Có những thành phố ta đến rồi đi không có ấn tượng gì, mỗi khi nhớ lại chỉ thấy mờ nhạt một vài hình ảnh ở một nơi chốn đã từng qua.
Ngược lại, có thành phố ta cũng đến rồi đi nhưng luôn khát khao có một lần được trở lại. Đó có thể là khát khao trở về với ký ức, trở về với những kỷ niệm riêng mà cũng có thể là trở lại với một nơi chốn đầy sức hấp dẫn của vẻ đẹp thành phố, của thiên nhiên, của con người thân thiện và cả những gì bí ẩn, thú vị chưa được khám phá.
Nếu bỏ qua những gì là kỷ niệm riêng và các yếu tố khác của đô thị thì cái gì sẽ tạo nên sự hấp dẫn của một thành phố?
Ở góc độ hình thái đô thị, đó chính là do đô thị có bản sắc riêng, có đặc trưng riêng đặc sắc về kiến trúc – cảnh quan và không gian đô thị. Các đô thị đó có thể rất cổ, cũng có thể rất trẻ, nhưng đều có chung một đặc điểm là rất ấn tượng.
Trở lại thành phố Tam Kỳ, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Phải làm gì để Tam Kỳ trở thành vùng đất ấn tượng khó quên trong lòng du khách với những dáng vẻ riêng?
Theo sử liệu, Tam Kỳ ngày nay là vùng đất thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ Hà Đông và sau đó đổi tên thành phủ Tam Kỳ. Chính thức là phủ lỵ từ năm 1906, tròn một trăm năm sau (2006), Tam Kỳ trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Trải qua lịch sử phát triển hơn năm thế kỷ, dân số Tam Kỳ ngày nay vẫn chỉ khoảng trên 100 ngàn dân. Có thể nói Tam Kỳ là một đô thị chậm phát triển so với nhiều thành phố trẻ hơn trên đất nước ta. Hình ảnh được du khách cảm nhận về đô thị này cho đến trước năm 1997 là một thị xã nhỏ bé, đến mức không có nổi một ngã tư.
Đó là Tam Kỳ xưa kia. Còn ngày nay Tam Kỳ đã được công nhận là đô thị loại 3 sau gần mười lăm năm tái lập tỉnh Quảng Nam. Tam Kỳ hiện đang phát triển nhanh. Các trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, quảng trường, nhiều trục phố lớn, các khu dân cư… được xây dựng khang trang, rộng rãi, đồng bộ, hướng tới hình ảnh một thành phố xanh, sạch, đẹp trong tương lai.
Tuy phát triển nhanh nhưng Tam Kỳ vẫn chưa thật sự có được không gian kiến trúc đô thị tổng thể đẹp, ấn tượng như một số thành phố trẻ khác. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm thành phố ban đầu chủ yếu nhằm đáp ứng mục tiêu kịp thời xây dựng một trung tâm hành chính, chính trị của một tỉnh mới được tái lập, chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức không gian kiến trúc chung của đô thị, thiết kế các mảng không gian công cộng phục vụ cộng đồng như văn hóa, du lịch, dịch vụ, hội chợ, triển lãm, công viên… Tầm nhìn có giới hạn khi lập đồ án quy hoạch xây dựng lúc bấy giờ đã để lại những hạn chế đáng tiếc kể trên.
Nhận biết nguyên nhân và thực trạng này, nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh, thành phố và các sở ban ngành có liên quan đã cố gắng chỉnh sửa quy hoạch chung và lập nhiều quy hoạch xây dựng chi tiết nhằm khắc phục những mặt hạn chế và phát huy những thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên và con người địa phương, từng bước đem lại cho Tam Kỳ một bộ mặt hoàn thiện hơn, tươi đẹp hơn.
Du khách ngày nay đặt chân đến Tam Kỳ ít nhiều đều có cảm tình với một thành phố có những tòa công sở khang trang, những đại lộ rộng rãi, vỉa hè thoáng mát trồng những hàng cây thẳng tắp. Tuy nhiên để Tam Kỳ trở thành một đô thị thật sự lôi cuốn du khách và thu hút đầu tư, là miền đất mà người đi qua luôn nhớ, người nơi xa muốn đến lập nghiệp thì trong thời gian sắp đến còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt cần xây dựng một không gian đô thị mới thật sự ấn tượng, độc đáo khi phát triển Tam Kỳ về hướng biển.


1. Xác định động lực phát triển
Thành phố Tam Kỳ đang định hướng phát triển mạnh về phía Đông, nơi có bờ biển Tam Thanh xinh đẹp, có dòng Trường Giang hiền hòa chảy ra cửa biển và vịnh Kỳ Hà. Sẽ là duy ý chí nếu nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian thành phố chỉ dựa vào địa hình sẵn có và những tưởng tượng phát triển quy mô hoành tráng. Việc quan trọng cần làm trước hết là xác định cho đúng động lực phát triển của thành phố là gì trong bối cảnh các đô thị ven biển miền Trung đều na ná giống nhau về địa hình, về thế sông thế núi, thế biển và cả hệ thông giao thông huyết mạch (cùng có chung quốc lộ 1, chung bờ biển, hệ thống đương quốc lộ nối về phía Tây và đường Hồ Chí Minh), kể cả sân bay, bến cảng nước sâu hầu như tỉnh nào cũng đua nhau đầu tư.
Tam Kỳ nằm gần vào trung điểm của khu vực phát triển phía Bắc là thành phố Đà Nẵng – thành phố trung tâm đô thị của khu vực và khu phát triển động lực Chu Lai – Dung Quất. Lĩnh vực nào sẽ được các nhà đầu tư quan tâm và quyết định đầu tư tại Tam Kỳ: du lịch, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, trung tâm tài chính phục vụ cho kinh tế mở Chu Lai – Dung Quất…? Bởi lẽ nhà đầu tư có thể sẽ lựa chọn hoặc Tam Kỳ, hoặc Đà Nẵng, cũng có thể tại Thành phố Vạn Tường… Xác định được động lực phát triển sẽ dẫn đến việc bố trí, sắp xếp không gian đô thị và sự dụng quỹ đất đai, tài nguyên một cách hợp lý và hiệu quả.

2. Xác định những đặc điểm “riêng có” của Tam Kỳ
Thành phố 3 sông, 2 hồ và một bờ biển dài phẳng lặng.
Không gian đô thị đẹp, ấn tượng trước hết phải dựa vào những đặc điểm tự nhiên gồm những lợi thế về thiên nhiên, lịch sử, con người, làm khung sườn cho việc tổ chức không gian đô thị.
Với diện tích hơn 9000 ha trải dài từ Tây sang Đông, Tam Kỳ hưởng trọn 3 dòng sông chảy qua như một hệ thống huyết mạch mạnh khỏe chảy trong cơ thể. Sông Tam Kỳ hướng từ núi xuống biển. Hai dòng sông Bàn Thạch và sông Trường Giang chảy song song từ Bắc sang Nam rồi cùng hòa dòng chung chảy ra vịnh Kỳ Hà. Hai hồ nước lớn là hồ Phú Ninh rộng 3500 ha và hồ sông Đầm như hai lá phổi xanh tạo sự điều hòa nước và không khí cho thành phố. Không gian toàn đô thị tràn ra phía Đông gặp bờ biển Tam Thanh, các dãy đồi An Hà, Quảng Phú, Trà Cai, địa đạo Kỳ Anh… nằm trong lòng thành phố như chờ sẵn dịp cho ngày hội nhập không gian đô thị. Thành phố hiện tại với diện tích hơn 3000 ha và hơn 100 ngàn dân là bàn đạp chắc chắn cho việc phát triển không gian đô thị hướng biển.
3. Tạo dáng riêng cho thành phố Tam Kỳ tương lai
Có thể nói đồ án quy hoạch mở rộng Tam Kỳ hướng ra biển là con thuyền chuyên chở tất cả những ý tưởng và khát khao về một đô thị phát triển bền vững, hoàn mỹ.
Trên cơ sở xác định động lực chính và các yếu tố lợi thế, các ý tưởng nhằm xây dựng hình dáng riêng của thành phố tương lai gồm:
– Đô thị ven sông: Đô thị soi bóng bên bờ các dòng sông Tam Kỳ, Trường Giang, Bàn Thạch.
– Đô thị ven hồ: Đô thị soi bóng bên bờ các hồ Phú Ninh, hồ Sông Đầm
– Đô thị ven biển: Đô thị soi bóng bên bờ biển Tam Thanh.
Cấu trúc này gồm các tổ hợp kiến trúc đa dạng như trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng…được bố trí ven 3 dòng sông: Tam Kỳ, Trường Giang, Bàn Thạch; Ven bờ biển Tam Thanh; Ven hồ Phú Ninh và hồ Sông Đầm.
Cấu trúc này khai thác tối đa lợi thế cảnh quan thiên nhiên của hệ thống sông – biển – hồ mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho mảnh đất này. Có thể nói, Quảng Nam là mảnh đất màu mỡ cho các nhà quy hoạch đô thị, các KTS thỏa sức sáng tạo các ý tưởng kiến trúc lãng mạn và đầy ngẫu hứng, người dân địa phương và du khách sẽ được tận hưởng không gian trong lành sau thời gian làm việc và tham quan thành phố.
4. Rừng trong thành phố
Là ý tưởng thiết lập khoảng không gian xanh rộng lớn bao gồm công viên rừng kéo dài từ hồ Phú Ninh chạy dọc sông Tam Kỳ đến các dãy đồi An Hà – Quảng Phú, tràn qua công viên sông Đầm, địa đạo Kỳ Anh, dọc sông Trường Giang, kết thúc bằng công viên ven biển.
Lợi thế của cánh rừng rộng lớn này là tạo được một lá phổi xanh ngay trong lòng thành phố, điều mà rất ít đô thị hiện đại trên thế giới có được. Nếu thực hiện được ý tưởng này Tam Kỳ sẽ được biết đến như một thành phố – rừng xanh. Không thể nói hết những lợi ích mà cấu trúc thân thiện với môi trường này mang lại cho người dân đô thị và du khách.
5. Trục đô thị mẹ – con
Là trục kết nối giữa thành phố mẹ (Tam Kỳ hiện nay) và thành phố con (mới) phía biển bằng một hệ trục trung tâm từ Tây sang Đông. Trên trục xương sống này bố trí các công trình có quy mô lớn như trung tâm hành chính, văn hóa, siêu thị, trung tâm triển lãm, thể dục thể thao, dịch vụ du lịch giải trí…
Như vậy, không gian chính của thành phố Tam Kỳ tương lai sẽ gồm hai trục lớn: Trục ngang nối thành phố mẹ đến thành phố con từ trung tâm thành phố đến bờ biển Tam Thanh, trục dọc từ địa đạo Kỳ Anh qua sông Đầm kết thúc tại ngã ba sông Tam Kỳ và Bàn Thạch. Cấu trúc này sẽ tạo điều kiện xây dựng thêm một đô thị trẻ hiện đại, năng động, hấp dẫn đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện thành phố Tam Kỳ tương lai.
Hy vọng những ý tưởng giúp tìm ra DÁNG RIÊNG của thành phố sẽ trở thành hiện thực, sẽ là diện mạo mới của Tam Kỳ trong tương lai. Tam Kỳ sẽ trở nên một trong những miền đất mà du khách đã một lần đặt chân đến đều muốn quay trở lại để được sống trong một không gian đô thị đầy ấn tượng – Đến rồi … khó quên.
ThS.KTS Hoàng Sừ
Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam