Chúng ta học được gì sau 20 năm phát triển khu đô thị mới ở Hà Nội?

Trong khoảng 20 năm qua (1995 – 2015), giữa 02 lần Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở địa giới hành chính Hà Nội được điều chỉnh (theo Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 và Quyết định số 1259/2011/QĐ-TTg ngày 26/7/2011), Hà Nội là một trong những Thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất cả nước; nhiều Khu đô thị mới (KĐTM) đã và đang hình thành làm thay đổi diện mạo của Thủ đô theo hướng tích cực và hiện đại, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống mới hiện đại hơn…

Khu đô thị mới Royal city

Mặc dù, đến năm 2006 và năm 2008, Chính phủ và Bộ Xây dựng mới ban hành các văn bản hướng dẫn về KĐTM nhưng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, đã có khoảng 700 dự án quy hoạch KĐTM, khu nhà ở đã được triển khai.

Khu đô thị mới Đền Lừ

KĐTM hình thành nhiều, về quy hoạch và kiến trúc các công trình được nghiên cứu, đã học hỏi và áp dụng nguyên tắc phát triển các Khu đô thị tại nhiều nước tiên tiến, một số KĐTM được xây dựng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khá đồng bộ; áp dụng một số giải pháp công nghệ xây dựng mới đối với loại hình nhà ở cao tầng (Mỹ Đình I-II, Thạch Bàn, Sài Đồng, Nam Thăng Long, Trung hòa Nhân Chính, Việt Hưng, Linh Đàm, Xa La, Bắc An Khánh, Văn Phú, Văn La – Văn Khê, Văn Quán, Mộ Lao, Khu Thành phố giao lưu… ) tương phản hình ảnh các khu chung cư đã xuống cấp hoặc các khu nhà chia lô, nhà ống hạ tầng giao thông chật chội, mật độ dân cư đậm đặc, thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các tiện ích đô thị khác.

Việc triển khai xây dựng các KĐTM ở Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô, tạo không gian đô thị mới với kiến trúc hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ đô thị đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ chỗ ở và điểm sinh hoạt cho nhân dân Thủ đô.

Đặc biệt, việc bố trí tỷ lệ nhà cao tầng đến 60% diện tích đất xây dựng theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội năm 2001 là bước đột phá về mặt cảnh quan, tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm nguồn lực từ đất đai, đây cũng là yếu tố cơ bản hình thành mô hình phát triển các Khu ĐTM hiện đại giai đoạn sau này. Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với quy hoạch sử dụng đất kết hợp quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan là điểm mới trong quản lý đầu tư xây dựng các KĐTM, khu chức năng và các dự án phát triển nhà ở độc lập hiện nay.

Tại một số KĐTM, với thành phần chủ yếu là các nhà ở cao tầng, đã làm biến đổi hình thái kiến trúc nhà ở Hà Nội. Và đặc biệt, KĐTM đã thay đổi cả tư duy, nhận thức quan niệm xã hội về phương thức ở hiện đại, nhất là trong tầng lớp trẻ, họ ưa chuộng thể loại nhà chung cư mới, tiện nghi, thông thoáng, có cuộc sống cộng đồng phong phú mà quên đi quan niệm cũ là đề cao nhà mặt phố và chia lô.

Khu đô thị ParkCity Hanoi

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, trong quá trình phát triển KĐTM còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm giải quyết. Đó là:

  • Nhiều KĐTM xây dựng giai đoạn vừa qua chưa tạo ra được các không gian cư trú tiện nghi và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Các khu nhà ở được đầu tư xây dựng hối hả, vội vã, trong đó hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư đồng bộ, thiếu vắng các không gian công cộng, các quảng trường văn hóa để kết nối mọi người, mọi lứa tuổi. Cũng như vậy, với công viên cây xanh, thể dục – thể thao, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng đã tạo ra vô số các mâu thuẫn cho người dân khi sinh sống tại đây.
  • Việc phát triển, đầu tư xây dựng nhà ở trong KĐTM phần nhiều phục vụ cho những tầng lớp dân cư có kinh tế khá giả, riêng nhà ở dành cho cán bộ, công nhân viên chức và người có thu nhập thấp, nhà cho thuê … còn rất hạn chế; dẫn đến nguồn cung nhà ở cho xã hội còn thiếu đáng kể.
  • Nhiều giai đoạn phát triển các KĐTM chưa được tính toán đầy đủ, toàn diện và khoa học, chưa xây dựng chương trình phát triển đô thị tổng thể, chưa chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển các Khu ĐTM gắn với động lực phát triển kinh tế địa phương, kết hợp với việc tạo ra các cơ sở làm việc – vừa để tạo việc làm cho cư dân vừa giảm áp lực tập trung vào nội đô lịch sử.

Các KĐTM chưa được đầu tư đầy đủ cho việc bảo vệ môi trường tự nhiên, khai thác các giá trị cảnh quan, sông, hồ… từng khu vực; chưa quan tâm đến các tiện ích đô thị như: Tiểu cảnh, vườn hoa, các khu vực vui chơi giải trí… Với các đặc điểm trên, các KĐTM vô tình đã bê tông hóa đô thị, làm mất đi các giá trị đặc trưng đáng quý của mỗi vùng.

  • Thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các nhà quản lý, nhà tư vấn quy hoạch, nhà kiến trúc, nhà xây dựng trong quá trình quản lý đô thị và kiểm soát phát triển đô thị, làm cho cảnh quan đô thị manh mún, hỗn tạp, thậm chí đe dọa đến sự phát triển bền vững của đô thị.
  • Diện mạo kiến trúc nhiều KĐTM chưa đáp ứng được đòi hỏi về thẩm mỹ đô thị, vẫn là tư duy chạy theo mặt phố, quay lưng lại với không gian công cộng, quy hoạch vẫn còn lộn xộn, chắp vá. Có vẻ như sự đồng bộ giữa quy hoạch, kiến trúc công trình, kiến trúc cảnh quan còn là xa xỉ với tư duy của công tác quản lý và nhà đầu tư. Và, rất tiếc điều này đã không tạo ra đặc trưng riêng cần có của mỗi KĐTM, trừ những dự án do chủ đầu tư nước ngoài có tư duy tốt hơn đầu tư hay một số chủ đầu tư có tiềm lực kinh tế như các KĐT Ciputtra, Gamuda, Vincom Village, Park city…
Khu đô thị Vincom Village

Từ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển KĐTM, có thể rút ra 4 bài học kinh nghiệm chính sau:

Một là, quy hoạch luôn phải đi trước một bước. Đổi mới mô hình KĐTM theo hướng tiếp cận bền vững và đô thị xanh. Ưu tiên tối đa chỉ tiêu sử dụng đất cho các công trình công cộng và dịch vụ, cây xanh công viên cảnh quan đô thị. Kết hợp giữa phát triển với bảo tồn các giá trị văn hóa, công trình hiện hữu, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống.

Hai là, phát triển KĐTM theo kế hoạch và phải được kiểm soát chặt chẽ, có chọn lọc theo hướng trở thành các “đơn vị” hoàn chỉnh, phục vụ phát triển KT-XH. Đầu tư đồng bộ nhà ở với hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đồng thời với các dịch vụ tiện ích cho đô thị.

Ba là, quản lý phát triển nhà ở, thực hiện các phương thức cung cấp nhà ở cho các đối tượng, dự báo theo nhu cầu của thị trường và có kế hoạch xây dựng như: Nhà ở kinh doanh bán và cho thuê, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, và xây dựng quỹ nhà ở phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng; nhà ở xã hội.

Bốn là, cần có sự tham gia của cộng đồng trong các dự án xây dựng các KĐTM và tham gia quản lý vận hành KĐTM, sự đóng góp của cộng đồng là yếu tố quan trọng để dự án đạt tính hiệu quả và bền vững.

Qua nghiên cứu xu hướng phát triển KĐTM trên thế giới cho thấy: Có nhiều mô hình phát triển khác nhau, song tựu trung lại tập trung ở một số mô hình chủ yếu sau: Xu hướng phát triển KĐTM bền vững, khu đô thị xanh, trở thành xu thế tất yếu cho các KĐTM.

Trong thực tế phát triển gần đây, nhiều nước ở châu Á không hoàn toàn mô phỏng theo mô hình đô thị hiện đại phương Tây mà tìm ra hướng phát triển riêng của mình. Và ngay ở phương Tây, chính các nhà quy hoạch đô thị Châu Âu, Mỹ cũng đang nghiêm chỉnh xét lại các quan niệm cũ của mình, đề ra các giải pháp mới nhắm đáp ứng yêu cầu của thời hậu – hiện đại, phù hợp hơn với những giá trị, văn hóa và lối sống mới. Nếu rút tỉa được các bài học phát triển đô thị của họ, công cuộc xây dựng các KĐTM ở Hà Nội có thể vừa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững mang tính hậu – hiện đại cấp tiến, vừa tạo ra bản sắc riêng.

Khu đô thị Gamuda City

Từ những bài học kinh nghiệm đúc kết trong thực tiễn xây dựng phát triển KĐTM, cùng xu hướng phát triển đô thị mới thế giới và khu vực, trong giai đoạn tới, KĐTM ở Hà Nội cần lưu ý một số giải pháp sau:

Thứ nhất là, cần đẩy nhanh việc xây dựng chương trình phát triển đô thị, các KĐTM được thực hiện theo kế hoạch và chiến lược phát triển đô thị phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đây cũng là giải pháp quan trọng để điều tiết hiệu quả tài nguyên đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông trước.

Thứ hai là, tập trung phát triển các KĐTM theo hướng “đa cực”, “đa trung tâm”. Trước mắt, tập trung xây dựng các Trung tâm đô thị như: Trung tâm mới của Hà Nội tại khu vực phía Tây (quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy); Trung tâm Tây Hồ Tây (Quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm); Trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ Bắc sông Hồng gắn với trục đô thị Nhật Tân – Nội Bài (huyện Đông Anh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đồ án quy hoạch chung nhằm giảm tải cho nội đô lịch sử hiện nay… Tiếp theo là các trung tâm đô thị tại Long Biên, Hoàng Mai và các thị trấn sinh thái, các đô thị vệ tinh. Đây là một giải pháp tốt nhất giảm áp lực cho trung tâm thành phố hiện nay.

Thứ ba là, phát triển mô hình “KĐTM tiện nghi đa chức năng” trong đó KĐTM ngoài các chức năng chính như hiện nay cần bổ sung đầy đủ chức năng như cơ sở làm việc, văn phòng, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí, trung tâm du lịch, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ,.. có đường giao thông kết nối vào trung tâm thành phố, sân bay. Phát triển đô thị một cách khoa học và hợp lý giữa làm việc – ở – nghỉ ngơi, giải trí. Theo mô hình KĐTM tại các đầu mối giao thông công cộng – TOD, thuận tiện cho sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân sống trong KĐTM và thu hút dân cư khu vực lân cận. Góp phần dãn dân nội đô thành phố. Coi mô hình KĐTM này là “Cực phát triển KTXH” của khu vực.

Thứ tư là, đầu tư phát triển các KĐTM đồng bộ, hạ tầng cơ sở với xây dựng nhà ở, đây là điều kiện tiên quyết khi hình thành KĐTM, ưu tiên đầu tư các không gian công cộng, công viên, cây xanh, quảng trường và tiện ích đô thị trước khi phát triển nhà ở. Khớp nối hạ tầng giữa KĐTM với đô thị và khu vực xung quanh trên cơ sở giữ gìn không gian cảnh quan tự nhiên và duy trì phát triển văn hóa truyền thống, KĐTM được xây dựng nối tiếp với đô thị hiện hữu hình thành một tổng thể đô thị theo quy hoạch. Trong đó cần tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, dứt điểm.

Thứ năm là, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị trong các đồ án nhằm khai thác, phát huy tối đa những giá trị của đặc điểm môi trường tự nhiên riêng mang tính địa phương của mỗi khu vực. Ưu tiên các KĐTM với “không gian mở” là công viên, vườn hoa, mặt nước vừa cải thiện môi trường ở vừa tạo nên dấu ấn riêng.

Cuối cùng là, xây dựng các cơ chế, quy trình đặc thù, cải cách thủ tục hành chính trong phát triển KĐTM. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Tăng cường phân cấp quản lý đô thị; nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp, đặc biệt tăng cường phân cấp cho chính quyền các quận, huyện; đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế trình độ, kinh nghiệm và kiến thức.

Nhìn lại hơn 20 năm qua, việc phát triển mô hình KĐTM ở Hà Nội đã làm cho Hà Nội đổi thay, thành công nhiều và cũng bộc lộ cả những điều không hợp lý cùng những tồn tại song hành trong một đô thị đang phát triển từng ngày. Tất cả là những kinh nghiệm rất quý để chúng ta tìm ra một hướng đi mới cho các KĐTM Hà Nội nhiều cảm xúc hơn, giàu nhân văn hơn và đáng sống hơn…

Xem thêm: Về kiến trúc và gương mặt Đô thị Hà Nội

KTS Nguyễn Văn Hải

Chủ tịch Hội KTS Hà Nội

(Bài đăng trên số 10-2016)