Công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội có diện tích 5,4 km2. Đơn vị hành chính của quận gồm 18 phường, trong đó có 2 phường nằm ở ngoài đê sông Hồng với 159 Khu dân cư, 860 tổ dân phố. Về dân cư hiện có 42.898 hộ với 223.801 nhân khẩu, là quận có mật độ dân cư cao nhất TP (41.444 người/km2).

Với vị trí là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tập trung nhiều các cơ quan đầu não của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, Thành uỷ, UBND thành phố và các sở, ban ngành trực thuộc; các Đại sứ quán nước ngoài, trụ sở các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; nhiều di tích lịch sử, điểm tham quan du lịch, các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ, tuyến phố thương mại, phố nghề… Với 848 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trong đó có 438 cơ sở nguy hiểm cháy nổ, 12 địa bàn phường trọng điểm về PCCC, 10 khu dân cư nguy hiểm cháy nổ, đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô và cả nước.

Quận Hoàn Kiếm với kiến trúc đô thị khu phố cổ, phố cũ được xây dựng nhà theo hình ống, nhỏ, hẹp, nhiều hộ gia đình ở chung một số nhà, đan xen giữa các khu tập thể, buôn bán nhỏ, thậm chí có công trình được xây dựng hàng trăm năm nay vẫn đang tồn tại và xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý, trên địa bàn quận còn tồn tại 08 khu nhà gỗ được xây dựng từ giữa thế kỷ 20, đây là nơi ở của hàng trăm hộ gia đình với hàng nghìn nhân khẩu. Chính những yếu tố trên đã tạo nên nhiều nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ. Từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm xảy ra 223 vụ cháy, trong đó 03 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, 12 vụ cháy trung bình, 208 vụ cháy nhỏ, 18 yêu cầu cứu nạn cứu hộ (CNCH). Thiệt hại về người: 02 người chết; 03 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính 228.250.000 đồng. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do chập điện chiếm 79,8% , bất cẩn trong sinh hoạt chiếm 14%, nguyên nhân khác chiếm 6,2%.

Bên cạnh đó, tại các cơ sở trên, nguy cơ cháy, nổ cao, khả năng thoát nạn khi xảy ra cháy tương đối hạn chế. Nhà xây dựng thường là hình ống liền kề, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói. Điều kiện sản xuất, kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp, nơi đun nấu, thờ cúng gần sát các vật liệu dễ cháy. Để đảm bảo an ninh, bảo vệ tài sản, chủ hộ thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, lắp đặt, gia cố các lồng sắt chống trộm, lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà.

Công tác chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan cũng như chủ quan:

– Giao thông phục vụ chữa cháy:Trên địa bàn quận gồm 165 đường phố, phần lớn phố nhỏ và ngắn (có 136 đường, phố xe chữa cháy có khả năng tiếp cận); 875 ngõ, trong đó 30 ngõ xe chữa cháy ra vào khó khăn và 845 ngõ xe chữa cháy không vào được (01 ngõ dài trên 200m, 874 ngõ có chiều dài dưới 200m) ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy; mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông, thường bị ùn ứ tại các nút giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm; các ngõ xe chữa cháy không vào được chiếm tỷ lệ cao;

– Nguồn nước phục vụ chữa cháy: Hiện trên địa bàn quận có 44 trụ cấp nước chữa cháy (hiện có 03 trụ không lấy được nước), 02 bể dự trữ nước chữa cháy 100 m3 (vườn hoa Cổ Tân và vườn hoa Lê Thạch), 02 bến lấy nước tại hồ Hoàn Kiếm (số 75 Đinh Tiên Hoàng và số 1 Lê Thái Tổ xe chữa cháy hút được nước). Áp lực nước tại các trụ ở nhiều khu vực tuyến phố không ổn định, thậm trí không có nước, việc duy tu, bảo dưỡng chưa thực hiện thường xuyên nhiều trụ bị mất nắp, kẹt ty. Nhiều khu dân cư, khu phố cổ và một số tuyến đường phố chính của quận chưa được lắp đặt các trụ cấp nước chữa cháy.

Qua phân tích số liệu thống kê cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và việc chấp hành các quy định về PCCC cũng như ý thức đảm bảo an toàn PCCC. Cụ thể thể hiện ở những mặt sau:

Thứ nhất là: Trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC của UBND các cấp (nhất là UBND cấp phường) còn buông lỏng, chưa được chú trọng; việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC cũng như tham mưu cho các cấp chính quyền các giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn PCCC lực lượng Cảnh sát PC&CC còn hạn chế.

Thứ hai là: Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC chưa được chú trọng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCCC các đối tượng được quy định rõ tại Luật PCCC. Tuy nhiên, việc thực hiện gần như buông lỏng, khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Ở một số nơi, tại các khu dân cư có tiến hành, thường phối hợp với công an phường để tuyên truyền qua các buổi họp tổ dân phố, nhưng số lượng tham gia không đầy đủ, đối tượng tham gia gồm nhiều thành phần và nhiều độ tuổi khác nhau, nên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC tại khu dân cư đạt hiệu quả không cao.

Thứ ba là: Công tác xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC tại một số địa phương còn yếu, người đứng đầu chính quyền cấp phường chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, chưa thật sự quan tâm vận động quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động về PCCC, không tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCCC tại địa bàn, phong trào Toàn dân PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”. Lực lượng PCCC tại chỗ còn hạn chế (Đội PCCC cơ sở, Đội dân phòng bảo vệ dân phố), chỉ mang tính kiêm nhiệm, chế độ chính sách thiếu đồng bộ, chưa được đầu tư trang phục phương tiện bảo hộ, nhân sự thường xuyên thay đổi, chất lượng đào tạo, huấn luyện PCCC chưa cao.

Thứ tư là: Ý thức, trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn PCCC của các chủ hộ gia đình, chủ cơ sở còn yếu, không tự giác chấp hành các quy định an toàn về PCCC, nhất là an toàn trong sử dụng các thiết bị điện, không tự trang bị các phương tiện PCCC; sản xuất, kinh doanh, tồn chứa các loại hàng hóa dễ cháy như sơn, dung môi, hóa chất… nhưng không có giải pháp phòng ngừa; sửa chữa, cải tạo, cơi nới nhà cửa, sử dụng các vật liệu xây dựng dễ cháy, không tuân thủ các yêu cầu PCCC.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, kịp thời xử lý những vụ cháy nổ, sự cố, tai nạn cần thực hiện tích cực và đồng bộ các giải pháp sau đây:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC, kiến thức về PCCC bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, tập trung vào các đối tượng: cơ sở giáo dục, khu dân cư, chung cư cao tầng… vận động các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay.

Đổi mới công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, từng bước xã hội hóa công tác PCCC. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng an toàn vệ sinh, lao động” và “Ngày toàn dân PCCC” 04/10; tổ chức Hội thao nghiệp vụ PCCC cho Đội PCCC cơ sở; Đội dân phòng thuộc UBND 18 phường. Phối hợp với BCH Quân sự quận tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân quân thường trực.

2. Đẩy mạnh công tác kiểm tra theo các kế hoạch, chuyên đề. Tăng cường phúc tra đột xuất tới các địa bàn, cơ sở trọng điểm về PCCC, địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, tập trung vào các kho, xưởng, chợ, TTTM, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất… Phát hiện kiến nghị yêu cầu thực hiện kịp thời các tồn tại thiếu sót, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

3. Cảnh sát PCCC, UBND, Công an 18 phường phối hợp kiểm tra các cơ sở (Ngoài phụ lục I/NĐ79, không thuộc diện về PCCC): Nhà ở kết hợp kinh doanh, sử dụng làm kho, bãi,… tổ chức tuyên truyền và vận động trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ.

4. Nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH đối với lực lượng PCCC cơ sở. Chủ động thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ” để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố cháy nổ khi mới phát sinh. Cần xây dựng, củng cố, bồi dưỡng, huấn luyện cho lực lượng dân phòng trong xử lý các tình huống cháy, nổ; đầu tư kinh phí, trang bị đồng bộ các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, CNCH cho lực lượng này; tăng cường phối hợp, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH có huy động nhiều lực lượng và phương tiện tham gia, nhằm chủ động ứng phó, thống nhất cơ chế lãnh đạo, chỉ huy điều hành và phân công nhiệm vụ để xử lý kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ lớn xảy ra.

5. Chủ động tham mưu cho UBND các cấp xác định các khu vực, địa bàn tập trung nhiều cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao để xây dựng và thực tập các phương án chữa cháy và CNCH theo thẩm quyền; tham mưu, đề xuất UBND các cấp đầu tư trang thiết bị phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH cho lực lượng PCCC của các địa phương (máy bơm chữa cháy khiêng tay, xe chữa cháy mini, cưa máy cầm tay, dụng cụ phá dỡ….) đảm bảo phù hợp với công tác chữa cháy tại các địa hình đặc thù, các khu dân cư, tuyến phố hẻm sâu có hệ thống giao thông hạn chế; đồng thời nâng cao chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng đề họ làm tốt chức năng của mình.

ThS.KTS Phạm Tuấn Long

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2018)