Cơ cấu đô thị TP HCM sẽ phải chuyển đổi mạnh mẽ vào các năm tới nhằm thích ứng yêu cầu phát triển hậu – WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), thực thi các cam kết AFTA (Mậu dịch tự do khối Asean), rồi hướng tới TPP (Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Sau đây là nội dung một số phương án quy hoạch xây dựng đang triển khai để đáp ứng các yêu cầu đó.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm – Quy hoạch và thiết kế chi tiết
Thành phố phát triển theo hướng đa tâm
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị xây dựng thành phố đến năm 2025, TP HCM sẽ phát triển theo hướng đa tâm, với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp Thành phố tại 4 hướng phát triển. Trong đó hai hướng chính là hướng Đông (trục Xa lộ Hà Nội và cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) và hướng Nam ra biển (trục Nguyễn Hữu Thọ); hai hướng phụ là Tây – Bắc (quốc lộ 22) và Tây, Tây – Nam (trục Nguyễn Văn Linh).
Dự kiến Thành phố được phân thành các vùng phát triển gồm:
– Vùng phát triển đô thị tại 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới;
– Vùng phát triển công nghiệp tại các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè;
– Vùng sinh thái, du lịch dọc theo sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai, khu sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ…;
– Vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái và các khu dân cư nông thôn tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ và vùng bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đồ án quy định quản lý dân số toàn TP HCM đến năm 2025 khoảng 10 triệu người, trong đó dân đô thị là khoảng 9,5 triệu người và nông thôn khoảng 0,5 triệu người. Nội thành khoảng 7 triệu người; ngoại thành khoảng 3 triệu người.
Quy hoạch yêu cầu không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Đáng chú ý gần đây nhất là các phương án quy hoạch giao thông và phát triển tại lõi trung tâm TP HCM.
Qui hoạch giao thông theo chuẩn “Thành phố mở”
Giao thông đô thị TP HCM được qui hoạch theo hướng “thành phố mở”, nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp… để hỗ trợ nhau phát triển đồng bộ, khai thác tốt thế mạnh kinh tế – xã hội tổng hợp của toàn vùng, góp phần đưa TP HCM trở thành đô thị trung tâm cấp quốc gia và là trung tâm thương mại – dịch vụ lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Mạng lưới đường bộ sẽ gồm các đường cao tốc có năng lực thông xe lớn: TP HCM – Vũng Tàu, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây – Đà Lạt…; các đường vành đai, đặc biệt đường vành đai 4 nối các đô thị vệ tinh của thành phố ở các hướng Đông và Bắc.
Nhằm đáp ứng giao thông trực tuyến ở các trục có lưu lượng giao thông lớn sẽ xây dựng 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau. Sông Sài Gòn sẽ có thêm 14 cây cầu dành cho cả đường bộ và đường sắt, xây dựng mới hai hầm sang Thủ Thiêm (đường bộ và tàu điện ngầm).
Về mạng giao thông đường sắt, sẽ xây dựng mới các tuyến đường sắt TP HCM – Lộc Ninh – Campuchia (đường sắt xuyên Á) nối ray tại ga Dĩ An, tuyến vành đai phía Tây từ ga An Bình đến Mỹ Tho – Cần Thơ, tuyến điện khí hóa cao tốc đến Nha Trang, tuyến chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia tới cảng Hiệp Phước, Cát Lái và một số tuyến khác. Sẽ xây dựng hệ thống tàu điện ngầm với sáu tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố.
Mạng giao thông đường thủy và hệ thống cảng biển, cảng sông: Chủ yếu là cải tạo các luồng sông cũ như Lòng Tàu, Soài Rạp, nâng cấp các luồng tàu sông còn lại. Sẽ xây dựng mới cảng sông Nhơn Đức nhằm đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long về qua cụm cảng biển Hiệp Phước.
Cho đến năm 2020, cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới.
Trung tâm Thành phố mở rộng với phương án Nikken Sekkei
Phương án này ra đời sau phương án quy hoạch Thủ Thiêm nhưng có tác dụng kết nối bán đảo này vào khu vực trung tâm TP HCM.
Hệ thống các trung tâm gồm có Trung tâm tổng hợp chính của Thành phố tại khu nội thành cũ trên địa bàn quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930 ha, đồng thời mở rộng Trung tâm tổng hợp chính mới sang khu Thủ Thiêm (quận 2) có diện tích 737 ha.
Khu trung tâm mở rộng mới bám theo bờ Tây sông Sài Gòn, kéo dài từ cầu Sài Gòn (ở phía Bắc) đến cầu Tân Thuận (ở phía Nam), gồm các quận 1 và quận 3, một phần Bình Thạnh, quận 4, với diện tích 930 ha, đã cân bằng được các khu chức năng kinh doanh – thương mại, bảo tồn cảnh quan và lịch sử.
Phương án ý tưởng đoạt giải Nhất vào năm 2007 của công ty thiết kế Nhật Bản Nikken Sekkei nay đã được chọn để triển khai thực hiện. Sau đây là phân khu chức năng và các nét chính của phương án:
– Khu Trung tâm thương mại – tài chính (Central Business District – CBD) gồm khu Nguyễn Huệ – Lê Lợi – Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng, kéo dài đến Công viên 23/9 cùng khu lân cận.
– Khu Trung tâm văn hoá – lịch sử gồm các trục đường Đồng Khởi, tổng thể công viên trước Dinh Độc Lập, Vườn Tao Đàn, Khu công sở Pháp cũ, Trụ sở Ủy ban Nhân dân và Nhà hát, Khu biệt thự cao cấp hoặc ngoại giao trước đây (trên các đường Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Quí Đôn…)
– Phát triển mạng lưới không gian mở – không gian xanh nối kết liên hoàn Công viên 23-9 (dự kiến bố trí nhà ga tàu điện ngầm trung tâm, đầu mối giao thông trung chuyển của khu vực), Công viên Tao Đàn, Khu vực Thảo Cầm Viên, Công viên Lê Văn Tám và nối kết về phía bờ sông.
– Khu bờ Tây sông Sài Gòn: Tạo mối quan hệ giữa khu trung tâm hiện hữu với dòng sông Sài Gòn và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đề xuất táo bạo và đặc sắc là phát triển trục Lê Lợi kéo dài từ phía sau Nhà hát lớn TP về phía bờ sông (khu vực Ba Son), ngầm hóa đoạn đường Tôn Đức Thắng từ khu Ba Son tới cầu Khánh Hội, giải phóng mặt đất cho không gian đi bộ và tuyến xe điện mặt đất (trainway), đem lại sinh khí mới và cảm hứng nối kết các không gian đi bộ tại khu trung tâm với cảnh quan sông Sài Gòn. Cảnh quan nơi này được cân nhắc sao cho tạo được sự hài hòa chung giữa khu trung tâm lịch sử ở bờ Tây và Khu đô thị mới Thủ Thiêm bờ Đông
Các đặc điểm chính của phương án này là:
– Giải pháp cho giao thông đô thị, đặc biệt nghiên cứu giải pháp cho giao thông công cộng, nghiên cứu phương án bãi đậu xe, hệ thống đường đi bộ (nổi và ngầm);
– Giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị, mối liên hệ giữa đô thị với con người và môi trường tự nhiên, an toàn năng lượng…;
– Xây dựng các chính sách, cơ chế kích thích phát triển và quản lý đô thị.
Phát triển bán đảo Thủ Thiêm qua phương án Sasaki
TP HCM có tầm vóc quốc tế cần phải có khu lõi trung tâm đồng nhất vững chắc. Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm sẽ giữ mối liên kết thường xuyên với trung tâm hiện hữu (Q1, Q4, Quận Bình Thạnh) đối diện qua sông Sài Gòn, đang trong quá trình “tái tạo”. Cả 2 trung tâm cũ và mới hợp lại sẽ trở thành trung tâm hoàn chỉnh của Thành phố.
Theo thiết kế Quy hoạch của Sasaki Associates, Inc (Mỹ), Thủ Thiêm được chia thành nhiều khu vực, bao gồm: Lõi trung tâm, Khu đa chức năng Đại lộ Đông –Tây, các khu dân cư phía Bắc, phía Đông và khu ngập nước phía Nam.
Khu chức năng số 1 là trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng. Thứ 2 là khu phức hợp mật độ cao với các chức năng thương mại, dân cư đa chức năng và thể thao, giải trí. Thứ 3 là khu chức năng hỗn hợp bờ Bắc Thủ Thiêm, dưới chân cầu Thủ Thiêm 1. Tiếp đó là khu dân cư hỗn hợp cũng ở phía Bắc Thủ Thiêm. Khu chức năng số 5 bao gồm khu công trình công cộng phía Bắc đại lộ Đông – Tây và khu dân cư mật độ thấp phía Nam đại lộ Đông Tây với các công trình thương mại đa chức năng dọc theo đại lộ này và đường Bắc – Nam. Khu số 6 nằm dọc đại lộ Đông Tây và giữa các kênh rạch tự nhiên của bán đảo Thủ Thiêm. Tại đây dự kiến bố trí Công viên Phần mềm ở phía Bắc tuyến Đại lộ Đông Tây và kế cận là Bệnh viện quốc tế. Khu thứ 7 nằm ở cực Đông khu Thủ Thiêm bao gồm nhiều chức năng nhỏ như Khu ở phức hợp phía Đông, Khu Khách sạn Nghỉ dưỡng Vùng Châu thổ phía Nam. Và Khu chức năng số 8, khu ngập nước phía Nam, sẽ là khu vực phát triển sinh thái đa dạng nhất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
KTS Nguyễn Hữu Thái