Chương trình xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu từ nằm 2001, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2001 đến năm 2008, đã xây dựng được khoảng 950 cụm tại Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Cần Thơ với tổng số vốn gần 6.000 tỉ đồng, hỗ trợ cho 146.000 hộ dân sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt. Năm 2008, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt giai đoạn 2 của chương trình gồm 179 dự án cụm tuyến với mục tiêu đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân của tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Sau 15 năm triển khai, chương trình đã thu được một số kết quả nhất định, nhưng tính bền vững chưa cao, người dân ở nhiều cụm dân cư không mặn mà với kiểu định cư này, nhiều cụm định cư bỏ hoang gây lãng phí về tiền của, thời gian và cả những xáo trộn trong đời sống của người dân. Trong bài viết này, tác giả sẽ không đưa ra các số liệu chi tiết, không còn cần thiết nữa bởi báo chí đã nói đến rất nhiều, mà chỉ đưa ra các quan điểm phát triển sinh thái, thích nghi với môi trường và bối cảnh kinh tế – xã hội luôn thay đổi.
Sinh kế quyết định sự thành bại của chương trình
Nhìn nhận về khía cạnh xã hội thì đây là một chương trình đầy tính nhân văn – Và về kinh tế học lý thuyết thuần tuý thì được cho là có hiệu quả. Vào mùa nước lũ “trắng đồng” người dân gặp không ít khó khăn, có thể kể đến như trẻ em phải bỏ học, nhiều người chết đuối, người chết không có chỗ chôn phải gác tạm lên cành cây, bị bệnh phải di chuyển xa bằng thuyền, có khi đến bệnh viện thì bệnh nhân đã mất, phải sử dụng nước tự nhiên cho ăn uống và tắm giặt nên bệnh ngoài da rất phổ biến, khi gặp sự cố như hoả hoạn, tai nạn khó ứng cứu lẫn nhau… Những điều này sẽ được khắc phục khi sống tập trung trong các khu nhà tránh lũ (hay gọi là vượt lũ). Thêm vào đó, khi người dân ở tập trung, cố định với qui mô từ 20 hộ (100 nhân khẩu) đến hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu thì nhà nước dễ dàng đầu tư tập trung ở cấp thôn (ấp), xã với các hạng mục như xây trụ sở hành chính, hệ thống giao thông đường bộ, cầu bằng bê tông, hệ thống cấp nước sạch, xây trường học, nhà trẻ, trạm xá, chợ, nghĩa trang, thu gom rác và các dịch vụ thiết yếu khác. Việc đầu tư tập trung ban đầu sẽ đỡ tốn kém và dễ bảo trì sau khi vận hành.
Tuy nhiên, cách tính có vẻ khoa học như thế lại không hoàn toàn đúng với thực tế. Một điều cực kỳ quan trọng ở đây là việc chuyển từ một “lối sống sông nước” đã tồn tại hàng trăm năm sang “lối sống khô cạn” là điều cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Hàng trăm năm qua, người dân miền Tây Nam Bộ chưa bao giờ có khái niệm “tránh lũ”, “vượt lũ”, hay chống chọi với lũ. Sống chung với nước là một điều “tự nhiên như thiên nhiên”, giống như hơi thở, nước uống vậy. Người dân coi nước lũ, nước nổi, nước lớn về từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm không phải là “hoạ” mà là “phúc”, đó là lúc họ kiếm ăn nhờ nước, nhà nghèo nhất cũng kiếm bộn từ nước như tôm, cá, rau trái. Những thứ kiếm được, một phần nhỏ họ chi dùng cho những ngày nước nổi, còn phần lớn mang cất trữ bằng cách làm đồ khô, làm mắm để ăn dần, bán cho thương lái lấy tiền chi dùng cho những tháng còn lại của năm. Những người không chài lưới thì cũng làm những công việc liên quan đến nước như đan vá lưới; làm và sửa chữa thuyền, ngư cụ; sản xuất nước đá, muối hột, chum vại,… Không chỉ đem lại một sức sống mới cho bà con nông dân nơi đây, mùa nước nổi miền Tây còn mang lại sức sống mới cho những cây sen, bông súng, cỏ năng, rừng tràm thêm xanh tốt. Mùa nước nổi về, miền Tây Nam Bộ như được thay một màu áo mới. Đây cũng là mùa chim bay về làm tổ đầy đàn. Hay nói cách khác, đây thời điểm tất cả mọi thứ ở vùng đất này sinh sôi nảy nở.
Vòng quay đời người xoay chung quanh sông nước. Từ nước họ nuôi con cái khôn lớn, học hành, dựng vợ gả chồng, từ nước họ lo đám hỏi, đám cưới, giỗ chạp, đám ma,…nay chuyển họ lên cạn, tách rời họ khỏi môi trường sống quen thuộc là nước và tách ra khỏi cộng đồng xã hội nước thì khác gì đưa cá lên cạn. Họ làm sao họ sống được với mảnh đất con con chừng 100 m2, không có vốn, không đất đai, không biết buôn bán, không biết làm dịch vụ, chưa bao giờ chăn nuôi gà vịt, trâu bò, không biết canh tác lúa nước, không có nghề nghiệp gì. Chưa kể khi sống ở khu dân cư có qui hoạch thì họ phải tốn thêm tiền cho nhiều thứ như tiền rác, tiền an ninh, tiền chiếu sáng công cộng,…tinh thần bị ức chế, từ chỗ tự do sông nước sang chỗ gò bó trong khuôn viên nhà. Do vậy họ bỏ nhà, bỏ đất mà đi là điều không tránh khỏi. Ở ĐBSCL, có đến hàng chục khu nhà ma, nhiều khu khác cũng thưa thớt người ở. Bà Nguyễn Thị Anh Phương, Trưởng phòng Nhà ở và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Long An, cho biết: Chương trình cụm dân cư vượt lũ giai đoạn 2002 đến nay có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỉ đồng. Có hơn 165 cụm dân cư phân bố ở 10 huyện, chủ yếu là vùng lũ. Qua hơn 10 năm triển khai, chỉ khoảng 50% số hộ dân còn sống trong các cụm dân cư này. Đa phần họ tìm về nơi ở cũ để mưu sinh, những người trẻ thì “bỏ xứ” đi tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp của Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM…

Tìm kiếm việc định cư trong tình trạng biến đổi khí hậu thất thường
Cách nay chừng 5 năm về trước, diễn biến khí hậu của ĐBSCL tương đối ổn định, các mùa khô mùa mưa, mùa nước nổi xuất hiện theo chu kỳ, thậm chí mùa lũ đến chênh nhau với năm trước nhiều nhất là 2 tuần. Mấy năm gần đây, khí hậu thời tiết diễn ra rất thất thường và cực đoan, chẳng hạn năm 2016, ĐBSCL chịu một trận hạn hán kéo dài và nghiêm trọng nhất sau trong vòng 100 năm, không có mưa khiến cho nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền đến 100 km; từ 2013 đến nay, mùa nước lớn về từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ĐBSCL chậm hơn một tháng, lượng nước về ít hơn và phù sa giảm sút một nửa, từ 160 triệu tấn nay chỉ còn 85 triệu tấn. Một điều không thể không nói đến là trên dòng sông Mekong, đặc biệt là ở trên lãnh thổ Trung Quốc hiện nay dày đặc các đập thuỷ điện và hồ chứa nước. Tổng cộng toàn tuyến có 21 đập thuỷ điện (Lào 2; Campuchia 9, Trung Quốc 10), đe doạ không chỉ an ninh lương thực mà là số phận tồn vong của ĐBSCL – Kịch bản sẽ là hạn hán nghiêm trọng nếu các hồ chứa của đập thuỷ điện đồng loạt đóng lại không xả nước, hoặc lụt lội nghiêm trọng vượt quá mọi sự khả năng ứng phó của con người nếu các hồ lớn xả nước cùng một thời điểm. Việc các nước thượng nguồn đóng hay xả như thế nào dường như ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam.
Trước tình hình thời tiết bất thường, cực đoan và khó lường trước như vậy, chiến lược ứng phó là cần thiết. Hiện nay chính phủ và các nhà quản lý địa phương đang tập trung cho việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi, giảm bớt canh tác lúa nước ngọt, phát triển giống lúa chịu hạn và chịu mặn, gia tăng nuôi thuỷ hải sản, nhưng chiến lược ứng phó, thích nghi không nên chỉ dừng ở đó mà còn phải mở rộng ra đến nhà ở, năng lượng, nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Trong bối cảnh ấy thì các nhà qui hoạch, các KTS, kỹ sư và chuyên gia môi trường phải bàn thảo về việc chuyển đổi theo hướng thích nghi trong lĩnh vực của mình. Việc tiếp tục xây dựng các khu tái định cư tránh lũ có nên hay không khi mà không còn lũ nữa? Nếu tiếp tục tái định cư cho bà con thì theo kiểu nào là hợp lý để đảm bảo được chất lượng sống cũng như điều kiện sống? Nói tóm lại, điều kiện sống của người dân vùng này cần phải chuyển đổi từ chỗ cố định sang linh hoạt, thích nghi và ứng phó nhanh trong mọi hoàn cảnh. Mục đích cao nhất của định cư là sinh kế, nếu nơi định cư mang lại thuận lợi cho đầu tư ban đầu, công tác quản lý nhưng lại không mang lại đời sống ổn định cho người dân thì trước sau gì cũng sẽ phá sản. Điều này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân nghèo ở khu vực này và phù hợp với nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết này đã đưa ra nhiều quan niệm mới và rõ ràng hơn, trong đó có một quan điểm rất quan trọng được coi là chìa khoá của hệ thống là “Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”. Chúng ta cần phát triển tất cả các chương trình kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng trong đó có chương trình xây dựng nhà tránh lũ theo tinh thần của Nghị quyết này một cách nghiêm túc và thấu đáo – Để định hướng cho chiến lược hành động trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

TS. Nguyễn Minh Hoà
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2017)
Tài liệu tham khảo
- Bộ Tài nguyên môi trường. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. 2008.
- Đào Công Tiến. Vùng ngập lũ ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp. NXB Đại học Quốc gia TP.HCM. 2004.
- Hoàng Hưng. Lũ lụt ĐBSCL và tác động đến môi trường trong 50 năm qua. Kỷ yếu Hội thảo, Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM, 2002.
- Nghị quyết 120/NQ-CP của chính phủ ban hành ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phạm Đức Thuận. Đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội của khu dân cư vượt lũ ở huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ. Luận văn thạc sĩ, 2009.
- Lê Tuấn Anh. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sinh kế của người dân ĐBSCL. 2014.
Xem thêm:
- Kiến trúc & Không gian Công cộng vùng ĐBSCL
- ĐBSCL: Chuyển đổi & thích nghi với biến đổi khí hậu