Để Cù Lao Phố phát triển mang đậm dấu ấn “Mở đất Phương Nam”

Cù Lao Phố, nay thuộc Xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là vùng đất có một vai trò đặc biệt trong tiến trình mở cõi phương Nam của dân tộc ta nói chung và Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng.

Hiện tại, Cù Lao Phố vẫn còn lưu giữ 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 3 ngôi tịnh xá, 1 Thất Phủ Cổ Miếu, 1 Thánh thất Cao Đài và rất nhiều công trình di tích nhà cổ và lăng mộ mang giá trị lâu đời. Đây là vùng đất mà giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại dường như có một sự liên kết rất đặc biệt, sự liên kết đó được thể hiện trong mối quan hệ tương tác giữa đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân với các cơ sở di tích tín ngưỡng – tôn giáo được kế thừa từ trong quá khứ. Sự liên kết đó có được nhìn nhận mức độ nông hay sâu, bền bỉ hay chóng vánh, có góp phần bảo lưu những giá trị tinh hoa, hay định hình nên những giá trị văn hóa mới phục vụ cho nhu cầu phát triển của vùng đất này trong hiện tại và tương lai… Đó là những nội dung quan trọng được đặt ra trong bài viết này.

Lịch sử hình thành và phát triển

Cù lao Phố rộng khoảng 600 ha (6,6 km2), có hình dạng chiếc chuông chùa treo nghiêng, đỉnh chuông ở xóm Bình Tự nằm về phía Đông Bắc. Hướng Tây Nam lên Đông Bắc là dòng chảy của sông Cái, còn gọi là Rạch Cát (tên chữ: Sa Hà) uốn vòng tạo thành hình thân chuông. Dòng chính Đồng Nai chảy thẳng hướng Tây Bắc – Đông Nam tạo thành hình đáy chuông. Tuyến đường sắt xuyên Việt và Quốc lộ 1 băng qua mỏm phía Tây Cù Lao (khóm Thành Hưng) bởi hai chiếc cầu rạch Cát và cầu Ghềnh (Gành) được xây vào năm 1903, nối đôi bờ sông Đồng Nai. Hiện nay việc xây dựng thêm các cầu Hiệp Hòa, Bửu Hòa và An Hảo cùng các tuyến đường giao thông huyết mạch này giúp kết nối Cù Lao Phố với TP HCM cùng các tỉnh miền Tây và các tỉnh thành trong cả nước. Hệ thống giao thông đường thủy nối kết trên sông Đồng Nai cũng là ưu thế đặc thù của vùng đất với các tuyến sông rạch TP HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện trạng Cù Lao phố

Sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa công chúa Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chay Chetta II năm 1620, người Việt bắt đầu di dân vào vùng đất phương Nam, tiến hành công cuộc khai hoang mở cõi.

  • Đến tháng 6/1679, nhóm di thần nhà Minh do Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch cầm đầu dẫn theo khoảng 300 người đi trên năm mươi thuyền từ Quảng Đông vào Đàng Trong xin tị nạn. Chúa Hiền, tức Nguyễn Phúc Tần, cử người dẫn đường đưa họ vào làm ăn sinh sống ở Bàn Lân và Mỹ Tho. Số người Minh tới đất Đồng Nai lập xã Thanh Hà (kéo dài từ Bàn Lân đến Bến Gỗ), cùng với người Việt đến trước xây dựng cảng Nông Nại Đại Phố, thu hút thương buôn trong và ngoài nước đến trao đổi buôn bán sầm uất suốt gần một thế kỷ.
  • Năm 1698, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược, mở mang đất phương Nam. Tổng hành dinh của ông đặt tại đất Cù Lao Phố, lập phủ Gia Định gồm hai huyện: Phước Long (đặt dinh Trấn Biên); Tân Bình (đặt dinh Phiên Trấn). Đến năm 1776, Nguyễn Huệ đưa quân vào đánh chúa Nguyễn ở Gia Định, phố lớn Nông Nại bị tàn phá bởi khói lửa chiến tranh. Người Hoa kéo về vùng Chợ Lớn (Sài Gòn) làm ăn, lập nên thương cảng Sài Gòn thay thế cho cảng Nông Nại đã bị lụi tàn. Cù lao Phố trở thành một làng quê yên ả, không còn cảnh trên bến dưới thuyền, phố sá nhộn nhịp nữa. Năm 1836, địa bạ Nam Kỳ được lập, lúc này Cù lao Phố có tất cả 12 thôn xã. Theo quy định của nhà Nguyễn, nơi nào có 50 suất đinh trở lên thì được phép lập thôn xã, như vậy có thể đoán trong thời gian này Cù lao Phố có khoảng 600 đinh, ước độ 2000 dân.

Định hướng phát triển Cù Lao phố trong quy hoạch chung thành phố Biên Hòa

Quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 25/07/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh QHC Thành phố Biên Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 do Phân Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn miền Nam (SIUP) phối hợp với nhóm chuyên gia Nhật thực hiện. Trong đó xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố) có những chức năng vùng như sau:

  • Cù lao Phố thuộc khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống: Khu đô thị trung tâm lịch sử phát triển theo hướng cải tạo chỉnh trang là chủ yếu, kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan đặc trưng, gồm toàn bộ phần phía Tây Bắc đô thị, giới hạn bởi ranh giới hành chính với tỉnh Bình Dương, xã Bình Hòa huyện Vĩnh Cửu, Trục đô thị, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51; có sông Đồng Nai là trục cảnh quan trung tâm và cù lao Hiệp Hòa (Cù lao Phố) ở vị trí trung tâm.
  • Cù lao Phố là khu Trung tâm văn hóa cấp vùng, quy mô 25 ha. Khu trung tâm văn hóa tại cù lao Hiệp Hòa gắn với vùng đất có ý nghĩa to lớn về văn hóa lịch sử, nơi lưu giữ các giá trị lịch sử văn hóa hơn 300 năm của vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai; Việc phát triển khu nhằm tạo dựng một hình ảnh mới của “Cù lao Phố” mang tính biểu tượng của thành phố văn hóa trong mục tiêu phát triển của đô thị Biên Hòa, kết nối các giá trị lịch sử và đương đại.
  • Công viên văn hóa – sinh thái Cù lao Hiệp Hòa (Cù lao Phố), quy mô 220 ha (chiếm 40% diện tích tự nhiên cù lao Hiệp Hòa) là lá phổi xanh cho trung tâm thành phố, một không gian công viên chuyên đề kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và vui chơi giải trí mang tính công cộng, gắn kết không gian với sông Đồng Nai, sông Cái tạo bản sắc đặc trưng cho đô thị; không gian mở…; Việc phát triển khu trung tâm gắn với mảng xanh của công viên sinh thái, công viên chuyên đề nhằm bảo tồn làng nghề, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn không gian sống lâu đời tại cù lao Hiệp Hòa.

Với yêu cầu cấp bách của phát triển đô thị, QH chi tiết Cù lao Phố cần được khẩn trương triển khai thực hiện kịp tiến độ, việc nghiên cứu góp ý xây dựng một hình ảnh đúng đắn cho vùng đất này là một việc vô cùng cần thiết, Hội KTS Đồng Nai cũng đã tổ chức một buổi tọa đàm với nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia vào đầu tháng 8/2017, tác giả xin được tóm tắt đề xuất một phương án cụ thể cho Quy hoạch tổng thể phát triển Cù lao Phố rất mong được lắng nghe góp ý thêm.

Phương án đề xuất Quy hoạch Phân khu Cù lao Phố

Một số đề xuất cụ thể trong công tác quy hoạch mới Cù Lao phố

1. Đối với các khu ở hiện trạng lâu đời: Cần thiết được quy hoạch giữ lại với mức độ cao nhất. Tại một số khu vực phù hợp sẽ quy hoạch khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng dạng “homes tay” mang đậm chất “khai phá” của những cư dân đã có mặt đầu tiên từ những ngày mở cõi phương Nam.

Cần có bài toán cụ thể và hiệu quả cho việc quy hoạch sắp xếp lại khu nhà ở làng bè trên sông Cái tạo nét độc đáo riêng cho cảnh quan sông nước vốn có của vùng đất này.

2. Khu vực các công trình di tích: Cần nêu bật được các đánh giá cụ thể chi tiết trên bản đồ hiện trạng về các công trình hạng mục và khu vực cần xem xét bảo tồn, di dời hoặc nâng cấp, bao gồm các công trình di tích – di sản, nhà cổ, mộ táng… Trong đó, cần phân định rõ sự quan trọng cần thiết của khu vực đất công trình lịch sử bảo tồn, khoảng cây xanh bảo tồn và cách ly cần thiết bắt buộc theo Luật Bảo tồn di sản (vành đai 1 – 2 và 3). Triển khai thành lập Bản đồ di sản cho khu vực Cù lao Phố, trên cơ sở đó mới tiến hành việc tổ chức quy hoạch phân khu chức năng đảm bảo tính hợp lý và khả thi.

3. Khu vực làng nghề lâu đời: Khảo sát, bổ sung làm rõ các vị trí, quy mô khu vực làng nghề lâu đời tại đây, từ đó xác định các yếu tố cần thiết để đưa vào trong quy hoạch các không gian khu ở hiện hữu chỉnh trang, kết hợp với yếu tố khai thác du lịch – văn hóa lịch sử tạo bản sắc riêng cho Cù lao Phố.

4. Khai thác và bảo tồn không gian mảng xanh, hệ thực vật lâu đời: Xen kẽ với các công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng lâu đời là hệ thực vật cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hệ sinh thái ruộng vườn cần được kiểm tra khoanh vùng bảo vệ và phát huy được giá trị chức năng và ý nghĩa “lá phổi xanh” hài hòa và độc đáo của Cù lao trong tổng thể TP Biên Hòa. Hạn chế tối đa việc giải tỏa di dời các công trình gắn liền với khu vực cây xanh lâu năm, bài toán quy hoạch là tìm giải pháp và đề xuất ra các loại hình và cách làm cụ thể phù hợp cho từng công trình và khu vực bảo tồn.

5. Khu nhà ở tái định cư: không nên quy hoạch bố trí thành một cụm lớn riêng biệt, chỉ nên sắp xếp bố trí xen kẽ kết nối hoặc tiếp cận trong (hoặc) ven các khu dân cư hiện hữu để tránh gây xáo trộn lớn về sinh hoạt đi lại và tập quán tín ngưỡng lâu đời của người dân nơi đây.

Phát triển đô thị Hiệp Hòa cần khai thác tối đa tầm nhìn về đô thị sông nước

6. Khu nhà ở cao tầng, trục trung tâm: Trong định hướng kết nối giao thông với trục từ hướng trung tâm của TP Biên Hòa với Cù lao Phố phía Bắc trong hồ sơ QHC TP Biên Hòa, cần thiết xem xét dịch chuyển tuyến này một đoạn về phía Nam (khu vực đất trống, ruộng vườn – xem trên phương án đề xuất) để tránh ảnh hưởng các khu vực mang giá trị lâu đời cần bảo tồn tại khu dân cư ấp Nhị Hòa, nên có giải pháp bố trí xen kẽ các khu vực dân cư hiện trạng đông đúc với các khu định hướng phát triển kiến trúc cao tầng, đảm bảo sự cân bằng trong bảo tồn và phát triển.

7. Khu trung tâm văn hóa cần nghiên cứu kỹ vị trí các chức năng công trình cụ thể: Bảo tàng, khu trung tâm triển lãm, nhà hát, công trình văn hóa… có tính tương tác, kết nối với nhau bằng các không gian mở như công viên, quảng trường… và các điểm di tích hiện trạng theo chủ đề, kết hợp với các công trình công cộng phục vụ văn hóa tiện ích nằm trong khuôn viên công viên trung tâm (dạng như Công viên Central park)… để phục vụ tối đa cho nhu cầu của người dân, hình thành một nếp sinh hoạt văn hóa – văn minh – hiện đại.

8. Phát triển đô thị Hiệp Hòa cần khai thác tối đa tầm nhìn về hình ảnh một đô thị đậm chất sông nước: Mặt nước rộng thoáng của dòng sông Đồng Nai nằm tiếp giáp phía Tây Nam Cù lao Phố chính là một “quảng trường nước” với đầy đủ những ý nghĩa và công năng tạo dựng một hình ảnh đô thị kết nối với tổng thể khu vực, nơi đây sẽ là các khu trung tâm văn hóa sinh hoạt giao thương đúng nghĩa đối ngoại của vùng sinh thái Cù lao Phố (như lời góp ý rất tâm huyết của KTS Nguyễn Văn Tất – một người con của đất Biên Hòa), còn lại các khu vực bên trong cố gắng bảo tồn được tối đa nhất trong điều kiện có thể.

9. Khai thác quảng bá du lịch: Với những công trình văn hóa di sản vật thể và phi vật thể độc đáo trên vùng đất Cù lao Phố được hệ thống tôn tạo và bảo tồn phát huy một cách bài bản và hiệu quả. Việc quy hoạch thiết kế các chương trình khai thác kết nối hình ảnh du lịch với tổng thể khu vực TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai với các khu vực lân cận sẽ góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất Cù lao Phố trong lịch sử mở cõi phương Nam của ông cha ta.

10. Giao thông: Luôn là vấn đề cốt lõi trong quy hoạch đô thị, thành phố trung tâm lịch sử Biên Hòa phát triển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bài toán quy hoạch giao thông tổng thể đô thị, trong đó có sự kết nối và khai thác hệ thống giao thông mới trên Cù Lao Phố. Nghiên cứu tuyến giao thông chính kết nối với trung tâm thành phố, có thể phân nhánh giao thông, thêm điểm kết nối với trục đường Dự án ven sông Cái của thành phố đang triển khai, tạo tuyến giao thông liên hệ với Khu trung tâm thương mại tài chính (dự án chỉnh trang khu Công Nghiệp Biên Hòa 1). Trục chính trung tâm xuyên suốt từ trung tâm – quảng trường – đường ven sông – Điểm kết nối thành phố, tới cầu An Hảo, đồng thời phân tán luồng giao thông ngang nhằm giảm áp lực lưu lượng xe qua trung tâm Cù lao Phố.

Việc đề xuất dải công viên ven sông chính là dành quỹ đất dự trữ cho hệ thống giao thông hiện đại cho tương lai, ví dụ như tuyến giao thông ngầm bên dưới tuyến Bus cao tốc trên sông ….

11. Đánh giá tác động môi trường – địa hình:

  • Cần đánh giá lại tác động môi trường, nghiên cứu mực nước sông Đồng Nai vì khi dự án TTP hoàn thành dòng chảy sẽ tác động trực tiếp lên địa hình Cù lao Phố;
  • Nghiên cứu giải pháp thông dòng chảy rạch Lò Gốm, Ông Am tránh ngập úng và giảm áp lực nước mùa mưa từ các khu trung tâm của Cù Lao Phố.
  • Khai thác diện tích các không gian hành lang cách ly của tuyến cao thế đi ngang qua Cù lao bằng các giải pháp phân khu chức năng, làm tăng tối đa các diện tích mảng xanh kết hợp yếu tố cảnh quan cũng như các loại hình công năng phù hợp khác như công viên, bãi đậu xe…

Kết luận

Trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố đã để lại cho Cù lao Phố hôm nay nhiều công trình mang ý nghĩa tôn giáo văn hóa và lịch sử, giàu giá trị về mặt nghệ thuật và có chiều sâu về mặt tâm linh tín ngưỡng. Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị để phát triển, phát triển đô thị cần phải bảo tồn các di sản kiến trúc mà đô thị để lại. Đó là 2 mặt tương hỗ, hướng đến mục tiêu phát triển TP Biên Hòa là một đô thị theo tiêu chí bền vững, tự hào và đáng sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo tàng Cách mạng TPHCM,1998, Di tích lịch sử văn hóa TPHCM, TPHCM, NXB Trẻ.

2. Huỳnh Đỉnh Chung, 1995, Chùa Ông (Quảng Triệu Hội quán), Cần Thơ, Bản đánh máy, Bảo tàng tỉnh Cần Thơ.

3. Nguyễn Đức Lộc, 2002, Đình cổ ở Cù Lao Phố – Báo cáo khoa học, TPHCM, Trường Đại học KHXH &ø NV TP. HCM.

4. Huỳnh Lứa (chủ biên) 1987, Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, TPHCM, NXB TP. HCM.

5. Lương Văn Lựu, 1997, Biên Hòa sử lược, Biên Hòa, NXB Kim Anh.

6. Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên), 1997, Lịch sử văn hóa Cù Lao Phố, Đồng Nai, NXB Đồng Nai.

7. Pierre Nora, Những di chỉ của ký ức, 2009, Hà Nội, NXB Tri Thức.

8. Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên), Lịch sử và Văn hóa Cù Lao Phố, 2007, Đồng Nai, Nxb Tổng Hợp. Tr36.

9. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, 1999, Đình Nam bộ xưa và nay, Đồng Nai, NXB Đồng Nai.

10. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường và Hồ Tương, 1993, Đình Nam bộ- tín ngưỡng và nghi lễ, TPHCM, NXB TP. HCM.

11. Nguyễn Cẩm Thùy, 2000, Định cư của người Hoa trên đất Nam bộ từ thế kỷ XVIII đến năm 1945, Hà Nội, NXB KHXH.

12. Nguyễn Thị Toàn Thắng, 2008, Quần thể di tích lịch sử – văn hóa mộ hợp chất Cù Lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai), luận văn thạc sĩ.

13. KTS. Đỗ Thiện Nhã, 2012, Bảo tồn di sản kiến trúc tại TP Biên Hòa, luận văn thạc sĩ.

KTS Nguyễn Mạnh Dũng

Phó Chủ tịch Hội KTS Đồng Nai

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2017)