Công trình côngnghiệp xanh VN và thế giới với Chứng nhận xanh LEED – So sánh và đối chiếu

Tại Việt Nam, các công trình thiết kế đáp ứng các chứng nhận công trình xanh (LEED, LOTUS, EGDE, GREEN MARK) ngày càng gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2010 đến nay, trong đó công trình công nghiệp luôn chiếm số lượng lớn nhất. Tính đến năm 2017, tổng số công trình công nghiệp đạt chứng chỉ xanh là 45 công trình, vượt trội so với các nhóm công trình khác.

1. Khái quát chung

Trên thế giới, theo số liệu của Hội đồng xây dựng xanh của Mỹ, các công trình công nghiệp xanh đã tăng 375% trong bốn năm kể từ năm 2013. Số lượng các công trình công nghiệp đạt chứng nhận LEED đang tăng trưởng đều đặn với 1.755 công trình công nghiệp được chứng nhận LEED trên toàn thế giới và thêm 2.710 dự án đăng ký mới tính đến năm 2016. Có thể nhận thấy các công trình công nghiệp trên thế giới ưu tiên sử dụng chứng nhận LEED, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia thuộc các ngành hóa mỹ phẩm, ăn uống, dệt may,.. có ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ và có nhu cầu gia công từng giai đoạn của sản phẩm như CoCa Cola, Nesle, P&G, …

Biểu đồ 1. Các loại chứng nhận LEED của công trình CN trên thế giới, 2016

Nguồn: Nguyễn Thị Vân Hương, 2018. Tổng hợp từ trang web Hội đồng công trình xanh thế giới

Tại Mỹ, các công trình được chứng nhận LEED có lượng phát thải CO2 thấp hơn 34%, tiêu thụ ít hơn 25% năng lượng và ít hơn 11% nước. Vì vậy, việc sử dụng chứng nhận LEED trong công trình công nghiệp được ưu tiên lựa chọn.

Bảng 1. Chứng nhận công trình xanh đã đăng ký và đăng ký mới tại Việt Nam từ năm 2010 đến cuối 2017

Nguồn: Nguyễn Thị Vân Hương, 2018, tổng hợp từ Hội đồng công trình xanh Việt Nam và

‘The Green Building Trend in Vietnam – Late entrant. Fast mover , 2017”

2. Công trình công nghiệp Việt Nam và thế giới

Công trình CN Việt Nam có một sự bứt phá ngoạn mục cả về số lượng lẫn loại mức độ chứng nhận đạt được trong những năm gần đây (2016-2018). Tác giả đi sâu vào nghiên cứu các công trình áp dụng chứng chỉ xanh – chứng chỉ LEED tại Việt Nam. Trong 11 trường hợp nghiên cứu sâu công trình CN Việt Nam có số lượng lớn chứng nhận Vàng và Bạch Kim. Các nhà máy dệt may tại Việt Nam chiếm phần lớn trong đăng ký và đạt chứng nhận LEED. Điều này cho thấy khá tương đồng với các nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Indonsia, nơi là công xưởng gia công cho các hãng quần áo nổi tiếng toàn cầu.

Để đối chiếu, tác giả cũng nghiên cứu sâu 10 công trình nhà máy ở các nước có cùng nhóm sản phẩm đạt chứng chỉ LEED trên thế giới để so sánh đối chiếu tìm ra những đặc trưng riêng cho thị trường Việt Nam. Các công trình trên thế giới mà đề tài nghiên cứu sâu tập trung nhiều ở chứng nhận vàng và bạc trong cùng lĩnh vực với công trình tại Việt Nam.

Bảng 2. Một số công trình công nghiệp đạt chứng nhận LEED tại Việt Nam và trên thế giới

Nguồn: Nguyễn Thị Vân Hương, 2018. Số liệu nghiên cứu và tổng hợp từ trang web của Hội đồng công trình xanh Mỹ

Để đạt được các mức chứng nhận của LEED, có năm yếu tố chính của thiết kế công trình công nghiệp được đánh giá bao gồm: Địa điểm xây dựng bền vững; Chất lượng và bảo tồn nước; Năng lượng và môi trường; Chất lượng môi trường trong nhà; Vật liệu và Tài nguyên. Tác giả tập trung đánh giá, so sánh đối chiếu các công trình công nghiệp Việt Nam và thế giới theo năm yếu tố chính nêu trên.

Công trình công nghiệp Việt Nam và Thế giới đạt chứng nhận LEED

– Đánh giá địa điểm bền vững

Đối chiếu so sánh theo Biểu đồ 2, tác giả nhận thấy đối với việc lựa chọn xây dựng địa điểm bền vững, các công trình CN Việt Nam ưu tiên nổi bật trong vị trí lựa chọn (100% công trình đều lựa chọn địa điểm trong KCN nên vị trí khu đất sạch), khu đất tiếp cận thuận tiện với giao thông công cộng của khu vực (11/11 công trình), hiệu ứng giảm đảo nhiệt đô thị,.. Đối với công trình CN thế giới, mức độ ưu tiên lựa chọn đều không ở mức độ cao như công trình Việt Nam từ vị trí đất sạch (6/10 công trình), giảm đảo nhiệt đô thị (8/10 công trình), tiếp cận thuận tiện giao thông công cộng khu vực (6/10 công trình). Mức độ kết nối cộng đồng của nhà máy Việt Nam cũng chặt chẽ hơn thế giới.

Biểu đồ 2. Đánh giá các ưu tiên lựa chọn địa điểm xây dựng bền vững công nghiệp xanh ở Việt Nam và thế giới

(Nguồn: Nguyễn Thị Vân Hương, 2018. Nghiên cứu và tổng hợp số liệu từ trang web của Hội đồng công trình xanh Mỹ)

– Đánh giá sử dụng nước hiệu quả

Theo biểu đồ 3, 100% trong tổng số 11 nhà máy lựa chọn sử dụng hệ thống nước thải tiên tiến, tiết kiệm nước trong tưới cây xanh cảnh quan, 100% nhà máy lựa chọn sử dụng để đem lại hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất mà vẫn bảo vệ môi trường. Đề tài cũng lựa chọn 10 công trình công nghiệp trên thế giới đạt chứng nhận LEED, so sánh đối chiếu thấy có sự khác biệt thật thú vị trong vấn đề tiết kiệm nước. Theo biểu đồ 3, các nhà máy trên thế giới không ưu tiên công nghệ xử lý nước thải tiên tiến (nhận định công nghệ sản xuất của các nhà máy này đáp ứng nước thải không gây tổn hại đến môi trường). Tỷ lệ lựa chọn tiết kiệm nước trong tưới cảnh quan và giảm sử dụng nước cũng không đạt 100% như ở Việt Nam.- Đánh giá hiệu quả năng lượng

Biểu đồ 3. Đánh giá các ưu tiên lựa chọn các yếu tố tiết kiệm nước khi xây dựng công trình công nghiệp xanh ở Việt Nam và thế giới

Nguồn: Nguyễn Thị Vân Hương, 2018. Nghiên cứu và tổng hợp số liệu từ trang web của Hội đồng công trình xanh Mỹ

Các công trình công nghiệp tại Việt Nam, có sự tương đồng lớn về các tiêu chí đánh giá công trình xanh. Theo biểu đồ 4, đề tài nhận thấy 10 trong tổng số 11 nhà máy đã ưu tiên thiết kế tối ưu hóa năng lượng, 10/11 nhà máy sử dụng hệ thống đo lường và kiểm soát năng lượng tiêu thụ, tăng cường vận hành; năng lượng tái tạo được ưu tiên sử dụng nhưng chiếm 4/11 nhà máy. Các công trình CN xanh thế giới tập trung ưu tiên thiết kế 3 yếu tố chính là tối ưu hóa năng lượng (10/10 công trình), quản lý làm lạnh tăng cường và đo lường năng lượng, không có nhà máy nào sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ.

Biểu đồ 4. Đánh giá các ưu tiên lựa chọn các yếu tố tiết kiệm năng lượng khi xây dựng công trình công nghiệp xanh ở Việt Nam và thế giới

Nguyễn Thị Vân Hương, 2018. Nghiên cứu và tổng hợp số liệu từ trang web của Hội đồng công trình xanh Mỹ

– Đánh giá về vật liệu và tài nguyên

Theo biểu đồ 5, công trình CN Việt Nam ưu tiên vật liệu địa phương (11/11 nhà máy), vật đựng tái chế và quản lý chất thải (9/11 công trình). Vật liệu tái tạo nhanh, gỗ được chứng nhận và vật liệu tái sử dụng không có nhà máy nào lựa chọn. Đối với thế giới, gỗ được chứng nhận (3/10), vật liệu địa phương (9/10 công trình), vật đựng tái chế và quản lý chất thải (9/10 công trình) được ưu tiên lựa chọn; Vật liệu tái sử dụng không có nhà máy nào lựa chọn.

Biểu đồ 5. Đánh giá các ưu tiên lựa chọn các yếu tố vật liệu và tài nguyên khi xây dựng công trình công nghiệp xanh ở Việt Nam và thế giới

Nguyễn Thị Vân Hương, 2018. Nghiên cứu và tổng hợp số liệu từ trang web của Hội đồng công trình xanh Mỹ

– Đánh giá về chất lượng môi trường trong nhà

Theo biểu đồ 6, nhà máy tại Việt Nam ưu tiên lựa chọn nhóm tác động đến chất lượng môi trường trong nhà gồm vật liệu cho tường sàn phát thải thấp, sơn, chất phủ, chất kết dính.. (11/11 công trình), tăng cường thông gió (9/11 công trình). So sánh với công trình nhà máy thế giới, nhóm ưu tiên lựa chọn cũng gồm vật liệu cho tường sàn phảt thải thấp sơn, chất phủ, chất kết dính.. (6-8/10 công trình), tiện nghi nhiệt cho công trình (7/10 công trình).

Biểu đồ 6. Đánh giá các ưu tiên lựa chọn các yếu tố chất lượng môi trường trong nhà khi xây dựng công trình công nghiệp xanh ở Việt Nam và thế giới

Nguyễn Thị Vân Hương, 2018. Nghiên cứu và tổng hợp số liệu từ trang web của Hội đồng công trình xanh Mỹ

3. Kết luận

Công trình công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh phát triển toàn cầu hóa đang trên đà phát triển mạnh mẽ theo xu hướng công trình xanh cần được nghiên cứu, đánh giá phù hợp và thiết lập các cơ sở thiết kế cơ bản để chủ đầu tư, các nhà hoạch định chính sách và kiến trúc sư định hướng và tiếp cận gần nhất với công trình xanh thế giới.

1) Lựa chọn hệ tiêu chí đáp ứng được nhu cầu lợi ích của các công ty doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước để, đảm bảo cân bằng lợi ích kinh tế và giảm thiểu tác động gây tổn hại đến môi trường Việt Nam và toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát thải khí nhà kính thấp nhất có thể.

2) Cơ sở thiết kế công trình công nghiệp xanh cần dựa trên hệ tiêu chí phù hợp Việt Nam và tiếp cận thế giới, cần được diễn giải rõ để KTS định hướng khi thiết kế, cho dù đạt chứng nhận xanh hay không cũng đảm bảo gần nhất với các tiêu chí đánh giá của công trình xanh, nhận diện và tập trung vào nhóm yếu tố phù hợp nhất với Việt Nam và mở rộng dần ra toàn bộ các cơ sở thiết kế.

Chú thích:

  • 40-49 Points CERTIFIED
  • 50-59 Points SILVER
  • 60-79 Points GOLD
  • 80+ Points PLATINUM

*ThS. Nguyễn Thị Vân Hương

Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Trường đại học xây dựng – Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2019)

—————————————————————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “The Green Building Trend in Vietnam – Late entrant. Fast mover”, EuroCham – Da Nang –November 24th, 2017
  2. “Manufacturers use LEED to boost the well-being of their workforce”, US Green Building Council.
  3. Tran Pham (2017), “The Green Building Trend in Vietnam”, SEAISI EDSA Philippines November 28th, 2017
  4. “Green building is a triple-bottom-line solution”, US Green Building Council.
  5. Hội đồng công trình xanh Mỹ, US Green Building Council.
  6. Hội đồng công trình xanh Việt Nam, Vietnam Green Building Council.