Đặt lại vấn đề bảo tồn lõi Trung tâm Văn hóa – Lịch sử của TPHCM

Chưa bao giờ việc cải tạo một công trình như UBND TP HCM lại thu hút dư luận và giới KTS như vậy. Tâm điểm tranh luận gồm cả phương án do tư vấn kiến trúc Mỹ Gensler đề xuất lẫn ý đồ phá bỏ di sản Dinh Thượng Thơ.

Ý kiến trái chiều về phương án mở rộng Ủy ban nhân dân của Gensler

Phương án mở rộng tòa nhà trụ sở UBND TP HCM do Công ty Tư vấn kiến trúc Mỹ Gensler đã được trưng bày để lấy ý kiến người dân và chuyên gia. Khuôn viên trung tâm hành chính mới rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Đồng Khởi và Lý Tự Trọng.

Toàn bộ trụ sở UBND TP HCM hiện hữu ở đường Lê Thánh Tôn được giữ nguyên. Các tòa nhà phía sau đang là trụ sở Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin – Truyền thông… (quay mặt ra đường Lý Tự Trọng) sẽ phá đi và xây mới cao hơn, kết nối với toà nhà UBND hiện hữu.

Công trình là toà nhà có 4 tầng hầm và 6 tầng nổi, bao gồm tất cả các phân khu chức năng: Làm việc, tiếp dân, đón khách, thư viện, hội trường… Đây sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan với khoảng 1.700 nhân sự.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM cũng cho biết tòa nhà Dinh Thượng Thơ cũ (hiện là trụ sở Sở Thông tin – Truyền thông) không thuộc công trình bảo tồn nên phương án thiết kế không giữ lại phần này.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Về mặt chiến lược, khu đất 18.000 m2 quá nhỏ để nâng cấp, mở rộng thành trung tâm hành chính của TP HCM – dự kiến là nơi làm việc của 8 cơ quan, sở ngành với khoảng 1.700 người: “Diện tích này không đảm bảo nhu cầu sử dụng hiện nay cũng như trong tương lai vì thành phố đang phát triển rất nhanh. Hiện là một siêu đô thị mười mấy triệu dân rồi, 5-10 năm nữa sẽ lại rơi vào cảnh quá tải”.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cảnh báo, nếu cố gắng nhồi nhét nhiều sở ngành (hàng nghìn người làm việc) vào một chỗ sẽ tạo ra ách tắc giao thông rất lớn tại khu vực này. Cho dù sắp tới tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên hoàn thành cũng không đáp ứng được về mặt giao thông vì TP chưa có mạng lưới metro tỏa đi khắp hướng. Như vậy, nhu cầu người dân lái xe đến khu vực này là rất lớn, chắc chắn sẽ gây ùn tắc trầm trọng. Ông Sơn cũng đề xuất nên xây dựng trung tâm hành chính mới ở Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Địa điểm này phù hợp xu thế phát triển, đi lại thuận lợi, giúp kích thích khu vực bên kia sông phát triển cũng như giải quyết được vấn đề giao thông – “Vị trí tốt nhất, theo tôi, là thẳng theo trục đường Nguyễn Huệ, nằm ở phía bên quận 2. Từ đường Hàm Nghi xây một cây cầu bắc qua thì đi bộ từ trụ sở UBND TP hiện nay qua bên đó chỉ mất 10-15 phút”.

Mặt khác, ý tưởng thiết kế của Công ty Gensler (Mỹ) không phù hợp, quá tương phản với trụ sở hiện tại của UBND TP HCM. “Tuy nhiên, tương phản hay không còn do quan điểm kiến trúc và quan trọng là đề bài mà thành phố giao cho đơn vị thiết kế thế nào, chứ bản thân đơn vị thiết kế cũng không quyết định được”.

Việc ngầm hóa văn phòng tại trụ sở UBND được ông Sơn dự báo là chi phí rất cao, trong khi đây cũng không phải thiết kế độc đáo. Ngoài ra, chi phí vận hành cũng cao gấp đôi và sẽ là gánh nặng lâu dài cho ngân sách thành phố.

DINH XÃ TÂY

Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt.

Công trình xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do KTS Femand Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu lầu chuông đúc cao có nóc nhọn thường phổ biến ở vùng miền Bắc nước Pháp.

Kiến trúc của tòa nhà mang phong cách pha trộn hai văn hóa Ý và Pháp thời kỳ Phục Hưng. Nhìn về tổng thể, tòa nhà có cấu trúc khá đơn giản. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối. Hai phía bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại. Phần trang trí của tòa nhà ngoài các họa tiết, còn có 3 bức tượng đắp nổi đặc biệt. Đó là tượng một phụ nữ và hai đứa bé đang chế ngự bầy thú dữ (ở giữa) và tượng hai phụ nữ khác trong tư thế cầm gươm (ở hai bên trái, phải).

Đồng quan điểm trên, KTS Võ Kim Cương (nguyên Phó KTS trưởng TP HCM) ủng hộ phương án xây trung tâm hành chính mới ở Thủ Thiêm vì khu vực này hạ tầng kỹ thuật hiện đại hơn, vừa tạo lực hấp dẫn và sức hút đầu tư – phù hợp xu hướng thành phố muốn làm đô thị sáng tạo phía Đông.

Theo ông Cương, xét về thời điểm, TP HCM chưa nên làm trung tâm hành chính bây giờ vì còn rất nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường…

“Khi xây dựng trung tâm hành chính sẽ tạo ra khối lượng công trình lớn. Việc giải tỏa các trụ sở cũ để xây tòa nhà mới sẽ tạo thêm áp lực cho khu trung tâm. Lúc đó nạn kẹt xe sẽ nặng thêm”.

Lo ngại di sản gần 160 tuổi bị đập bỏ

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM cho rằng, toà nhà 59-61 Lý Tự Trọng (Dinh Thượng thơ cũ) không thuộc “công trình bảo tồn” nên phương án thiết kế của Công ty Gensler không giữ lại phần này, phần lớn giới KTS không đồng tình với quan điểm này. Bởi giá trị bảo tồn công trình cổ nằm ở chỗ giữ nguyên vẹn cả kiến trúc lẫn không gian đô thị xung quanh.

Trong vòng bán kính 500-1.000 m, tính từ vị trí xây khu hành chính mới được xem là vùng lõi, đang có nhiều công trình kiến trúc đều trên 100 năm, trở thành biểu tượng của TP HCM như: Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Nhà hát Thành phố, Bưu điện, Tòa án, chợ Bến Thành…

Dinh Thượng Thơ do người Pháp bắt đầu xây vào những năm 1860, trước đây là Nha giám đốc Nội vụ (người dân gọi là Dinh Thượng thơ), có vai trò điều hành trực tiếp về các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Về mặt chính quyền lúc bấy giờ, toà nhà có vai trò quan trọng chỉ sau Dinh Norodom (vị trí Dinh Thống Nhất ngày nay).

Đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Văn phòng Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ (213 Đồng Khởi). Vào đầu thế kỷ 20, toà nhà còn có tên là Văn phòng Chính phủ. Kể từ năm 1955 dùng làm Bộ Kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Công trình được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.

Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu 1864, thì công trình này đã gần 160 tuổi.

KTS Võ Kim Cương cho rằng: “Phương án tốt nhất là không phá bỏ các công trình cũ, nhất là dinh Thượng Thơ và cả trụ sở Sở Giao thông Vận tải (vốn là trụ sở Bộ Quốc phòng của chế độ Sài Gòn). Những công trình này đã tạo ra một điểm vàng về kiến trúc tương đối ổn định”.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng việc phá bỏ trụ sở Sở Thông tin – Truyền thông phía sau UBND TP HCM (góc đường Lý Tự Trọng – Đồng Khởi) sẽ là điều “vô cùng đáng tiếc” bởi đây vốn là tòa nhà dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước. “Thành phố phải làm gương trong việc bảo tồn di sản, nếu không đừng mong nhà đầu tư sẽ bảo tồn. Giá trị của công trình này không cần phải bàn cãi nữa, bởi nó là công trình lịch sử lâu đời của thành phố, hoàn toàn có thể bảo tồn và bố trí chức năng phù hợp”.

Cần công bố quy hoạch chi tiết khu trung tâm văn hóa-lịch sử mang tính di sản

Từ năm 2007, phương án quy hoạch khu trung tâm TP HCM của công ty thiết kế Nhật Bản Nikken Sekkei (đoạt giải Nhất) đã được chọn để triển khai thực hiện. Phương án này xác định: “Khu trung tâm văn hoá – lịch sử gồm các trục đường Đồng Khởi, tổng thể công viên trước Dinh Độc Lập, vườn Tao Đàn, khu công sở Pháp cũ, trụ sở Ủy ban Nhân dân và Nhà hát. Khu biệt thự cao cấp hoặc ngoại giao trước đây (trên các đường Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Quí Đôn…).”

Vậy mà các tiếng kêu cứu bảo tồn di sản kiến trúc khu trung tâm TP HCM cứ mãi vang lên từ năm này sang năm khác. Vì sao? Lý do chính là cho đến nay TP.HCM vẫn chưa xác định rõ ràng bằng quy hoạch và văn bản khu vực lịch sử cần bảo tồn ở khu trung tâm nên rất khó có cái nhìn tổng thể cũng như ý kiến về công trình nào nên giữ lại toàn bộ, giữ lại từng phần, hoặc cần phá bỏ đi xây mới.

Gần đây là vụ Thương xá Tax, ban đầu không ai muốn phá bỏ đi một công trình mang đậm tính di sản này, nhưng thành phố cứ âm thầm lên phương án xây dựng mới.

Vụ khu cảng Ba Son trong phương án quy hoạch khu trung tâm thành phố mở rộng do Nikken Sekkei đề xuất và được duyệt, dự kiến dành làm khu văn hóa, công viên thì nay lại cho làm khu nhà ở cao tầng quy mô lớn.

Giới KTS cho rằng yêu cầu cấp bách hiện nay phải chăng là TP HCM nên sớm công bố quy hoạch chi tiết khu lõi trung tâm văn hóa – lịch sử mang tính di sản, và nhất là quyết tâm thực hiện theo bản quy hoạch đó. Có như thế mới không bị động và làm mất lòng dân, khi cứ lâu lâu lại nổi lên dư luận tranh cãi về các công trình di sản này nọ ở khu trung tâm TP. Rồi đâu lại vào đấy và di sản ngày càng mất dần!

KTS Nguyễn Hữu Thái

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2018)