Bắt đầu từ Q1. TPHCM, chiến dịch dọn dẹp vỉa hè đã lan rộng các địa phương trên khắp cả nước. Cũng như TPHCM, hầu hết các địa phương tỏ ra rất quyết tâm “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Chấn chỉnh trật tự vỉa hè (không phải dọn sạch) là luôn cần thiết và có lẽ không có gì bàn cãi. Tuy vậy, cách “dọn dẹp” vỉa hè gần đây ở nhiều địa phương cho thấy có vài vấn đề cần đặt ra và suy ngẫm.
Xem thêm: Nghĩ về “cuộc chiến vỉa hè”
Ảnh: Internet Có vẻ nhiều địa phương đang làm việc theo “quán tính”. Trên thực tế, việc quản lý trật tự đô thị, trong đó có trật tự vỉa hè bị “buông lỏng”, trong khi TPHCM phát pháo lệnh và quyết liệt “ra quân” thì hàng loạt địa phương khác cũng cùng nhau vào cuộc mà quên mất rằng đặc thù đô thị mỗi nơi mỗi khác. Nói vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ là không sai – Nhưng chưa đủ, vỉa hè còn dung chứa nhiều hoạt động khác. Và trong nhiều trường hợp, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ cũng là nói theo quán tính, nhất là ở những đô thị tỉnh lẻ, nơi mà hầu hết người dân còn kiếm sống bằng các hàng quán ăn uống ngay tại vỉa hè. Không biện minh cho việc lấn chiếm vỉa hè, song thực tế ở những đô thị này, việc đi bộ dường như không tồn tại ngoại trừ rất ít người dân đi tập thể dục buổi sáng. Bên cạnh đó, nếu khảo sát đến nơi đến chốn, chắc chắn rằng tại rất nhiều đô thị, có nhiều con đường mà vỉa hè chỉ là khái niệm tồn tại trên lý thuyết – Nhiều “vỉa hè” thực chất chỉ là những thẻo đất nhỏ và hoang sơ quanh khuôn viên của một công trình nào đó, vốn chỉ phù hợp để trồng cây tạo cảnh quan mà không nhất thiết phải bê tông hóa chúng. Nói cách khác, không phải bộ phận nào dọc bên đường cũng nhất thiết phải bê tông hóa tạo vỉa hè, cũng như không phải vỉa hè nào cũng có chức năng đi bộ. Cách làm “quán tính” rõ ràng không phải là cách làm có năng lực và tầm nhìn.
- Có địa phương phát tờ rơi tuyên truyền, vận động trước rồi mới tiến hành cưỡng chế giải tỏa vỉa hè. Cách làm này có vẻ dễ chịu hơn. Tuy vậy, xét cho cùng, việc buôn bán trên vỉa hè nếu được coi là sai thì cái sai này rõ ràng là “tại anh tại ả, tại cả đôi bên”. Không phải như vi phạm hình sự hay hành chính nói chung, “sai phạm vỉa hè” diễn ra dài lâu, công khai mà “lỗi” không chỉ đến từ một phía đối tượng sử dụng vỉa hè mà còn ở cả phía các nhà quản lý. Vậy nên, dọn vỉa hè thực chất rốt cuộc là hóa giải cái sai theo hướng biến nó (“cái sai”) chỉ còn thuộc về bộ phận yếu thế mà thôi (?!).
- Khi quyết liệt dọn dẹp vỉa hè, lãnh đạo TPHCM tuyên bố không đẩy đuổi hàng rong, không đưa người nghèo vào thế đường cùng; ngược lại, sẽ quy hoạch chỗ cho hàng rong, cho người nghèo đô thị. Vấn đề này thoạt nghe hợp lý song có vẻ như chưa thực sự thuyết phục. Nên chăng, thay vì cương quyết dọn dẹp trước rồi quy hoạch sau thì tại sao chúng ta không làm ngược lại? Bởi lẽ, khi cơ quan chức năng cương quyết dọn dẹp vỉa hè, chắc chắn nhiều người kiếm sống chính bằng việc nương tựa vào vỉa hè đã nhanh chóng rơi vào thế khó trước khi nhà chức trách đưa giải pháp “cứu rỗi” họ. Khi có giải pháp của nhà chức trách, chắc chắn xuất hiện nhiều “đối tượng hàng rong” khác không phải là những người có nhu cầu thực sự vốn đã bị dọn dẹp (!). Một chủ trương chỉ thực sự được tâm phục khẩu phục khi có lộ trình rõ ràng, cụ thể là khi giải pháp thay thế hữu hiệu được đưa ra.
- Sau cùng, được biết một trong những giải pháp được đề xuất là cho phép kinh doanh một phần với những vỉa hè đủ rộng và cấm tiệt đối với vỉa hè diện tích hẹp. Giải pháp này cũng chưa thực sự thuyết phục. Vỉa hè đủ rộng tất nhiên phải thuộc về những con đường lớn, mà đối tượng sở hữu hoặc thuê mặt bằng ở đó về nguyên tắc phải là bộ phận giàu có hơn đối tượng sống trên những con đường hẹp hơn, tức có vỉa hè hẹp hơn. Cấm buôn bán ở vỉa hè hẹp hơn (thay vì vẫn dành một ít cho nó, hoặc có cách khác) trong khi cho phép đối với vỉa hè rộng hơn vô hình trung giống như tạo điều kiện cho người giàu song lại “cấm cửa” người nghèo. Nói cách khác, giải pháp trên chưa tạo được sự công bằng giữa các đối tượng có nhu cầu sử dụng vỉa hè để buôn bán, mưu sinh.
Vỉa hè và dọn dẹp nó có vẻ là chuyện nhỏ. Tuy vậy, khi quyết tâm có thừa song thiếu giải pháp thuyết phục xuất phát từ tư duy rốt ráo khiến những câu chuyện lớn hơn về quản trị, an sinh xã hội… và “chuyện nhỏ vỉa hè” vô hình trung không được nhận diện, do vậy không được giải quyết thấu lý đạt tình (!).
Xem thêm: Vỉa hè – Văn hóa hay thói xấu?
KTS LÊ CÔNG SĨ –
©