Công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể trong Khu phố Cổ Hà Nội

Công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể trong Khu phố Cổ Hà Nội

 
ThS. KTS Phạm Tuấn Long
Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý Phố cổ Hà Nội.

Quận Hoàn Kiếm hiện có Khu Phố cổ, khu Phố cũ và khu Hồ Hoàn Kiếm tạo thành một quần thể các di sản đô thị của Hà Nội. Khu Phố cổ có diện tích 82 ha với 121 công trình di tích, là khu vực có mật độ di tích (đình, đền, chùa, miếu, am,…) cao nhất cả nước. Nổi bật là các đình thờ tổ nghề gắn với các phố nghề truyền thống, Ô Quan Chưởng là cửa ô còn lại duy nhất trong 18 cửa ô của Hà Nội xưa và theo kết quả điều tra mới nhất khu phố cổ còn 550 công trình nhà ở có giá trị…



Hoạt động văn hóa văn nghệ

Đến nay, Khu phố cổ là nơi có hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ sầm uất nhất của Thủ đô. Trong một không gian không lớn nhưng chúng ta thấy được mọi hoạt động của người dân Hà Nội qua các phố nghề, phố chuyên doanh, các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, đời sống hàng ngày của người dân và cả các món ăn của người Hà Nội… Đó là những giá trị văn hóa tiêu biểu hấp dẫn du khách.

Việc bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội bắt đầu được đặt vấn đề từ năm 1994 tại Thông báo số 72 của Bộ Chính trị về Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ. Từ đó đến nay, có rất nhiều văn bản của Trung ương và Thành phố chỉ đạo về việc bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu Phố cổ Hà Nội.

Ngày 27/8/2007 UBND Thành phố có quyết định chuyển Ban quản lý Phố cổ Hà Nội về UBND Quận Hoàn Kiếm quản lý, điều hành và giao cho Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm làm Trưởng Ban.

Trong các năm 2007, 2009, 2011 đồng chí Bí thư Thành Ủy – Phạm Quang Nghị đã 3 lần xuống làm việc với Quận Hoàn Kiếm về công tác bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội.

Năm 2012, Thành phố đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn thiện quy chế quản lý khu Phố cổ và Viện Quy hoạch Hà Nội lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử khu Phố cổ, sau đó Thành phố đã phê duyệt vào tháng 10/2013.

Trong thời gian qua, Khu Phố cổ Hà Nội thường xuyên nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đảng bộ và Chính quyền Quận Hoàn Kiếm đã xác định: Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa chính là mục tiêu, là giải pháp và là động lực để Quận phát triển kinh tế theo hướng Thương mại – Du lịch – Dịch vụ một cách bền vững.

Quận Hoàn Kiếm đã từng bước triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản trong Khu Phố cổ, tập trung ở các mảng công tác sau:

Công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

– Các lễ hội trong Khu Phố cổ và Khu vực hồ Hoàn Kiếm được khôi phục như: Lễ hội Vua Lê đăng quang, Lễ hội đền Bạch Mã, đền Phù Ủng, Lễ hội đình Yên Thái, Ngày hội nghề Kim hoàn, Lễ hội Trung thu Phố cổ…;

– Các hoạt động nghệ thuật, triển lãm được tổ chức thường xuyên: Văn hóa Trà Việt, trình diễn 3 dòng tranh dân gian, nghề thủ công truyền thống (nghề gốm, nghề lụa, nghề làm nón, làm đàn, làm quạt…) tại 04 điểm di tích: Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, Trung tâm Thông tin di sản Phố cổ 28 Hàng Buồm, Đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc và Đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào;

Giới thiệu âm nhạc truyền thống như: Ca trù, hát xẩm, hát trống quân, hát văn… được tổ chức thường xuyên trong các dịp lễ hội và Tết, hoạt động đều đặn của CLB ca trù Thăng Long và CLB ca trù Hà Nội tại Ngôi nhà Di sản và Đình Kim Ngân. Giao lưu nghệ thuật với đoàn nghệ sỹ Thành phố Toulouse (đoàn múa rối, nhạc jazz, nhạc trữ tình) sang biểu diễn xung quanh hồ Hoàn Kiếm dịp đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội và tháng 10 năm 2013.

Có thể nói, thông qua các lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã góp phần quảng bá các giá trị di sản phi vật thể trên địa bàn quận.

Đẩy mạnh đầu tư, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể

Từ năm 2007 trở về trước, Thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các công trình thí điểm như: Đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây và nhà cổ 51 Hàng Bạc. Với kinh phí do TP Toulouse tài trợ, những dự án này là ví dụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo nhà cổ trong Phố cổ.

Từ năm 2007 đến nay, Quận Hoàn Kiếm đã quan tâm đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật trong khu phố cổ, hạ chìm cống nổi lát lại hè bằng đá của 75/79 phố trong khu phố cổ. Trụ sở các cơ quan trường học được xây dựng lại khang trang. Tuyến phố Hàng Đào đến Hàng Giấy được chỉnh trang vào dịp đại lễ 1000 năm TL-HN, đoạn phố Tạ Hiện được cải tạo năm 2011 thu hút đồng du khách nước ngoài. Chỉnh trang phố Lãn Ông trong năm 2013-2014…

Nhiều di tích lớn trên địa bàn quận đã được GPMB di chuyển hộ dân và phục hồi:

– Vốn xã hội hóa: Chùa Bà đá, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Thiên Phúc, chùa Thiên tích.

– Vốn ngân sách: di chuyển 200 hộ dân ra khỏi các di tích để trùng tu đền Bạch Mã, đền Hương Tượng, đền Quan đế, đình Nam Hương, đình Yên Thái, đình Kim Ngân, đình Đông Thành, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, chùa Vĩnh Trù, quán chùa Huyền Thiên và trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cổ đang được xây dựng.

Tính riêng trong giai đoạn 2013-2014, UBND Quận Hoàn Kiếm đã tiếp tục tập trung đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản vật thể và phi vật thể trong khu Phố cổ. Nội dung cụ thể như sau :

– Về công tác tuyên truyền tháng 3/2013: Tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia Đình Kim Ngân và Ngày hội nghề Kim hoàn tại 42-44 Hàng Bạc; phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới xuất bản cuốn sách giới thiệu về khu phố cổ Hà Nội bằng tiếng Anh, triển khai website giới thiệu về di sản khu Phố cổ Hà Nội.

– Tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, biểu diễn văn hóa nghệ thuật và giới thiệu phố nghề, nghề thủ công truyền thống trong năm 2013: Nghề làm đàn, làm quạt, làm nón, nghề điện, nghề chụp ảnh….

– Duy trì hoạt động của hai câu lạc bộ ca trù tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc và đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm.

– Hoàn thành việc trùng tu tôn tạo di tích Đình Đông Thành và tổ chức Lễ khánh thành, đón bằng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố và gắn biển “Công trình chào mừng 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô”.

– Đặc biệt là tổ chức mở rộng phố đi bộ trong khu vực bảo vệ cấp I khu Phố cổ Hà Nội và thực hiện đề án giãn dân khu Phố cổ Hà Nội từ 66.000 người xuống còn 41.000 người.

Có thể khẳng định trong thời gian qua, Quận Hoàn Kiếm đã tập trung đầu tư có hiệu quả cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản trong khu phố cổ, đời sống và nhận thức của người dân trong khu phố cổ ngày càng được cải thiện và nâng cao. Khu phố cổ đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, Quận Hoàn Kiếm còn rất nhiều việc phải làm để phát huy hiệu quả các tiềm năng về di sản của quận cho phát triển kinh tế mà chủ lực là phát triển du lịch, dịch vụ. Các nhiệm vụ cụ thể là:

– Làm tốt công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, cải tạo chỉnh trang kiến trúc mặt đứng các tuyến phố.

– Đẩy mạnh việc GPMB tu bổ các công trình di tích, bảo tồn các công trình nhà ở có giá trị kiến trúc.

– Tiếp tục cải tạo hạ tầng, từng bước tổ chức lại giao thông trên địa bàn, để hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ là không gian đi bộ.

– Phát huy giá trị “Thành phố vườn” của khu Phố cũ.

– Quảng bá hình ảnh phố nghề, đình thờ tổ nghề, phố chuyên doanh gắn với du lịch làng nghề quanh Hà Nội.

– Tiếp tục khuyến khích, khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.

Có thể nói, việc bảo tồn, tôn tạo các di sản vật thể và di sản phi vật thể đã góp phần tích cực trong bảo tồn văn hóa truyền thống, trở thành động lực cho phát triển kinh tế, thu hút du khách đến với Quận Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Phát triển văn hóa xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch” mà Thành ủy Hà Nội đã đề ra.

KTS Phạm Tuấn Long