Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) có lịch sử phát triển khoảng 300 năm, với vị trí trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tính đến năm 2010, dân số Thành phố đã có khoảng hơn 8 triệu người, diện tích đô thị hóa khoảng 500 km2 trong tổng diện tích 2058 km2.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cả nước, TP HCM tiếp tục là đầu tàu của nền kinh tế, là trung tâm công nghiệp, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ, văn hóa, khoa học và giáo dục; là đầu mối giao thông đối nội và đối ngoại quan trọng. Thành phố đóng góp 25% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp và 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước
Sau khi Đồ án Quy hoạch chung đầu tiên được phê duyệt năm 1993 và được điều chỉnh vào năm 1998, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2010 vẫn tiếp tục phát triển Thành phố theo mô hình cấu trúc đa trung tâm với khoảng 10 triệu dân vào năm 2025.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng “Thành phố là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực. Từ đó, sẽ phát huy vai trò đặc biệt của Thành phố trong mối quan hệ với Vùng TP HCM, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế.
Thành phố sẽ phát triển hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị; giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường; phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc; phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn của đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…”.
Khu Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng
Thành phố đa trung tâm
Thành phố sẽ phát tiển theo mô hình tập trung – đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển, cụ thể như sau:
Phát triển Thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển (gồm Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang với tổng diện tích tự nhiên là 30.412 km2, bán kính ảnh hưởng 30-80 km). Việc phát triển ra bốn hướng nhằm liên kết, hỗ trợ phát triển với các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, việc phát triển này không phụ thuộc ranh giới hành chính nhằm giảm áp lực cho khu nội thành cũ, làm nền cho việc hình thành các trung tâm khu vực, trung tâm chuyên ngành giáo dục, y tế, kỹ thuật cao, văn hóa, giải trí…;
Phát triển Thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là hướng Tây – Bắc và hướng Tây, Tây – Nam;
Không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi;
Phát triển đô thị gắn với mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phân khu chức năng
Khu nội thành cũ: Nguyên tắc phát triển là cải tạo, chỉnh trang nâng cấp, bảo tồn các công trình có giá trị về kiến trúc, công trình văn hóa, lịch sử… Trong Chương trình phát triển nhà ở, sẽ có các phương án quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang theo hiện trạng với quy mô dân số khống chế khoảng 6,5 triệu người. Các khu phố cũ ở trung tâm sẽ được chỉnh trang và xây mới, chuyển đổi mô hình từ nhà thấp sang nhà cao tầng hiện đại; giảm dân số, giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình, để dành quỹ đất cho các công trình phúc lợi công cộng, dịch vụ và cây xanh… Các khu vực cần bảo tồn di sản kiến trúc thuộc quận 1, 3; khu Chợ Lớn, quận 5; khu Bà Chiểu, quận Bình Thạnh.
Khu nội thành phát triển (các quận mới): Nguyên tắc là tập trung phát triển các khu đô thị mới quy mô lớn, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các trung tâm khu vực quy hoạch theo bốn hướng gồm:
– Hướng Đông Bắc có Khu Công nghệ cao 913ha, Khu đại học Quốc gia 800 ha (phần thuộc TP HCM là 200ha), Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc 382 ha, Khu đô thị khoa học – công nghệ thuộc một phần Thủ Đức và quận 9.
– Hướng Bắc có khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng bao gồm một phần quận 12 và huyện Hóc Môn.
– Hướng Tây là một số Khu dân cư mới thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh gắn với khu công nghiệp tập trung;
– Hướng Nam tập trung cho Khu đô thị Nam Sài Gòn và một số khu dân cư mới ở quận 7. Dân số tại các quận (cũ và mới) được điều chỉnh tăng lên 7,4 triệu người, so với trước đó là 6 triệu người.
Khu vực ngoại thành: Nguyên tắc là tập trung đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới và đầu tư xây dựng một số khu đô thị vệ tinh hiện đại, tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành. Khu vực ngoại thành (gồm năm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ) tập trung phát triển các thị trấn, khu dân cư nông thôn và các đô thị vệ tinh, hạn chế phát triển tràn lan, giữ lại quỹ đất dự trữ, công viên, rừng cây xanh lớn của thành phố như Cần Giờ; phát triển nhà ở thấp tầng và khu nghỉ dưỡng. Quy mô đáng kể nhất là Khu đô thị Tây Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn – diện tích khoảng 6.000 ha và Khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè diện tích khoảng 1.600 ha. Hướng phía Bắc thuộc Hóc Môn và Củ Chi sẽ có thêm một số khu dân cư mới gắn với thị trấn, thị tứ và các khu công nghiệp tập trung. Hướng Tây thuộc Bình Chánh và hướng Nam thuộc Nhà Bè có một số khu dân cư mới theo dạng cụm dân cư để phù hợp với điều kiện địa chất thủy văn, bảo vệ hệ thống sông rạch…
Quy hoạch cũng tính đến việc bảo vệ quỹ đất của vùng nông nghiệp với quy mô khoảng 43.600ha thuộc các huyện ngoại thành để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh. Hạn chế đến mức thấp nhất phát triển đô thị trong các khu vực nông – lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái này. Đồng thời, cấm xây dựng trong khu vực hành lang bảo vệ dọc 3 sông Đồng Nai, Sài Gòn và Nhà Bè.
Hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật
Giao thông đường bộ: Hoàn chỉnh 6 tuyến hướng tâm đối ngoại, các đường vành đai, các đường cao tốc có năng lực thông xe lớn; xây mới 19 cầu và 2 hầm vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn. Xây dựng các bến xe tải chuyển tiếp hàng hóa ở cửa ngõ ra vào thành phố. Xây dựng các bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại tại trung tâm thành phố (khoảng 8 – 9 bãi) và các bãi khác tại các quận nội thành (khoảng 22 bãi). Đặc biệt, đối với hệ thống đường trên cao sẽ xây dựng 4 tuyến liên thông với nhau để giải quyết giao thông trực tuyến ở các trục có lưu lượng giao thông lớn, bao gồm: Tuyến 1 từ nút giao Cộng Hoà theo đường Cộng Hoà – Bùi Thị Xuân – kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh; Tuyến 2 từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài theo đường Tô Hiến Thành – Lữ Gia – Bình Thới – Lạc Long Quân – đường số 3 – đường vành đai 2; Tuyến 3 từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Văn Cừ nối dài – Lê Văn Lương – Nguyễn Văn Linh; Tuyến 4 từ nút giao thông Bình Phước theo quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn – đường Vườn Lài – Nguyễn Xí – Đinh Bộ Lĩnh – Điện Biên Phủ nối vào tuyến số 1.
Giao thông đường sắt: Đối với tuyến đường sắt quốc gia sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất khu vực TP HCM đoạn Trảng Bom – Bình Triệu, trong đó xây dựng tuyến tránh Biên Hoà về phía Nam và xây dựng mới đoạn đường sắt trên cao Bình Triệu – Hoà Hưng – Tân Kiên; Xây dựng mới tuyến đường sắt TP HCM – Biên Hoà – Vũng Tàu, TP HCM – Lộc Ninh – Campuchia… Đối với tuyến đường sắt đô thị, sẽ quy hoạch kết hợp sử dụng các tuyến đường sắt quốc gia cho chạy tàu ngoại ô và xây dựng 2 tuyến đường sắt nhẹ: Trảng Bàng – Tân Thới Hiệp, Thủ Thiêm – Nhơn Trạch – Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sử dụng chung ga Thủ Thiêm và ga Tân Thới Hiệp của đường sắt quốc gia. Hệ thống tàu điện ngầm (Metro) cũng sẽ xây dựng 6 tuyến xuyên tâm và vành khuyên cùng hệ thống xe điện trên mặt đất (monoray).
Giao thông thủy sẽ được cải tạo, nạo vét để đảm bảo lưu thông cho hai luồng sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp ra biển; bốn luồng sông đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; một luồng đi Bến Súc, đảm bảo đạt tiêu chuẩn sông cấp III. Sẽ di dời cảng Tân cảng, Ba Son, Nhà Rồng, Khánh Hội Tân Thuận Đông và cảng rau quả. Đồng thời đầu tư xây dựng phát triển khu cảng Cát Lái, khu Hiệp Phước. Tổng công suất cụm cảng khu vực TP HCM khoảng 200 triệu tấn/năm.
Hệ thống đường hàng không – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực; Cải tạo, nâng công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm. Phát triển kết cấu hạ tầng cho sân bay đủ khả năng tiếp nhận các máy bay hiện đại hoạt động 24/24 giờ. Xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) ngay trong những năm 2010 tương đương với công suất 100 triệu hành khách/năm.
Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật khác được yêu cầu và triển khai đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt đảm bảo phát triển thành phố bền vững có tính đến quy mô dân số khoảng 12.5 triệu người (kể cả dân số vãng lai).
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010 xác định rất rõ mô hình phát triển của TP HCM: Tập trung – đa cực. Trong đó, khu vực trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu với bán kính 15 km và 4 cực phát triển theo hướng Đông, Nam, Tây – Bắc, Tây – Nam. Tuy nhiên, đô thị TP HCM đang quá tải, người Pháp quy hoạch Sài Gòn chỉ cho 400.000 người, hiện nay đã tăng hơn 10 lần. Vai trò quy hoạch của thành phố không theo kịp sự bùng phát các khu đô thị, dẫn đến tình trạng những khu đô thị chắp vá, manh mún thiếu tính hệ thống đi kèm như điện, nước, giao thông, các cơ sở trường học… Đặc biệt là không quy hoạch cốt nền hoàn chỉnh dẫn đến thảm hoạ ngập lụt toàn thành phố trong nhiều năm qua chưa giải quyết nổi.
Tổ chức thực hiện – Kế hoạch hoạt động
Để đạt được mục tiêu là xây dựng TP HCM phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một Thành phố văn minh, hiện đại, Thành phố đã và đang triển khai nhiều công tác trong đó có công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị. Đến nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM đã thẩm định và Ủy ban nhân dân thành phố đã hoàn tất phê duyệt 22/22 Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các quận, huyện; nhiều đồ án quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp, quy hoạch ngành kinh tế – xã hội và kỹ thuật; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc khu trung tâm hiện hữu thành phố mở rộng (930ha). Về quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, quy hoạch phân khu trên địa bàn, thành phố đã lập mới và điều chỉnh tổng thể 297 đồ án trong số 588 đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000. Như vậy, Thành phố đã cơ bản phủ kín Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, Quy hoạch phân khu các khu vực đô thị để làm cơ sở pháp lý quy hoạch triển khai hàng ngàn dự án đầu tư xây dựng cho công tác quản lý, xây dựng và phát triển đô thị.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 3 quyết định phê duyệt đồ án thiết kế đô thị 3 trục đường chính của Thành phố (Đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ; Xa lộ Hà Nội; Đường Phạm Văn Đồng và hiện đã có kế hoạch tiếp tục lập quy chế quản lý cho các trục đường lớn, các khu vực quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Thành phố đang khẩn trương triển khai công tác lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung thành phố trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2025”. Đặc biệt là tập trung hoàn thiện, bổ sung và xây dựng mới những quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị. Những công tác này đã góp phần ngày càng lớn vào sự phát triển chung của Thành phố, của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước đưa Thành phố phát triển bền vững, trở Thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á.
Nguyễn Hữu Tín
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh