Để lý luận – phê bình kiến trúc đi vào thực tiễn

Là một KTS trẻ ở Huế, tôi cảm thấy vô cùng may mắn và hạnh phúc khi được tham dự hội thảo “Gặp gỡ mùa thu”- Hội nghị lý luận và phê bình kiến trúc Việt Nam do Hội KTS Việt Nam tổ chức tại Huế hôm 17/11/2018 vừa qua. Được gặp gỡ trực tiếp các bác, các cô chú, anh chị, những bậc tiền bối trong thiết kế và phê bình kiến trúc, lắng nghe những kiến thức cập nhật một cách hệ thống về các công trình kiến trúc nước nhà thật là bài học thực tiễn quý giá! Đây là một đóng góp hữu ích cho cộng đồng kiến trúc nói chung và xã hội nói riêng của Hội KTS Việt Nam, qua đó các KTS có cái nhìn tổng thể và định hướng tốt hơn cho sáng tác kiến trúc của bản thân.

Thực trạng Lý luận phê bình kiến trúc

Qua các tranh luận sôi nổi của các đại biểu, từ nhiều khía cạnh chuyên môn và không chuyên môn, tôi nhận thấy rằng Báo cáo đề dẫn – một tổng kết ngắn gọn về kiến trúc nước nhà rất bài bản và tổng quát. Tuy nhiên, vẫn còn có một vài ý kiến chưa đồng thuận, điều này cũng một phần do hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình kiến trúc chưa thực sự chuyên nghiệp, bài bản như GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông đã kết luận, bởi đây là quan điểm của chuyên gia, người trong nghề nên đôi lúc mang tính chủ quan, đúng nhưng chưa đủ, chứ không phải là chưa chính xác.

Trong khi Lý luận kiến trúc còn loay hoay với các tên gọi của các xu hướng thì các “mầm xanh” KTS (sinh viên Kiến trúc, các KTS trẻ) lại cứ mải mê “like”“share” những kiến trúc hiện đại phi biên giới rồi đem nó vào trong các thiết kế của mình, lấn sân sang các cuộc thi và …đạt giải.

KTS Việt Nam đã tổ chức Chương trình gặp gỡ mùa thu 2018 với Hội nghị “Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam” tại Tp Huế

Hoạt động lý luận và phê bình kiến trúc phát hiện ra rằng ngày nay, chính các cuộc thi thiết kế kiến trúc với sự phản biện từ Hội đồng nghệ thuật, chuyên môn có vai trò to lớn trong việc định hướng và phổ biến kiến trúc. Thật sai lầm khi các cuộc thi trao giải cho các công trình có hình thức kiến trúc quá độc đáo, vô tình cổ súy cho cái đẹp và độc, hầm hố bên ngoài mà quên mất phần hồn của công trình: Chính đó là tâm hồn Việt, tính tiện lợi, tiện ích trong sử dụng. Và, hệ lụy không hề nhỏ, chắc hẳn trong nhiều năm nữa, những kiến trúc quá phô trương về hình khối, những không gian “ăn chơi” sẽ còn đem lại nhiều phiền toái cho chủ đầu tư và người sử dụng khi phải tốn công, tốn của cải tạo lại mới có thể sống “yên” được trong công trình đó.

Lý luận và phê bình kiến trúc mới chỉ dừng lại ở nhìn ngắm bề ngoài của công trình và gộp lại thành xu hướng, trong khi tính không gian, bản sắc Kiến trúc Việt thì lại mơ hồ. Dù hiện đại tới đâu thì gia đình vẫn phải quấn quýt, sum vầy, tự do đến đâu thì cũng không được cô lập nhau. Đó là tính cộng đồng của người Việt. Lý luận và phê bình kiến trúc phải nghiên cứu kỹ mảng phong thủy và vật lý kiến trúc để phát huy trong thời đại kỹ thuật số 4.0 này.

Bởi thử hỏi có công trình nào từ nhà ở đến công cộng quy mô lớn khi khởi công mà không “coi ngày” động thổ. Chúng ta chạy theo sự hiện đại bên ngoài mà quên rằng còn rất nhiều chủ đầu tư không dám dùng bếp từ bởi sẽ không có được “hỏa”, tiếng kêu “tách tách” của hành động bật bếp ga báo hiệu có “ông táo” trong nhà. Rất nhiều gia đình chọn mua đất, xây nhà mà hướng nhà, vị trí bếp và từng phòng ngủ phải hợp tuổi từng người trong nhà; rất nhiều ông chủ, lãnh đạo xoay hướng bàn làm việc hợp phong thủy.

Vai trò của chủ đầu tư/người sử dụng

Lý luận và phê bình kiến trúc xin đừng bỏ qua người sử dụng khi chúng ta còn thiết kế công trình cho họ. Họ chính là nguồn cảm hứng và thước đo giá trị thiết kế, cũng là người gợi mở cho sự ra đời của các trường phái, xu hướng kiến trúc.

Kiến trúc truyền thống bị lãng quên, rao bán (hình trước: Hiroky) rồi được ưa chuộng, săn lùng trở lại, mở ra một xu hướng kiến trúc mới có ứng dụng kiến trúc gỗ truyền thống –một nghiên cứu của tác giả

Sáng tác phải có thăng hoa còn lý luận, phê bình phải có hệ thống. Việc phê bình phải đứng trên lập trường, quan điểm rõ ràng (quan điểm duy vật hay duy tâm), còn thăng hoa có được nhờ sự cộng hưởng các yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời đòi hỏi tuổi đời, tuổi nghề và trải nghiệp của KTS, địa lợi cho thấy việc khai thác tối đa yếu tố địa điểm của công trình, và nhân hòa chính là một chủ đầu tư “tốt”. Rõ ràng KTS gặp nhiều thuận lợi trong đề xuất, truyền tải các ý đồ thiết kế nếu gặp được chủ đầu tư có tầm hiểu biết, nhận thức, văn hóa và gu thẫm mĩ, sự đồng điệu đó là chất xúc tác cho sáng tác của KTS đạt được sự hoàn mỹ và tâm đắc của đôi bên. Nhiều KTS tâm huyết với nghề cũng đành bó tay trước chủ đầu tư độc tài, cố chấp.

Mặc dù chúng ta mời những Hiệp hội khác nhau (Hội Văn học nghệ thuật, Hội Khoa học kỹ thuật,…) đến các diễn đàn mở, cùng trao đổi (như Gặp gỡ mùa thu) về kiến trúc, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy “Hội những người sử dụng” hay là những khách hàng của giới KTS, họ mới chính là những người phản biện hiệu quả và thiết thực nhất. Bởi lẽ KTS thiết kế rồi đi, còn họ phải hằng ngày ra – vào công trình và gánh chịu những bất tiện khi sử dụng những công trình chỉ vì KTS thiết kế cho rằng “như thế” mới đẹp, độc.

Tính khoa học

Có người hỏi rằng Việt Nam là một trong số các nước có nhiều Tiến sĩ nhất, sao chúng ta vẫn còn nghèo?! Vậy cũng sẽ có người hỏi Tiến sĩ trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch vô số, thế thì các kết quả nghiên cứu của họ về các hiện tượng kiến trúc đương đại sau khi bảo vệ thành công có được nghiễm nhiên công nhận, đưa vào ứng dụng, kế thừa, phát huy hay phải đưa ra lý luận và phê bình lại?! Nên chăng thống nhất một mối?! Có như vậy, đội ngũ Lý luận và phê bình kiến trúc mới đông đảo, đa dạng và khoa học được.

Bởi kiến trúc là khoa học. Việc đưa ra các dòng, xu hướng kiến trúc cần phải có số liệu điều tra, thống kê, nghiên cứu cụ thể theo từng vùng, từng giai đoạn, chỉ điểm mặt vài ba công trình mà kết luận thì thật vội vàng, như KTS Nguyễn Thúc Hoàng đã nói “chỉ có thể gọi là “hiện tượng”, chứ chưa phải “xu hướng” được. Tôi nghĩ rằng để lý luận, phê bình kiến trúc chính xác hơn, chúng ta cần có khảo sát vẽ ghi và điều tra xã hội học rộng rãi ở mỗi vùng miền (Bắc, Trung, Nam), để đưa ra đúc kết:

  • Loại kiến trúc nào là phổ biến?;
  • Kiểu dáng, “ngôn ngữ”, “từ vựng” của kiến trúc đó có những đặc điểm chung nào?;
  • Phải đạt về số lượng là bao nhiêu công trình/ tổng số công trình khảo sát; ở bao nhiêu vùng miền (theo các quy định, quy luật toán học hoặc vật lý,… nào) thì mới có thể kết luận đó là một trường phái hay xu hướng?

Từ đó mới đi vào nghiên cứu, phân tích xem:

  • Vì sao người dân lại ưa chuộng loại hình kiến trúc đó?
  • Khi đã ghi nhận một xu hướng kiến trúc là hợp lý thì KTS cần khai thác, học tập, nhân rộng xu hướng đó như thế nào?
Ví dụ về một ngôi nhà hiện đại có hướng nhà hợp với tuổi chủ nhà (mạng Mộc), các phòng ngủ hợp tuổi từng thành viên (một thiết kế của tác giả)

Định hướng về phát triển kiến trúc đã được nêu rõ: Hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy thì Lý luận, phê bình kiến trúc phải đứng trên lập trường nhất quán đó. Phản biện kiến trúc có thể đưa ra nhiều lập luận khác chiều, nhưng đã đúc kết thành Lý luận thì phải nhất quán một quan điểm, một hệ thống, như một công thức toán học, vật lý hay hóa học đã được chứng minh, có như vậy việc giảng dạy và học tập kiến trúc trong các trường Đại học mới thống nhất, mới có thể đảm bảo được tất cả KTS trẻ khi ra trường đều được trang bị kiến thức về kiến trúc nước nhà một cách quy củ, đồng bộ, đỡ công tìm hiểu, chứng minh lại; không có chuyện cũng một công trình, người này gọi là “lai căng” người kia gọi là “kiến trúc nhà giàu mới phất”, trong khi những cụm từ này chưa hẳn đã khoa học.

Thay lời kết

Kiến trúc còn tranh luận là còn bất ổn, nhưng đã thống nhất thành Lý luận rồi thì phải được chấp thuận, công nhận và sử dụng như nhau, có như thế, Hội KTS mới có những “Cơ sở lý luận” khi đóng góp ý kiến của mình cho các chiến lược quy hoạch, xây dựng của chính quyền; người dân, người quản lý khi gặp một vướng mắc về kiến trúc đều có thể “search” và hiểu như nhau, để triển khai và áp dụng như nhau, không tranh cãi nữa.


Ths.KTS Nguyễn Quốc Thắng – Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học Huế

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2019)