Công nghệ vay mượn – Kiến trúc vay mượn

Hãy từ bỏ thói quen sử dụng phần mềm crack, phần mềm bẻ khóa để có một tinh thần làm việc thoải mái với ý thức về giá trị những sáng tạo của công nghệ trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc nói riêng, các ngành nghề sử dụng các phần mềm máy tính nói chung. Và đây cũng là con đường duy nhất để bước kịp cùng thế giới.

Nếu như Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sử dụng điện tử và CNTT để tự động hóa sản xuất; thì bây giờ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, sinh học và kỹ thuật – Klaus Schwab

Khi chúng ta phải bỏ chi phí để được sở hữu giá trị công nghệ, chúng ta mới thực sự hiểu rõ giá trị của sản phẩm mang ra thị trường. Khi bán rẻ công lao của những sáng tạo công nghệ, chúng ta cũng đồng thời làm mất giá sản phẩm khi đưa vào đó một thứ công nghệ vay mượn để tạo ra những công trình kiến trúc vay mượn.

1. Thế giới đang ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, không có nghĩa là chúng ta đang đi ngang cùng thế giới trên một con đường.Trong khi ở các nước phát triển đã trải qua bao nhiều lần nâng cấp công nghệ xây dựng, để có thể đồng bộ hóa quy chuẩn xây dựng, đồng thời giảm thiểu những tiêu tốn năng lượng, từ đó góp phần làm đẹp đô thị, làm cho con người trở nên văn minh hơn, sống bền vững hơn; Thì chúng ta vẫn còn loay hoay, thậm chí còn chưa trả lời được những câu hỏi có tính cơ bản như: Làm sao để nhà ở không chảy mồ hôi khi trời nồm? Làm sao để tường nhà không bị mốc, các lớp trát, lớp bả bong chỉ sau một vài năm? Nhà vệ sinh sau một thời gian không bốc mùi hôi thối? Và làm sao đồng bộ được những giải pháp đó trọn vẹn cho tất cả các ngôi nhà xây mới cũng như cải tạo những ngôi nhà cũ. Làm sao để đường xá không bị ngập lội sau trận mưa rào? Mương cống làm sao tách biệt, không bốc mùi? Giao thông không còn chen lấn vỉa hè, không còn ùn tắc? Khi chúng ta không hướng sáng tạo của công nghệ trên thế giới để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của đất nước mình thì đó được xem là Công nghệ vay mượn.

Trên thế giới, ở những nước phát triển đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rực rỡ và văn minh. Chúng ta cần một công nghệ để phục vụ nhu cầu con người trong cuộc sống, ví dụ: Công nghệ phục vụ xây dựng, công nghệ phục vụ sản xuất trong các nhà máy, các nông trường, các công xưởng… Bản chất của việc sử dụng công nghệ nhằm nâng cao tính hiệu quả của công việc: Rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức nhưng lại nâng cao về sản lượng và chất lượng.

Những tiến bộ của công nghệ mới đang và sẽ xóa bỏ đi nhiều ngành nghề trên thế giới, đặc biệt các công việc liên quan đến công – nông nghiệp, ở những nước phát triển, máy móc và robot được sử dụng để sản xuất thay cho sức người, các ngành nghề cần sử dụng đến công cụ liên lạc bằng điện thoại bàn, hay các nghề phụ thuộc vào công nghệ cũ…

2. Trong xu thế đó, nghề KTS cũng đang đứng trước nhiều thử thách. Kiến trúc đang là sự kết hợp của rất nhiều các chuyên ngành khác nhau: Kết cấu, năng lượng, thoát hiểm, phòng cháy, người tàn tật, rác thải… Mỗi một lĩnh vực là cả một danh sách dài các tiêu chuẩn cần phải tuân thủ, KTS ở các nước phát triển đang phải cố gắng giải quyết tất cả những vấn đề đó cùng với các bộ phận chuyên môn.

Các sáng tạo trong công nghệ phục vụ cho ngành Kiến trúc – xây dựng, với nhiều phần mềm đồ họa mới ra đời: Autocad, ArchiCad, Revit, BIM,… với các công nghệ về không gian thực tế ảo, tương tác 3D, 360 độ, các công cụ in cắt laser, CNC, 3D… đã giúp cho KTS làm việc được hiệu quả hơn, sản phẩm được đa dạng hơn. Tuy nhiên, khi công nghệ đã trở nên thông dụng đến mức mà một người dân đam mê công nghệ có thể trở thành chuyên gia phần mềm sau một thời gian rất ngắn. Với google thông tin phẳng toàn cầu, qua một đêm, một chuyên gia ra đời, qua một đêm, một công nghệ mới ra đời, sự trợ giúp của các phầm mềm 3D hữu dụng đến mức mà người chủ nhà cũng có thể tự tay chế ra được một không gian kiến trúc tưởng chừng như chỉ có KTS nội thất mới có thể làm được.

“KTS là người trả lời cho những mong đợi về đô thị của khu đất, của thành phố, họ suy nghĩ về việc giảm thải khí thải Cacbon, tính kinh tế của công trình, vấn đề về tiêu thụ năng lượng, và tính thẩm mỹ của công trình” – Đó là câu trả lời của KTS Christian de Portzamparc cho dự thảo về luật kiến trúc mới nhất ở Pháp, năm 2018 về việc xóa bỏ nghề KTS thay vào đó là nghề trộn bê tông.

Đó cũng là thực trạng đang diễn ra của nơi mà công nghệ đang là ở 4.0 và sắp hình thành 5.0. Còn ở chúng ta, nơi có công nghệ vẫn còn chỗ cao 3.0 chỗ thấp 1.0; nghề KTS vẫn còn nói quá nhiều về “tâm hồn”, “tính nghệ sỹ”, và “giá trị thẩm mỹ của công trình”, lác đác chỉ có vài dự án nêu tên của vài KTS thắng giải quốc tế. Việt Nam – nơi mà lịch sử nghề còn rất ít so với các nước phát triển, còn nhiều vấn đề đang trên đường hoàn thiện, khi công nghệ mới của thế giới ập vào, chúng ta chưa kịp thích ứng, chưa kịp hoàn thiện đã phải thay đổi, phải thích ứng. Chúng ta nhìn những hình ảnh được tạo ra từ công nghệ 4.0 như là BIM + Thiết kế điện toán (Comptational Design) + Robot và sử dụng nó để tạo nên những hình khối lạ mắt và trầm trồ bởi sự chính xác, mà quên mất rằng sự tồn tại của chúng ta – những KTS không phải là những gì thể hiện ra bên ngoài của một công trình, mà ẩn giấu trong tất cả những suy nghĩ, những giá trị nội hàm mà công trình đó đem lại, không phải cho một thời điểm, mà đại diện cho cả thời đại. Không phải thấy một vòm cong tre nứa thì được xem bản địa, không phải thấy dùng gỗ, dùng gạch, dùng đất nung được xem là thân thiện môi trường, những thứ chúng ta thấy đó chỉ mới là “hình thức” thể hiện của kiến trúc được coi là “vay mượn” của kiến trúc truyền thống.

Nhà bị thấm

3. Một ngôi nhà vẫn của mấy chục năm về trước, vẫn còn đó sự ẩm mốc của các bức tường, sự hôi thối của các nhà vệ sinh khi trời mưa, sự ướt át khi trời nồm, mái thấm dột, tường rạn nứt là những thực trạng của hầu hết các ngôi nhà ở Hà Nội, nơi được xem là có nền công nghệ đang ở 3.0 và định hướng đi lên 4.0. Sống trong một ngôi nhà với sự ẩm thấp, hôi hám, bụi của chỗ tường vỡ nứt, lâu dần sẽ thành bệnh, thành tật. Thế nhưng nhìn vào công nghệ áp dụng vào kiến trúc người ta chưa thấy được câu trả lời cho vấn đề về nhà ở. Phải chăng các KTS vẫn đang mải miết chạy theo góc nhìn của những công trình nương tựa, những công trình bắt mắt, kì lạ, chỉ để chứng tỏ khả năng kiểm soát công nghệ?!

“Nghề KTS bây giờ không còn như trước đây nữa, chúng ta thực sự không thể biết tất cả, để xây dựng được một công trình chúng ta không thể tự mình làm tất cả các hạng mục. Mỗi vấn đề kĩ thuật chúng ta đều phải làm việc với các chuyên viên kĩ thuật, chuyên gia tư vấn” – KTS. Daniel Romeo.

Nhà bị nứt

Có ai nhìn những ngôi nhà loang lổ, ẩm mốc mà nghĩ đến bệnh phong, bệnh viêm da trên cơ thể con người? – Thực sự đúng như vậy, đó là những căn bệnh của ngôi nhà mà giờ đây đã có vẻ như được xem là mãn tính, là vô phương? Hỡi các KTS, các anh là bác sỹ cho các ngôi nhà, nó phải đẹp đẽ từ lúc sinh ra cho đến lúc không còn được sử dụng nữa, các anh có công nghệ trong tay nhưng chỉ làm những việc để che đậy đi “căn bệnh” đã tồn tại rất lâu, sắp thành mãn tính, mà giờ đây đang được “chữa trị” bởi các “thầy lang” thi công không có chuyên môn. Hãy để công nghệ là công cụ, và nó phải trả lời được tất cả những câu hỏi phía trên kia – Dù cho công nghệ có chạy đến 6.0 hay 7.0, thì cuộc sống này vẫn cần phải có KTS cho các ngôi nhà như con người cần bác sỹ cho họ. Sai lầm của một bác sỹ có thể vô tình ảnh hưởng trực tiếp trên một cơ thể, nhưng sai lầm của anh – KTS sẽ ảnh hưởng đến cả một gia đình, có khi là nhiều thế hệ, và cả diện mạo đô thị. Và, nếu cứ tiếp tục với công nghệ vay mượn, thì chúng ta sẽ mãi ở trong những ngôi nhà sai trái!?

KTS Ngô Kiến Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2018)