Đô thị thông minh(Smart city) được xã hội hiện nay quan niệm là đô thị có ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều phối các hoạt động xã hội trong đô thị. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ rõ khái niệm về đô thị thông minh [1], và bài báo này mong muốn hiểu thêm khái niệm “đô thị thông minh” được nhìn nhận tương ứng với quá trình hình thành và phát triển lịch sử đô thị phương Tây.
Có thể nói, trí thông minh được xem như một đặc tính nổi trội của con người so với các loài động vật khác. Với chủ thể nghiên cứu đó, mặc dù còn có những quan điểm và giải thích khác nhau, các nhà tâm lý học trên thế giới đều có chung một nhận định: trí thông minh không phải là một năng lực đơn độc, nó là sức mạnh tổng hợp của nhiều loại năng lực [2]; các nhà tâm lý học Trung Quốc cũng cho rằng trí thông minh bao gồm khả năng quan sát, khả năng của trí nhớ, sức suy nghĩ, óc tưởng tượng, kỹ năng thực hành và sáng tạo của con người. Vậy “đô thị thông minh” phải chăng là một “cơ thể sống” có cả linh hồn và thể xác, hiểu và đáp ứng nhu cầu của con người bằng cách liên kết nhiều lĩnh vực, kết hợp với điều kiện khoa học công nghệ nhằm tạo lập cho con người một môi trường sống phù hợp?
Khái niệm “đô thị” và mục tiêu hướng đến của đô thị. Vào thời kỳ con người bắt đầu bước ra khỏi hang động, sống quần cư, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên thì “làng sơ khai” trong thời kỳ này là “không gian sống” đảm bảo điều kiện cho các cá thể trong quần cư của mình: có chỗ nương tựa, chống chọi lại điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, sự xâm chiếm của các thế lực khác. (Hình 1).
Đến thời kỳ cổ đại, ngoài những tính năng của “làng sơ khai”, “đô thị” của người cổ đại được xây dựng với 2 chức năng gồm: Khu trung tâm, nơi tập trung các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, dinh thự, của tầng lớp thống trị, chủ nô, nhà giàu và Khu cư trú, nơi ở và lao động của tầng lớp bị trị, tầng lớp nô lệ và chú trọng đến các yếu tố kỹ thuật đô thị như: bố cục đối xứng, mạng lưới đường phố và các công trình kiến trúc ở dạng độc lập, khép kín (Hình 2: Đô thị Ai Cập), hay đô thị thời kỳ Hy Lạp đã chú trọng đến 4 chức năng: tôn giáo – tín ngưỡng Acropole, sinh hoạt cộng đồng Agora, cư trú và sản xuất (Hình 3: Đô thị Hy Lạp). “Đô thị thông minh” trong giai đoạn này là đô thị có không gian sống phục vụ cho giai cấp thống trị quản lý cư dân đô thị, phục vụ hiệu quả các hoạt động tín ngưỡng, cư trú, sản xuất, giao thương và quan hệ cộng đồng xã hội.


Thời kỳ Trung đại, “đô thị” lúc đầu là nơi các lãnh chúa phong kiến cát cứ và phân chia khu vực trị vì, nên mô hình đô thị phản ánh rõ nét sự phân tán ở các vùng nông thôn các đô thị – pháo đài, đô thị – dinh thự quy mô nhỏ,“đô thị thông minh” trong giai đoạn này là đô thị được xây dựng kiên cố, khai thác tối đa điều kiện ranh giới tự nhiên nhằm tạo nên thành trì vững chắc, chống lại sự xâm lấn của các lãnh chúa khác, bảo vệ chế độ và cuộc sống người dân trong đô thị [Hình 4: Đô thị Montre Saint Michel]. Từ sau thế kỷ thứ XI, các nhà nước phong kiến độc lập khẳng định vai trò thống trị, mở rộng phạm vi lãnh thổ, nhờ đó hoạt động sản xuất ổn định kèm với sự phát triển của thương mại, đặc biệt là ngoại thương, vai trò của đô thị được tăng lên, chi phối vùng nông thôn và trở thành động lực chính thúc đẩy xã hội phát triển [3]. Đến đây thì “đô thị thông minh” phải là đô thị có nhiều hoạt động giao thương, mua bán, là động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội, có mật độ dân cư cao và thu hút dân cư các khu vực lân cận. Cũng vì vậy mà đô thị phải thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, kết hợp với khai thác mạnh các yếu tố đặc trưng địa phương [4]. Đến thời kỳ cận hiện đại và hiện đại, sự phân công lao động thủ công nghiệp ngày càng chuyên sâu, cường độ sản xuất đạt hiệu quả cao, kinh tế đô thị trở nên phồn vinh…, “đô thị thông minh” được nghiên cứu và phát triển theo hướng phục vụ sản xuất công nghiệp, tăng cường kết nối xã hội. Và đến nay, dân số đô thị tăng nhanh, lương thực, nguyên liệu, năng lượng, môi trường trong đô thị trở thành vấn đề cần phải quan tâm giải quyết… nên quan niệm về hình thái phát triển đô thị hiện nay cũng thay đổi phù hợp với mục tiêu xây dựng không gian sống bền vững phục vụ con người.
Tóm lại, “đô thị” trong bất cứ thời đại nào đều hướng đến mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển của con người, cũng như thiết chế quản lý xã hội của đô thị, và “đô thị thông minh” là đô thị làm tốt nhất mục tiêu đó. Chúng ta có thể hiểu “đô thị thông minh” là khái niệm được “nhân cách hóa” để đô thị thật sự có thể hiểu rõ – nhờ khả năng quan sát, tạo lập các không gian sống tương hỗ – nhờ khả năng ghi nhớ và óc sáng tạo, và những đáp ứng phục vụ con người không chỉ ở một vài lĩnh vực – nhờ vào năng lực tổng hợp của nhiều loại năng lực để hẳn nhiên đô thị phải được thiết kế, xây dựng và quản lý với mục tiêu cao nhất là phục vụ con người; bao gồm việc tạo điều kiện tốt nhất để phát huy năng lực sáng tạo, óc tưởng tượng của cư dân sống trong đô thị đó. Từ đó, chính những cư dân của đô thị bầu ra những chính quyền quản lý hiệu quả để xây dựng những chính sách, chiến lực phát triển đô thị có khả năng thích ứng và vận dụng hiệu quả trong điều kiện thực tế của kinh tế – xã hội – văn hóa và môi trường; tạo nên một “kết cấu hữu hiệu” nhằm xây dựng không gian sống bền vững.
Theo xu hướng phát triển của đô thị đương đại và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, “đô thị” đang hướng đến những giá trị chung toàn cầu, việc xác định tính chất chung và riêng của mỗi dân tộc để xây dựng đô thị phù hợp là việc cần phải nghiên cứu [1]. Bên cạnh những hiệu ứng tích cực mà đô thị mang lại, chúng ta cũng có thể thấy hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết, cụ thể như: việc làm và thu nhập cho dân cư đô thị do lượng người nhập cư nhanh gây khủng hoảng thừa, vấn đề đô thị hóa và nhà ở và vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm… tại các khu vực đô thị. Cũng vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2015, các nhà nghiên cứu xây dựng 5 nhóm lĩnh vực bao gồm 17 mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện cuộc sống để thế giới của tất cả chúng ta được chuyển đổi theo hướng tích cực hơn: như bảo đảm con người có thể phát huy hết các tiềm năng của mình; việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo sự tiến bộ của xã hội và khoa học kỹ thuật phải hài hòa với thiên nhiên; xây dựng xã hội công bằng và tăng cường đoàn kết toàn cầu vì phát triển bền vững [5]. (Hình 5: 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc đến năm 2030)

Vậy, khái niệm “đô thị thông minh” ứng với bối cảnh hiện nay là chính quyền đô thị phải định nghĩa và hiểu rõ vai trò của từng thành phần cấu trúc nên xã hội đô thị mình đang quản lý – tương ứng với 17 mục tiêu phát triển bền vững của thiên niên kỷ mà Liên Hiệp quốc xây dựng [5]; tùy theo đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa của từng địa phương, chính quyền đô thị xây dựng các khung tham chiếu, trong đó tập trung thực hiện có kế hoạch các mục tiêu mang tính cấp thiết và các mục tiêu trung hạn, dài hạn để đến năm 2030 cơ bản đạt được 17 mục tiêu với 169 chỉ tiêu cụ thể [5] bao gồm cả việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào thực hiện kế hoạch phát triển đô thị. Nếu hoàn thành được các mục tiêu theo đúng kế hoạch, chính quyền đô thị đó đã cơ bản hướng đến một “đô thị thông minh”.
Kết luận chung, khái niệm về “đô thị thông minh” có thể hiểu rộng hơn, không chỉ gói gọn trong phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ mà phải hướng đến các giải pháp toàn diện mang tính sáng tạo, tổng hợp các năng lực vốn có trong đô thị nhằm xây dựng các giải pháp quản lý và ứng xử khoa học đối với môi trường sống của chính mình, chung tay xây dựng một môi trường đô thị phát triển bền vững, phục vụ tối đa lợi ích của các cá thể sống trong đô thị. Đó mới chính là khái niệm cơ bản của “đô thị thông minh” của ngày hôm nay. Và có thể, khái niệm “đô thị thông minh” của những năm sau 2030, sẽ được xây dựng dựa trên những thành tố khác, gắn bó mật thiết với tình hình thực tiễn và bối cảnh của đô thị trong vài thập niên tới.
ThS.HS Trần Văn Tâm – TS.KTS Phan Bảo An
Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
© Tạp chí Kiến trúc – tckt.vn
Tài liệu tham khảo:
[1] Vito A., Umberto B, Rosa Maria D. (2015), Smart City: Definitions, Dimensions, Performance, and Initiatives, Journal of urban technilogy 2015, http://dx.doi.org/10.1080/10630732.2014.942092 (10/7/2017);
[2] Cherry, K. (2016). What Are the Different Theories of Intelligence? Nguồn: https://www.verywell.com/theories-of-intelligence-2795035 (10/7/2017);
[3] Nguyễn Quốc Thông (2000), Lịch sử xây dựng đô thị cổ đại và trung đại phương tây, NXB Xây dựng, Hà Nội;
[4] Hoàng Minh Thảo (1997), Almanach Những nền văn minh thế giới, NXB VHTT, Hà Nội;
[5] The Sustainable Development Agenda (2016), 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc, nguồn: http://www.un.org/sustainabledevelopment/sustainable-development-goals (10/7/2017).