Thành phố cũng như một con người – Có sức khỏe, sắc vóc và có những đặc điểm riêng về tính cách, trong đó có “khẩu ngữ” mang dấu ấn riêng. Kiến trúc đô thị như một quyển sách văn học. Nội dung, ý tứ, thông điệp cao xa là giá trị cốt lõi nhưng chuyển tải có phù hợp và có nhiều cảm xúc hay không chính là nhờ câu chữ, mà giới văn học hay dùng khái niệm “Câu chữ có hồn vía”. Vậy “Kiến trúc có hồn vía” cũng không thể thiếu những “Cú pháp tạo hình” giàu cá tính, không thể thiếu những “từ vựng – chi tiết kiến trúc” tinh tế và đắc dụng, làm nổi bật ý tứ của tác phẩm.
Nhà hát lớn Sài Gòn xưa. Ảnh trong bài nguồn Internet
Mỗi dòng văn chương có những cây viết tài năng, với từ vựng và cú pháp đầy cá tính. Mỗi dòng kiến trúc, trường phái kiến trúc cũng có những “thủ pháp tạo hình” và “từ vựng kiến trúc” là những chi tiết kiến trúc đặc trưng. Sự tích lũy phong phú của một dòng kiến trúc ở một vùng lãnh thổ nào đó sẽ tạo nên đặc điểm nhận dạng và lòng tự hào của người làm nghề Kiến trúc lẫn người dân sở tại. Từ vựng kiến trúc, lúc đó, từ một dòng sản phẩm, trở thành niềm cảm hứng cho các sáng tạo kiến trúc tiếp theo, với niềm tin sẽ phát huy bản sắc địa phương.
Tôi tin rằng, mỗi một người, dù xuất thân ở ngưỡng văn hóa nào đều có ngôn ngữ và từ vựng đặc trưng riêng của giới mình. Vậy thì, bất cứ một lãnh thổ, một cộng đồng nào cũng sẽ có từ vựng kiến trúc đặc trưng của lãnh thổ đó, cộng đồng đó. Điểm khác nhau chỉ có thể là mức độ phong phú và nét đẹp văn hóa hàm chứa bên trong. TP HCM là một “Đô thị ven sông không sống và phát triển bằng phù sa châu thổ dòng sông đó” (khái niệm của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng) mà bằng sự dung hòa của rất nhiều ảnh hưởng văn hóa, kinh tế, chính trị đa dạng… Đặc điểm này cũng chính là “cái nôi” êm ái cho một khối lượng “từ vựng kiến trúc” vô cùng phong phú hình thành. Sự gìn giữ và phát huy giá trị của quỹ “từ vựng kiến trúc” này là một công việc lớn cho cộng đồng đô thị nói chung và giới KTS nói riêng.
Tại sao chỉ là “Từ vựng Kiến trúc”
Người ăn nói lưu loát, diễn đạt khúc chiết… chắc rằng phải sở hữu một vốn từ vựng hoặc rất phong phú, hoặc rất sâu sắc ở một khía cạnh chuyên ngành nào đó. Dù không chắc luôn luôn có chuyện ngược lại. Nhưng dù sao, việc tổng kết, truyền đạt, rèn luyện một vốn từ vựng sâu sắc hoặc phong phú luôn luôn là điều kiện cần đầu tiên. Cũng giống như dân gian vẫn dùng các khái niệm về khẩu ngữ của con nhà gia giáo, của phường đá cá lăn dưa, hay của bậc thức giả,…Vậy ngôn ngữ được truyền đạt từ truyền thống gia đình, truyền thống giới hay của nền giáo dục chính quy chính là khởi đầu căn bản. Mà không có nền giáo dục nào lại thiếu những giáo trình khoa học, hiệu quả. Tất cả bắt đầu bằng a, b, c, bằng từ vựng, rồi ráp câu đủ và đúng cách, diễn đạt một ý tưởng trôi chảy, rõ ràng. Còn hy vọng trở thành một nhà thuyết giảng, một nhà văn ư? – Hãy để dòng chảy cuộc sống sản sinh, nhưng nếu không có bước vỡ lòng thì có nghĩa cũng không có niềm hy vọng đó.
Tác phẩm kiến trúc, về mặt quy mô cũng không khác gì một tác phẩm văn học. Không thiếu gì tiểu thuyết văn học được ca tụng, nhưng ngoài những ưu điểm rất lớn, các nhà phê bình luôn tìm được nhiều chi tiết chưa đạt về nhân vật phụ, về bối cảnh, về diễn biến tâm lý gượng gạo,… nhưng có lẽ lỗi chuyên môn đáng mắc cỡ nhất là nhân vật thuộc tầng lớp này lại có ngôn ngữ hoặc phản ứng tâm lý của tầng lớp khác. Chuyện đó trong kiến trúc không hề hiếm gặp khi một công trình mà “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mọc lên nhan nhản. Càng trầm trọng hơn khi người ta để một chi tiết kiến trúc của thế kỷ 19 lọt vào một công trình phục dựng thuộc thế kỷ 17, hay một trụ cổng gợi lại kiến trúc truyền thống Việt Nam lại có module gờ chỉ của thức kiến trúc La Mã. Chưa cần nói đến tác phẩm kiến trúc thành công với ý tưởng mới mẻ, giàu cảm xúc, chỉ cần hiểu biết tường tận những dòng từ vựng kiến trúc thích hợp với thời kỳ, nguồn gốc, trường phái, phong cách… để tránh những lỗi “râu ông này cắm cằm bà kia” đã là một sự bắt đầu tốt đẹp. “Từ vựng kiến trúc” – những cấu kiện căn bản đó có thể là một chi tiết đặc thù về kiến trúc hay vật liệu, một bệ cửa, một mái hắt điển hình, một tay vịn cầu thang, một bậc cấp, một bancon điển hình, một diềm mái, một con sơn đỡ mái… nhưng không phải là một design riêng lẻ mà đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thuộc tính của một dòng kiến trúc, một trường phái nào đó đã tồn tại và phát triển trong một thời gian dài.
Tại sao là Thành phố Hồ Chí Minh?
Một thành phố ven sông không sống bằng phù sa của lưu vực (*) mà bằng sự cân bằng các dòng ảnh hưởng. Dù mới hơn 300 năm định hình và phát triển, Sài Gòn – TP HCM đã trở thành TP sôi động nhất, lớn nhất nước. Chính vì là nơi hội tụ lượng lưu dân tứ xứ lớn như sống bằng giao thương và dịch vụ đối ngoại như vậy, TP HCM mới tập trung nhiều giá trị kiến trúc với đa dạng ngôn ngữ, đa dạng từ vựng. Một nghiên cứu tập hợp từ đây không chỉ là việc quan trọng đáng làm của Thành phố mà còn là một mô hình, một phương cách có nhiều mặt rút kinh nghiệm cho các đô thị khác của cả nước.
Thuận lợi của việc Nghiên cứu Bảo tồn từ “Vựng kiến trúc”
Bài viết này không dự định đưa ra một định dạng nghiên cứu và bảo tồn từ vựng kiến trúc TP HCM mà chỉ muốn khẳng định sự thuận lợi bất chấp tính cấp bách và lợi ích có tính lâu dài của việc này.
Khả năng vận động rộng rãi nhiều đối tượng.
Cũng như việc viết văn, để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp và nổi tiếng thì khó và hiếm. Nhưng viết, và viết hay về một điều gì đó trong một dòng nội dung nào đó, thì có nhiều người có thể làm được. Chỉ cần viết cho đúng chính tả, đúng văn phạm và từ vựng thì còn nhiều người nữa làm được. Việc khuyến khích nghiên cứu, công bố một hệ thống từ vựng kiến trúc trong từng phạm vi hẹp thì có khả năng nhiều người có điều kiện tham gia. Ví dụ: Một dòng chi tiết cho nhà phố cũ Chợ Lớn, Bến Chương Dương; Hay một dòng chi tiết cho lam che nắng và bảo vệ mặt tiền nhà thập niên 50-70… Thậm chí một nhà báo, một nhà nghiên cứu xã hội, ngoài nghề kiến trúc, vẫn có thể tham gia phần nghiên cứu của mình không mấy khó khăn.
Nhịp sống nhanh, sôi động của TP HCM là một thế mạnh: Vì sự áp đặt ảnh hưởng từ ngoài vào, theo đó, cũng vô cùng mạnh mẽ. Từ kiến trúc người Hoa, kiến trúc Pháp, đến thời Mỹ nhanh chóng và thực tế. Từ thời tiền thuộc địa Pháp đến các trào lưu thời cách mạng xã hội Pháp, từ kiến trúc cổ điển Pháp đến thời kỳ Art Deco rực rỡ… Từ vật liệu và kỹ thuật xây dựng cổ điển đến trào lưu vật liệu công nghiệp tổng hợp. Từ yếu tố thời thượng của thế giới đến các chuyển dịch cấu trúc xã hội lớn lao qua các thời kỳ… Các quy chuẩn quản lý, nhịp sống nhanh, áp lực tự nhiên của mức sống phát triển… cũng tạo ra các nhu cầu và đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ mới như trào lưu thiết kế trang trí các quán café, shops và cả nhà ở riêng lẻ.
Sự hỗ trợ của truyền thông giải trí
Số đầu báo và tạp chí giải trí chuyên ngành kiến trúc, nội thất ngày càng nhiều và có chỗ đứng trong thói quen của đô thị Sài Gòn. Đây chính là lực đẩy hỗ trợ cho các chuyên đề nghiên cứu và công bố về từ vựng kiến trúc. Ở góc độ cái bánh nhỏ, thơm tho hấp dẫn, dễ ăn… thì các báo chuyên ngành sẽ rất vui lòng đồng hành với chương trình nghiên cứu bảo tồn từ vựng kiến trúc vì lợi ích của chính họ khi độc giả cũng tò mò đọc báo để tìm hiểu các giá trị kiến trúc một cách thích thú. Các nội dung nghiên cứu cũng không quá đồ sộ để có thể công bố dễ dàng trên tạp chí như một bài báo hay vài kỳ báo, nhưng chính sự thuận lợi gọn nhỏ này lại là một đáp số khổng lồ cho một chương trình lớn và dài hạn như việc thống kê và đánh giá từ vựng kiến trúc TP HCM.
Giá trị quảng bá du lịch và nghiên cứu phát triển văn hoá kiến trúc
Một ấn phẩm tổng hợp có hình ảnh đẹp, có giá trị nghiên cứu phát hiện về văn hóa – nghệ thuật luôn có chỗ đứng trong tủ sách du lịch, thỏa mãn của các thành phố, quốc gia – Nó đáp ứng nhu cầu giải trí phổ thông của khách du lịch đồng thời thỏa mãn nhu cầu quảng bá du lịch và văn hóa địa phương – Những ấn phẩm loại này có thể chia nhỏ nội dung chuyên đề theo thời điểm, theo thực tế thành quả làm được. Điều đó cũng phù hợp và linh hoạt cho các dự án kiến trúc mới khi muốn nghiên cứu phát huy một mặt giá trị di sản kiến trúc nào đó.
KTS Nguyễn Văn Tất