Quy hoạch chung thành phố Vinh
Thành phố Vinh tỉnh Nghệ An – là đô thị loại I với dân số 480 nghìn người – có tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai với vai trò là đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ. Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd được giao nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh với diện tích 250 km2 và dân số quy hoạch 900 nghìn người (tính đến năm mục tiêu 2030) nhằm xác lập các định hướng phát triển của Thành phố trong tương lai.
Tầm nhìn của Quy hoạch chung là “Đô thị thông minh, hiện đại gắn với kinh tế tri thức… phát triển bền vững với nền tảng con người, văn hóa và lịch sử”. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, cấu trúc đô thị đa cực – vệ tinh được thiết lập nhằm củng cố chức năng và đảm bảo sự phát triển độc lập của 3 khu vực đô thị chính: Trung tâm chính trị – văn hóa – lịch sử Vinh – Hưng Nguyên, đô thị du lịch ven biển nổi tiếng Cửa Lò và đô thị công nghiệp mới Quán Hành phát triển thống nhất với Khu kinh tế Đông Nam. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cũng được hoàn thiện nhằm đẩy mạnh liên kết giữa 3 khu vực đô thị này. Đặc biệt trên trục đô thị Vinh – Cửa Lò, nhiều khu chức năng đô thị mới được bố trí như đô thị trung tâm tài chính – thương mại, đô thị đại học – thể thao – du lịch,… Mặt khác, chức năng R&D, MICE, trung tâm CNTT, trung tâm KHKT,… cũng được bố trí nhằm thúc đẩy liên kết với Khu kinh tế.
So sánh 3 cấu trúc đô thị dựa trên kết quả mô phỏng môi trường nhiệt đô thị trong tương lai
Theo báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhiệt độ trung bình đã và đang tăng thêm 0,780c giữa các giai đoạn 1850 – 1900 và 2003 – 2012. Ngoài ra, mức độ tập trung dân số tại các đô thị của Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng cao. Trong bối cảnh này, bên cạnh quan điểm truyền thống là cách thức bố trí chức năng đô thị và hiệu quả xây dựng, cấu trúc của đô thị Vinh được đánh giá cả từ quan điểm ứng phó với hiện tượng trái đất ấm lên do biến đổi khí hậu và đô thị hóa.
Cụ thể, 3 kịch bản sử dụng đất như dưới đây đã được so sánh kiểm chứng về môi trường nhiệt đô thị (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió) sử dụng mô hình WRF (Weather Research and Forecasting)

- Kịch bản 0: Hiện trạng
- Kịch bản 1: Phát triển đồng thời TP Vinh và thị xã Cửa Lò (khu vực Bắc và Nam)
- Kịch bản 2: Tập trung phát triển thị xã Cửa Lò (phía Bắc)
- Kịch bản 3: Tập trung phát triển thành phố Vinh (phía Nam)
Kết quả kiểm chứng 3 kịch bản cấu trúc đô thị sử dụng mô hình WARF cho thấy. Trên toàn đô thị, hiệu ứng nhiệt độ hài hòa nhất (với cả tăng hoặc giảm) thu được ở kịch bản sử dụng đất số 1. Các kịch bản sử dụng đất khác đều giảm nhiệt độ ở phía Bắc hoặc Nam, nhưng không giảm đồng thời ở cả hai phía. Do vậy, việc thực hiện 3 kịch bản sẽ làm mất cân bằng trong kiểm soát môi trường.

Mô hình cấu trúc đô thị đáp ứng đồng thời yêu cầu phát triển kinh tế và yêu cầu bảo vệ môi trường
Xét về mặt môi trường, có thể nói mô hình cấu trúc đô thị thúc đẩy sự phát triển tự lập đồng thời đảm bảo mối liên kết tương hỗ của 3 khu vực đô thị chính được để xuất trong Quy hoạch chung đã tạo được sự cân bằng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong dài hạn.

Trong các quy hoạch có quy mô trải rộng trên toàn bộ khu vực tương tự như Quy hoạch chung lần này, cần xem xét, đánh giá ảnh hưởng môi trường không phải chỉ cho một phần đô thị mà cho toàn bộ khu vực. Đối với các quy hoạch đô thị trong tương lai, việc tham khảo các quan điểm về môi trường ngay từ giai đoạn nghiên cứu cấu trúc đô thị sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của toàn bộ đô thị.p
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc – Số 12-2015)