Bảo tồn khí hậu, môi trường rừng và văn hóa trong định hướng phát triển TP Đà Lạt

Đối tượng cần bảo tồn

Đồ án Quy hoạch chung TP Đà Lạt và Vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014, sau đây gọi tắt là “Quy hoạch chung 704”), đã xác định các định hướng quy hoạch bảo tồn là: “Bảo tồn các trục cảnh quan nước” (theo nguyên lý “chuỗi hồ”của KTS Hébrad, năm 1923”); “bảo tồn các tầm nhìn (view) về hướng các ngọn đồi có rừng bao phủ” (theo nguyên lý “tầm nhìn về núi Langbiang” của KTS. Lagisquet, năm 1943); “bảo tồn các không gian thưởng ngoạn cảnh quan cho cộng đồng” (thông qua các khoảng trống theo trục phố, có góc nhìn từ trên cao – còn gọi là các “bao-lơn-đô-thị”); “bảo tồn di sản kiến trúc Pháp” (thông qua việc hình thành “Trục di sản kiến trúc Đông – Tây” trên trục đường từ Hoàng Văn Thụ đến Hùng Vương) và “bảo tồn không gian xanh cảnh quan”, kết hợp từ các yếu tố: Mặt nước, rừng thông, công viên “mở” trong đô thị, dải nông nghiệp sạch ven thung lũng, trải dài từ núi Lang Biang, huyện Lạc Dương – xuyên qua TP Đà Lạt – đến núi Voi, huyện Đức Trọng (thông qua “Trục cây xanh cảnh quan Bắc Nam”)…

Tuy nhiên, nếu phải xác định: Đâu là “nguyên tố gốc” của mục tiêu bảo tồn, tôi sẽ chọn 3 thành tố căn bản, đó là Khí hậu tự nhiên, môi trường rừng và văn hóa quy hoạch kiến trúc; trong đó khí hậu và môi trường rừng có mối quan hệ tương tác nhau, không thể tách rời với cấu trúc quy hoạch đô thị.

1. Khí hậu tự nhiên và môi trường rừng

Nói đến Đà Lạt, không thể không nói đến khí hậu mát lạnh quanh năm. Nếu không vì tính chất đặc thù của vùng khí hậu cao nguyên phù hợp với người Pháp, Toàn quyền Paul Doumer và Bác sĩ Yersin lúc bấy giờ đã không nhọc công đi tìm vùng đất mới trên cao nguyên Langbiang, rồi đề xuất xây dựng Đà Lạt, từ ý tưởng một “trạm nghỉ dưỡng” ban đầu, phát triển thành một “thành phố nghỉ dưỡng” độc đáo – trong suốt thời kỳ chiếm giữ “Đông Dương thuộc địa” (từ năm 1893 đến 1954).

Nhờ có khí hậu mát lạnh quanh năm, mà cây thông đặc hữu của vùng cao nguyên Langbiang nhanh chóng phát triển thành rừng tự nhiên; và ngược lại, nhờ có rừng thông, mà khí hậu TP Đà Lạt luôn đảm bảo độ ôn hòa khác biệt so với vùng xuôi. Đặc điểm khí hậu Đà Lạt đã sản sinh hệ sinh thái rừng tự nhiên “xứ lạnh”, với những dòng chảy (thác, suối, hồ) đan xen và xuôi dòng theo từng tầng bậc của địa hình, làm nên môi trường, cảnh quan “đắc địa” cho một thành phố du lịch – nghỉ dưỡng như ngày nay.

Khi những cư dân đầu tiên đặt chân đến mở mang bờ cõi trên cao nguyên Langbiang, vùng khí hậu đặc thù Đà Lạt cũng đã sinh ra một hệ động-thực-vật sinh trưởng thích ứng trong môi trường ôn đới, tạo nên nguồn sản vật nông nghiệp sạch (rau, hoa, củ, quả) phong phú cho đời sống và hình thành một tài nguyên nhân văn rất riêng của “người Đà Lạt”.

Theo tôi, mục tiêu bảo tồn khí hậu tự nhiên sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển đô thị TP Đà Lạt. Để bảo tồn khí hậu, tất yếu chúng ta phải bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đảm bảo tỷ lệ độ bao phủ của rừng so với diện tích đất tự nhiên và đất đô thị. Khí hậu tự nhiên và môi trường rừng như cặp phạm trù “nhân – quả” cùng với cấu trúc quy hoạch đô thị Đà Lạt tạo nên hình ảnh đặc trưng khác lạ so với nhiều TP trong cả nước – Đó là: “Thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”.

Đà Lạt mờ sương (Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc)

2. Văn hóa quy hoạch kiến trúc

Do đặc điểm của lịch sử, TP Đà Lạt được hình thành và phát triển từ các đồ án quy hoạch (do các KTS, KS tài danh của Pháp thời bấy giờ thiết kế, gồm: Champrody – 1906, Hébrad – 1923, Pineau – 1933, Lagisquet – 1943), thông qua các chính sách thuộc địa của Chính quyền Pháp: trong đó Đà Lạt được chọn xây dựng với ảo tưởng trở thành “Thủ phủ Đông Dương”. Vì vậy, Đà Lạt tiếp cận nền văn hóa phương Tây rất sớm, trong phương pháp quy hoạch đô thị, với cách tiếp cận con người và xã hội rất khác biệt? Không chọn đối tượng nghiên cứu từ dân cư bản địa (dân tộc Lạch) mà xuất phát từ những ý tưởng của Chính quyền bảo hộ, muốn xây dựng Đà Lạt thành một thành phố nghỉ dưỡng của người Pháp – trước hết là phục vụ quân viễn chinh trong công cuộc chinh phục các nước Đông Dương. Do vậy, các đồ án quy hoạch TP Đà Lạt được phê duyệt qua các thời kỳ Pháp thuộc đều xoay quanh một chủ đề: “Thành phố vườn – Thành phố nghỉ dưỡng”.

Trên cơ sở quy hoạch và quy chế quản lý đô thị “kiểu Pháp”, cấu trúc đô thị Đà Lạt dần dần được hình thành với những công trình kiến trúc công cộng, nhà ở, dinh thự, làm nên quỹ “kiến trúc di sản đô thị” rất riêng cho Đà Lạt. Với ý tưởng quy hoạch TP trong rừng làm chủ đạo, kết hợp phong cách kiến trúc mang đậm chất văn hóa phương Tây, đã làm cho Đà Lạt trở thành một đô thị độc đáo, không chỉ trong lịch sử hình thành và phát triển các đô thị trong nước, mà cả trên lĩnh vực học thuật về phương pháp quy hoạch đô thị dạng cao nguyên, trên nền tảng tài nguyên từ “đất rừng”.

Ngày nay, đồ án Quy hoạch chung 704 được đánh giá cao, với việc nhận định đúng giá trị của các yếu tố: Khí hậu tự nhiên đặc thù, môi trường và tài nguyên rừng phong phú, sự giao thoa văn hóa “phương Tây” trong quy hoạch kiến trúc…, đề xuất các định hướng quy hoạch bảo tồn và phát triển mang tính kế thừa các giá trị lịch sử vốn có của Đà Lạt – từ đó nhân rộng “sự lan tỏa” giá trị “thương hiệu Đà Lạt” cho các đô thị vệ tinh, bởi đặc tính tương đồng về “vùng khí hậu đặc thù” khi chọn cao trình quy hoạch chung cách mặt nước biển trên 850 mét. Tầm nhìn chiến lược mở rộng và phát triển “không gian đô thị TP Đà Lạt” hướng ra vùng phụ cận, theo Quy hoạch chung 704, là hoàn toàn thỏa đáng về khoa học và thực tiễn…

Đà Lạt từ trên cao (Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc)

Động lực bảo tồn & phát triển kinh tế đô thị

Trong xu hướng phát triển đô thị theo các chiều không gian (rộng hơn, cao hơn và sâu hơn), không thể không đề cập đến chiến lược mở rộng cấu trúc TP Đà Lạt theo hướng tiếp cận các đô thị vệ tinh trong vùng phụ cận theo định hướng Quy hoạch chung 704; cũng như mở rộng địa bàn, tăng diện tích đất xây dựng, thu hút đầu tư đối với những công trình, hạ tầng cấp thiết; nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, mở rộng và nâng cấp đô thị, cải thiện tiện ích xã hội và điều kiện dân sinh…

Một đô thị phát triển bền vững, luôn cần giải pháp cân bằng giữa 2 phạm trù “bảo tồn” và “phát triển”. TP Đà Lạt cần có quỹ “đất xây dựng” tương xứng với cấp độ và tốc độ tăng trưởng đô thị. Vì vậy, việc chuyển đổi “đất rừng” sang “đất xây dựng” cũng cần phải được xem xét hài hòa giữa các lợi ích (Nhà nước – Nhà đầu tư và Cộng đồng), trên quan điểm “không tác động đến cây rừng”, mở rộng “đất rừng”, tăng độ bao phủ rừng trồng để đảm bảo độ lạnh của khí hậu tự nhiên và tầm nhìn quy hoạch xây dựng TP Đà Lạt theo hướng mục tiêu là “đô-thị-rừng”, “TP phong cảnh”.

Có thể nói, đồ án Quy hoạch chung 704 đã đặt đúng trọng tâm việc “bảo tồn để phát triển” TP Đà Lạt, để luôn tôn vinh những đặc trưng và bản sắc độc đáo vốn có của thành phố này. Nhưng vấn đề đặt ra là phải bảo tồn – phát triển môi trường rừng trong các đồ án quy hoạch, thiết kế xây dựng và cơ chế quản lý như thế nào để đảm bảo nguồn tài nguyên (rừng thông tự nhiên) và khí hậu (mát lạnh quanh năm) cho TP Đà Lạt.

Thông qua các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị được triển khai từ định hướng Quy hoạch chung 704 cần đặt yêu cầu kế thừa, tiếp nối những đặc trưng văn hóa từ phong cách “quy hoạch kiến trúc Đà Lạt”. Thử nghĩ: người Pháp đã để lại cho chúng ta quỹ di sản kiến trúc một thời để bảo tồn sau hơn trăm năm và phát triển đến ngày nay. Vậy, chúng ta sẽ để lại công trình kiến trúc nào cho thế hệ mai sau vinh danh (trong tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050, gần 100 năm, nếu tính từ năm 1954, từ khi Đà Lạt do Nhà nước Việt Nam quản lý), nếu từ bây giờ chúng ta không ý thức việc “phát triển để bảo tồn” TP Đà Lạt?

Vấn đề “Bảo tồn để phát triển” và “Phát triển để bảo tồn” chính là động lực để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững cho đô thị. Tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 7, năm 2017, TP Đà Lạt công bố thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” – một slogan tuyệt vời cho chiến lược kinh doanh du lịch (nói riêng) và phát triển kinh tế từ các sản phẩm “nông nghiệp sạch – công nghệ cao” (nói chung). Từ đó, chúng ta có quyền nghĩ đến kế hoạch xây dựng cho TP Đà Lạt trở thành “TP của di sản quy hoạch và kiến trúc” – một đô-thị-di-sản tầm quốc gia và quốc tế mang phong cách phương Tây trên đất nước Việt, tạo động lực cho các doanh nghiệp tiềm năng xây dựng chiến lược kinh doanh, lập dự án đầu tư với các loại hình phát triển phù hợp trên đất rừng, chú trọng thị trường khách hàng muốn “trú đông” (từ các nước phương Tây) hoặc “trốn nóng” (từ các vùng nhiệt đới)…

KTS. Trần Đức Lộc

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2018)