Diễn đàn KTS: Có hay không thị trường nhà ở nông thôn?

Một trong những nỗi băn khoăn lớn nhất của giới KTS Việt Nam từ nhiều năm nay chính là kiến trúc nhà ở nông thôn. Thực tế cho thấy mảng đề tài này từ lâu vẫn bị lãng quên, hay nói đúng hơn là chưa được quan tâm đúng mức. Trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu của người dân cả ở nông thôn và thành thị ngày càng cao, câu hỏi đặt ra là: Có hay không thị trường thiết kế nhà ở nông thôn? Phải chăng thị trường này còn đang bỏ ngỏ, cần các KTS gắng sức hơn nữa cho những thử nghiệm và sáng tác mới?

Để góp phần trả lời cho những câu hỏi này, TCKT đã có những cuộc trò chuyện với các KTS: Hoàng Thúc Hào, Đoàn Thanh Hà, Lê Cao Anh. Có thể nói đó là những gương mặt đi tiên phong

với những công trình – tác phẩm nổi bật tại khu vực nông thôn hiện nay.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Các phương án vào vòng Chung khảo cuộc thi Thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo Nhà ở Nông thôn Việt Nam”

“Kiến trúc nông thôn và trách nhiệm của KTS”

Phóng viên (P/V): Anh có thể cho biết nhận định của anh về sự khác biệt giữa kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn?

KTS Hoàng Thúc Hào:

Kiến trúc ở đô thị hay nông thôn thì cốt lõi vẫn là phục vụ con người. Những năm qua, kiến trúc nông thôn có những thay đổi đáng kể nhưng cũng không ít những trả giá, kiến trúc và quy hoạch chưa được quan tâm xứng tầm với 1 đất nước 70% dân số là nông dân, dù nông dân các vùng nông thôn hiện đại đã không còn “thuần túy nông dân” nữa. Những vấn đề đặt ra hiện nay với kiến trúc nông thôn phần nào cũng là của kiến trúc đô thị, nhưng ở mức độ tiêu cực hơn, ví dụ như: Ô nhiễm (rác thải, tiếng ồn, nguồn nước và cả ô nhiễm văn hóa…), bản sắc vùng miền, hạ tầng kỹ thuật… Điều này một phần do nhận thức của người dân vùng sâu vùng xa còn rất hạn chế. Họ cần những giải pháp thực tiễn và hiệu quả. Đó cũng là trách nhiệm của giới KTS chúng ta.

P/V: Vậy theo anh thì có hay không cái gọi là “thị trường” thiết kế nhà ở nông thôn?

KTS Hoàng Thúc Hào: Nói đến “thị trường” chúng ta cần xét đến nhu cầu. Rõ ràng nhu cầu người dân trong lĩnh vực nhà ở nông thôn là có, thậm chí cấp thiết. Như tôi đã nói, nông dân cần những giải pháp thực tế, thiết thực. Ở đây rất cần sự tham gia, thậm chí là “dấn thân” của lực lượng KTS trẻ – Họ cần đem đến những thử nghiệm hữu ích cho người dân vùng nông thôn, miền núi. Điều này sẽ góp phần lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương vì mục tiêu phát triển bền vững. Luật Kiến trúc ra đời có Chương về bản sắc địa phương, với các vùng miền, đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kiến trúc nông thôn trên nền tảng văn hóa truyền thống và kiến tạo những giá trị văn hóa mới. Tôi cho rằng Hội KTS Việt Nam và giới nghề có trách nhiệm không nhỏ trong việc khích lệ tinh thần sáng tác, thử nghiệm và dấn thân vào lĩnh vực thiết kế rất đặc thù này. Những năm qua, nhiều hoạt động của Hội được thiết lập với tâm điểm là tìm kiếm các giải pháp cho nhà ở và cuộc sống của người dân nông thôn. Nhưng có lẽ, vẫn cần những giải pháp sáng tạo cụ thể, tích cực hơn trong thời gian tới.

Trường tiểu học số 2 Xã Xuân Hòa, HuyệnBảo Yên, Tỉnh Lào Cai

Công trình trường học vùng cao do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 hoàn thành 2018.

P/V: Anh có thể cho biết Triết lý Kiến trúc hạnh phúc của anh áp dụng với kiến trúc nông thôn như thế nào?

KTS Hoàng Thúc Hào: Triết lý Kiến trúc hạnh phúc bộc lộ khá rõ qua các công trình kiến trúc nông thôn chúng tôi đã thực hiện. Trong quá trình này, KTS được trải nghiệm sống, thấu hiểu rồi thiết kế, góp phần bảo vệ, phát huy sự đa dạng văn hóa và bản sắc địa phương. Người dân không chỉ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành không gian của chính mình mà góp phần tạo ra những giá trị mới, tiếp biến những giá trị cốt lõi, thích ứng với cuộc sống hiện đại. Đấy là điểm then chốt mà người dân có thể cảm nhận trong không gian hạnh phúc của mình.

Trường Mầm non Sơn Bàn, Thôn Sơn Bàn, xã Trà Hiệp, Huyện Trà Bồng , Tỉnh Quảng Ngãi

Công trình trường học vùng cao do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 hoàn thành 2018.

P/V: Anh có những dự định mới nào cho kiến trúc nông thôn thời gian tới?

KTS Hoàng Thúc Hào: Chúng tôi coi trọng những công trình mà người dân có thể tham gia và góp phần xây dựng. Ngoài 2 dự án người mới là trường học miền núi, chúng tôi đang thiết kế Homestay ở Tả Phìn và Ký túc xá – Nhà ăn cộng đồng cho học sinh H’mong ở Tây Nguyên. Sắp tới, khoảng tháng 10 – 11, Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 sẽ mở tour tham quan thực tập những kiến trúc nông thôn mà chúng tôi và các đồng nghiệp đã thực hiện.Việc này giúp các bạn trẻ tiếp cận thực tế, hiểu cách thức sử dụng vật liệu, khai thác yếu tố địa phương…

P/V: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

“Kiến trúc nông thôn cần Ngon – bổ – rẻ!”

Phóng viên (P/V): Anh có thể chia sẻ với độc giả TCKT những suy nghĩ của anh về kiến trúc nông thôn hiện nay?

KTS Đoàn Thanh Hà: Phải nói rằng nông thôn và kiến trúc nông thôn Việt Nam đã đổi thay rất lớn trong vòng 30 năm trở lại đây do sự phát triển đương nhiên của nhu cầu cuộc sống. Điều đáng tiếc là: Những thay đổi đó hầu hết đều tiêu cực với nhiều hệ lụy đáng báo động. Hơn 10 năm qua có không ít học giả/ nhà nghiên cứu và một số tổ chức/ cá nhân đã tiếp cận để bắt bệnh rồi đề xuất các hướng điều trị cho kiến trúc nông thôn nhưng cho đến nay hầu như không có chuyển biến nào đáng kể trong thực tế. Nhắc đến kiến trúc nông thôn hiện nay là nói đến cấu trúc làng xã bị phá vỡ, sự phát triển bừa bãi không biết ngày mai,..

Tổ Khuyến Nông – Phương án Đạt giải Khuyến Khích cuộc thi: Chung tay kiến tạo Nhà ở Nông thôn Việt Nam

Những chuyển dịch nhanh mạnh đó không nằm ngoài quỹ đạo biến động của bức tranh toàn cảnh nông thôn trên phạm vi toàn cầu khi nhân loại vẫn đang phải đối mặt với 5 cuộc khủng hoảng lớn, là: Dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái. Tôi nghĩ, nông thôn và kiến trúc nông thôn Việt Nam cần có hành động cụ thể sớm cho 3 vấn đề chính:

  • Dân số tăng làm quỹ đất ngày càng giảm khiến tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép tràn lan;
  • Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến mất đất nông nghiệp nghiêm trọng kéo theo tình trạng thiếu việc làm;
  • Quy hoạch kiến trúc đang bị bỏ quên gây ra nhiều nạn ô nhiễm và thiếu vắng các công trình hạ tầng kỹ thuật cần thiết

P/V: Trong bối cảnh thực tế đó, đối với cá nhân anh, thiết kế nhà ở nông thôn có khó không? Khách hàng của anh đang chú trọng điều gì, đặc biệt yêu cầu anh điều gì khi thiết kế nhà ở tại nông thôn?

KTS Đoàn Thanh Hà: Với tôi không có gì là dễ cả nên việc thiết kế nhà ở nông thôn cũng không phải ngoại lệ. Đa phần gia chủ nêu băn khoăn về khoản tiền mà họ dành dụm được để mở đầu câu chuyện, cuối buổi gặp họ thường thật thà xen lẫn hài hước hỏi mà như kết luận chung về công trình là “Ngon-Bổ-Rẻ” (?!). Và tôi đã suy nghĩ khá nghiêm túc về câu nói đó để cố gắng ứng. Đối với tôi, những tiêu chí đó được cụ thể hóa là:

  • Ngon (Ích – Mỹ) = Sử dụng tốt, đẹp mắt;
  • Bổ (Chân – Thiện) = Vị dân sinh / Nâng dân trí / Chấn dân khí = Góp phần làm cho đời sống của người dân được đầy đủ; Nâng tầm nhận thức, tri thức của người dân; Chấn hưng ý chí, chí khí của người dân;
  • Rẻ = Chi phí hợp lý.

Tôi luôn muốn thử nghiệm và lồng ghép các thông điệp mang trách nhiệm với môi trường (tự nhiên, văn hóa-xã hội) vào công trình với hy vọng đưa kiến trúc nông thôn góp phần chung tay giải quyết các vấn đề lớn của đất nước.

“Tổ ấm nở hoa – Blooming Bamboo home” của Công ty H&P Architects được chọn trao Giải thưởng quốc tế IAA – International

P/V: Những công trình của anh tại khu vực nông thôn đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Qua đó, anh có thể nói gì về cảm nhận chung của mọi người đối với mảng kiến trúc nông thôn nói chung và kiến trúc nông thôn Việt Nam nói riêng?

KTS Đoàn Thanh Hà: Năm 2014, KTS Rem Koolhaas (giải thưởng Pritzker, 2000) công bố các thông tin nghiên cứu trong vòng 10 năm của ông với chủ đề về nông thôn và cho rằng: “Các KTS trên thế giới đã quên mất nông thôn” và cần có sự đầu tư cho cuộc cách mạng nông nghiệp mới.

Ở Việt Nam, theo KTS Nguyễn Trực Luyện (nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam) thì “Vấn đề quy hoạch phát triển nông thôn không chỉ có Bộ Xây dựng mà liên quan đến nhiều bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” – nhằm nói lên sự cần thiết của việc cùng phối hợp giữa các Bộ để đưa ra những quy hoạch thật sự có tính hệ thống cho các địa phương.

Theo một thống kê trước đây thì chỉ khoảng 1% dân số thế giới có điều kiện tiếp cận KTS trong quá trình tạo lập những kiến trúc mới và chúng ta đều biết nông thôn chiếm phần lớn trong số 99% còn lại – Đây là một thực tế giật mình nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực thì tôi cho rằng đó lại là cơ hội lớn cho các KTS trẻ nước ta dấn thân tham gia vào quá trình kiến tạo Kiến trúc nông thôn Việt Nam đương đại.

P/V: Anh có thể chia sẻ về một vài dự án mới anh đang thực hiện?

KTS Đoàn Thanh Hà: Tôi đang thiết kế một ngôi nhà ở một xã thuộc huyện Thanh Hà, Hải Dương, dự án đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật để thi công. Tôi gọi tên nó là “Tổ khuyến Năng” với mong muốn công trình có thể chung tay vào công cuộc phát triển Năng lượng tái tạo và tạo ra việc làm cho người dân ở nông thôn Việt Nam.

Tôi quan niệm nhà ở nông thôn hiện nay nên từ 2 tầng trở lên nhằm tiết kiệm đất, mái nhà cần sinh lợi (khuyến khích nông nghiệp hoặc phát triển Năng lượng tái tạo), ngoài ra, tận dụng nước mưa và tái sử dụng nước sinh hoạt cũng cần đặc biệt chú trọng.

P/V: Cảm ơn anh và xin được chúc anh tiếp tục thành công với những dự án mới!

“KTS cần tin ở chính mình!”

P/V: Phần lớn mọi người đều cho rằng việc kết hợp truyền thống và hiện đại trong ngôi nhà nông thôn là điều khó khăn. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của anh khi thiết kế nhà ở nông thôn với những tiêu chí cân bằng giữa yếu tố bản sắc truyền thống với việc sử dụng vật liệu công nghệ mới?

KTS Lê Cao Anh: Từ lúc con người bắt đầu có ý thức kiến tạo không gian ở tới giờ, cách thức xây dựng, nguồn vật liệu liên tục thay đổi và phát triển, hướng tới tính hợp lý và tối ưu cho không gian và tiện nghi cho cuộc sống. Tôi cho rằng công trình nhà ở nông thôn, nếu được thiết kế hợp lý theo thói quen sinh hoạt của người nông thôn, đã được xem như thành công bước đầu của thiết kế. Về mặt thẩm mỹ, dù sử dụng vật liệu truyền thống hay vật liệu mới cũng vẫn cần quan tâm đến yếu tố: Không làm xấu đi bối cảnh, nơi công trình được sinh ra.

Nhà ở nông thôn thường có tính thích ứng với khí hậu vùng miền, thích ứng với văn hoá truyền thống từng vùng quê, thích ứng với công năng vừa sản xuất vừa sinh hoạt của bà con, vì vậy kiến trúc nhà ở nông thôn rất phong phú và tất khoa học. Nhà ở nông thôn thường chi phí đầu tư không lớn nên tính hợp lý trong việc thiết kế là yếu tố tất yếu.

Tôi và các cộng sự của mình ở LAB CONCEPT với các công trình nhà ở nông thôn đang cố gắng hướng tới việc nâng cao chất lượng sống và mức thu nhập của bà con nông thôn vùng núi phía Bắc.

Một số công trình Nhà ở Nông thôn do KTS Lê Cao Anh thiết kế

P/V: Vậy theo anh kiến tạo nhà ở nông thôn khó hay dễ?

KTS Lê Cao Anh: Như đã phân tích bên trên về tính phong phú, khoa học, hợp lý, chúng ta có thể hiểu: Thiết kế nhà ở nông thôn không dễ. Thêm vào đó cuộc sống ở nông thôn và thành thị khác nhau, KTS thường sinh sống, hành nghề tại đô thị, nếu muốn thiết kế công trình nhà ở nông thôn thật tốt còn cần đến trải nghiệm sâu sắc và thực tế. Có lẽ đây là rào cản lớn nhất đối với KTS khi thiết kế nhà ở nông thôn hiện nay.

P/V: Kinh nghiệm của anh khi thuyết phục chủ đầu tư nhà ở nông thôn theo những định hướng thiết kế của mình?

KTS Lê Cao Anh: Thuyết phục chủ đầu tư ở nông thôn hay ở thành thị xây dựng công trình theo bản thiết kế đều khó và dễ như nhau, trong việc này, không thể nói mạnh được, đôi khi cái duyên góp sức rất nhiều. Trước khi có được lòng tin từ phía khách hàng, KTS cần tin vào chính mình đã.

P/V: Trân trọng cảm ơn anh!

Nhóm PV TCKT

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019)