Không quá khó để nhận ra đường phố Hà Nội, Sài Gòn hoặc bất kỳ một thành phố nào giờ đều tràn ngập biển quảng cáo. Xanh đỏ, cao thấp, hệ thống chiếu sáng và kích cỡ không theo bất kỳ một quy định nào, thậm chí có những con đường mà biển quảng cáo chiếm trọn chiều cao của tất cả những ngôi nhà. Mặt đứng của nhiều tuyến phố thương mại mới, ví dụ như “con đường triệu đô” Xã Đàn (Hà Nội) là một tổ hợp dày đặc của biển quảng cáo. Hình thức của các biển quảng cáo đa phần là những sản phẩm đồ hoạ dang dở, chỉ chú ý đến việc “gây thu hút” kể cả đó là việc thu hút tiêu cực. Việc quản lý đô thị chưa tốt, nhà cửa nhấp nhô, không đồng bộ về chiều cao – màu sắc – hình thái, kết hợp hệ thống biển hiệu không đồng bộ tạo nên một bối cảnh những tuyến phố nham nhở và mất mỹ quan. Con người lưu thông trên đường không được cảm giác thư thái và nhẹ nhàng giống như những tuyến phố Pháp cũ với những hàng cây xanh mát, cũng không có được cảm giác phấn khích trước khung cảnh hoành tráng và lấp lánh như những con đường, đại lộ ngợp đèn và biển hiệu trời Tây. Thậm chí, việc quan sát hệ thống biển quảng cáo lộn xộn và không chuẩn có thể gây ảnh hưởng tới sự nhìn, gây tai nạn giao thông và nhiều hệ quả tiêu cực khác nữa.
Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, “Thị giác là khả năng nhận và diễn giải thông tin từ ánh sáng đi vào mắt, còn được gọi là thị lực, sự nhìn.”
Cũng theo từ điển, khái niệm về ô nhiễm: “Là hiện tượng môi trường bị bẩn, đồng thời các tính chất của môi trường bị thay đổi gây nên tác hại trực tiếp.”
Tác giả xin tạm đề xuất một khái niệm trong bài viết này, đó là khái niệm “Ô nhiễm thị giác”. Kết hợp hai khái niệm trên, có thể coi ô nhiễm thị giác là một hiện tượng thông tin thị giác bị “bẩn”, gây ảnh hưởng tới sự nhìn của mắt, gây tác động tới sức khoẻ, tầm nhìn và ảnh hưởng tới sinh hoạt của con người.
Với khái niệm trên, chúng ta có thể đều thấy rằng đô thị Việt Nam nói chung hiện nay đều đã gặp tình trạng ô nhiễm thị giác. Trong đó, một lý do khá phổ biến là ảnh hưởng của thực trạng biển quảng cáo tràn ngập đường phố.

Trong một xã hội kinh tế thị trường, việc quảng cáo là một yếu tố bắt buộc trong việc phát triển kinh doanh. Sau Đổi mới, nhất là khoảng 20 năm gần đây, với việc mở cửa kinh tế và cạnh tranh công bằng, nền kinh tế chuyển từ cơ chế phân phối nhà nước sang tự do thương mại – Những doanh nghiệp lớn – nhỏ đều phải xây dựng thương hiệu riêng, chiến lượng makerting riêng cho mình để gây sức hút đối với khách hàng thông qua quảng cáo. Mọi vấn đề về hình thái đô thị đều phải xuất phát từ nhu cầu xã hội, và có lẽ đây chính là cội nguồn của việc bùng phát biển quảng cáo ở các đô thị Việt Nam.
Theo một báo cáo nhân lực của Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena, năm 2006 cả nước thiếu hàng vạn nhân sự trong ngành thiết kế đồ hoạ – quảng cáo. Nhưng 10 năm sau, với việc tuyển sinh ồ ạt và ra đời quá nhiều cơ sở đào tạo, lực lượng này không những đã đủ mà còn bão hoà. Lực lượng làm nghề quảng cáo “không chuyên” phát triển, như một nghề thời thượng và dễ kiếm tiền trước nhu cầu thời đại. Các loại máy móc, công nghệ in ấn quảng cáo 10 năm trước rất khó khăn để tìm, giờ lại rất dễ dàng có được với chi phí rẻ với sự xuất hiện của thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc. Mọi điều kiện đều đáp ứng cho nhu cầu quảng cáo của xã hội.

Ở khía cạnh kiến trúc, biển quảng cáo lộn xộn gây ra mất mỹ quan đô thị, làm giảm giá trị của các giải pháp thiết kế, vẻ đẹp công trình, gây ô nhiễm trực tiếp thị giác người dân. Trong các tuyến phố thương mại có giá trị lịch sử (như phố cổ Hà Nội), hệ thống biển quảng cáo tràn lan, che lấp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị di sản đô thị.
Cuối cùng, ở khía cạnh bền vững, các biển quảng cáo hiện nay đa phần là các vật liệu nhựa, composite, bạt hiflex, mica,… đều là những vật liệu không thân thiện với môi trường. Chúng góp phần làm cho nhiệt độ đô thị tăng lên, tạo ra những lớp vỏ bọc cho ngôi nhà một cách cưỡng bức, những giải pháp thông gió, lấy ánh sáng tự nhiên của ngôi nhà trở nên vô giá trị… Khi những tấm biển quảng cáo khổng lồ che phủ toàn bộ mặt đứng ngôi nhà, không mở cửa sổ, không ban công, tất cả sẽ phải dùng ánh sáng và thông gió nhân tạo. Đây là một tác hại trực tiếp tới môi trường tự nhiên cũng như môi trường không gian của người sử dụng.
Tóm lại, “ô nhiễm thị giác” đến từ hệ thống biển hiệu quảng cáo lộn xộn và tự phát tại các tuyến phố đô thị Việt Nam đang thực sự là một vấn đề nhức nhối và cần phải giải quyết.
Bàn về một giải pháp thí điểm ở Hà Nội
Chủ trương thí điểm quy hoạch biển quảng cáo tại khu vực tuyến phố mới Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) của UBND thành phố Hà Nội thời gian vừa qua đã thu hút sự quan tâm của công luận. Theo những vấn đề đã đặt ra ở phần đầu bài viết, xin được khẳng định đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và văn minh. Nhưng, đúng như yếu tố “thí điểm”, chắc chắn sẽ có những điều bất cập và chưa đúng, xin được phân tích một vài yếu tố để rút ra kinh nghiệm sửa chữa ở diện rộng.
- Đánh giá chung: Không như tưởng tượng, tác giả đến trực tiếp và nhận thấy hệ thống bảng quảng cáo ở đây không tạo ra được một tuyến biển hiệu đồng đều trải dài trên toàn bộ phố. Vẫn có chỗ thòi ra, thụt vào, do bản thân các ngôi nhà trên mặt phố không đồng đều về chiều cao tầng và kích thước đua ra của ban công tầng 2. Hình thái kiến trúc vẫn lộn xộn. Có thể thấy, việc quy hoạch điều chỉnh hệ thống biển quảng cáo tiêu chuẩn chỉ có thể được trọn vẹn nếu việc quy hoạch thiết kế đô thị, quy hoạch kiến trúc – xây dựng được giám sát chặt chẽ.
- Về tính thẩm mỹ chung của hệ thống biển quảng cáo: Mẫu (sample) chung của hệ thống biển chưa đẹp, thiết kế khá dễ dãi và hời hợt. Có thể do thời gian thực hiện theo tiến độ quá gấp gáp nên người thiết kế chưa đưa ra được một giải pháp đủ sâu, thẩm mỹ và mức độ trung – cao cấp. Với bản thiết kế này, có thể tạm chấp nhận được cho các cửa hàng nhỏ lẻ, buôn bán bình dân nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của đa số các cửa hàng muốn tạo dấu ấn và thương hiệu của mình. Kích thước biển nhỏ, đảm bảo được việc biển hiệu không che lấp phần kiến trúc ngôi nhà bên trên, nhưng lại chưa đủ kích thước và vị trí để gây ấn tượng cho người quan sát. Biển quảng cáo nằm ở vị trí cao hơn tầm sẽ mắt sẽ thuận lợi hơn cho việc quan sát của người đi đường.
- Về màu sắc: Hai màu chủ đạo Xanh lam và Đỏ là hai màu tương phản nóng – lạnh nhất, sẽ gây ra nhiễu loạn thị giác cho người quan sát trong cả một trường di chuyển dài, dọc một tuyến phố vài kilomet. Phần chữ trong biển quảng cáo dùng những phông chữ quá phổ thông, kết hợp cả phông chữ không chân (Sans Serif) và phông chữ có chân (Serif) một cách tuỳ tiện, màu trắng sử dụng được cho toàn bộ nội dung chữ gây ra sự nhạt nhoà và khó theo dõi thông tin.
- Về bố cục: Vì làm theo một mẫu rồi nhân bản theo các kích thước chiều dài khác nhau nên không tránh khỏi việc bố cục bị khiên cưỡng và không đảm bảo được tỉ lệ đẹp của từng biển hiệu. Việc sử dụng dải vector trang trí đường cong ở phía dưới khi kéo dài và lặp đi lặp lại vô tình gây ra sự rung của thị giác (theo lý thuyết về design thị giác), người nhìn sẽ thấy có sự rung và chóng mặt khi vừa đi đường vừa quan sát.
- Về tính đa dạng: Thoạt nhìn qua, phương án có một sự thống nhất và cân bằng thị giác cho toàn tuyến phố. Nhưng thực tế nó đã tạo một cảm giác khá buồn tẻ, nhàm chán và thiếu sự đa dạng. Về mặt thương hiệu, giá trị bản sắc của các thương hiệu bị ảnh hưởng. Trong thương mại thị trường, giá trị những thương hiệu lớn được xây dựng tốn rất nhiều tiền bạc, chiến lược và đầu tư công sức, kể cả những cửa hàng nhỏ vẫn cần có sự đầu tư chất xám và ý tưởng để thể hiện sự khác biệt. Việc quy định chi tiết về hình thức, chất liệu sẽ làm mất đi giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp này – Đồng thời, cũng làm giảm đi đáng kể sức sáng tạo và giá trị của các nhà thiết kế quảng cáo.
- Về giải pháp chiếu sáng: Trong thiết kế đô thị và thiết kế quảng cáo, luôn phải có sự nghiên cứu về giải pháp chiếu sáng vào buổi tối. Ở phương án đang thí điểm ở Lê Trọng Tấn, mới giải quyết bài toán biển hiệu vào ban ngày. Để đáp ứng nhu cầu kinh doanh buổi tối, mỗi cửa hàng lại tự chọn cho mình một giải pháp đèn chiếu sáng khác nhau, hoặc có cửa hàng thì không lắp đặt, các giải pháp chiếu sáng đa phần tạm bợ, chưa thẩm mỹ.

Gợi ý một số giải pháp
- Trên các tuyến phố thương mại mới: Theo lý thuyết về thị giác, để tạo ra sự thống nhất cho một chuỗi mặt đứng công trình trong một tuyến phố, có thể tạo ra một tuyến đồng nhất trải dài. Muốn có một tuyến biển hiệu như vậy, tức là phải quy định về cao độ, kích thước và độ dày. Có thể quy định thêm về tỷ lệ và quy cách chiếu sáng. Sau đó, mỗi cửa hàng tự tạo bản sắc riêng của họ, theo bộ nhận diện thương hiệu riêng. Có một cách nữa để đảm bảo sự hài hoà, đó là có thể tạo một đường khung (border) hoặc một mẫu (sample) chung đẹp (tạo khung biển các màu trung tính ví dụ như trắng, đen…). Cần chú ý đến chiều cao của hệ thống biển để thuận tiện cho việc theo dõi của người đi đường, cũng như tránh các giải pháp chiếu sáng phản cảm.
- Đối với tuyến phố di sản: Các ngôi nhà trong các đô thị di sản vốn đã không theo trật tự về kích thước, mỗi ngôi nhà có một giá trị và đặc trưng riêng, tuy nhiên lại có trật tự về hình thái, bản sắc. Tại những tuyến phố này, không nên quy định kích thước hay vị trí, nhưng phải quy định về màu sắc và chất liệu để hài hoà với không gian di sản bản địa. Ví dụ, tại Hội An (Quảng Nam), biển hiệu các cửa hàng thống nhất với các gam màu trầm, nhã nhặn như đen, nâu, vàng đất… vật liệu chủ đạo là gỗ, hài hoà với những căn nhà cổ sử dụng gam màu chủ đạo là màu vàng nâu. Nhiều thành phố di sản trên thế giới và khu vực như Luang Phrabang (Lào), Hàng Châu (Trung Quốc)… cũng có cách tổ chức biển quảng cáo như thế này. Phố cổ Hà Nội hoàn toàn có thể có cách tổ chức và quy định lại hệ thống biển quảng cáo theo mô hình này để thay đổi và giữ gìn bản sắc di sản.
- Khi đó, bản thân giá trị thương hiệu càng thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, đẳng cấp và chi tiết. Bởi theo lý thuyết về thiết kế logo, một thương hiệu tốt thì dù có phóng to, thu nhỏ hay thể hiện trên mọi chất liệu vẫn có thể được nhận dạng. Khi một bộ nhận dạng thương hiệu được thể hiện theo một cách mới lạ, nó mang lại một hơi thở mới và gây cảm xúc cũng như sự giao tiếp với người dân sở tại. Những thương hiệu quốc tế như Starbucks, ở mỗi quốc gia xuất hiện, thương hiệu lại được bản địa hoá theo hình thức và vật liệu của không gian địa phương, như một sự giao hòa tinh tế giữa thương hiệu quốc tế và sự tôn trọng văn hoá bản địa.
KẾT LUẬN
Biển hiệu quảng cáo ở bất kỳ một quốc gia nào là một phần làm nên đặc sắc của hình thái đô thị. Tuy nhiên, mọi thứ tự do sáng tạo trong một khuôn khổ mở và linh hoạt, sẽ làm nên một sự thống nhất hiệu quả. Hy vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có những nghiên cứu và triển khai thực tế đồng bộ với sự ủng hộ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, với sự tôn trọng những người làm nghề tư vấn thiết kế để mỗi cửa hàng, doanh nghiệp có những phương án nhận diện, quảng cáo của riêng mình – Đặc sắc, ấn tượng, luôn hài hoà với không gian chung, tạo điểm nhấn trong không gian đô thị và luôn đẹp trong mắt người dân.p
ThS.KTS Ngô Việt Anh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2016)