Đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản

Đây là chủ đề chính đã được đưa ra thảo luận trong Hội thảo Bảo tồn Di sản Đô thị – Chìa khoá phát triển bền vững do AkzoNobel Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức trong tháng 4 vừa qua.

Các diễn giả thảo luận về giải pháp bảo tồn di sản Việt Nam trong hội thảo Bảo tồn Di sản đô thị

Việt Nam đang trải qua thời kỳ phát triển kinh tế và đô thị với tốc độ thuộc hàng cao nhất khu vực. Giữa làn sóng phát triển mạnh mẽ này, vấn đề bảo tồn di sản càng trở nên đáng lưu tâm. ThS. KTS. Cao Thành Nghiệp, Giám Đốc Ban quản lý dự án trùng tu Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định trong hội thảo: “Di sản không phải tự nhiên mà có, di sản là công sức mà cha ông đã dày công xây dựng nên, vì vậy trách nhiệm bảo tồn là trách nhiệm chung của toàn dân tộc”.

Từ kinh nghiệm của một trong những quốc gia đi đầu về mô hình xây dựng đô thị hiện đại đồng thời có nhiều thành công về bảo tồn các công trình di sản, Larry Ng, Giám đốc nhóm Thiết kế Kiến trúc và Đô thị thuộc Bộ Phát triển Quốc gia Singapore, mang đến hội thảo nhiều chia sẻ ý nghĩa. Theo đó, việc bảo tồn di sản tại Singapore được làm theo kế hoạch chỉn chu và đồng bộ, mỗi năm đều có thống kê, đánh giá và tôn vinh, do đó vấn đề này đã trở thành mối quan tâm của tất cả những ai sinh sống và làm việc tại đất nước này. Hiện Singapore có 7.000 tòa nhà và 72 công trình lịch sử được bảo tồn. Quốc gia này đã xây dựng hành lanh pháp lý dành cho bảo tồn di sản. Đặc biệt, Singapore có diện tích khá nhỏ nên việc quy hoạch sử dụng đất được chú trọng. Một minh chứng của việc quy hoạch thông minh là xây dựng khu nhà ở cho người dân ở ngay sau di sản để tăng cường tối ưu hóa diện tích cho người dân đồng thời đảm bảo công tác bảo tồn.

Từ một đảo quốc bé nhỏ với lịch sử phát triển mới chỉ hơn 50 năm, nhưng khi chọn cách cân bằng giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế hiện đại và bảo tồn các di sản văn hóa nghệ thuật thì Singapore đã trở thành một cường quốc đáng sống như bây giờ.

Ông Larry Ng chia sẻ về kinh nghiệm bảo tồn di sản của Singapore

Nhận định về vấn đề này ở Việt Nam, ông Cao Thành Nghiệp, Giám Đốc Ban quản lý dự án trùng tu Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chúng ta còn đang gặp nhiều áp lực như tốc độ phát triển quá nhanh, di sản dần xuống cấp, quỹ di sản bị thu hẹp trong khi chưa có luật bảo tồn di sản và hoạt động nghiên cứu, đánh giá đúng mực.

Theo ông Larry, Việt Nam có diện tích lớn hơn, đã có hoạt động bảo tồn nhưng người dân có xu hướng tập trung sinh sống ở khu vực trung tâm – vùng đất có giá thành đắt đỏ, nên việc cân bằng tốc độ đô thị hóa với công tác bảo tồn là đặc biệt quan trọng. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam là đất nước giàu có và phong phú về văn hóa di sản, đây không chỉ là vấn đề gìn giữ lịch sử, mà nếu biết khai thác hiệu quả thì còn là tiềm năng kinh tế rất lớn. Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh hơn hoạt động giữ gìn di sản đô thị, không làm mai một lãng phí những tài sản vô giá này như con đường đáng tiếc mà Hồng Kông đã đi.

Bằng những câu chuyện thực tế trong quá trình lên kế hoạch và tiến hành trùng tu công trình Tòa án Nhân dân TP.HCM trong suốt 13 năm, ông Nghiệp hy vọng tất cả mọi người sẽ dành sự quan tâm đúng mực hơn cho vấn đề bảo tồn di sản nơi mình đang sinh sống và lập nghiệp. Điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho việc bảo tồn các công trình tiếp theo như Dinh Thượng Thơ (hiện là trụ sở Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM), cầu Bình Lợi cũ…

Thảo luận về giải pháp bảo tồn, các diễn giả đều có chung quan điểm rằng bảo tồn di sản là nhiệm vụ chung của chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương. Ông Larry Ng chia sẻ: “Bảo tồn di sản là bảo tồn giá trị văn hóa. Kiến trúc sư và chính phủ phải làm việc chặt chẽ cùng nhau. Ví dụ, ở Singapore, khi có một dự án bảo tồn, các kiến trúc sư sẽ hợp tác với nhau chứ không làm việc độc lập để tìm ra giải pháp tối ưu”.

Đặc biệt, các diễn giả đánh giá cao việc sử dụng các nguyên vật liệu với công nghệ hiện đại, có khả năng bảo vệ các công trình trước ảnh hưởng của thời tiết đồng thời giữ được giá trị thẩm mỹ của chúng.

Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Sơn và chất phủ không chỉ có tác dụng bảo vệ mà còn giúp tạo ra cảm xúc cho các công trình. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với các công trình di sản. Chúng tôi đánh giá rất cao những sản phẩm cũng như những nỗ lực của AkzoNobel, giúp những người làm nghề kiến trúc như chúng tôi có thêm những lựa chọn và giải pháp bảo tồn di sản hiệu quả trong suốt thời gian qua”.

Trong hội thảo, bà Pamela Phua, Tổng Giám đốc AkzoNobel Việt Nam đã giới thiệu về giải pháp sơn thuộc thương hiệu Dulux Professional với các tính năng che phủ vượt trội và có thể giữ được màu nguyên bản của công trình. Thời gian qua, AkzoNobel đã góp phần bảo tồn thành công nhiều biểu tượng quốc gia trên thế giới như: Burkill Hall tại Singapore, Malacca tại Malaysia, bảo tàng Rijks tại Hà Lan. Tại Việt Nam, công ty đã đóng góp vào việc tu sửa Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố, và dự án bảo vệ Hải đăng tại Việt Nam.

Hội thảo “Bảo tồn Di sản Đô thị – Chìa khóa phát triển bền vững” được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự phối hợp của Tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và thương hiệu Dulux Professional của AkzoNobel. Hai sự kiện diễn ra vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Đây là diễn đàn nơi các chuyên gia và kiến trúc sư cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về bảo tồn các công trình kiến trúc trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.Chương trình thu hút hơn 450 kiến trúc sư, nhà phát triển, chuyên gia và báo chí trong lĩnh vực cùng tham gia thảo luận về vấn đề đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản. Trong hội thảo có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của những chuyên gia di sản đến từ Ý, Singapore và Việt Nam. Qua đây, nhiều vấn đề của bảo tồn di sản đã được đưa ra thảo luận như “làm mới hay phục hồi” di sản trong một bối cảnh kinh tế hiện đại, những yêu cầu cần thiết của công tác bảo tồn trong xã hội hiện nay, những giải pháp bảo tồn mới nhằm đảm bảo cân bằng giữa giá trị lịch sử và đô thị hóa, làm thế nào để áp dụng kinh nghiệm ngước ngoài cho hợp lý…

Đinh Hằng –

©