đề này, sau này khi bổ sung và sửa đổi mới đưa vào.

Đối với vấn đề bảo tồn đô thị, bài viết đề cập tới hai vấn đề cơ bản thuộc về chuyên môn, đó là:

  • Cơ sở nhận diện khu vực cần bảo tồn trong đô thị;
  • Quy hoạch đô thị và quy hoạch bảo tồn.

CƠ SỞ NHẬN DIỆN KHU VỰC CẦN BẢO TỒN

Tất cả những thành phố và thị trấn đều được tạo bởi sự hỗn hợp của rất nhiều đặc tính. Sự biến đổi qua nhiều giai đoạn phát triển của đô thị cần xem xét một cách kỹ lưỡng các khía cạnh:

(i). Lịch sử hình thành đô thị hay phần đô thị lịch sử: Ở đây bao gồm các yếu tố mang tính phi vật thể, thể hiện ở lịch sử, lối sống và nhịp sống của cư dân trong khu vực trong quá khứ, hiện tại và tương lai;

(ii). Cơ sở cấu trúc: Là những phần cơ bản, bao gồm đất đai, mạng lưới đường, những công trình, cảnh quan và công năng của chúng (H.1). Trong đó cần đánh giá tiềm năng của di sản để có phương thức tiếp cận thích hợp, muốn vậy phải dựa vào các yếu tố sau:

  • Mạng lưới đường đô thị trải rộng khắp thành phố;
  • Mô hình cách phân chia ô phố và các tòa nhà xây dựng trên các lô đất đó;
  • Hiện trạng đặc trưng những khu vực cụ thể do các khối nhà giống hoặc khác nhau tạo nên;
  • Các nét đặc trưng bao gồm những yếu tố nguyên gốc, các đặc điểm của từng giai đoạn phát triển hoặc các hình thái tự nhiên.

(iii). Cơ sở về chất lượng của tiềm năng của khu vực bảo tồn với 5 yếu tố: Khi xác định được những khu vực có giá trị cần thiết phải phân tích đánh giá để từ đó đề ra những cấp độ bảo tồn và giải pháp bảo tồn cho từng khu vực một cách thích hợp. Các yếu tố đó là:

  • Sự hiện diện rõ ràng hiện trạng những khu vực, những thành phần của đô thị như là quảng trường thành phố, công viên, đường phố và các yếu tố tự nhiên;
  • Tính tiêu biểu của vị trí, bao gồm cả yếu tố phi vật thể như: Không khí sinh hoạt của khu vực và sự kết nối không gian đô thị, cũng như hình thức của cuộc sống đô thị cần được bảo vệ;
  • Quan hệ giữa các thành phần khác nhau của đô thị;
  • Phong cách và kiểu mẫu các công trình, điều này liên quan chủ yếu đến cách thức thiết kế chung và kiểu cách thịnh hành ở khu vực đó; – Những yếu tố vật liệu địa phương và nguồn nhân lực, trong đó cần tính đến mức độ của vai trò của kĩ thuật trong xây dựng công trình.

Những yếu tố này cần được đánh giá theo tỷ lệ % trong tổng số ước tính tiềm năng. Khi điều này chỉ đạt được dưới 50% thì sự bảo tồn là thấp (nên chú ý rằng những ước tính % dựa trên cơ sở của việc xét đến giá trị lịch sử và thẩm mỹ), khi nghiên cứu các chuyên gia sẽ đề xuất chi tiết.

Các đặc tính nói trên đã tóm tắt được sự đánh giá các nguồn tài nguyên mang tính lịch sử (đôi khi cần có sự so sánh với các vùng khác hoặc các vùng tương tự), văn hóa và thẩm mĩ đô thị [4]. Đó là biểu hiện thông thường của việc nhận thức sự sắp xếp các hình ảnh đô thị cũ cùng với sự hài hoà của môi trường kiến trúc đương đại. Việc đánh giá này là cần thiết để tạo ra sự thống nhất chung đối từng khu vực đô thị.

KẾT NỐI QUY HOẠCH VÀ BẢO TỒN

Bảo tồn đô thị và công tác quy hoạch đô thị luôn đi liền và hỗ trợ nhau; nói cách khác là trong quy hoạch không thể thiếu bảo tồn và bên cạnh đó bảo tồn không có nghĩa là không được xây dựng gì trong những khu vực đô thị đã được khoanh vùng bảo vệ, và càng không phải bảo tồn đô thị chỉ diễn ra ở những khu vực đã được khoanh vùng, mà nó nằm ngay trong những quy hoạch thông thường nhất của một đô thị đã hình thành. Điều này đảm bảo cho một đô thị có sự kế thừa hay tính liên tục. Đó là một khía cạnh của phát triển bền vững. Cần cân nhắc về quy hoạch một cách kĩ càng bằng cách phân chia chúng thành ba nhân tố chính:

  • Đất và quyền sử dụng đất;
  • Các công trình (qua các thời kỳ);
  • -Sử dụng của con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai;

Ba nhân tố này sẽ là cơ sở để thiết lập ưu điểm về quy hoạch ở một mức độ có tính khả thi cao. Đồng thời chúng cũng tạo ra khái niệm được gọi là hỗn hợp đô thị [4]. Khái niệm này khá phong phú và có thể tạo ra những hiệu quả tích cực đối với sự hiểu biết của mọi người về qui hoạch đô thị vì nó rất gần với cuộc sống hàng ngày.

Bất cứ những thay đổi nào của quy hoạch đô thị sẽ có những tác động trực tiếp đến những yếu tố trên, do đó làm biến đổi tính nguyên bản của đô thị. Mặt khác, những yếu tố trên có quan hệ qua lại và phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, quy hoạch có thể tạo ra tiềm lực cân bằng của hỗn hợp đô thị, càng được làm tỉ mỉ thì các vấn đề đều rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu hơn cho mọi người.
Sẽ không thực tế khi thực hiện những quy hoạch chi tiết mà còn nhắc tới bảo tồn theo đúng thực trạng. Đó là một trong những lý do cần phải tìm sự liên hệ giữa quy hoạch đô thị với bảo tồn đô thị, trên cơ sở đó mà cho phép xây dựng các dự án bảo tồn mang tính khả thi.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Thành phố San Francisco – Hoa Kỳ: Khu vực Alamo Quarter được hình thành từ những năm 1800 với cách phân chia cứng nhắc theo nguyên tắc chia ô. Đến nay, khu vực này ngày càng không phù hợp với môi trường cảnh quan đô thị, do một thời gian dài vấn đề bảo tồn không được kiểm soát và thiếu đi ý kiến chuyên môn của các nhà thiết kế quy hoạch. Việc sử dụng lẫn lộn các không gian không có sự quản lý đã tạo ra nhiều khoảng trống trong đô thị (đặc biệt trong khoảng những năm 1931-1976) [5].

Bởi vậy, địa phương đã có những kế hoạch bảo tồn với quan điểm:

  • Bảo tồn một cách có hệ thống, xác định rõ cái gì cần phải bảo tồn và bảo tồn theo phương pháp nào;
  • Nghiên cứu về các thành phần không gian, kích thước mảnh đất, phương pháp xây dựng và đánh giá các đặc tính còn tồn tại, vẫn có khả năng bảo tồn, chú ý đến cách phân chia sử dụng đất và tiếp đó là công tác quản lý.(H.2)

 

H.2: Thành phố San Francisco – Hoa Kỳ
a, Cấu trúc truyền thống là những mảng nhỏ khối nhỏ
b, Những ngôi nhà kích thước lớn đã phá hỏng cấu trúc cũ.
 

 

H.3: Thành phố Quebec – Canada – Khu vực được công nhận di sản thế giới
 

Thành phố Quebec – Canada: Nằm ở phía Đông Canada và được công nhận “Thành phố có giá trị lịch sử” vào năm 1985 (H.3). Giá trị nổi bật của thành phố Quebec chính là hệ thống thành lũy bảo vệ bao quanh, có thể nói là duy nhất ở Bắc Mỹ, đồng thời đây cũng là cái nôi văn minh Pháp ở lục địa này. Sự công nhận giá trị di sản đô thị và kiến trúc thành phố cổ Quebec là niềm vinh dự và những ưu tiên đặc biệt. Tuy nhiên, kèm theo đó là trách nhiệm to lớn, không chỉ của mỗi người dân mà còn của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc và đặc biệt là của các nhà quản lý hành chính ở cấp thành phố [2]. Để công tác bảo tồn được hiệu quả, họ đã đề ra những nguyên tắc [6]:

  • Bảo tồn đô thị không phải là bảo tồn nhiều công trình trong một khu vực và không chỉ áp dụng đối với các yếu tố mang tính chất vật chất mà nó bao gồm cả những khía cạnh phi vật chất;
  • Xây dựng những tiêu chí để đánh giá các giá trị của đô thị và các công trình kiến trúc cụ thể;
  • Xác định các sắc thái riêng của đô thị hay khu vực cần bảo tồn để có thể đề ra những phương thức tiếp cận thích hợp;
  • Rất cần thống kê phân loại quỹ di sản kiến trúc của thành phố;
  • Quyền lợi và cuộc sống của cá nhân, cộng đồng cần được tôn trọng, đồng thời luôn tạo cơ hội cho họ tham gia vào các dự án có liên quan tới đời sống của họ;
  • Không thể áp đặt những ý nghĩ chủ quan cho công tác bảo tồn;
  • Khi có những sự không hợp lý cần mạnh dạn điều chỉnh kịp thời;

 

H.4: Phố cổ Kawagoe – Nhật Bản với nhưng ngôi nhà cổ gần 300 năm
 

Xây dựng đội ngũ quản lý và các chuyên gia giỏi.

Phố cổ Kawagoe nằm phía Tây Bắc Tokyo – Nhật Bản: Nằm cách Tokyo 70 km về phía Tây Bắc, phố cổ Kawagoe mang một dáng vẻ rất đặc trưng là những ngôi nhà được làm bằng gỗ sau đó bọc vữa ra ngoài để phòng hoả. Những ngôi nhà đều đã trên 300 năm tuổi. Khu vực bảo tồn không lớn, chỉ trên dưới 12.000m2 và có 29 công trình được xếp hạng [1].( H.4 )
Trong giải pháp bảo tồn không gian chung, những công trình được xếp hạng được lấy làm điểm hạt nhân, chú trọng những nhóm công trình đứng liền nhau để duy trì khung cảnh chung của tuyến phố, các công trình khác xây dựng trên tuyến này đều phải tuân thủ theo chiều cao chung và có thể thay đổi phong cách.

Những công trình đã xếp hạng được giới thiệu rộng rãi cho mọi người. Đến nay, trong số 29 công trình này có những công trình được làm thành bảo tàng hay nơi thăm quan, còn đa phần vẫn do người dân sử dụng làm cửa hàng hoặc nhà ở. Công việc quản lý khai thác sử dụng đều do dân địa phương tự quản và công tác quản lý xây dựng được làm rất chặt chẽ.

 

H.5. Khu vực lịch sử của thành phố Hameln – CHLB Đức
 

Phần đô thị lịch sử của TP Hameln – CHLB Đức: Thành phố Hameln là thủ phủ của bang Niedersachsen, khu phố cổ được bắt đầu xây dựng từ năm 800 và tới năm 1500 đã hình thành rõ nét. Với diện tích trên 30ha, trải qua nhiều giai đoạn phát triển đến những năm 60 của thế kỷ 20 đã nằm trong tình trạng xuống cấp nghiệm trọng và khu vực này có nguy cơ trở thành một khu vực “chết ”vì cư dân rời đi nơi khác. Nguyên nhân:

  • Quỹ đất quá hạn hẹp, không có khả năng phát triển;
  • Môi trường ô nhiễm;
  • Giao thông quá tải và hỗn loạn;
  • Thiếu chỗ đỗ xe;
  • Cơ sở hạ tầng thiếu và xuống cấp.

Trước tình trạng đó, để cứu vãn một khu vực lịch sử, chính quyền bang và liên bang đã thiết lập dự án bảo tồn và phát huy với chi phí ban đầu 500 triệu Mark với hình thức nhà nước và dân cùng chia sẻ, trong đó 1/3 là nhà nước. [5]. Để có được sự ủng hộ của người dân các nhà quy hoạch, KTS, nhà bảo tồn đã phân tích lựa chọn bước triển khai, bắt đầu từ những vấn đề nóng nhất đó là hạ tầng và điều kiện tiện nghi sống. Điều này đã nhận được sự đồng thuận của cư dân nên dự án có phần thuận lợi. Năm 1967, dự án bắt đầu và phải tới năm 1982 mới hoàn thành. Trong quá trình này, có tới vài lần điều chỉnh để có tính khả thi cao hơn và phù hợp với yêu cầu của cộng đồng.

KẾT LUẬN

Di sản đô thị và kiến trúc là một phần của di sản văn hoá của con người, nó có vai trò lớn trong việc tạo nên lịch sử và bẳn sắc của mỗi thành phố trong quá trình tồn tại và phát triển. Để bảo vệ và phát huy trong cuộc sống hiện tại là công việc hết sức cần thiết, nhưng đòi hỏi một phương pháp tiếp cận và can thiệp thích hợp mới không phá hỏng những giá trị vốn có của nó.
Yếu tố dân sinh là điều quan trọng trong bảo tồn đô thị, khi người dân sống được và sống tốt hơn bởi việc bảo tồn, lúc đó họ sẽ là tác nhân cơ bản trong sự thành công của việc bảo tồn đô thị.

 

Bảng 1. Những chi tiêu trước và sau của dự án
 

Vẫn biết trong bảo tồn đô thị đòi hỏi rất nhiều các yếu tố như tiềm lực tài chính, nhân lực, vật lực, thông tin… và đặc biệt bảo tồn và phát triển luôn có sự mâu thuẫn với nhau, nhưng nếu kết hợp tốt sẽ tương tác để cùng phát triển. Do vậy, rất cần thiết xây dựng những điều luật, những biện pháp kiểm soát, quy định và đào tạo về bảo tồn di sản nhằm nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của người dân về công tác bảo tồn di sản đô thị, bởi chính họ là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên một bản sắc đô thị. Có như vậy mới đảm bảo sự bền vững về xã hội, về phát triển và bảo tồn.

*GS.TS.KTS Phạm Đình Việt
Trưởng Khoa Kiến trúc ĐH Đông Đô

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019)

–––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:

[1]. FuJimori Terunobu, Phạm Đình Việt, Muramatsu Shin, Đặng Thái Hoàng Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội, Nhà xuất bản Xây dựng -1997. Hà Nội.
[2]. Phạm Đình Việt Bảo tồn và phát huy giá trị thành phố cổ Quebec, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật-2005, Hà Nội.
[3]. Luật Di sản.
[4]. Mark Fram, Well-preserved, the Ontario Heritage foundation’s manual of principles and pracetice for architectural conservation, Revised Edition.
[5]. Robert E. Stipe (2003), A Richer Heritagre, Historic preservation in the twenty-first century, The university of North Carolina Press.
[6]. Tarnia Martin(2005), “Histoire, théories et pratiques en conservatio” Recueil de texts d’école d’architecture, Université Laval.
[7]. Hameln altstadtsanierung. Nhà xuất bản: Zwischenbilanz – 1983.