Biệt thự cũ ở Hà Nội Biến dạng và… biến mất

Làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, quản lý và bảo đảm chỗ ở, nơi sinh hoạt cho người dân đang sinh sống tại các biệt thự cũ là vấn đề được thành phố Hà Nội đặt ra đã lâu, song đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả.



Việc cơi nới, cải tạo tự phát đã làm các biệt thự cổ nhanh xuống cấp hơn. Trong ảnh: Một biệt thự cổ tại ngõ Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.

Xuống cấp và biến mất

Những ngôi biệt thự được xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội không chỉ có giá trị lớn về kinh tế, mà còn hàm chứa những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử đối với mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Theo thống kê mới nhất của UBND thành phố, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.253 biệt thự cần bảo tồn, tôn tạo, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, không ít ngôi biệt thự cũ bị biến dạng cả về hình dáng kiến trúc bên ngoài và mục đích, công năng sử dụng. Dạo một vòng quanh các phố Quang Trung, Phan Chu Trinh, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… mới thấy việc cơi nới, xây thêm tại các biệt thự cũ đang diễn ra khá phổ biến.

Đa phần tầng một những ngôi nhà này đã được cải tạo, sửa chữa thành hàng quán, phần trên thì tận dụng tối đa các diện tích để làm nơi ở, chỗ để đồ… Nhất là những biệt thự do nhiều hộ gia đình cùng sử dụng hoặc đan xen giữa nhà dân và cơ quan, càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Có tới 50% số biệt thự có từ năm đến mười hộ sinh sống, 40% có từ 10 đến 15 hộ, cá biệt có biệt thự có tới 35 đến 40 hộ dân sinh sống. Đơn cử, tại ngôi biệt thự số 47 phố Phan Bội Châu có gần mười hộ gia đình đang sống trong một không gian chật chội, nhếch nhác, cũ kỹ. Để có đủ chỗ sinh hoạt, các hộ dân buộc phải cơi nới, tận dụng hành lang, khu sân chung để làm chỗ ở, xây thêm khu vệ sinh, nhà tắm, khu bếp…

Không chỉ xuống cấp, danh mục các biệt thự cổ trên địa bàn Hà Nội đang dần bị thu hẹp khi một số căn nhà “tự dưng” biến mất. Căn biệt thự cũ số 37 phố Lý Thường Kiệt có kiến trúc khá đẹp từng là điểm nhấn cho cả góc phố Lý Thường Kiệt – Hàng Bài đã bị phá dỡ để “nhường chỗ” cho một khách sạn cao tầng. Tại số 51 phố Phan Bội Châu, căn biệt thự cổ kính được nhiều người nhớ đến với những cây khế trong sân giờ là bãi đất ngổn ngang vật liệu xây dựng…

Vẫn lúng túng trong quản lý

Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của các biệt thự cổ và nhằm bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc, văn hóa của quỹ nhà này, năm 2008, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND về Đề án Quản lý Quỹ biệt thự trên địa bàn thành phố. Trong đó, xác định danh mục các biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước được bán, không được bán và tổ chức việc thực hiện bán; quản lý việc xây dựng, cải tạo phá dỡ và xây dựng quy chế quản lý, sử dụng biệt thự.

Mặc dù vậy, sau sáu năm kể từ khi nghị quyết được ban hành, theo số liệu của UBND thành phố Hà Nội, hiện có 218 biệt thự bị xuống cấp, không còn giá trị về kiến trúc, không thuộc đối tượng cần bảo tồn, tôn tạo để quản lý.

Thậm chí, đã có năm biệt thự bị phá dỡ sau khi nghị quyết được ban hành, 15 nhà bị biến dạng hoàn toàn.

Song những con số thống kê trên theo đánh giá của các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội là chưa thật sự chính xác. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực cho rằng, việc điều tra hiện trạng các biệt thự cũ còn sơ sài, nhiều biệt thự đều còn nguyên trạng như biệt thự 52 phố Ngũ Xá, 38 và 333 phố Hoàng Hoa Thám, nhưng báo cáo là “biến dạng hoàn toàn”. Còn theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, đã có sự buông lỏng trong quản lý quỹ nhà biệt thự dẫn đến nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay.

Không chỉ lúng túng trong việc kiểm đếm, đến nay thành phố vẫn chưa tìm được biện pháp tối ưu trong việc quản lý các biệt thự, đồng thời với việc bảo đảm đời sống cho các hộ dân sinh sống tại đây. Để khắc phục tình trạng này, HĐND thành phố đã giao UBND thành phố rà soát các biệt thự có hiện trạng đan xen các hộ dân sử dụng làm nhà ở và cơ quan sử dụng làm trụ sở. Đối với các biệt thự có hộ dân đang thuê sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan đã xuống cấp nghiêm trọng, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố nghiên cứu đề xuất thí điểm việc sử dụng ngân sách nhà nước mua lại nhằm bảo tồn, tôn tạo, xây dựng lại nguyên trạng ban đầu đối với những công trình có giá trị nổi bật, tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, gắn với lịch sử của Thủ đô và đất nước.

Giải pháp là vậy, tuy nhiên điều nhiều người lo ngại nhất hiện nay là việc thực thi sẽ được triển khai và giám sát ra sao, bởi bài học nhãn tiền vẫn còn đó khi nhiều biệt thự đã nằm trong danh mục bảo vệ vẫn tự nhiên biến mất…

Đà Đông / Nhân Dân