Điện Biên xanhthành phố của những người lính

Điện Biên xanhthành phố của những người lính

Hà Nội – Điện Biên để mà đi, bằng phương tiện nào cũng đều thú vị: Ô tô trên quốc lộ 6 thì qua đâu cũng gặp những cảnh – hình đặc sắc: Hòa Bình với ruộng Mai Châu nảy những hạt chắc, từ trên cao mây giăng mắc ngút ngàn. Vượt Mộc Châu, đến Sơn La, trời đất như thơ ca bốn mùa thi vị: Bỗng chợt mây mù trong quang nắng nhưng lại ngay lạnh – vắng lúc qua Pha Đin đèo – cheo leo bốn bề mây núi. Tứ đại đỉnh đèo vùng Tây Bắc bao la.

Bảo tàng Chến thắng Điện Biên Phủ (đang thi công)

Đi máy bay – ngước ra, gần và xa xa giữa ngàn núi trùng trùng, là vùng đất anh hùng, nằm giữa Mường Thanh Vựa lúa. Từ trên cao nhìn xuống: thành phố Điện Biên dường như hội tụ đủ, cấu trúc của bản làng miền núi: Đường xương sống – trục chính là quốc lộ 279 (mang tên Đường 7 tháng 5) với thiết chế làng là những địa danh, công trình gắn với trận chiến oai hùng: Đồi A1, Đồi Him Lam và xa hơn chút là đồi Độc Lập, khu vực di tích hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên và xa hơn nữa là Đại bản doanh Mường Phăng…

Các công trình chủ yếu bám dọc các tuyến đường chính như Nguyễn Hữu Thọ, Trần Đăng Ninh và đặc biệt là hai bên tuyến đường 7-5 chạy cong từ Bắc xuống Nam, kết hợp cùng với các khu vực dân cư phía sau đồi A1 và khu đồi D1 với Đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Với hình dáng này, nhìn từ trên cao Điện Biên có hình dạng như một cánh diều no gió trong lòng chảo Mường Thanh – lớn nhất trong tứ đại Mường (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc) mà cánh cung là trục chủ đạo – quốc lộ 279.

Công trình Đài chiến thắng được hoàn thành năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (nằm trên đồi D1 cao với hệ thống bậc thang được dẫn dắt từ điểm bắt đầu của tuyến đường cửa ngõ Trần Đăng Ninh – vuông góc với tuyến đường 7-5) trở thành biểu tượng Thành phố và là công trình điểm nhấn đô thị, được nhìn thấy từ mọi phía, đi từ sân bay về là thấy ngay tượng đài sừng sững trên đồi cao. Ngược lại, từ trên đỉnh đồi D1 này, ta có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ, đặc biệt khi chiều xuống, hoàng hôn phía sau rặng núi tạo nên cảnh sắc một phố núi huyền ảo sắc màu.

Dọc hai bên tuyến đường 7-5, đan xen vào những dãy nhà hàng phố và công trình lớn (trụ sở của các Sở, Ban ngành Thành phố, chợ, quảng trường thành phố) là những không gian trống, tạo dấu ấn – khoảng lặng cho đô thị. Đó chính là những không gian Xanh liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ như Đồi D1 với Đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1 – Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1 ở phía Nam, Đồi Him Lam – Nghĩa trang liệt sỹ Him Lam ở phía Bắc, các công trình mới như Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, quảng trường Him Lam với tượng 5 anh hùng… và bên rìa Thành phố là đồi Kéo pháo với tượng đài về những người chiến sỹ gồng mình kéo, đẩy pháo lên cao.

Thành Phố Điện Biên về đêm

Thành Phố Điện Biên về đêm

Đặc biệt, dòng sông Nậm Rốn với cây xanh bao quanh, bắt đầu vào đô thị từ bản Phiêng Lơi, dốc tạo ngàm nhỏ, chạy luồn lạch giữa khu vực dân cư của hai tuyến đường song song Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Chí Thanh đã không chỉ góp phần cải tạo vi khí hậu khu vực đô thị mà còn tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại cho Thành phố anh hùng.

Những điều khác biệt của Thành phố này nếu chịu khó đi sâu, ngẫm kỹ cũng sẽ có những điều đặc biệt như trong việc đặt tên phố với hầu hết các tuyến phố chính mang tên những người lính Cụ Hồ, đầy đủ cấp bậc từ tướng lĩnh đến người chiến sỹ: các vị Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái và các chiến sỹ anh hùng Trần Can, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn…, các phố gần gụi nhau như vẫn cùng sinh hoạt thân tình trong Đại đội làm nên chiến thắng chấn động địa cầu năm xưa.

Rồi những điều bất ngờ lý thú khác như: Thành phố không có chùa, đất nằm trong vùng chủ đạo là dân tộc Thái sinh sống nhưng kiến trúc lại mang dáng dấp đô thị đồng bằng. Đó cũng là điều bình thường khi biết được Thành phố ngày hôm nay được tập hợp, khởi dựng và phát triển trên cơ sở là nông trường quân đội sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dần chung tay cùng đồng bào người Thái mà tạo nên một cộng đồng dân cư đoàn kết, hòa hợp. Mặc dù Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh (xuất phát từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là “Xứ Trời”), gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái, được coi là “đất tổ” của nhiều nhánh Thái ở Đông Nam Á nhưng từ năm 1754, tướng Hoàng Công Chất người Thái Bình lên đây đánh giặc và tại đền thờ Ông ngày nay, có một cây cổ thụ mọc ra ba ngọn khác nhau. Khi nói vui, thì đó được coi là biểu tượng hợp nhất của ba tộc người Thái ở Điện Biên: Thái đen, Thái trắng và… Thái Bình. Bởi vậy, lâu dần, đặc trưng đồng bằng cũng được Điện Biên tiếp nhận như chính sản phẩm văn hóa của mình.

Có lẽ chưa có thành phố nào dù quy mô nhỏ nhưng lại gắn với chiến thắng huy hoàng, vang dội như Điện Biên Phủ. Và chiến thắng bao giờ cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi xương máu, sự hy sinh của những người chiến sỹ và nhân dân. Vì thế khó có nơi nào trên đất Việt lại có nhiều nghĩa trang lớn đến vậy. Nghĩa trang Độc Lập phía Tây Bắc, Nghĩa trang Him Lam phía Bắc và đặc biệt là Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1… Tất cả những nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ, đến từ mọi miền đất nước đã thực sự tạo ra những không gian tưởng niệm linh thiêng, tình nghĩa.

Hoàng hôn xuống, khi mặt trời đi ngủ – tắt ánh sáng trên bầu trời thì trong các nghĩa trang này vẫn sáng lên không chỉ bằng ánh sáng của nến, của hương khói hầu như không bao giờ tắt, mà sáng bởi những ngôi sao sáng – các anh hùng liệt sỹ của đất nước đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Công trình Bảo tàng Điện Biện được xây dựng mới đối diện Nghĩa trang A1, lưu giữ những sự tích các anh được thiết kế có hình ảnh kiến trúc mang dáng dấp của chiếc mũ bộ đội, chiếc áo trấn thủ năm xưa.

Mai sau, với định hướng quy hoạch Thành phố Điện Biên Phủ, có sự điều tiết các chức năng hành chính dịch chuyển đến Noong Lua. Đây cũng sẽ là điều kiện, cơ hội cho việc bổ khuyết, điều tiết các chức năng của khu đô thị hiện hữu. Khi đó, những không gian cảnh quan tâm linh chủ thể này của Thành phố sẽ tạo nên một đô thị Điện Biên hiện đại, xanh và phát triển bền vững.

Những đặc thù này nếu được bảo tồn, phát huy sẽ tạo ra đặc trưng của đô thị di sản mang biểu tượng cho chiến thắng lịch sử của dân tộc. Quanh các khu di tích lịch sử, cách mạng này cũng cần có sự điều tiết chức năng, kiểm soát quy mô để nhấn mạnh các không gian mở, chức năng của các điểm di tích để đảm bảo yếu tố chính, chủ thể ngày càng được nhấn mạnh hơn, tôn trọng hơn, thể hiện ứng xử văn hoá của các thế hệ sau này với chiến thắng hiển hách của thời đại cha ông mà đa số chúng ta hôm nay cũng đã được tham gia hoặc chứng kiến.

Rồi cũng sẽ có những quy định cụ thể đến cả việc kiểm soát mầu sắc, quy mô, chức năng, kể cả vật liệu, tỷ lệ kính trên mặt đứng của các công trình hướng Đông – Tây hai bên tuyến phố 7-5 này. Đối với trục chính theo hướng Đông – Tây cũng cần có những điều chỉnh để khu vực trung tâm được trân trọng, tĩnh lặng nghiêm trang khi ngước – ngắm nhìn Đài chiến thắng trên cao. Các hoạt động liên quan đến chợ cũng cần được sắp xếp để không ảnh hưởng đến không gian độc tôn này, đặc biệt là trong những ngày lễ hội, kỉ niệm. Việc phủ mái nhựa trong – khung vòm trên hầm Đờ-cát-tơ-ri cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh để không lấn át cảnh quan chủ thể gốc.

Bên cạnh đó, các khu bản làng Mến, Noong Trun, Phiêng Lơi… nằm phía sau các tuyến đường chính cũng sẽ được bảo tồn, mở lối để du khách muôn nơi tìm đến tham quan và hiểu thêm về văn hóa và yêu hơn con người Điện Biên mộc mạc, mến khách vẫn đang sống và gìn giữ những nét tinh hoa, bản sắc của dân tộc mình trong lòng thành phố dần phát triển.

Khi đó, với màu xanh của mây trời, cây, lúa Mường Thanh, sự ngăn nắp trật tự của một đô thị được kiểm soát, chắc chắn giá trị Điện Biên Phủ sẽ được mọi đối tượng tham quan du lịch hay thăm lại chiến trường xưa ghi lại, trân trọng.

Một đô thị xanh, tôn trọng giá trị lịch sử, kiểm soát ngăn nắp… chắc hẳn cũng phù hợp với màu xanh và sự nghiêm chỉnh của quân đội, thành phố của những người lính.

Kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014), chắc hẳn chỉ cần nghe hay nghĩ đến từ “Điện Biên Phủ”, ai cũng hẳn bồi hồi, liên tưởng và kính nhớ đến vị Tướng của dân tộc vừa mới qua đời. Và gần đây thôi, tại kỳ họp thứ 10, khóa XIII (ngày 1/4), HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIII đã thống nhất cao việc đổi tên Đường 7/5 thành Đường Võ Nguyên Giáp.

Như bao thành phố khác trên nước Việt Nam này, tại Thành phố đắm say của những người chiến sỹ mang theo mình chiến tích của chiến thắng Điện Biên vang vọng địa cầu, đã có tên vị Đại tướng gắn cùng tuyến phố chính, khu vực trang trọng để Đại tướng sẽ lại như những ngày nào hội đàm binh pháp với các tướng lĩnh, chiến sỹ trong đội ngũ của quân đội nhân dân Việt Nam trên đất Điện Biên lịch sử oai hùng.

KTS Nguyễn Phú Đức