Chúng tôi đã làm “trang đen” TCKT như thế nào

Tôi còn nhớ đầu năm 2003, các cơ quan công quyền rộ lên một đợt xây dựng trụ sở. Trong sự vội vàng ấy, có công trình tốt, có công trình không, tạo nên một sự lộn xộn về hình thức kiến trúc. Tạp chí Kiến trúc nhận thấy cần lên tiếng góp ý cho các công trình thể loại này. KTS Tôn Đại đã viết loạt bài về “Một thị hiếu không lành mạnh – Về hội chứng kiến trúc Pháp” đăng trên TCKT số 2/2003. Đầu tiên, “trang đen” Tạp chí Kiến trúc (TCKT) giới thiệu một sáng tác kiến trúc Trụ sở UBND của một tỉnh Tây Nguyên, đồng thời cũng đề nghị các KTS, bạn đọc quan tâm phát biểu những suy nghĩ, nhận xét, đánh giá về ngôn ngữ kiến trúc của thiết kế này, nhằm phần nào làm rõ nội hàm của định hướng phát triển một nền kiến trúc “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trước đó, tôi với KTS Nguyễn Luận, lúc đó là Thư ký tòa soạn phụ trách Tạp chí, đã thảo luận với nhau và thống nhất mở “trang đen” trên TCKT với mong muốn tăng cường tác động của kiến trúc tới xã hội. Gọi là “trang đen” vì trong điều kiện lúc đó, Tạp chí còn in đen trắng, anh Luận nghĩ ra cách trình bày bản vẽ và chữ màu trắng trên nền đen trông rất ấn tượng trong tổng thể dàn trang của TC lúc bấy giờ. Công trình đầu tiên là UBND tỉnh ĐakLak, hồ sơ bản vẽ do KTS Diêu Công Hùng (lúc đó đang công tác tại Sở Xây dựng ĐakLak) gửi cho Hội. Chúng tôi thấy cần lên tiếng vì thiết kế đó sao chép và gán ghép một phong cách kiến trúc phương Tây, vốn rất xa lạ với Tây Nguyên huyền thoại và giàu bản sắc.

“Trang đen” đầu tiên đã thu hút sự quan tâm của giới nghề và bạn đọc trên cả nước, nhiều người viết thư phản ánh, nhận xét và phân tích kỹ càng gửi đến tòa soạn. Điều đáng mừng là sau đó tỉnh ĐakLak đã tiếp nhận thông tin và quyết định sửa ngay, không xây công trình theo thiết kế đó nữa.

Khoảng 1 năm sau, tháng 3/2004, công trình thứ 2 lên “trang đen” là Trụ sở Bộ Tài Chính. Bộ trưởng Bộ Tài Chính lúc bấy giờ là ông Nguyễn Sinh Hùng đã mời tôi, đại diện Hội KTS, ông Nguyễn Mạnh Kiểm, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Xây dựng sang họp và góp ý kiến cho thiết kế này.

“Trang đen” của TCKT thực sự chỉ đăng 2 công trình này nhưng lúc đó đã tác động mạnh mẽ đến xã hội, đến các bộ, ngành, địa phương. Và rõ ràng, họ cũng cẩn trọng hơn nhiều trong việc làm kiến trúc. Dư âm của “trang đen” trên Tạp chí còn kéo dài nhiều năm sau đó, dù do những điều kiện khách quan và chủ quan nên không duy trì được chuyên mục này nữa.

Phải nói rằng trong số các ấn phẩm của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Tạp chí Kiến trúc được đánh giá là nổi trội, có chỗ đứng và uy tín đối với giới nghề. Manh nha từ rất sớm, năm 1979, ban đầu chỉ là nội san của Hội KTS, đến năm 1983 mới chính thức được phát hành. Từ nội san kiến trúc đến TCKT hôm nay là một chặng đường dài, với sự đóng góp của nhiều thế hệ KTS, từ thế hệ KTS thứ nhất: Bác Ngô Huy Quỳnh là Tổng biên tập đầu tiên, anh Cao Xuân Hưởng là Phó tổng biên tập, anh Đoàn Đức Thành, các anh Nguyễn Luận, Nguyễn Việt Châu, Lê Phục Quốc…. Và biết bao nhiêu thế hệ KTS cộng tác viên, những người yêu mến kiến trúc nước nhà.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội KTS Việt Nam là tư vấn và phản biện xã hội. TCKT nhiều năm qua chính là một trong những phương tiện để thực hiện nhiệm vụ đó. Chính vì vậy, ngay từ đầu Hội đã rất coi trọng và tạo điều kiện để TCKT phát triển chức năng phản biện xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các cán bộ của TCKT phải sắc bén, đánh giá tình hình, kịp thời phát hiện và có ý kiến chuyên môn xác đáng. Cũng cần lưu ý là: Nếu TCKT cứ khen mãi thì không nên, một thời Tạp chí có chuyên mục “Những công trình làm đẹp đất nước” – Đẹp tất nhiên là tốt rồi, nhưng rất cần có những nhận xét, góp ý thẳng thắn.

Cho đến giờ, truyền thông trong lĩnh vực kiến trúc đã rất phát triển, những vấn đề của kiến trúc cũng được đề cập đến nhiều hơn. Nhưng TCKT vẫn là tiếng nói của giới chuyên môn, có tính chính thống. Hội cần giữ phương tiện này, thông qua TCKT để có tiếng nói khách quan và chuyên nghiệp hơn, tác động rộng rãi hơn đến dư luận xã hội.

“35 năm ấy biết bao nhiêu tình…”. Chúc TCKT ngày càng phát triển, sâu sắc và đồng hành tin cậy với giới KTS Việt Nam!

*KTS Nguyễn Trực Luyện

Nguyên Tổng biên tập TCKT

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)