Công tác quản lý duy trì và đảm bảo Môi trường chợ tại thành phố Hà Nội

Công tác quản lý duy trì và đảm bảo Môi trường chợ tại thành phố Hà Nội

Chợ không chỉ là một kiểu tổ chức hoạt động kinh tế mà còn là một dạng sinh hoạt văn hóa chứa đựng đậm đà bản sắc các giá trị truyền thống dân tộc, là bộ phận cấu thành trong đời sống kinh tế văn hóa xã hội. Thông qua các loại hình chợ truyền thống, hàng hóa được đưa từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần mở rộng kích thích sản xuất hàng hóa phát triển, phục vụ sản xuất cũng như đời sống của các tầng lớp nhân dân trong phạm vi xã, liên xã, liên vùng hoặc khu vực. Cùng với sự phát triển của các mô hình phân phối hiện đại, chợ đóng vai trò to lớn đối với đời sống xã hội nói chung, đặc biệt là thị trường nông thôn.

Về lượng các mặt hàng nông thổ sản, thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ quả phục vụ đời sống dân sinh hàng ngày được luân chuyển qua chợ dân sinh chiếm trên 60%, ở thị trường nông thôn thì con số này lên đến 70%. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của chợ dân sinh đối với việc thông thương trao đổi mua bán hàng hóa của người dân. Chợ là nơi để bà con nông dân mang sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, các sản phẩm làng nghề đến để trao đổi, mua bán và quảng bá sản phẩm.

Không gian mở, thậm chí gần hoặc trên đường là mô hình truyền thống của chợ tại đô thị Việt Nam.

Hoạt động của chợ đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng năm khá lớn (thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ, thuế của các hộ kinh doanh, các loại phí, lệ phí). Các loại dịch vụ phục vụ hoạt động của chợ cũng tăng nhanh, giải quyết vấn đề lao động, việc làm cho xã hội. Quản lý tốt chợ góp phần giảm bớt ách tắc giao thông, nâng cao trật tự cảnh quan đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm.

Trong những năm qua, mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội chiếm tỷ trọng cao. Nhu cầu tiêu dùng của phần lớn dân cư vẫn tập trung vào các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, các mặt hàng có giá trị cao như hàng điện tử cũng được người dân quan tâm, tiêu dùng nhiều hơn, tần suất mua bán ngày càng cao. Các mặt hàng này thường được kinh doanh tại khu vực có phương thức bán hàng tiên tiến, hiện đại như: siêu thị, trung tâm điện máy. Do đó, hệ thống chợ trên địa bàn các quận nội thành hầu hết phục vụ nhu cầu mua bán các mặt hàng thiết yếu dùng cho sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ lưu thông qua chợ so với tổng lượng hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua các loại hình phân phối khác không lớn. Trái lại, hệ thống chợ tại các huyện khu vực nông thôn, miền núi là một bộ phận quan trọng không thể thiếu đối với phát triển thương mại địa phương, là những điểm cầu của hệ thống thương mại, là các điểm đầu mối để tập trung nguồn hàng nông thôn chuyển tới các điểm giao thương phân phối, cũng là nơi phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 411 chợ, trong đó số chợ đã phân hạng là 380 chợ, bao gồm 03 chợ đầu mối, 12 chợ hạng 1, 169 chợ hạng 2, có 299 chợ hạng 3. Bình quân mỗi quận, huyện, thị xã có 14 chợ, mỗi chợ phục vụ khoảng 15.165 người.

Trong số 411 chợ trên địa bàn Thành phố thì có khoảng 67 chợ kiên cố, chiếm 16,3%; 213 chợ bán kiên cố, chiếm 51,7%; 131 chợ lán tạm, chiếm 32%. Tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông; thị xã Sơn Tây và ở các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thanh Trì, Từ Liêm, Mê Linh… phần lớn chợ đều được xây kiên cố hoặc bán kiên cố, không có chợ lều lán tạm. Số chợ có lều lán tạm tại một số huyện chiếm tỷ lệ khá cao như huyện Sóc Sơn (chiếm 70%), huyện Ba Vì (chiếm 65%), huyện Chương Mỹ (chiếm 71%).

Hiện tại các chợ đã được phân hạng đều có Ban quản lý chợ trực thuộc UBND quận, huyện hoặc UBND xã, phường, hoặc là tổ quản lý chợ thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh chợ:

– Chợ do quận, huyện quản lý có 88 chợ, chiếm khoảng 21%.

– Chợ do xã, phường, thị trấn quản lý có 236 chợ, chiếm khoảng 58%.

– Chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý có 87 chợ, chiếm khoảng 21%.

Theo khảo sát hiện tại phần lớn các chợ trong nội thành đều có hệ thống cấp thoát nước, đường giao thông nội bộ trong chợ, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đầy đủ. Hệ thống quầy sạp hàng được trang bị thống nhất, đồng bộ theo quy hoạch ngành hàng, đảm bảo mỗi quầy sạp hàng có đường điện riêng, điều kiện vệ sinh môi trường được đảm bảo, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng và quán triệt tới từng hộ kinh doanh trong chợ. Tuy nhiên cơ sở vật chất – kỹ thuật tại các chợ hạng 3 tại các xã khu vực nông thôn đều đã xuống cấp, dột nát, không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, tỷ lệ chợ xã xuống cấp chiếm khoảng 80%. Một số chợ tại các xã chỉ là những lều lán tạm hoặc tổ chức mua bán tại những bãi đất trống. Tổng số xã đã có chợ của khu vực nông thôn là 237/ tổng số xã là 401 (đạt tỷ lệ 59%), còn lại 164 xã chưa có chợ. Hơn nữa, hiện ở địa bàn nông thôn còn tồn tại một số chợ phát triển tự phát, chưa đúng quy hoạch, họp chợ ngay ven đường giao thông hoặc trong các thôn xóm gây ách tắc giao thông, mất trật tự an ninh, không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đánh giá được hiện trạng môi trường tại các khu thương mại và dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện chương trình “Quan trắc chất lượng môi trường tại các khu thương mại và dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Kết quả cho thấy hầu hết nước thải của các khu thương mại và dịch vụ đều không đạt quy chuẩn cho phép, đặc biệt các chỉ tiêu BOD5, chất rắn lơ lửng, Amoni và tổng coliforms là những chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép từ 2-30 lần, đó là do hầu hết nước thải tại các khu chợ chưa được xử lý trước khi vào hệ thống thoát nước của khu vực. Còn đối với các khu trung tâm thương mại lớn, lượng nước thải lớn, mặc dù đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tuy nhiên chưa được xử lý triệt để. Theo kết quả điều tra khảo sát tại chợ trong khu vực nội thành cho thấy 100% rác thải phát sinh của các khu chợ đã được Ban Quản lý chợ phân công công việc rõ ràng cho các tổ vệ sinh gồm khoảng từ 3-5 người có nhiệm vụ hàng ngày thu gom rác thải và vận chuyển đến điểm tập kết theo quy định để được đem đi xử lý. Đối với các chợ thuộc xã khu vực nông thôn thì rác thải phát sinh được thu gom do các hộ kinh doanh thu gom và đưa đến nơi tập kết theo quy định, tuy nhiên rác thải không được vận chuyển xử lý ngay và kịp thời dẫn đến hiện tượng rác bị tồn đọng tại chợ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý và phát triển chợ những năm qua ở các quận, huyện, thị xã mặc dù có nhiều cố gắng, song do chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong chợ, cơ sở vật chất của chợ bị xuống cấp, chưa đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, các công trình xử lý môi trường chưa được đầu tư, việc xây dựng và cải tạo các chợ chưa tính đến việc đầu tư các công trình xử lý môi trường …

Trong thời gian tới, xu hướng phát triển các loại hình thương mại hiện đại trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra nhanh hơn sẽ có ảnh hưởng đến việc cải tạo và nâng cấp các chợ truyền thống. Vì vậy, yêu cầu phát triển hài hoà, cân đối và hợp lý giữa chợ truyền thống đồng thời với các loại hình thương mại bán buôn và bán lẻ hiện đại khác, yêu cầu hiện đại hoá mạng lưới chợ truyền thống…là những đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng và thực hiện quy hoạch mạng lưới chợ Hà Nội, để đảm bảo sự phát triển ổn định và lâu dài, kết hợp với phát triển trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại phù hợp theo định hướng phát triển của Thành phố cần lưu ý những vấn đề sau:

– Không xây mới các chợ ở khu vực nội đô Từ vành đai 2 đến trung tâm.

– Hạn chế xây dựng mới các chợ ở khu vực từ vành đai 2 đến Sông Nhuệ và khu vực phát triển mới.

– Xây dựng mới các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm ở các đô thị vệ tinh với số lượng và quy mô căn cứ theo quy mô của từng đô thị được quy hoạch.

– Lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ hiện có diện tích đất chợ hơn 3.000m2 thành siêu thị, trung tâm mua sắm gắn với chợ bán lẻ thực phẩm tươi sống, khang trang và hiện đại, phù hợp với quần thể kiến trúc xung quanh. Cùng với các siêu thị, cửa hàng tổng hợp và chuyên doanh, đường phố thương mại quanh khu vực chợ để hình thành nên các khu thương mại trung tâm của quận.

– Nâng cấp và cải tạo để hình thành các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm tươi sống hạng 2 ở các phường, liên phường phục vụ nhu cầu hàng ngày của dân cư; từng bước chuyển hoá các chợ dân sinh loại nhỏ (có diện tích đất chợ nhỏ hơn 1.000m2) thành các siêu thị hạng 3, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi;

– Kết hợp với việc di dời các chợ bán buôn nông sản trong khu vực đô thị trung tâm để xây mới các chợ bán buôn nông sản quy mô lớn ở các đầu mối giao thông liên vùng.

– Tập trung vào việc cải tạo, di dời, xây mới để đảm bảo có đủ chợ dân sinh quy mô hạng 3 ở các xã, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hoá hàng ngày của nhân dân.

Cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ thị trấn, thị tứ thành các chợ lớn hơn, có quy mô chợ hạng 1, 2 để trở thành chợ trung tâm của huyện, hoặc của một tiểu vùng gồm nhiều xã trong huyện, làm hạt nhân của mạng lưới chợ dân sinh ở các xã; Lấy chợ làm hạt nhân, tổ chức quanh khu vực ảnh hưởng của chợ các loại hình thương mại, dịch vụ khác để hình thành các khu thương mại – dịch vụ tổng hợp ở các địa bàn.

– Vốn đầu tư để hoàn thiện mạng lưới chợ nông thôn được huy động từ các nguồn hỗ trợ của Ngân sách nhà nước, lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, của doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh trong chợ góp vốn trước rồi thuê lại quầy, sạp, cửa hàng trong chợ.

– Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại, các tổng đại lý ở khu vực thành thị phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, đại lý mua, bán hàng hoá… đến các chợ.

– Các chợ hoạt động không cố định, không thường xuyên như chợ đồ cũ, chợ hoa – cây cảnh – sinh vật cảnh, chợ văn hóa – du lịch, chợ tết âm lịch, chợ tết trung thu, chợ họp ban đêm, chợ họp theo giờ, chợ cuối tuần… cần được bố trí không gian phù hợp và đảm bảo phối hợp thống nhất để quản lý tốt hoạt động của những chợ này.

– Hình thành và phát triển 04 chợ đầu mối bán buôn nông sản – thực phẩm tổng hợp cấp vùng quy mô diện tích 50 – 100ha, thu hút các nguồn nông sản ở các vùng nông nghiệp lúa, rau, hoa, quả sản lượng cao của thành phố, thu hút các nguồn nông sản, thực phẩm của vùng đồng bằng sông Hồng và từ các tỉnh miền Trung và miền Nam; Chợ được bố trí có vị trí và điều kiện giao thông thuận tiện cho cả lưu thông hàng hoá nông sản trong và ngoài nước, đầu mối giao thông liên vùng ở 04 khu vực: phía Bắc (Mê Linh), phía Nam (Thường Tín – Phú Xuyên), phía Đông (Hoà Lạc, Thạch Thất), phía Tây (Gia Lâm).

Phát triển các chợ đầu mối bán buôn thành những thị trường trung tâm bán buôn hàng nông sản của vùng và cả nước, áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại. Những điều kiện phục vụ kinh doanh của chợ đầu mối không chỉ bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật, mà quan trọng hơn là những hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán như dịch vụ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, thông tin, giao dịch, đấu giá, thanh toán, vận chuyển, giao nhận hàng hoá, đóng gói, bảo quản, lưu trữ, xuất, nhập khẩu hàng hoá.

Trên cơ sở Đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống thương mại của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua, để có thể duy trì và đảm bảo môi trường trong các khu chợ, cần phải thực hiện các giải pháp sau đây:

– Việc xây mới, cải tạo hệ thống chợ hiện có trên địa bàn thủ đô cần phải đảm bảo đủ diện tích và các hạng mục cần thiết như nhà vệ sinh, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, bãi giữ xe, nơi tập kết rác …

– Thực hiện xã hội hoá trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm;

– Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi chợ các cấp, qui định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp để đảm bảo vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng chợ một cách quy củ, hiệu quả và đảm bảo vệ sinh môi trường;

– Ban quản lý chợ cần thành lập các tổ tự quản với các thành viên là các hộ kinh doanh tham gia. Mô hình tổ tự quản này sẽ góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia kiểm tra, giám sát và giữ gìn vệ sinh môi trường có hiệu quả tại các chợ; triển khai thực hiện phong trào Tổ chức quản lý chợ “An toàn – Văn minh – Hiệu quả”;

– Cần từng bước xây dựng các chợ theo tiêu chí “Chợ văn minh thương mại” nhằm góp phần làm chuyển biến tích cực bằng những biện pháp cụ thể từng ngày để chung tay góp sức giữ gìn vệ sinh môi trường cho các chợ sạch đẹp, khang trang. Xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường theo tiêu chí: Chợ “Văn minh thương mại”.

– Nâng cao vị trí, vai trò, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật, các chỉ thị, văn bản của Trung ương và Thành phố về công tác bảo vệ môi trường; Tuyên truyền cho mọi người dân “vừa đi chợ vừa bảo vệ môi trường” như việc sử dụng túi sinh thái (Eco-bag )…; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các thương nhân cùng với cộng đồng; chung tay góp sức xây dựng và quản lý tốt hệ thống chợ cả về chất lượng thương mại, cả về bảo vệ môi trường Thành phố Hà Nội.

Nguyễn Hữu Nghĩa

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội