Thiết kế kiến trúc là một quá trình tư duy phản ánh những suy tư của người thiết kế, nên các lối diễn giải văn hóa truyền thống (VHTT) trong kiến trúc có thể đặt tên theo các mô hình tư duy: Hình thức luận; cấu trúc luận và hiện tượng luận. Mỗi lối có những đặc trưng riêng, nếu lối Cấu trúc diễn thể hiện sự kết hợp giữa hình thức và nội dung khi tạo nên hình thái kiến trúc; thì với Hình thức diễn, kiến trúc chỉ đơn nghĩa với yếu tố hình thức vật lý của nó; sang Hiện tượng diễn, kiến trúc là sự tích hợp nhiều chiều kích, nhiều mối quan hệ tương tác, dung hoà nhau. Với cách gọi tên trên cùng sự hệ thống hoá, các lối diễn giải VHTT trong kiến trúc đương đại Việt Nam sẽ được nhận dạng, đánh giá hay vận dụng một cách có cơ sở và thuyết phục hơn.
Cho đến nay, VHTT vẫn luôn được quan tâm và truyền cảm hứng cho thiết kế kiến trúc. Có nhiều xu hướng kiến trúc liên quan tới yếu tố VHTT với nhiều lối diễn giải, song vẫn chưa có sự thống nhất trong cách định dạng và phân loại các xu hướng này. Có nhiều cách gọi tên, các nghiên cứu của PGS.Tôn Đại phân định các xu hướng kiến trúc hướng về VHTT thành 3 loại: Xu hướng phục cổ, xu hướng kết hợp, xu hướng cấu trúc không gian và kiến tạo theo tinh thần dân tộc1; hay TS.Nguyễn Văn Cương cho rằng: Kiến trúc Việt Nam (KTVN) trong việc kế thừa di sản kiến trúc truyền thống (KTTT) thể hiện các xu hướng: Xu hướng phục cổ, xu hướng chiết trung, xu hướng tích hợp2; trong khi đó, theo GS.Doãn Minh Khôi, có ba xu hướng bản địa hoá trong kiến trúc đương đại (KTĐĐ) ở Việt Nam: Kiến trúc bản địa liên quan tới hình tượng hoá một hình thức tiêu biểu của địa phương, giải pháp kiến trúc liên quan tới vật liệu địa phương và công nghệ xây dựng truyền thống, giải pháp liên quan tới sự trải nghiệm về một chu trình sống hay môi trường sống mang tính địa phương… Có thể nói, các cách gọi tên, phân loại trên chưa phản ánh được nguyên do nội tại cũng như những biểu hiện của các xu hướng, nên chưa đi đến sự thống nhất để có một cách gọi tên chung.
Kiến trúc với tư cách văn bản văn hoá – phản ánh một cách chân thật tinh thần thời đại mà nó hiện sinh; ghi dấu ấn cả những biến chuyển của những hệ tư duy qua từng thời. Nếu hệ thống theo thời gian, qua các thời Tiền hiện đại, Hiện đại và Hậu hiện đại; ta có thể nhận ra các lối ứng xử với VHTT khác nhau theo những mô hình tư duy đặc trưng: Hình thức luận, Cấu trúc luận và Hiện tượng luận. Thiết kế kiến trúc hay diễn giải VHTT vào kiến trúc là một quá trình tư duy phản ánh những suy tư của người thiết kế, nên cũng biến chuyển tương ứng với những mô hình tư duy trên, do vậy ta có thể đặt tên các lối diễn giải VHTT trong kiến trúc: Hình thức diễn; Cấu trúc diễn và Hiện tượng diễn.
Hình thức diễn
Có thể nói, tư duy Tiền hiện đại và Hiện đại là hệ tư duy đòi hỏi tính rõ ràng, chính xác và thuần khiết; nên nhìn nhận thế giới quan phải qua tính thực nghiệm với những sự vật có hình dáng cụ thể quan sát, sờ nắm được, tức theo mô hình tư duy hình thức luận. Với hệ tư duy này, tính logic của nền khoa học tự nhiên là đặc trưng. VHTT trong thời này cũng là những gì cụ thể và hợp lý; đó chủ yếu là những vật phẩm vật chất quý báu và được xem như là những món đồ cổ, những vật trang sức, dùng làm trang trí.
Với lối tư duy hình thức luận như vậy, kiến trúc chạy theo kiểu hình học, tính hình tượng phục vụ cho cái đẹp qua thị giác là chính. Ở đây thế giới quan là thế giới bề mặt, được nhìn và biết qua chính sự vật; nên thiết kế kiến trúc là quá trình tạo dựng hình khối, không gian sử dụng, vẻ đẹp bề ngoài. Sự diễn giải kiến trúc thời kỳ này có thể gọi là hình thức diễn.
Tư duy thời kỳ này nặng về tính logic, thống nhất hoá cổ xuý cho quan hệ loại trừ và vẻ đẹp thuần khiết. Những gì khác, lạ như VHTT, văn hoá dân gian sẽ có hai hướng đi, hai thái độ ứng xử trái ngược nhau: Một là chiều hướng sao chép coi VHTT như là những vật phẩm trang trí; hai là chiều hướng loại trừ chạy theo vẻ đẹp thuần khiết – phi truyền thống. Song đầu thế kỷ 20, chiều hướng thứ hai chiếm ưu thế hơn, thể hiện tinh thần “khai sáng” của thời đại.
Điển hình là kiến trúc Hiện đại, bắt nguồn từ châu Âu, là một sự phản ứng lại những ảnh hưởng của kiến trúc quá khứ từ cuối thế kỉ 19. Kiến trúc Cổ điển nay không còn đủ sức sống – vay mượn và lệ thuộc quá nhiều vào quá khứ, không phản ảnh trung thực bối cảnh của thời đại công nghiệp. Vì vậy, nó trở thành vật cản, trói buộc con người với quá khứ hoặc đánh lừa thị hiếu kiến trúc bằng những yếu tố tranh trí diêm dúa và vô nghĩa. Đầu thế kỉ 20, xu hướng phong cách Quốc tế. [Hình 1a; 1b] là minh chứng tiêu biểu phản ảnh tinh thần thiết kế phi truyền thống thời đại mới này.
Kết quả là hình ảnh các công trình kiến trúc như những hộp hình học lạnh lùng, mà theo tư duy ngôn ngữ thì đây là kiến trúc “câm”. Sự loại trừ quy giản như thế, kiến trúc nói chung là đơn nghĩa và phi truyền thống. Vẻ đẹp phi truyền thống như vậy chẳng diễn giải được điều gì khác ngoài chính nó – đây là lối diễn giải VHTT theo lối hình thức diễn.
Cấu trúc diễn
Song vào những năm 1950, con người cảm thấy ngột ngạt trong hệ tư duy lý tính, biểu hiện rõ khi ở trong những căn nhà hình hộp, đi đâu cũng bắt gặp những mảng bê tông khô khan hay kính lạnh lùng. Họ cảm thấy cần có điều gì đó mang tính “cảm” hơn, nhằm hạ bớt tính “lý”; họ nhận thấy không chỉ tìm những gì nằm ở bề mặt, mà còn nằm ở bề sâu hơn và chủ nghĩa Cấu trúc đã giúp họ. Cấu trúc là một thứ rất vô hình, nhưng bằng cấu trúc đó, thế cân bằng sẽ được tạo lập, tính tổng thể được tìm thấy. Vì thế, theo mô hình tư duy Cấu trúc luận, cái tổng thể gồm một mặt là cái-biểu-đạt tương ứng với mặt kia là cái-được-biểu-đạt, hay theo các nhà nhị nguyên nói đơn giản là vật chất và tinh thần.VHTT trong thời này không nằm ngoài quy luật đó, gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Kế thừa VHTT vào kiến trúc là diễn giải cả hai giá trị này – đây là lối diễn giải truyền thống theo Cấu trúc diễn.
Thực tiễn diễn ra có hai cấp độ: Vào thời kỳ đầu là một sự cộng gộp, kết hợp còn đơn giản “hoặc cái này, hoặc cái kia”; ở thời kỳ sau mức độ cao hơn thể hiện ở sự phức hợp “vừa là cái này, vừa là cái kia”. Thật vậy, thời kỳ đầu những năm 1950, khi vẫn còn ở thời tư duy Hiện đại với cái nhìn thực chứng logic, dù đã được chủ nghĩa Cấu trúc dẫn dắt song sự diễn giải VHTT mới chỉ là sự cộng gộp kiểu chiết trung, VHTT được sao chép “cắt dán” vào công trình đương thời. Diễn giải hơn chút là sự kết hợp giữa hình thức cũ với vật liệu, kết cấu mới. Các trào lưu dân tộc Bắc Âu, dân tộc Mỹ La tinh, kiến trúc Hậu hiện đại [Hình 2a; 2b] là đại diện, đã thể hiện được tinh thần của chủ nghĩa Cấu trúc khi diễn giải kết hợp cả hình thức và nội dung của VHTT vào kiến trúc mới.


Sang thời kỳ sau, vào những năm 1960 – thời tư duy Hậu hiện đại, diễn giải VHTT theo phương thức Cấu trúc luận được dẫn đường thêm bởi các học thuyết như ký hiệu học, tính biểu tượng, tính nhập nhằng hay sự cộng sinh văn hoá trong kiến trúc. Nên diễn giải VHTT là sự phức hợp nhuần nhuyễn hơn cả hai giá trị tinh thần và vật chất. Phức hợp bằng cách điệu, ẩn dụ, tượng trưng hay cài mã.
Nhìn chung, sự diễn giải VHTT theo lối Cấu trúc diễn thể hiện cái đẹp không chỉ để nhìn ngắm nhìn, mà cái-đẹp-có-nghĩa -ý nghĩa về cộng đồng xã hội, về văn hoá, về môi sinh mà con người đang sống. Tức cái đẹp cần được cảm nhận bằng cả tư duy và tình cảm; trong đó, VHTT là vật liệu tạo nhiều chất “cảm” nhất. Kiến trúc nay được nhìn nhận như một hệ thống ký hiệu hay biểu tượng văn hoá – một hệ thống giao tế phi ngôn từ. Kiến trúc bắt đầu có “tiếng nói”, khác kiến trúc “câm” theo lối Hình thức diễn.
Hiện tượng diễn
Tuy nhiên, sang những năm 1970, chủ nghĩa Cấu trúc lại vấp phải một phản kháng khác, khi không đưa ra được câu trả lời thoả đáng cho những nhu cầu mới của con người và những vấn đề phức tạp của đời sống hiện đại. Không thể là những giải đáp đơn giản, cứng nhắc theo đường lối của thuyết nhị nguyên trong chủ nghĩa này; sẽ không có một con đường nào chung cho tất cả mọi người, khi họ đi tìm sự thật và ý nghĩa của riêng mình. Khi sự thật hay ý nghĩa tuỳ thuộc vào từng xã hội hay là thước đo của mỗi nền văn hoá cấu tạo nên, thì con người thời Hậu hiện đại trở thành “quyền uy” cho chính mình và chỉ chấp nhận những gì do chính mình trải nghiệm. Lúc này với học thuyết Hiện tượng luận, mô hình tư duy đương đại bước hẳn sang một ngã rẽ khác trong quá trình quan sát và tạo nghĩa – một quá trình đang dần rời xa khái niệm cái-biểu-đạt và cái-được-biểu-đạt của chủ nghĩa Cấu trúc luận để xây dựng một cách diễn đạt ý nghĩa mới về thế giới và vũ trụ theo Hiện tượng diễn.
Thật vậy, khi diễn giải VHTT thường hay phân vân khai thác giá trị vật chất/ cái hữu hình hay giá trị tinh thần/ cái vô hình của VHTT hay cả hai, cách nào khả thi và thuyết phục? Song theo Hiện tượng diễn, diễn giải VHTT nên nhìn nhận hai giá trị này không thể tách bạch. Chẳng hạn kiến trúc Hiện đại mới Nhật với đa tầng ý nghĩa, song ta không tách bạch được đâu là giá trị vật chất hay giá trị tinh thần, không thể phân biệt được đâu là giá trị của hiện tại hay của quá khứ. Đúng như bản chất nhập nhằng của kiến trúc. Nền kiến trúc Nhật được cả thế giới công nhận rất hiện đại song cũng rất Nhật, không nhầm lẫn được với kiến trúc nước khác [Hình 3a; 3b].


Mặt khác, qua những bước chuyển tư duy trên còn thể hiện sự chuyển đổi từ mô hình tư duy logic sang tư duy đối thoại, nên đặc trưng khai thác VHTT thời kỳ này là sự hoà giải, dung hợp phức tạp giữa các mục tiêu: Bảo tồn, kế thừa, khai thác, phát huy, đổi mới..; là sự tích hợp, vượt gộp các giá trị của VHTT cùng các giá trị cần có của thời đương đại. Vì thế, “tiếng nói” của kiến trúc và sự diễn giải VHTT trong kiến trúc nói riêng đa dạng hơn, gợi mở hơn. Đặc biệt, lúc này trong kiến trúc, diễn đạt rõ rệt cái được biểu đạt tức là giết nó(4); một công trình càng gợi nên nhiều ẩn dụ thì càng có sức hấp dẫn. Công trình không phải là tác phẩm tĩnh đã “kết thúc” như thời tư duy Tiền hay Hiện đại; mà nay đầy nội lực như đang trong một hành trình, đang trình diễn phơi mở công năng lẫn hình thức; nên kiến trúc ưa chuộng phương thức đa kết hay kết mở. Vì vậy, nay theo lối Hiện tượng diễn không nhất thiết phải tả thực lại hình ảnh KTTT với các chi tiết của công trình cụ thể; mà màn diễn có thể có nhiều lối diễn tuỳ vào từng tình huống thiết kế, bối cảnh không gian và thời gian, miễn sao gợi lên được cái chất, cái thần của VHTT.
Hơn nữa, khi sự vật hiện tượng xảy ra bất định như bây giờ. Hiện tượng học đòi chúng ta phải chú ý đến phương thế hiện tượng xuất hiện. Trả lời câu hỏi, nó xuất hiện như thế nào, nguyên do của sự xuất hiện như thế? Hiểu vậy,ta không sao chép hay khai thác các mặt cấu trúc của VHTT một cách cứng nhắc; mà thể hiện hay diễn giải bản chất nguồn gốc của VHTT, tức tái diễn phát huy lý do hay hiệu quả mà đã từng khiến truyền thống trở thành truyền thống, nay mang ý nghĩa đương đại cho nó. Có vậy mới mong tạo được những “phản/ vượt truyền thống” [Hình 3a] và truyền-thống-mới [Hình 3b] hẳn sẽ được tạo lập.
Vậy theo Hiện tượng luận, ta có những lối diễn: (1) diễn nhập nhằng vừa các giá trị vật chất lẫn tinh thần từ VHTT tuỳ vào ngữ cảnh thiết kế; (2) gợi cái chất VHTT, hơn là tả thực lại những hình thức kiến trúc truyền thống; (3) diễn giải bản chất nguồn gốc hình thành VHTT để tái hiện thành những giá-trị-đương-đại tạo nên những truyền-thống-mới – Đó là những lối Hiện tượng diễn.
Thay lời kết
Qua các thời kỳ, qua các hệ tư duy, VHTT như mạch ngầm không ngừng chảy, đều được diễn giảivào kiến trúc – đó là một phần không thể thiếu trong quá trình tư duy thiết kế, dù bị phủ nhận, dù được ôm ấp hay muốn vượt qua nó. Sự diễn giải này chịu sự chi phối tác động không nhỏ từ các mô hình tư duy đương thời; và những biểu hiện của nó cũng chuyển đổi phản ánh tiến trình biến chuyển của các hệ tư duy này. Có thể tóm tắt thành bảng sau:
Vậy, nếu kiến trúc thời tư duy Hiện đại với lối Cấu trúc diễn thể hiện sự kết hợp giữa hình thức và nội dung, tạo nên hình thái kiến trúc vừa hợp lý vừa hợp tình; xa hơn, thời tư duy Tiền hiện đại với Hình thức diễn, khi cái lý quyết định tất cả, thì kiến trúc chỉ đơn nghĩa với yếu tố hình thức vật lý của nó; sang kiến trúc thời tư duy Hậu hiện đại với lối hiện tượng diễn là sự tích hợp nhiều chiều kích, nhiều mối quan hệ tương tác. Đến đây cả cái lý cả cái tình vẫn chưa đủ, mà còn hợp thời tức tuỳ vào tình huống thiết kế đặt ra. Nắm được “luật chơi” như vậy, ta sẽ chọn lối diễn nào hợp lý, có tình và cả thuận thời, hẳn VHTT sẽ được diễn giải một cách thuyết phục và truyền-thống-mới ắt sẽ được tạo lập.
Nhìn lại, các lối diễn giải VHTT ở nước ta không hẳn đi theo tiến trình từ hình thức diễn [Hình 4a], sang cấu trúc diễn[Hình 4b], rồi đến hiện tượng diễn [Hình 4c]; mà các lối diễn này có thể xảy ra đồng thời cùng lúc, hay lối hình thức diễn nay vẫn còn phổ biến. Song ở các thành phố lớn, các lối diễn giải VHTT xảy ra tương đối theo tiến trình chung của thế giới; và chủ đạo có lẽ vẫn diễn theo lối cấu trúc diễn là chính, chỉ rải rác vài công trình theo lối hiện tượng diễn. Có thể nói, ở ta sự diễn giải này đang ở khoảng vào những năm 1980 của thế giới, tức có một khoảng lùi hơn 30-40 năm. Nhìn nhận và hiểu như vậy, hẳn ta có thể trả lời được câu hỏi. “Làm gì để rút ngắn khoảng cách này trong tương lai?”
Chú thích
- Tôn Đại, -Các xu hướng dân tộc trong kiến trúc hiện đại Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc số 3/1989
- Nguyễn Văn Cương, – Tính dân tộc trong kiến trúc và xu hướng kế thừa di sản kiến trúc truyền thống, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật số 313, năm 2010;
- Doãn Minh Khôi, – Kiến trúc bản địa Việt Nam trong thế giới đương đại, tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng, số 19/2014
- Tôn Đại, Kiến trúc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Xây dựng, năm 2009
ThS.KTS Lê Trần Xuân Trang
Giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)
Tài liệu tham khảo:
- Doãn Minh Khôi, Kiến trúc bản địa VN trong thế giới đương đại, Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng, số 19 năm 2014
- Nguyễn Văn Cương, Tính dân tộc trong kiến trúc và xu hướng kế thừa di sản kiến trúc truyền thống, tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 313, năm 2010
- Tôn Đại, Các xu hướng dân tộc trong kiến trúc hiện đại Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc số 3, năm 1989
- Tôn Đại, Kiến trúc – những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Xây dựng, năm 2009
- Robert Venturi, The Complexity and Contradiction in Architecture, New York: The Contemporary Museum, 1966.
- Jonathan A.Hale, Building Idea: An Introduction to Architectural Theory, New York: John Wiley & Sons, 2000.