Bảo tồn trùng tu di sản kiến trúc cung đình Huế

Quần thể kiến trúc cung đình tại cố đô Huế là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh từ năm 1993. Cho đến nay, sau 24 năm được công nhận, đã có một sự thay đổi rất lớn đối với diện mạo khu di sản này. Toàn bộ khu di sản dường như đang được hồi sinh mạnh mẽ, rất nhiều công trình kiến trúc trong Hoàng cung, Kinh thành, các khu lăng tẩm hoàng gia, đàn miếu, chùa quán… đã được trùng tu phục hồi; hệ thống hạ tầng và cảnh quan được đầu tư tôn tạo. Cố đô Huế ngày càng thêm xanh, thêm đẹp và trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên Con đường Di sản miền Trung đối với du khách trong nước và quốc tế. Tạp chí Kiến trúc có cuộc trao đổi với TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về công cuộc trùng tu, bảo tồn di sản tại cố đô Huế.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình khu di sản Huế trước khi được UNESCO công nhận, nhất là sau tháng 4/1975, khi ấy hẳn rất khó khăn?

TS Phan Thanh Hải: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quần thể di tích kiến trúc Huế bị tàn phá vô cùng nặng nề. Các trận chiến ác liệt năm 1947, mùa Xuân năm 68… đã phá hủy hàng loạt công trình; điện Cần Chánh và hàng loạt cung điện trong Tử Cấm Thành bị thiêu rụi; Trấn Bình Đài bị quân Pháp và sau đó là quân đội Sài Gòn biến thành khu vực quân sự mà hậu quả vẫn còn đến bây giờ; khu vực Văn – Võ Miếu, Miếu Lịch Đại Đế Vương, Miếu Lê Thánh Tông, đàn Nam Giao… bị triệt phá, hủy hoại; những khu vực lăng tẩm, hoặc nằm trong khu vực tranh chấp, hoặc là rơi vào khu vực thiếu an ninh nên bị huỷ hoại hoặc lãng quên trong bom đạn. Thêm vào đó, các thiên tai tàn khốc, như trận lũ năm 1953, trận bão năm 1985, trận lụt lịch sử năm 1999… đã tiếp tục tấn công và huỷ diệt các di tích…

Sau chiến tranh, toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xoá sổ. Khu vực Hoàng Thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc nguyên thuỷ (số liệu do Nguyễn Bá Lăng thống kê trong bài Danh sách cung điện trong Đại Nội Huế). Khu vực Kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng. Lăng Gia Long còn 10/15 công trình, lăng Minh Mạng còn 28/35 công trình, lăng Thiệu Trị còn 16/25 công trình, lăng Tự Đức còn 16/20 công trình, lăng Khải Định còn 16/20 công trình, khu vực Văn Miếu còn 11/15 công trình… Toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ bao gồm: Thành quách, cung điện, đền miếu, lầu gác, lăng mộ, cầu cống, đình tạ… hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, hoặc bị dột nát, nứt vỡ bờ nóc, bờ quyết, các cấu kiện chịu lực mục ruỗng, nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp vào bất kỳ lúc nào. 42 ha tường thành bị cây cỏ xâm thực, 100.000m2 ao hồ cần được nạo vét, 33 cầu cống và 20km đường đi trong các di tích bị hư hại nặng cần phải tu sửa cấp thiết… Khu di sản Huế thực sự đứng bên bờ vực thẳm của sự hủy diệt và quên lãng! Ngày 25/11/1985, Tổng giám đốc UNESCO, Ngài Amadou Mahtar M’Bow đã ra lời kêu gọi cứu vãn di sản Huế và phát động trên phạm vi quốc tế một cuộc vận động bảo tồn và khôi phục các giá trị của di sản văn hoá Huế. Có thể nói sự kiện đó đã đánh dấu một bước chuyển biến rất tích cực đối với nhận thức và hành động của chúng ta đối với khu di sản Huế.

PV: Vậy sau thời điểm đó, công tác trùng tu, bảo tồn đã được tiến hành ra sao thưa ông?

TS. Phan Thanh Hải: Có thể nói, từ thời điểm đó trở đi, việc bảo quản, trùng tu tôn tạo các di tích Huế bắt đầu được vận hành đúng với quỹ đạo của nó. Có hai tác nhân có tác động quan trọng đối với tiến trình phục hưng của quần thể di tích Huế. Đó là UNESCO và chính phủ Việt Nam, bao gồm cả chính quyền sở tại thông qua bộ máy quản lý và điều hành trực tiếp là Công ty Quản lý Di tích Lịch sử Văn hoá Huế (tức Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sau này – dưới đây gọi tắt là Trung tâm).

Cuộc vận động quốc tế do UNESCO phát động tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng với những khoản viện trợ đa dạng dành cho di tích Huế trong các năm 1981-1990, cùng với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, đã là những “thang thuốc” cấp cứu kịp thời góp phần vào việc “chạy chữa” bước đầu, tránh cho di tích Huế thoát khỏi hiểm hoạ bị sụp đổ.

Tháng 11/1982, Nhóm công tác Huế – UNESCO (Hue – UNESCO Working group) được thành lập, trực tiếp theo dõi chỉ đạo công cuộc bảo tồn và trùng tu quần thể di tích Huế. Nhóm công tác này đã tiến hành 9 kỳ họp để triển khai các hoạt động khôi phục và phát huy giá trị của quần thể di tích Huế. Tháng 11/1987, Việt Nam công nhận Công ước về di sản thế giới đã khiến cho những hoạt động bảo tồn di tích Huế được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Ngày 27/7/1991, đạo luật về việc Bảo vệ và sắp xếp những di tích ở Huế của UNESCO được công bố, mở ra cho Huế một tương lai khả quan hơn. Với những nỗ lực to lớn của Trung tâm, thông qua sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chuyên gia UNESCO trong hai năm 1992-1993, bộ hồ sơ về Quần thể di tích cố đô Huế đã được hoàn tất và đệ trình lên Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO. Kết quả là ngày 11.12.1993, trong một phiên họp tại Carthagène (Colombia), UNESCO đã chính thức ghi tên Huế vào Danh mục di sản văn hóa thế giới.

Để có được một bước ngoặt trọng đại trong tiến trình khôi phục quần thể di tích cố đô Huế, giới thiệu quần thể di tích này với quốc tế là kết quả những nỗ lực to lớn của chính phủ Việt Nam, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm. Ngày 12/12/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 105/QD-TTg chính thức phê duyệt Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996 – 2010, trong đó xác định những định hướng và yêu cầu cơ bản, đồng thời xác định những mục tiêu và biện pháp chủ yếu cho việc thực thi những nội dung đã nêu trong quy hoạch. Mục tiêu cơ bản và dài hạn của Dự án thể hiện trên cả hai phương diện: Bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hoá Cố đô Huế (bao gồm: Di sản văn hoá vật chất, di sản văn hoá tinh thần và di sản văn hoá môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên), trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

Có thể nói, Quyết định 105/QD-TTg là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để cố đô Huế triển khai thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong suốt 15 năm đầu tiên sau khi Huế được công nhận là Di sản thế giới, và cũng là cơ sở để Chính phủ ban hành Quyết định 818/QD-TTg phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, 2010-2020.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về các hoạt động trùng tu, bảo tồn tại cố đô Huế từ sau khi Huế được công nhận Di sản thế giới cho đến hiện nay?

TS. Phan Thanh Hải: Đây là một trong những hoạt động cơ bản nhất của công tác bảo tồn di sản Huế trong những năm qua. Những thành tựu chính trên lĩnh vực này là:

– Hầu hết các di tích đều được bảo quản, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa . . . nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.

– Đã có khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, trong đó tiêu biểu là: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), vườn Thiệu Phương, Thái Bình Lâu, lầu Tứ Phương Vô Sự, Đông-Tây Khuyết Đài, điện Long An, cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, tổng thể lăng Gia Long, Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi đình, Hiển Đức Môn (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, Bửu thành (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải định), Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, 10 cổng Kinh Thành và Quan Tượng Đài, sông Ngự Hà… Hiện nay, lăng Gia Long, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức cũng đang được triển khai trùng tu nhiều hạng mục.

– Cơ sở hạ tầng các khu di tích như: Hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn – Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh… đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, vườn Cơ Hạ, vườn Thiệu Phương, cung An Định, hệ thống phòng chống hỏa, chống sét, hệ thống nhà vệ sinh trong di tích đã cơ bản được tu bổ hoàn nguyên hoặc xây dựng hoàn thiện.

Trong 15 năm (1996-2010), lĩnh vực trùng tu và tôn tạo di tích Cố đô Huế đã được đầu tư khoảng 586 tỷ đồng, nhưng chỉ trong 5 năm 2011-2015, ngân sách dành cho tu bổ đã đạt xấp xỉ 600 tỷ đồng. Có thể nói đó là những nỗ lực rất lớn của nhà nước ta và cả cộng đồng xã hội, trong đó có sự hỗ trợ không nhỏ của bạn bè quốc tế.

Điều quan trọng là các di tích đã được tu bổ đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương – Công ước quốc tế về bảo tồn di sản mà Chính phủ ta đã công nhận và tham gia, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều từ các chuyên gia quốc tế thông qua các dự án đào tạo nhân lực, phối hợp nghiên cứu khoa học, khảo sát, lập dự án và trùng tu các công trình di sản. Hiện nay Trung tâm có quan hệ hợp tác với gần 30 tổ chức quốc tế đến từ nhiều quốc gia rất giàu kinh nghiệm trong bảo tồn, trùng tu di tích như Cộng hòa liên bang Đức, Ba Lan, Pháp, Italia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cũng chính qua thực tiễn của công cuộc bảo tồn tôn tạo di tích Huế mà đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên của Trung tâm đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu và phong phú, đặc biệt đã nắm vững cả 2 mặt cốt yếu của phương pháp trùng tu khoa học: Đó là phương pháp luận khoa học và kỹ năng thực hiện, vì vậy các hoạt động trùng tu đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

PV: Và hiệu quả của công tác ấy là khiến Huế ngày càng đẹp và hấp dẫn hơn, trở thành một điểm đến rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước?

TS Phan Thanh Hải: Đúng như vậy. Công cuộc trùng tu bảo tồn di sản Huế không chỉ là việc hồi sinh các giá trị di sản văn hóa mà còn góp phần quan trọng vào chỉnh trang đô thị, phục hưng sức sống mãnh liệt của các giá trị truyền thống, khiến cố đô Huế thực sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên Con đường Di sản miền Trung. Trong những năm qua, lượng du khách đến Huế không ngừng tăng nhanh, tốc độ trung bình luôn đạt từ 15-18%/năm; dự kiến trong năm 2017, Huế sẽ đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2,7 triệu lượt khách đến thăm khu di sản. Doanh thu từ vé tham quan và các nguồn thu dịch vụ cũng tăng nhanh. Thu trực tiếp từ vé tham quan di tích Huế năm 2017 dự kiến sẽ đạt hơn 300 tỷ đồng, còn tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ sẽ đạt hơn 3300 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% GDP của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Như vậy, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa còn đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo ra công ăn việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Thanh Hương (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)