Di sản văn hóa trong quy hoạch phát triển đô thị(Trường hợp chuỗi đô thị ở Quảng Nam)

Xây dựng triết lý về môi trường hiện đại

Đây sẽ là tiền đề khoa học cho các ý tưởng quy hoạch đô thị nói chung và chuỗi đô thị của Quảng Nam nói riêng.

Người ta quan niệm môi trường là “Một tập hợp các vật thể, hoàn cảnh/ điều kiện và sự ảnh hưởng/tác động bao quanh một đối tượng nào đó” (The Random House College Dictionnary – USA). Và cũng có thể hiểu môi trường/hay môi trường thiên nhiên là một hệ thống sinh thái mang tính chất tổng hợp và đa dạng, bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, tác động qua lại lẫn nhau để cộng sinh và phát triển. Con người/xã hội loài người (trong đó có đô thị – siêu đô thị – chuỗi đô thị) cũng chỉ là một yếu tố trong cả một phức hệ sinh thái thật đa dạng và phức tạp mà thôi. Theo quan niệm Phương Đông, môi trường còn được mở rộng ra thành một đại vũ trụ rộng lớn, bao la, vô cùng, vô tận mà trong lòng nó lại hàm chứa hằng hà, sa số các “tiểu vũ trụ” khác.

Từ xa xưa, cha ông ta luôn nghĩ rằng: Nhân thân – Tiểu vũ trụ (con người là một vũ trụ nhỏ), mà theo phép biện chứng của F.Engels con người – tiểu vũ trụ là một phần của tự nhiên – “sản phẩm của tự nhiên” đồng thời cũng là sản phẩm của chính mình/sản phẩm của văn hóa. Cố GS. Trần Quốc Vượng lại hiểu: “Con người: Một vật phẩm của tự nhiên, cũng nhỏ nhoi thôi trong đại vũ trụ mênh mông”[1]. Cũng có thể hiểu con người vừa là sinh vật tự nhiên lại vừa là sinh vật xã hội. Và do đó, con người – tiểu vũ trụ bắt buộc phải hòa đồng, hợp nhất với tư cách là hợp phần nhỏ nhoi của “đại vũ trụ” mà gần nhất là Trái đất của chúng ta, môi trường đô thị mà ta đang cư trú, ngôi nhà mà gia đình ta đang sinh sống hàng ngày. Suy rộng ra, Thiên – Địa – Nhân cũng luôn luôn phải hài hòa. Đó là: Thế giới của tự nhiên, thế giới vật lý – môi trường thiên nhiên (hữu cơ và vô cơ), thế giới của con người với lý trí, tình cảm, ý chí và những khát vọng cao đẹp vươn tới chân – thiện – mỹ và cuối cùng là thế giới tâm linh của tín ngưỡng và tôn giáo – Một lĩnh vực cao hơn lý trí và tình cảm mà người ta coi là một thực tại vô hạn và tối hậu.

Thánh địa Mỹ Sơn

A1148-tckt-001Trong “Luận cương về Phơ Bách (Feuerbach)”, K. Mác cho rằng “Con người trong bản chất của nó là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Các nhà khoa học tương đối đồng thuận về một cách định nghĩa khái niệm văn hóa mà theo đó “Văn hóa phản ánh mối quan hệ /hay thái độ ứng xử của con người với: Tự nhiên, xã hội, với chính mình và với thần linh” – Đó là thái độ hòa đồng với tự nhiên, khoan dung với đồng loại, hội nhập với nhân loại (kính hiếu với cha mẹ, thương yêu vợ con, anh chị em, họ hàng, làng xóm, cộng đồng), biết kính và cả biết sợ thần linh. Còn với chính bản thân mình thì phải biết tự xấu hổ, có lòng tự trọng và lòng nhân ái, đồng thời có trách nhiệm cao đối với xã hội. Bởi vì chỉ có ở “Con Người” viết hoa (theo quan niệm của Gorki – Đại văn hào Nga) mới dung hội đủ các yếu tố: Thể chất, sinh lý, tâm lý và tâm linh. Tôi nghĩ rằng, cá nhân các KTS quy hoạch cần ghi nhớ thật rõ quan niệm nhân sinh này, vì nghề nghiệp của họ tác động tới lợi ích của rất nhiều loại người, nhiều tầng lớp cư dân trong xã hội, đồng thời cũng tác động rất lớn tới môi trường sinh thái/“Bà mẹ thiên nhiên” của muôn loài sinh vật trên Trái đất này.

Chúng ta biết, điều kiện tự nhiên quy định cách thức tồn tại và phát triển của con người. Ngược lại, con người căn cứ vào điều kiện tự nhiên, lựa chọn các yếu tố tự nhiên để sáng tạo ra của cải vật chất – cơ sở của các nền văn minh nhân loại, tạo lập ra môi trường sống/không gian nhân tạo – Không gian sinh tồn cho mình và các thế hệ con cháu nối tiếp liên tục về mặt không gian – thời gian. Không gian kiến trúc mang tính nhân tạo mà điển hình là đô thị và chuỗi đô thị trong chừng mực nhất định, có sự tách biệt hay “độc lập tương đối” với thiên nhiên. Như vậy, vì mục tiêu sinh tồn, con người đã buộc phải tác động (ở cả hai hướng tích cực và tiêu cực) tới môi trường thiên nhiên bằng cách khai thác tài nguyên từ hệ động vật, thực vật và khoáng sản (chất lỏng và hóa thạch).

Bãi biển Cù Lao Chàm
Bãi biển Cù Lao Chàm

Dạng hoạt động đặc thù của con người nhằm kiến tạo hệ thống đô thị, chuỗi đô thị và đại đô thị khổng lồ (Mega City) là nguyên nhân gây ra những biến động lớn nhất trong môi trường thiên nhiên. Xu hướng chung là: Sự tác động của con người tới môi trường thiên nhiên ngày càng gia tăng theo đà phát triển các hình thái kinh tế – xã hội và mức độ tập trung cư dân trong các đô thị (cái gọi là cơn bão đô thị hóa lần 2). Ở giai đoạn hậu công nghiệp/hậu hiện đại ngày nay có tới hơn 2/3 dân cư trên thế giới tập trung vào sinh sống trong các đô thị lớn. Đây là xu thế tất yếu phát triển nền văn minh nhân loại ở tầm cao hơn, đồng thời cũng là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa chính sự sống của chúng ta (ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh…). Bởi vậy, tất cả chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc một cách thận trọng để lựa chọn phương thức/thái độ ứng xử đúng đắn nhất đối với thiên nhiên. Đặc biệt, trách nhiệm của các KTS quy hoạch với tư cách là những nhà tổng đạo diễn, người định hướng và đề xuất ý tưởng quy hoạch đô thị. Đó là sự thể hiện phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của một KTS quy hoạch. Tất cả chúng ta, nhất là người KTS quy hoạch không bao giờ được phép tự coi mình là chủ của tự nhiên, là kẻ chinh phục tự nhiên để dám tự do, tự tung, tự tác đưa ra các ý tưởng quy hoạch dưới danh nghĩa phục vụ phát triển mà lại vô tình tàn phá tự nhiên. Hãy biết run sợ trước khả năng sẽ bị “Bà mẹ thiên nhiên” trừng phạt mà vô phương cứu.

Môi trường địa – văn hóa và địa – lịch sử của Quảng Nam.

A1148-tckt-003Đây là cơ sở quan trọng cho việc quy hoạch phát triển chuỗi đô thị ở địa phương.

Ta hiểu, tự nhiên quy định văn hóa (các hoạt động có mục tiêu của con người) theo nghĩa không có tự nhiên sẽ chẳng có văn hóa. Tức là tự nhiên tạo ra con người, đến lượt mình, con người thông qua hoạt động (sống và sản xuất) mà tạo ra văn hóa. Như vậy, văn hóa là sản phẩm trực tiếp của con người, đồng thời lại là sản phẩm gián tiếp của tự nhiên. Hoạt động văn hóa của con người tạo ra các giá trị văn hóa, nhưng các giá trị văn hóa của con người lại cần có yếu tố tự nhiên làm chất liệu và môi trường để thể hiện. Chúng ta sẽ xuất phát từ quan điểm nhận thức này để xem xét môi trường Địa – văn hóa và lịch sử của tỉnh Quảng Nam.

Ngôi nhà cổ ở Hội An
Ngôi nhà cổ ở Hội An

Trước hết, Quảng Nam là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam. Quảng Nam cũng có những đặc trưng tiêu biểu, điển hình cho cả vùng địa – văn hóa miền Trung là: Có địa hình hẹp theo chiều Tây – Đông và kéo dài suốt trục Bắc Nam, xương sống là dãy Trường Sơn hùng vĩ mà hiểm trở. Ngoài ra còn có dải đồi ở gần chân núi, có đoạn đồi đâm ngang ra biển Đông tạo thành các đèo và chân đèo là các con sông ngắn và dốc theo chiều Tây – Đông. Và theo đó, Cố GS. Trần Quốc Vượng đã khéo khái quát hóa điều kiện địa – văn hóa miền Trung trong đó có Quảng Nam theo mô hình giản lược: Núi – đồi – đèo – sông – biển và xen kẽ là: Cồn – Bàu – Đầm phá. Cố GS cho rằng: “Chính vùng đất Quảng với thế đất: núi đồi – đồng bằng dính liền nhau trải dài tới ven biển cùng hai con sông Vu Gia và Thu Bồn hợp lưu với nhau để bồi đắp nên vùng đất trù phú Quảng Nam, Đà Nẵng – Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên”[2].

Yếu tố tự nhiên quan trọng quy định định hướng phát triển chuỗi đô thị tỉnh Quảng Nam chính là các con sông lớn (Vu Gia, Thu Bồn, sông Tam Kỳ…) mà hướng chảy chính là từ dãy núi Trường Sơn theo trục Tây – Đông đổ ra biển Đông. Bên cạnh đó phải kể tới đường bờ biển trải dài hơn 125 km từ Điện Ngọc đến giáp vịnh Dung Quất hoang sơ với các bãi biển: Hà Uy (Điện Bàn), Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành) và Cù Lao Chàm. Ta thấy địa hình phức tạp thấp dần từ Tây sang Đông tạo ra vùng sinh thái đa dạng: Núi cao phía Tây, Trung du ở giữa và đồng bằng ven biển Đông luôn là những yếu tố cần được xem xét trong ý tưởng quy hoạch chuỗi đô thị Quảng Nam.

Cố GS. Trần Quốc Vượng đã từng nhận xét: “Hội An là một phức hệ sông chằng chịt ở vùng cửa biển và một Hội An là phức hệ cồn bàu ven biển”[3]. Có thể coi Hội An là trường hợp điển hình thể hiện một trong những đặc trưng cơ bản của hệ thống đô thị cổ Việt Nam với tư cách là một thành phố sông – Một đô thị sông nước với mạng lưới giao thông cơ bản là đường thủy và phương tiện giao thông chính luôn là thuyền bè. Sông Thu Bồn và sông Cổ Cò cùng trục Tây – Đông (Thượng Chùa Cầu – Hạ Âm Bổn) là những trục chính xác định nét quy hoạch cơ bản của đô thị cổ Hội An.

Cố GS. Trần Quốc Vượng tâm sự, khi đi nghiên cứu điền dã ở Quảng Nam, ông đã nhận thấy: “Đứng trên ngọn Bửu Sơn ở kinh đô Trà Kiệu (Simnapura) nhìn về phía Tây thấy ngọn núi Chúa – mà dưới chân núi Chúa là Thánh địa Mỹ Sơn, nhìn về phía Đông thấy Cù Lao Chàm, cả ba ngọn núi này gần như ở trên cùng một đường thẳng”. Từ đó, Cố GS đã phác ra sơ đồ quy hoạch một “vùng”, một “tiểu quốc” Chăm Pa theo một mô hình sơ lược nhưng cũng rất cụ thể và chính xác: “Núi Chúa – Thánh địa Mỹ Sơn – Thành Trà Kiệu – Hội An cảng thị và Cù Lao Chàm”[4].

Điểm qua nét cơ bản về môi trường sinh thái đất Quảng Nam để thấy từ xa xưa, cư dân địa phương đã tận dụng, thích nghi và lựa chọn thái độ ứng xử với tự nhiên để xây dựng nơi cư trú và tạo lập nên nét đặc trưng văn hóa xứ Quảng. Vậy trong quy hoạch phát triển chuỗi đô thị ở Quảng Nam, chúng ta phải tiếp cận từ hệ thống các hệ sinh thái liên quan mà không được phép tách biệt thành một đơn vị cư trú/không gian đô thị độc lập.

Các nhà khảo cổ học cho rằng, dấu ấn vật chất xưa nhất Quảng Nam – Đà Nẵng và Nam Trung Bộ được biết đến ngày nay là di chỉ khảo cổ Bàu Dũ ở miền Cồn Cát ven biển Tam Kỳ – Núi Thành với tư cách là một di tích hậu kỳ văn hóa Hòa Bình đầu đồ đá mới – hay di tích đá mới “hoàn toàn” rồi nhưng vẫn mang đậm truyền thống văn hóa Hòa Bình. Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học từ sau năm 1975 đến nay cho thấy, có một hệ thống di tích mộ chum và dấu vết cư trú của chủ nhân nền văn hóa này (văn hóa Sa Huỳnh Tiền Giang) với diện phân bố rộng khắp, trong đó tập trung ở lưu vực các con sông lớn như: Thu Bồn, Vũ Giả, Tam Kỳ, Trường Giang…”[5]. Có thể coi đây là những dấu ấn vật chất xác thực, góp phần tái hiện bức tranh sinh động về cư dân, xã hội Quảng Nam trước thời kỳ văn hóa Chămpa.

Tiếp sau lớp văn hóa Sa Huỳnh là lớp văn hóa Chăm pa gồm một phức hệ nhiều tiểu quốc. Riêng ở Quảng Nam có Aramanti, Simnapura (Trà Kiệu) và Indrapura (Đông Dương). Cũng ở Quảng Nam, ta thấy sự hiện tồn của sáu tháp Chàm – di tích tiêu biểu của văn minh Chăm pa, bắt đầu từ tháp Bằng An (Điện Bàn), Trà Kiệu – Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Đông Dương (Thăng Bình), Chiên Đàn (Phú Ninh), Khương Mỹ (Núi Thành).

Văn hóa phi vật thể ở Quảng Nam cũng mang những nét rất đặc sắc của các loại lễ hội: Miền núi, miền biển, lễ hội tôn giáo tín ngưỡng. Nổi bật nhất phải nói tới hai lễ hội lớn nhất là: Lễ hội Bà Thu Bồn (12/12 âm lịch). Bà vốn là nữ thần Chăm sau người Việt tiếp nhận và tiếp tục thờ cúng với danh xưng Bô Bô Phu Nhân và lễ hội Nghinh Ông (thờ cúng cá voi) – nét văn hóa điển hình của cư dân miền biển.

Làng bích họa đầu tiên tại Quảng Nam
Làng bích họa đầu tiên tại Quảng Nam

Đất Quảng Nam là nơi hội tụ, giao lưu với không gian văn hóa Đại Việt ở phía Bắc và Phù Nam – Chân Lạp ở phía Nam, đồng thời cũng là vùng đất hội tụ, tiếp biến văn hóa Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Hoa miền Đông Á. Hội tụ và giao lưu văn hóa là tiền đề cho Quảng Nam có được hay di sản văn hóa thế giới là: Khu Tháp Chàm Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Ta thấy rõ, khu di tích Tháp Chàm Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc độc đáo với những đền – tháp uy nghi, hoành tráng lưu dấu một thời huy hoàng của văn minh Chăm pa rực rỡ. Năm 1999 khu di tích này đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí II với tư cách là một ví dụ điển hình về giao lưu, tiếp biến văn hóa và tiêu chí III như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Hội An – Quảng Nam được mệnh danh là một “bảo tàng” sống về kiến trúc và lối sống đô thị lại được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa thế giới với hai tiêu chí: là biểu hiện vật thể nổi bật của sự tích hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo. Đô thị cổ Hội An có “vẻ đẹp không trùng lặp chứa đựng trong các phố phường lịch sử, sự phong phú của các dáng thể kiến trúc, sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc trong nội thất các di tích kiến trúc, tạo nên cho phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và cả kho tàng di sản văn hóa nhân loại”.

A1148-tckt-006

A1148-tckt-007Qua những nội dung trình bày ở trên ta thấy, môi trường địa – văn hóa – lịch sử đã quy định tiến trình phát triển lịch sử và văn hóa trên đất Quảng Nam từ xa xưa. Mối quan hệ, tác động qua lại giữa con người và thiên nhiên nơi đây còn để lại dấu ấn vật chất và tinh thần đa dạng và phong phú mà đại diện tiêu biểu là hai khu di sản văn hóa thế giới: Khu Tháp Chàm Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Và trách nhiệm của chúng ta ngày nay là phải xác lập được vị trí của các di sản văn hóa quý giá do tiền nhân truyền lại, tạo điều kiện tối ưu cho chúng được nối tiếp trong quá trình phát triển chuỗi đô thị Quảng Nam trong tương lai. Trong quy hoạch phát triển chuỗi đô thị ở Quảng Nam, các điều kiện tự nhiên và di sản văn hóa cần được nhận thức như là một thứ vốn quý giá: vốn tài nguyên thiên nhiên và “vốn văn hóa”. Cả “hai loại vốn không những cần được bảo tồn mà còn cần được phát huy phục vụ nhu cầu phát triển chuỗi đô thị với tư cách là nguồn động lực của phát triển”.

Duy trì sự hài hòa và cân bằng động trong quan hệ giữa sinh thái – văn hóa và kinh tế làm tiền đề cho sự phát triển bền vững chuỗi đô thị ở Quảng Nam

Thái độ ứng xử có văn hóa với môi trường tự nhiên/không gian sinh tồn – một bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người là một thành tố đầu tiên của văn hóa. Điều này cũng có nghĩa là: Trong quy hoạch phát triển chuỗi đô thị ở Quảng Nam, dù ở bất kỳ lĩnh vực hoạt động xã hội nào, chúng ta cũng phải lựa chọn lối sống thân thiện với môi trường tự nhiên và lựa theo quy luật của tự nhiên. Cần phải nhận thức rõ, đô thị nói chung (một “cơ thể sống động và phức tạp”, có tính độc lập tương đối) và kiến trúc nói riêng chỉ là một thành phần (phụ thuộc)/một yếu tố bổ sung vào khung cảnh thiên nhiên, làm cho thiên nhiên hoàn chỉnh hơn, đẹp đẽ, gợi cảm hơn với tư cách là môi trường sinh thái – nhân văn hoàn chỉnh. Ngược lại, các yếu tố thiên nhiên (rừng núi, sông nước…), đôi khi cả ánh sáng tự nhiên cũng cần được kéo xích lại gần nhau, trong chừng mực nào đó, còn hòa nhập vào không gian kiến trúc (phần nhân tạo) để trở thành một phức thể/hợp thể thiên nhiên – kiến trúc thật hòa điệu – cái gọi là cảnh quan văn hóa đầy tính thẩm mỹ. Đây là thái độ ứng xử văn hóa truyền thống của người Việt được ứng dụng để thiết lập không gian sinh tồn vĩ mô – đô thị và chuỗi đô thị. Điều này đúng như nhận định của GS. Cao Xuân Huy (Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu) về tính cách con người Việt Nam: Đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước… khả năng thích ứng, đó là tính ưu việt, bí quyết sinh tồn của dân tộc. Các KTS quy hoạch trong khi thực hành chức phận nghề nghiệp của mình, cần phải tuân thủ “Triết lý môi trường” phương Đông Thiên – Địa – Nhân là một, “kiến trúc và con người” là một. Trong trường hợp cụ thể ở hai khu di sản văn hóa thế giới: Khu Tháp Chàm Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An, chúng ta nên suy nghĩ để vận dụng sơ đồ giản lượng mà Cố GS. Trần Quốc Vượng đã gợi mở: Núi Chúa – Thánh địa Mỹ Sơn – Thành Trà Kiệu – Hội An cảng thị và Cù Lao Chàm. Đây là cách tiếp cận tổng thể, liên vùng để ta xác định hướng phát triển chuỗi đô thị ở Quảng Nam sao cho chúng không phá vỡ mối liên hệ ràng buộc và tác động qua lại giữa cái toàn thể và bộ phận cấu thành của hệ sinh thái đặc thù ở miền Trung.

Chúng ta rất mong các KTS quy hoạch tôn trọng những quan điểm định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xác lập trong quy hoạch tổng thể do Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phê duyệt tại Quyết định số 1706/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 với nội dung cụ thể:

  • Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích phải bảo đảm tính trung thực của lịch sử hình thành di tích, không được làm sai lệch các giá trị và đặc điểm vốn có của di tích phải giữ nguyên vẹn không làm biến đổi những yếu tố cấu thành di tích, đảm bảo tính nguyên gốc của di tích.
  • Bảo tồn tôn tạo phải gắn với phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương sự phát triển của các ngành hữu quan.
  • Tạo lập sự hài hòa giữa phát triển kinh tế trong quá trình đô thị hóa với việc bảo vệ di tích, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng trái phép các công trình làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên xung quanh di tích.

A1148-tckt-008Công ước Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 lại xác định trách nhiệm quốc tế của các quốc gia thành viên là phải làm hết sức mình bảo tồn cho bằng được giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản thế giới mà quan trọng là nhất là tính toàn vẹn và tính chân xác lịch sử (tính nguyên gốc) của các khu di sản thế giới.

Chúng ta biết, phát triển kinh tế (trong đó có phát triển đô thị) cũng như phát triển văn hóa đều phải gắn với đời sống xã hội và có mục tiêu chung là phục vụ lợi ích của con người. Kinh tế phát triển tạo cơ sở vật chất vững chắc cho sáng tạo văn hóa (trường hợp cụ thể của chúng ta là cơ sở vật chất – kỹ thuật cho tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa). Và ngược lại, cùng với văn hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không được cản trở sự phát triển mà phải có trách nhiệm phục vụ các mục tiêu phát triển bằng cách tạo lập môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh cho phát triển. Theo quan niệm thông thường, các khu di sản thế giới hàm chứa trong chúng 3 loại môi trường: Thiên nhiên, xã hội và văn hóa tâm linh. Trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay, người ta còn đưa ra một khái niệm mới là “môi trường đầu tư”. Và theo quan sát của chúng tôi thì vì mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt, các cấp chính quyền hình như có xu thế coi trọng “môi trường đầu tư” hơn các loại môi trường khác. Đó là cách tiếp cận sai lầm cần được sớm khắc phục.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến phát biểu của ông Giovanni Boccardi – Giám đốc Ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Di sản văn hóa thế giới của UNESCO tại Hội thảo về phát triển bền vững trong Công ước Di sản văn hóa thế giới tổ chức tại Tràng An – Ninh Bình năm 2015: “Nếu tích hợp phát triển bền vững vào các quy trình để thực hiện Công ước Di sản thế giới thì Công ước sẽ có sự gắn kết hiệu quả hơn với một trong hai mục tiêu tổng quát của UNESCO: phát triển bền vững và công bằng xã hội – đóng góp cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo”[7]. Như vậy có thể hiểu di sản thế giới cần được tiếp cận theo tinh thần mới là: Không chỉ nhằm bảo tồn một cách bất biến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản mà phải sáng tạo những hình thức quản lý và bảo tồn thích hợp để các giá trị văn hóa đặc sắc của nhân loại trở thành một bộ phận hữu cơ trong đời sống xã hội hiện đại, thực sự mang lại những lợi ích thiết thực cho phát triển bền vững của con người.

Tóm lại, triết lý quy hoạch phát triển chuỗi đô thị ở Quảng Nam cần được triển khai là: Tạo lập và duy trì sự hài hòa – cân bằng động giữa sinh thái – văn hóa và kinh tế. Đó cũng là triết lý quy hoạch cần được tôn trọng trong quá trình phát triển hệ thống đô thị ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Cố GS. Trần Quốc Vượng “Con người và môi trường – tiền đề triết học”. Xem Văn hóa Việt Nam. Những hướng tiếp cận liên ngành. NXB Văn học Hà Nội, 2015. Tr.898.

2. Cố GS. Trần Quốc Vượng “Đất Quảng – Cái nhìn địa Văn hóa và Lịch sử”. Sách đã dẫn. Tr. 381.

3. Cố GS. Trần Quốc Vượng “Vị thế Địa – lịch sử và bản sắc Địa – văn hóa”. Sách đã dẫn. Tr. 397.

4. Cố GS. Trần Quốc Vượng “Miền Trung Việt Nam và văn hóa Chăm pa – một cái nhìn Địa – văn hóa”. Sách đã dẫn. Tr. 301.

5. “Hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam: Đặc trưng và các mối quan hệ”. Tr.9. Thư viện số Trung tâm Thư viện Đại học Khoa học Huế.

6. Nguyễn Chí Trung “Di sản văn hóa thế giới Hội An và sức quyến rũ của nó”. Tạp chí Văn hóa Quảng Nam số 16 (8-9-2004).

7. “Phát triển bền vững trong Công ước Di sản thế giới”. Website Bộ VHTTDL. Chuyên trang Di sản thế giới.

Xem thêm:Bảo tồn thích ứng – phương pháp tiếp cận để bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng xã truyền thống

PGS. TS Đặng Văn Bài

Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2016)