Chất cảm vật liệu – Ngôn ngữ biểu hiện hiệu quả của kiến trúc

Vật liệu song hành cùng kiến trúc từ rất sớm và đóng vai trò ngày càng quan trọng theo tiến trình phát triển của kiến trúc. Từ những công trình xây dựng đầu tiên trong lịch sử, vật liệu chỉ đảm nhận chức năng đơn giản, như là thành phần chủ yếu của các cấu kiện chịu lực, sau đó có thêm tác dụng trang trí nội ngoại thất, và sự khai thác đặc tính vật lý biểu hiện của vật liệu. Với tiến bộ của công nghệ và kỹ thuật, vật liệu trở thành một ngành khoa học độc lập và có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác, trong đó có kiến trúc. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tăng tốc, khoa học vật liệu hứa hẹn có những bước tiến vượt bậc và kiến trúc thế giới cũng sẽ bước sang những trang mới.

Từ câu chuyện tại các trường đại học ở Anh…

Đại học Birmingham – một trường thành viên thuộc khối “Redbrick Universities”

(Nguồn: www.birmingham.ac.uk)

Nước Anh luôn là một cường quốc về giáo dục của thế giới, với nhiều trường đại học đẳng cấp, thường xuyên chiếm những vị trí cao trong các bảng xếp hạng quốc tế. Bên cạnh tên chính thức, một số trường được biết đến với những cách gọi có phần “nôm na”, gắn với vật liệu xây dựng: Đá (sa thạch – sandstone) và gạch (gạch đỏ – redbrick). Oxford (1096) và Cambridge (1209) cùng một vài trường xuất hiện trong thế kỷ 19 như Victoria University of Manchester (1824 – tiền thân của Đại học Manchester ngày nay), University College London (1826), University College Nottingham (1881 – tiền thân của Đại học Nottingham ngày nay, được mệnh danh là “Sandstone Universities”). Đây là các trường đại học uy tín lâu đời, có các khu học xá được xây dựng bằng đá trắng pha chút vàng nhạt tuyệt đẹp. Trong suốt một thời gian dài, các cơ sở giáo dục bậc cao thuộc dạng tinh hoa này (elite higher institutions) chủ yếu dành cho giới quý tộc theo học và cũng là vườn ươm tài năng, không chỉ của nước Anh mà của cả thế giới, nhiều sinh viên tốt nghiệp trở thành các nhà khoa học lỗi lạc, nghệ sỹ hoặc chính trị gia tên tuổi. Đầu thế kỷ 20, nhóm trường đại học thứ hai gồm Birmingham (1900), Liverpool (1903), Leeds (1904) và Sheffield (1905) được thành lập tại bốn trung tâm công nghiệp lớn ngoài London, hợp thành khối “Redbrick Universities”, còn được gọi bằng một tên khác là “Civic Universities” (tạm dịch: Các trường đại học dân sự), để chỉ các cơ sở đào tạo công lập, mang tới nhiều cơ hội học tập hơn cho cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học đại học gia tăng trong xã hội dưới tác động của sự phát triển công nghiệp trên quy mô lớn cùng sự tiến bộ nhanh chóng của các ngành khoa học, cả khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng. Tuy không được trang trí cầu kỳ như các trường thuộc nhóm Sandstone, những tòa nhà chính của các trường trong khối Redbrick cũng được chú ý kỹ lưỡng về chi tiết và ít nhiều mang phong cách cổ điển. Màu đỏ của gạch trần tạo nên hình ảnh khác biệt và nổi bật cho công trình, bề thế song không kém phần trẻ trung, năng động, và quan trọng hơn cả là ý nghĩa biểu tượng, gợi nhớ một thời kỳ nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ đi đôi với ứng dụng trong thực tiễn – đây từng là thế mạnh của những trường mới thành lập, đánh dấu một giai đoạn phổ cập giáo dục đào tạo bậc đại học, tăng cường tiềm lực của Đế chế Anh.

Đại học Cambridge – một trường trong nhóm “Sandstone Universities”

(Nguồn: www.reachcambridge.com)

Những công trình tiêu biểu, đánh dấu những bước ngoặt của kiến trúc trong hơn 200 năm qua đều in dấu ấn đậm nét của công nghệ vật liệu. Trong thế kỷ 20, vật liệu được coi là một trong những công nghệ mũi nhọn, cùng với công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, góp phần định hình tương lai của nhân loại.

… Đến kiến trúc đương đại, nơi vật liệu và chất cảm phát huy sức mạnh nội tại

Kiến trúc đương đại, nơi những ý tưởng dường như không tưởng cũng có thể trở thành hiện thực với sự trợ giúp của công nghệ kết cấu và vật liệu, thực sự là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo. Các KTS ngày càng hiểu rõ những tính năng, giá trị thẩm mỹ và sự truyền tải cảm xúc của vật liệu (chất cảm) và biết cách vận dụng vào trong từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào thể loại công trình, chủ đề, bối cảnh, … để thiết kế nên những công trình thật sự ấn tượng.

Giá trị thẩm mỹ được hiểu là những giá trị biểu hiện của bản thân vật liệu như khả năng chịu lực, được sử dụng để chế tạo các hệ kết cấu và tính chất bề mặt, màu sắc dùng để hoàn thiện nội ngoại thất, nhằm tạo nên sự bền chắc và vẻ đẹp của công trình. Mỗi hệ kết cấu dù đơn giản (như dầm đan vuông ô cờ) hay phức tạp (như các cấu trúc phỏng sinh học) đều tiềm ẩn những nét đẹp lôi cuốn. Nếu như hệ kết cấu gỗ hoặc tre mang vẻ đẹp truyền thống thì kết cấu thép – kính lại được ưa chuộng bởi vẻ đẹp hiện đại, đậm chất kỹ thuật – công nghệ cao (high-tech). Trong khi kết cấu bê tông có vẻ đặc – chắc khỏe khoắn thì hệ giàn không gian với những ống thép dài và mảnh tạo hình cong một hoặc hai chiều lại nhẹ nhàng và tinh tế. Tương tự như vậy là hệ kết cấu dây treo và màng căng. Giá trị biểu hiện nói trên còn do cảm quan của vật liệu tương ứng (gỗ, tre, thép, kính, bê tông, vật liệu tổng hợp) tạo nên, bên cạnh hình thức của chính hệ kết cấu đó.

Mỗi loại vật liệu truyền tải cảm xúc đến công chúng ở một mức độ nhất định. Nhìn chung, các vật liệu màu sáng phù hợp với các công trình cần thể hiện tinh thần vui tươi, lạc quan, năng động và khỏe khoắn, ví dụ như thư viện, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, sân bay,… Vật liệu màu sẫm thường được sử dụng cho những công trình mang tính nghiêm trang hay hoài cổ, chẳng hạn như lăng tẩm, tượng đài hoặc bảo tàng. Vật liệu nhám bề mặt cho cảm giác thô mộc và tự nhiên còn vật liệu trơn nhẵn lại đem đến cảm giác mịn màng, chỉn chu, có bàn tay gia công của con người. Bê tông trần gợi cảm giác đặc và nặng còn kính trắng thì ngược lại. Cảm giác này có thể được gia giảm, tùy thuộc cách phối kết các loại vật liệu và tỷ lệ sử dụng của từng thành phần trong một tổng thể. Ý tưởng tạo hình của KTS sẽ là yếu tố mang tính quyết định, được hỗ trợ bởi các kỹ sư kết cấu và kỹ sư vật liệu trong việc lựa chọn và tính toán.

Bản thân mỗi công trình là một câu chuyện và một thông điệp mà KTS mong muốn truyền tải đến toàn xã hội, là sản phẩm của sáng tạo và chắt lọc, trong đó có sự kết hợp hài hòa của tính hợp lý về công năng, tính thẩm mỹ và những yếu tố kỹ thuật, tạo ra những cảm giác, ấn tượng ban đầu đối với người sử dụng cũng như khách tham quan và sự thẩm thấu về sau này trong quá trình tương tác hoặc mỗi lần trở lại ghé thăm. Công trình kiến trúc được coi là thành công khi kết tinh trong đó các giá trị nghệ thuật và thể hiện rõ chiều sâu văn hóa tại khu vực mà công trình ấy hiện diện qua những tầng lớp không gian và cung bậc cảm xúc, có thể khơi gợi ký ức, đánh thức kỷ niệm và mang tới những trải nghiệm, những bất ngờ thú vị. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm, tài năng và sự khéo léo của KTS. Các KTS hàng đầu thế giới như Renzo Piano, Tadao Ando, Norman Foster hay Glenn Murcutt đồng thời là những bậc thầy về sử dụng vật liệu. Vai trò chủ đạo của vật liệu chính là ngôn ngữ cho tất cả những ý tưởng mà KTS muốn gửi gắm. Yêu cầu đặt ra là: Vật liệu cũng như hình khối sử dụng ở mức độ tối thiểu có thể song hiệu quả diễn đạt là tối đa.

Chủ nhân của giải thưởng danh giá Pritzker – giải Nobel trong lĩnh vực Kiến trúc – năm 2009 – KTS Peter Zomthor chia sẻ: “Khi tôi bắt đầu, ý tưởng đầu tiên cho một công trình luôn là vật liệu. Tôi tin kiến trúc là như vậy. Đó không phải là giấy tờ, không phải là các hình khối. Đó là không gian và vật liệu”. (The New York Times, 2009).

“Thực sự chúng tôi chưa bao giờ nói đến hình khối trong văn phòng thiết kế. Chúng tôi bàn luận về thi công, về khoa học, và về những cảm giác… Từ lúc bắt đầu, các vật liệu đã có tại chỗ, ngay cạnh bàn làm việc… Khi chúng tôi ráp các vật liệu với nhau, sự tương tác diễn ra. Điều này liên quan đến các vật liệu, đến tạo lập một bầu không khí, đến tạo lập kiến trúc”. (Archdaily, 2013).

Bảo tàng Do Thái ở Berlin (CHLB Đức)

– Phối cảnh tổng thể của Bảo tàng Do Thái Berlin (Nguồn: www.arch2o.com)

-Hợp kim titan với những nhát cắt sâu và sắc diễn đạt trọn vẹn ý đồ của kiến trúc sư, thể hiện nỗi thống khổ mà dân tộc Do Thái phải chịu đựng trong Thế Chiến thứ Hai (Nguồn: www.arch2o.com

-Chất liệu kim loại – các mặt nạ thép – làm tấm lát lối đi vào không gian mô phỏng buồng hơi ngạt bên trong bảo tàng, gây nên nỗi sợ hãi vô hình trong tâm trí của khách tham quan qua sự phối hợp hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, màu sắc và chất cảm (Nguồn: www.introducingberlin.com)

Đây là một trong những công trình được biết đến nhiều nhất của KTS Daniel Libeskind. Đây cũng là Bảo tàng thu hút đông du khách nhất Berlin kể từ ngày mở cửa (tháng 9 năm 2001). KTS đã thành công với tác phẩm theo phong cách Giải tỏa Kết cấu (Deconstructivism) ngay bên cạnh một công trình kiến trúc cổ điển Baroque được tôn tạo làm sảnh đón tiếp. Công trình được tạo hình dích dắc bám theo ba trục không gian lần lượt hướng tới ba điểm chốt trong quần thể là Tháp Tàn sát (Tower of Holocaust), Vườn Lưu đày và Tha hương (Garden of Exile and Emigration) và Bậc thang Tiếp nối (Stair of Continuity), với những khúc ngoặt rất mạnh bởi những góc gập rất nhọn, phản ánh biến động lịch sử đầy bi thương của cộng đồng Do Thái Châu Âu trong thế kỷ 20 (gánh chịu một trong những thảm họa kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại: Cuộc “Đại diệt chủng” do Đức Quốc Xã gây ra, với khoảng sáu triệu nạn nhân chỉ trong vòng bốn năm). Hình khối bên ngoài khiến người quan sát liên tưởng đến hình ảnh một con giun bị giày xéo quằn quại đầy đau đớn. Vật liệu hoàn thiện ngoại thất bằng các tấm hợp kim titan màu xám, được khía những rãnh sâu, đem lại những xúc cảm đặc biệt về những vết thương không bao giờ lành. Những vết rạch trên vật liệu kim loại bao giờ cũng đem lại cảm giác sắc lẹm hơn so với các vật liệu khác như bê tông hoặc gạch đá. Bên trong, vật liệu kim loại được sử dụng một cách có chủ đích lần nữa với hàng nghìn tấm thép đúc rải nền, diễn tả những khuôn mặt thất thần của các nạn nhân trên đường bị dồn ép đến các buồng hơi ngạt năm xưa và kết thúc cuộc đời tại đó để khách tham quan cảm nhận đầy đủ sự tàn khốc của nạn Diệt chủng Do Thái. Hiệu ứng sáng tối và màu sắc trong đường hầm âm u ngoắt nghéo, hai bên là hai bức tường bê tông xám xịt lạnh lẽo cộng hưởng với hiệu ứng âm thanh khô khốc vang vọng trong khoảng không của các mặt nạ kim loại cọ xát lên nhau theo mỗi bước chân. Bước đi trên đó, thế hệ sau có thể trải nghiệm lịch sử và rút ra những bài học về giá trị của tự do và cuộc sống hòa bình.

Vườn Địa Đàng (Eden Garden) ở Cornwall (Vương quốc Anh)

-Vườn Địa Đàng Cornwall – Ngoại thất. (Nguồn: www.edenproject.com)

-Vườn Địa Đàng Cornwall – Nội thất mái vòm, tạo môi trường sinh trưởng cho thực vật. (Nguồn: www.eden-project.co.uk)

Đây là dự án nhà kính trồng thực vật lớn nhất thế giới tại hạt Cornwall phía Tây Nam nước Anh. Ý tưởng ban đầu: Doanh nhân tên là Tim Smit. Thiết kế kiến trúc: Văn phòng KTS Nicholas Grimshaw. Kết cấu: Hãng Anthony Hunt và Cộng sự. Tập đoàn Arup phụ trách thi công và phát triển các giải pháp kỹ thuật môi trường. Được hoàn thiện tháng 5 năm 2000 và đưa vào sử dụng từ tháng 3 năm 2001, công trình gồm ba phân khu: Vườn Ngoài trời, Vườn Nhiệt đới trong nhà rộng 1,56ha và Vườn Địa Trung Hải trong nhà rộng 0,65ha. Mỗi khu có mái che trồng hàng ngàn loài cây đặc trưng cho mỗi quần xã thực vật. Do diện tích các khu vườn rất rộng, hệ kết cấu cũng đạt kích thước “ngoại cỡ”, vượt nhịp 60 – 100m và chiều cao trên dưới 40 m. Giải pháp tối ưu được lựa chọn là kết cấu vòm lưới ô lục giác có các ống thép rất mảnh nhưng vững chắc, tạo khuôn cho lớp vỏ bọc ngoài bằng nhựa nhiệt dẻo EFTE trong suốt cho ánh nắng mặt trời chiếu qua nhưng lại lọc tia tử ngoại, rất bền với môi trường. Trong mỗi ô đơn vị hình lục giác, lớp màng được dán gập mép gắn vào các thanh thép, khi bơm đầy không khí vào bên trong sẽ tạo thành những túi khí có tác dụng cách nhiệt, giúp duy trì nhiệt độ ở mức cần thiết theo mùa trong năm, đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho các loài thực vật. Ngoài ra, vật liệu EFTE còn có ưu điểm là trong suốt, hầu như không bám bụi và dễ làm sạch khi trời mưa hoặc phun tưới nước. Cảm quan mà vật liệu thép chế tạo hệ lưới thanh và vật liệu nhựa nhiệt dẻo của vỏ bao che phối hợp với nhau tạo ra là một cấu trúc thanh thoát, khiến khách tham quan liên tưởng đến một đám bọt xà phòng hoặc những tổ ong lúp xúp, không chỉ phù hợp với ý tưởng vườn thực vật mà còn hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên rừng đồi nhấp nhô xung quanh. Độ mảnh và độ trong suốt bù lại cho kích thước lớn của không gian, nên công trình hiện diện một cách nhẹ nhàng nhất có thể trong thiên nhiên.

Gian triển lãm của Vương quốc Anh tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Expo 2010 Thượng Hải

a: Gian trưng bày của Vương Quốc Anh với cách sắp xếp các sợi cáp quang tạo nền lá quốc kỳ hình hoa thị tám vạch trên cả bốn mặt. (Nguồn: www.bbc.co.uk)

b: Chiếc mũ của cảnh vệ Hoàng gia Anh được xem như nguồn cảm hứng cho Kiến trúc. Gian trưng bày của Vương Quốc Anh tại EXPO Thượng Hải 2010. (Nguồn: www.arch2o.com)

c: Nội thất với đầu cáp quang bọc nhựa in hình các loại hạt với vô vàn kiểu không lặp lại, tạo cho khách tham quan cảm giác đa dạng. (Nguồn: www.abfreepic.com)

Hội chợ Thương mại Quốc tế Expo là một sự kiện lớn diễn ra hai hoặc ba năm một lần. Năm 2010, Trung Quốc là nước đăng cai và thành phố Thượng Hải là địa điểm tổ chức. Mỗi quốc gia tham dự đều có một gian trưng bày các mặt hàng thế mạnh của mình và thường đầu tư rất nhiều vào tạo dáng gian trưng bày này sao cho thật ấn tượng, hấp dẫn để thu hút khách đến tham quan và ký kết các hợp đồng. Thông thường, có hai cách hay được áp dụng, đó là khai thác các yếu tố truyền thống (các nước đang phát triển thường lựa chọn) và khai thác các yếu tố kỹ thuật cao, trong đó có công nghệ vật liệu (các nước công nghiệp phát triển hay theo đuổi). Cả hai xu hướng, tuy khác nhau về ngôn ngữ đều có một mục đích chung là quảng bá hình ảnh cũng như văn hóa và/hoặc khoa học công nghệ của quốc gia. Gian triển lãm của Vương quốc Anh tại Expo năm 2010 đại diện cho xu hướng thứ hai, được thực hiện trên ý tưởng của nhà thiết kế Thomas Heatherwick, cho thấy sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và điêu khắc. Gian hàng đạt Giải thưởng Vàng cho Thiết kế Xuất sắc. Về hình khối, công trình lúc đầu không có điểm gì nổi bật, không gian được tạo ra chỉ ở dạng hình hộp đơn thuần với mục đích trưng bày hạt giống cây thuộc chủ đề công nghệ sinh học ở bên trong. Tuy nhiên, khi 60.000 ống nhỏ, mảnh và trong suốt bằng nhựa acrylic, mỗi ống dài 8m được cắm xuyên tường, một phần ống ở bên trong còn phần lớn chĩa tua tủa ra bên ngoài, diện mạo ban đầu trở nên khác hẳn và tạo một cảm xúc đặc biệt cho khách tham quan về thị giác khi họ thấy hình ảnh hoa thị trên lá cờ Vương quốc Anh thấp thoáng hiện lên cả bốn phía do một số thanh được uốn để tạo tám vạch kẻ. Buổi tối và ban đêm, công trình khoác một bộ áo mới với ánh sáng chạy dọc mỗi ống nhựa – thực chất là một sợi cáp quang – và nhấp nháy tại điểm đầu. Nhìn tổng thể ngoại thất công trình, nhiều khách tham quan liên tưởng đến chiếc mũ lông tua rất đặc trưng mà lính cảnh vệ Hoàng gia Anh hay đội.

Trường học Xanh (Green School) trên đảo Bali (Indonesia)

a: Vẻ đẹp của mái lợp lá cói của Trường học Xanh Bali (Indonesia) (Nguồn: www.whychoosegreenone.com)

b: Vẻ đẹp của các cấu kiện bằng tre – không gian bên trong các lớp học. (Nguồn: www.archdaily.com và www.iwan.com)

Trái ngược với ba ví dụ trước với những vật liệu hiện đại, đặc trưng cho công nghệ tiên tiến, Trường học Xanh trên đảo Bali (Indonesia) đại diện cho xu hướng sử dụng vật liệu bản địa, vật liệu sinh thái có nguồn gốc thiên nhiên. Sự lựa chọn này được John và Cynthia Hardy – một cặp vợ chồng người Mỹ đến Bali làm công tác thiện nguyện – đề xuất, từ ý tưởng xây dựng một ngôi trường thật sự xanh, nơi dạy trẻ em cách sống xanh và hành động vì môi trường bên cạnh các giờ học văn hóa, tặng cho cộng đồng địa phương. Quan điểm xanh dựa trên tri thức bản địa và kinh nghiệm truyền thống đã được xác định ngay từ đầu, với hai giải pháp chủ chốt là:

  • Đảm bảo tiện nghi vi khí hậu hoàn toàn dựa trên thông gió và chiếu sáng tự nhiên;
  • Khai thác vật liệu thiên nhiên sẵn có tại chỗ, với tre và lá cói khai thác từ những khu vực được trồng theo quy hoạch trong vùng, bên cạnh đất và đá.

Ngoài tác dụng tạo bóng đổ, chắn bức xạ, chống nóng, hạn chế mưa hắt, giảm thiểu lượng nhiệt hấp thụ qua bề mặt, các diện mái đua ra khá nhiều còn gây ấn tượng mạnh vì sự hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên và đặc biệt về chất cảm – dân dã song không kém phần khéo léo do được cấu tạo từ hàng ngàn tấm lá cói do các nghệ nhân và người dân địa phương bện, tết rất tỷ mỷ, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, xếp lên nhau nhiều lớp để đảm bảo kín và khít. Các hệ cột chống, dầm sàn, khung mái hoàn toàn bằng tre được gia công xử lý theo những phương pháp cổ truyền, bó lại bằng đai và liên kết với nhau bằng các kết cấu đơn giản nhưng lại rất hiệu quả từ kinh nghiệm xây dựng của cư dân được tích lũy và chứng thực qua hàng trăm năm như con xỏ, thanh chốt, nêm, dây buộc. Nếu như vẻ đẹp ngoại thất phần lớn nhờ chất cảm của lá cói thì nội thất lại là bản hòa tấu đầy ngẫu hứng và lãng mạn của tre, thân quen song vẫn đẹp đến ngỡ ngàng, đem lại cảm giác mộc mạc, ấm áp và gắn bó với thiên nhiên cho mọi người, trước hết là trẻ em, đối tượng thụ hưởng trực tiếp hàng ngày.

Và sau cùng: Câu chuyện của Việt Nam

Thư viện và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh

(Nguồn:www.thuviendientu.baoquangninh.com.vn)
Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng (Nguồn: www.tourismdanang.com)

Trước trào lưu mạnh mẽ ứng dụng vật liệu trong kiến trúc trên thế giới, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi lên ý tưởng cho một số công trình xây dựng trong nước gần đây, KTS đã mạnh dạn khai thác sức mạnh biểu hiện của chất cảm vật liệu để đem lại những diện mạo mới cho kiến trúc đô thị. Có thể lấy hai ví dụ trong số những thể nghiệm này: Bảo tàng – Thư viện tỉnh Quảng Ninh và Cung Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng.

Khánh thành năm 2013, Bảo tàng – Thư viện là một cụm công trình văn hóa có ý nghĩa đối với tỉnh Quảng Ninh, địa phương không chỉ nổi tiếng với danh thắng vịnh Hạ Long mà còn được biết đến như vùng than lớn nhất nước. Chắc hẳn KTS Salvador Perez Aroyo và các cộng sự trong liên danh VIAP – S Design muốn tái hiện hình ảnh những viên than đá khổng lồ bên bờ vịnh Hạ Long khi lựa chọn vật liệu hoàn thiện là đá đen bóng cho toàn bộ các bề mặt ngoại thất, gây ấn tượng đối với du khách và cả người dân địa phương.

Cung Thiếu nhi Đà Nẵng hoàn thành năm 2016 do một đơn vị tư vấn nước ngoài – Công ty TNHH Jina Architects đến từ Hàn Quốc thiết kế, là một điểm nhấn thú vị. Các KTS đã sử dụng hai chất liệu chính là bê tông (sơn trắng) làm nền và kim loại đục lỗ (sơn màu) làm hình. Thủ pháp hình – nền và cách bố cục các khối vuông vức với những diện tường phẳng bên ngoài thay đổi hướng liên tục quây quanh một sân trong, thoạt trông khá tự do nhưng nếu nhìn kỹ lại có tính hình học chặt chẽ. Công trình khiến người xem cảm nhận như một tập truyện tranh xếp đầy hấp dẫn, mỗi bề mặt tượng trưng cho một trang giấy trắng tinh được minh họa bằng một hình người hoặc hình con giống ngộ nghĩnh và sống động theo phong cách nghệ thuật gấp giấy, màu sắc trang nhã tươi vui, rất phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ và thực sự là ngôi nhà mơ ước và một vườn cổ tích, nơi các em có thể vừa vui chơi, vừa thưởng thức văn học nghệ thuật và cảm nhận vẻ đẹp của không gian.

Kết luận

Sử dụng vật liệu và thể hiện rõ chất cảm của vật liệu là một thủ pháp thực sự hiệu quả trong kiến trúc hiện đại, qua đó những ý tưởng của KTS được phản ánh, thông điệp được truyền tải và cảm nhận cùng với vẻ đẹp. KTS có thể lựa chọn vật liệu hiện đại theo sự tiến bộ vượt bậc của khoa học vật liệu ngày nay hoặc vật liệu truyền thống khi kiến trúc bản địa đang quay trở lại, ngày càng được chú ý và đề cao, hoặc kết hợp cả hai xu hướng ở một tỷ lệ nhất định. Tương ứng với mỗi lựa chọn vật liệu, KTS lại có rất nhiều phương án thiết kế, hướng tới tính thẩm mỹ, tính bền vững và tính nhân văn. Do vậy, vật liệu và chất cảm của vật liệu thực sự là một chủ đề hấp dẫn đồng thời cũng là một lĩnh vực luôn rộng mở cho các KTS tìm tòi và sáng tạo.

TS. KTS Nguyễn Quang Minh – ThS. KTS Vũ Thị Hương Lan(*)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2018)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

(*) Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng

Đính chính

Trong bài viết “Workshop Lấp khoảng cách – Hướng tới tích hợp Khu đô thị mới và các làng xã nông thôn cũ trong quá trình đô thị hóa” – TS KTS Nguyễn Quang Minh đăng trên số 5/2018 (từ trang 78-81); do lỗi kỹ thuật nên thiếu tên tác giả ảnh: ThS Chu Ngọc Huyền. Thành thật xin lỗi các tác giả và quý bạn đọc.

Tài liệu tham khảo

1. The New York Times, https://www.nytimes.com/2009/04/13/arts/design/13pritzker.html

2. Archdaily Journal of Architecture, https://www.archdaily.com/452513/peter-zumthor-seven-personal-observations-on-presence-in-architecture

3. The Talks, http://the-talks.com/interview/daniel-libeskind/