Bản sắc là cái riêng có, cái khiến cho mình tách ra được khỏi những thứ chung chung. Thành phố có bản sắc là thành phố có được nét riêng, có yếu tố văn hóa bản địa. Nếu giữ gìn được bản sắc, thành phố sẽ hấp dẫn mãi. Nếu cứ áp đặt, mang các hình thức phát triển đô thị kiểu Sài Gòn hay đâu đó lên Đà Lạt là làm nhòe đi nét đặc sắc này. Nếu mất di sản, mất cảnh quan thiên nhiên, Đà Lạt sẽ tự chết.
“Vì sao Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi nhiều thứ nhưng mãi không phát triển được?” – Có rất nhiều người đã đặt câu hỏi như vậy: “Đà Lạt sẽ xác định hướng đi từ đâu? Hình như mới nghe nói Đà Lạt đang xây dựng thành phố thông minh? Sao lại gọi là thành phố thông minh? Thành phố thông minh có được điều hành bởi con người thông minh không? Đã có con người thông minh chưa hay hết thế kỷ này sẽ tính tiếp? Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố đâu? thành phố ngàn hoa, ngàn thông đâu…?” Và còn có rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ mà chúng ta chưa thể trả lời cho rõ ngọn ngành – Vấn đề cốt lõi ở:Muốn phát triển – Đà Lạt cần gì? Câu hỏi đó sẽ được trả lời bằng hàng loạt các câu hỏi khác như:
– Đâu là bản sắc Đà Lạt? Đà Lạt hay bất cứ thành phố nào, muốn phát triển phải giữ gìn bản sắc. Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng chứ tuyệt nhiên không phải và cũng không thể là thành phố đầu tầu kinh tế như Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Nẵng. Đà Lạt có đầy đủ các yếu tố để trở thành Thành phố du lịch nghỉ dưỡng: Nhờ có khí hậu tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi, có quỹ di sản kiến trúc đô thị để người ta lui tới. Vậy, việc đầu tiên cần hiểu rõ ràng: Bản sắc Đà lạt chỉ có 2 yếu tố và luôn phải giữ để thu hút du lịch đó là nét đẹp tự nhiên của địa hình và Hệ thống các Di sản kiến trúc. Nhiều Đô thị khác, di sản của họ không đặc sắc, nhưng họ đã thực hiện bài toán: “Đẩy di sản lên để cứu kinh tế”. Vậy ta có viên kim cương trong tay, hãy giữ gìn và luôn “lau” cho nó sáng bóng.
– Giữ bản sắc như thế nào?: Bài học của Hội An khi thực hiện quy chế bảo vệ khu phố cổ, rồi khai thác các làng nghề truyền thống trong chuỗi du lịch đường thủy trên sông Hoài là một ý tưởng rất thông minh, không tốn kém mà lại hiệu quả. Bài học của Hà Nội khi tái hiện lại khu phố Tạ Hiện (Trước và sau khi con phố này được trùng tu, cải tạo, giá thuê căn nhà ở đây đã tăng gấp hơn 10 lần- Theo Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội). Hầu hết các đô thị hiện nay cũng đang xem xét điều kiện, bối cảnh của mình để phân tích, tìm bản sắc, từ đó xây dựng hướng đi bền vững cho địa phương. Có rất ít địa phương có được điều kiện như Đà Lạt, Sa Pa.
– Đà Lạt đang gặp những vấn đề gì? Như phân tích ở trên thì Đà Lạt đang gặp phải vô số vấn đề đi ngược lại giá trị, làm mất dần bản sắc đô thị, đó là:
- Liên tục phá bỏ di sản: Từ việc di sản “Bị bỏ đói”, không được chăm sóc, không khai thác được dẫn đến tình trạng Di sản xuống cấp hàng loạt, bằng cách này hay cách khác bị tháo dỡ dần, bị đập bỏ di dời hoặc bị các khối bê tông mới xây xen vào, làm biến dạng di sản… Tất cả những hành động vô tình hay hữu ý đều đẩy đến tình cảnh lõi trung tâm đô thị mất dần giá trị, không thể thu hút như trước;
- Quản lý xây dựng khu lõi trở nên bị mất kiểm soát: Khu trung tâmđang đẩy mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất lên quá cao, tích hợp quá nhiều chức năng thương mại vào trong, không khống chế được chiều cao và khối tích công trình…
Trước mắt, Đà Lạt đang cần giải quyết vấn đề gì?
Đà Lạt cần xác định lại và kiên định đi theo định hướng giữ gìn bản sắc bằng các hành động quyết liệt như bảo vệ cây thông, bảo vệ Di sản. Cụ thể là:
- Giữ gìn chợ truyền thống và những khu phố thương mại mang hồn cốt một Đà Lạt mơ không nên giải tỏa nhường chỗ cho trung tâm thương mại. Thay vì xây nhiều trung tâm thương mại, nên tập trung cho Công trình văn hóa và sinh hoạt cộng đồng (yếu tố Đà Lạt cần mà đang rất thiếu…). Không thể lấy các giải pháp của TP. HCM, Đà Nẵng để áp dụng với Đà Lạt, cũng như không đẩy Đà Lạt thành thành phố thương mại được;
- Mục tiêu “Là đô thị loại I và hướng đến thành phố trực thuộc trung ương”, vậy thì Đà lạt cần có đủ chỉ tiêu về cây xanh công viên tập trung: Là các cây bóng mát thực sự chứ không phải chỉ là những khóm hoa ven đường như hiện nay
Đà Lạt không phải chỉ của người Đà Lạt, trong nghị quyết và trong phần tính chất của đô thị Đà Lạt cũng ghi rõ như vậy. “Là trung tâm cấp vùng, là đô thị du lịch của cả nước”. Quyết định 704/QĐ-TTg đã nêu rõ: “Đà Lạt là Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia…”.
Với việc xác định lại những mục tiêu và hướng đi sắc nét, riêng biệt, độc đáo, với sự cầu thị của các cấp lãnh đạo thành phố, chắc chắn Đà Lạt còn cơ hội, sẽ còn kịp để thực hiện được ước mơ đó! Hy vọng Đà Lạt sẽ chậm lại để nhìn sâu vào bên trong, để không bị những mục tiêu kinh tế trước mắt phủ mờ đi mục tiêu phát triển bền vững của mình.
KTS. Cao Thành Nghiệp-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên
©