Đẩy mạnh các dự án trọng điểm phát triển TP Thái Nguyên theo hướng bền vững

Thành phố Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1645/QĐ-TTg ngày 01/9/2010 công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 tại Quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016 với phạm vi, ranh giới lập quy hoạch có tổng diện tích là 22.313,6 ha, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thành phố Thái Nguyên hiện có 17.069,8ha và mở rộng 5.243,8 ha về các phía: Phía Bắc là xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); phía Đông là thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình).

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, TP Thái Nguyên đang ngày càng thể hiện rõ sức mạnh của một đô thị loại I với các tiềm năng, thế mạnh, động lực phát triển về mọi lĩnh vực trong đó có phát triển đô thị đang từng ngày được thể hiện rõ rệt.

Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 đã xác định rõ thành phố Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên; là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, đầu tàu phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội; là đô thị cửa ngõ, có vai trò kết nối giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Với vai trò, trách nhiệm lớn lao, TP Thái Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên mọi lĩnh vực: Văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế và dịch vụ, nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của một trung tâm vùng, thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển vào tỉnh, thành phố, từng bước tạo dựng một bộ mặt đô thị mới mẻ, hiện đại, tràn đầy sinh lực.

Ngoài các tiềm năng thế mạnh của tỉnh tập trung tại TP Thái Nguyên như: Phát triển đô thị tri thức, đô thị công nghiệp, hệ thống hạ tầng cơ sở đang hoàn thiện ở mức độ cao, có thể kể đến các dự án trọng điểm của tỉnh theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đang triển khai trên địa bàn thành phố với vai trò thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển mọi mặt của thành phố trong đó có phát triển đô thị.

Dự án phát triển đô thị hai bờ sông Cầu

Đề án chống lũ lụt sông Cầu được Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc – Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) – Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT). Đề án gồm có 9 dự án thành phần: Dự án số 1 và số 2: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ hữu, đê bờ tả sông Cầu đoạn qua TP Thái Nguyên; Dự án số 3: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê hai bên suối Mo Linh đoạn qua TP Thái Nguyên; Dự án số 4: Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bẩy, đập Thác Huống; Dự án số 5: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu; Dự án số 6: Nạo vét, mở rộng lòng sông đoạn từ cầu Cao Ngạn đến đập Thác Huống; Dự án số 7: Xây dựng mở rộng đập Thác Huống, đập Quang Vinh; Dự án số 8: Xây dựng mới 4 cây cầu (cầu Quang Vinh, cầu Quang Vinh 2, cầu Xuân Hòa, cầu Huống Thượng) và sửa chữa, nâng cấp cầu Gia Bẩy; Dự án số 9: Xây dựng cầu Bến Oánh, cầu Mo Linh qua suối Mo Linh.

Đề án có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng, chưa bao gồm kinh phí đầu tư các dự án thu hồi vốn, chủ yếu là các dự án phát triển đô thị, các khu chức năng hỗn hợp với mục tiêu tạo ra một diện mạo mới về đô thị cho TP. Đây là một chương trình lớn của tỉnh với mục tiêu chỉnh trị sông Cầu, cải thiện cơ bản diện mạo đô thị, phát triển mạnh, cân đối về đô thị cả hai bên sông Cầu, đưa sông Cầu trở thành huyết mạch quan trọng của TP Thái Nguyên theo đúng Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc

Dự án Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc

Khu du lịch Hồ Núi Cốc nằm trên địa bàn TP Thái Nguyên, huyện Đại Từ và thị xã Phổ Yên.

Với mục tiêu phát triển Hồ Núi Cốc thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia, trong thời gian qua, UBND tỉnh, thành phố đã thực hiện kêu gọi, thu hút đầu tư mạnh và đã có nhiều dự án lớn đã và đang triển khai thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng du lịch, góp phần tạo diện mạo mới về đô thị cho TP Thái Nguyên và các khu vực lân cận.

Có thể kể đến dự án lớn do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư với hệ thống giao thông đối ngoại, đường ven hồ, khu du lịch tâm linh. Các hạng mục quan trọng của dự án chủ yếu thuộc địa bàn TP Thái Nguyên trong đó có đường Núi Cốc (đường Bắc Sơn kéo dài) nối giữa trung tâm thành phố với Hồ Núi Cốc với quy mô đường 61m, tổng mức đầu tư khoảng trên 2.500 tỷ đồng, đóng vai trò tuyến nhấn, huyết mạch kết nối cả về không gian, kết nối kinh tế xã hội giữa trung tâm thành phố với Hồ Núi Cốc.

Dự án đô thị động lực

Dự án đô thị động lực

Dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực” được triển khai tại các đô thị thuộc 5 tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Yên Bái, Ninh Bình và Thái Nguyên, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương thông qua các giải pháp đô thị tổng hợp về phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị. Dự án tại TP Thái Nguyên có tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD. Hiện TP Thái Nguyên đang hoàn thiện thủ tục trình các Bộ, ngành Trung ương để có thể triển khai đầu tư dự án vào năm 2018 sau khi Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu chính của dự án là tăng cường kết nối và cải thiện chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm chi phí giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất, thương mại cho TP Thái Nguyên và các địa phương lân cận. Cải thiện chất lượng môi trường khu dân cư do ô nhiễm nước thải tại khu vực trung tâm thành phố, giảm thiểu nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa; cải thiện năng lực thoát nước cho một số tuyến mương suối thoát nước chính của thành phố; tăng hiệu quả đầu tư của các trạm xử lý nước thải đã thực hiện bởi các dự án.

Dự án dự kiến gồm các hợp phần cơ bản như: Nâng cấp hạ tầng giao thông và ngầm hóa hệ thống kỹ thuật một số tuyến đường, xây dựng mới hệ thống đường, cầu qua sông Cầu; ngầm hóa hệ thống kỹ thuật một số tuyến đường; Xây dựng mở rộng trường một số trường mầm non; Tập trung chống ngập và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường như: hệ thống hồ, mương, suối trong đô thị. Xây dựng mô hình mô phỏng các tình huống ngập lụt và giải pháp thủy lực thoát nước cho toàn TP, sử dụng phần mềm MIKE URBAN nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát ô nhiễm…

Dự án Khu liên cơ quan và Sân vận động tỉnh Thái Nguyên

Với mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tiết kiệm, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ phát triển khu vực phía Đông sông Cầu, cân đối về phát triển đô thị giữa hai khu vực bên sông, kết nối không gian kiến trúc cảnh quan đô thị; Đề án Khu liên cơ quan tỉnh Thái Nguyên và Sân vận động tỉnh Thái Nguyên đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng tại khu vực phía Đông sông Cầu thành phố Thái Nguyên với quy mô sử dụng đất dự kiến của Khu liên cơ quan khoảng 20ha với đầy đủ các chức năng của một khu hành chính cấp tỉnh hiện đại, chất lượng để phục vụ nhân dân, tạo một đối trọng quan trọng đối với khu vực đô thị hiện hữu phía Tây sông Cầu. Đề án hiện đang được hoàn thiện, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, từng bước nâng cao chất lượng bộ mặt đô thị, chất lượng về dịch vụ hành chính công của tỉnh.

Cùng một số dự án quan trọng khác, mang tính chất cấp vùng của tỉnh được triển khai trên địa bàn TP như: Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Quảng trường Võ Nguyên Giáp, nghĩa trang cấp vùng An Lạc Viên, các khu đô thị kiểu mẫu, Khu liên hợp thể thao tỉnh tại Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên… Đây là một yêu cầu, tiêu chí quan trọng để TP Thái Nguyên xây dựng, phát triển xứng đáng là một đô thị hiện đại, trung tâm của tỉnh, của vùng.

Hoàng Đức Khánh – Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 9/2017)