Đôi điều về lý luận kiến trúc

1. Trong đội ngũ KTS đang hành nghề, không ít người quan tâm đến lý luận, phê bình kiến trúc, chí ít là vì lý luận có thể giúp thẩm định những gì mình vẽ so với xung quanh và đó cũng là cách để tìm nguồn cảm hứng cho quá trình sáng tạo.

Có sự khác biệt giữa nguyên lý và lý luận. Người thạo nguyên lý chưa hẳn đã am tường lý luận. Nếu nguyên lý kiến trúc là cụ thể thì lý luận là trừu tượng, nên lý luận khó hơn nguyên lý rất nhiều. Vì vậy mà rất ít người ham làm và có khả năng làm lý luận. Bởi việc này cần kiến thức uyên thâm cả về sách vở lẫn thực tiễn, cũng tức là cần quá trình dài học hỏi và tích luỹ. Bởi Lý luận luôn biến chuyển theo thời gian, theo sự thay đổi của lối sống xã hội và phát triển của kỹ thuật xây dựng.

Calatrava – Thành phố Văn hoá và Khoa học

Ngay cả với lý thuyết của các nhà lý luận kiệt xuất của nền kiến trúc thế giới (như Louis Kahn, Le Corbusier hay Mies van der Rohe… ) thì nay thiên hạ dù nói khác, làm khác mà vẫn tốt đẹp, vẫn có những kiệt tác cho thời hiện tại.

Đơn cử vài ví dụ: Nếu Mies van der Rohe từng nói “Less is more” (càng ít, càng nhiều) thì nay Robert Venturi nói “ less is bore “ (càng ít càng chán ). Nếu Le Corbusier từng đề cao góc vuông thì nay nhờ không nghe theo ông mà cả Zaha Hadid, cả Frank Gehry lẫn Calatrava đều đã sáng tạo ra những công trình uốn lượn thật tuyệt vời.

Trên thế giới, số nhà lý luận phê bình có hạng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đó giải thích tại sao từ rất nhiều năm nay, giới chúng ta mong muốn, hô hào và khởi động nhiều mà vẫn chưa có được – dù chỉ một vài người – làm lý luận kiến trúc theo đúng nghĩa.

2. Đã biết kiến trúc là nghề của tư duy và thể hiện, đã biết lý luận là bệ phóng của tư duy, thì lý luận không thể thiếu vắng, một khi chúng ta muốn thúc đẩy nền kiến trúc nước nhà phát triển tốt đẹp.

Khi nhìn vào những đô thị mở mang, những khu resort đẹp hút hồn hay từng từng lớp lớp những khu nhà tráng lệ biểu trưng cho sự phát triển thì cũng nên biết rằng cạnh đó là những định hướng quy hoạch sai lầm, những tòa nhà khô cứng, cách đầu tư và thi công xây dựng hết sức lãng phí, những nhận thức về thẩm mỹ rất hủ lậu và lỗi thời. Và cách để quy hoạch – kiến trúc tham gia vào việc tổ chức một xã hội công bằng, văn hiến đã bị gạt ra ngoài mối quan tâm của chính quyền cũng như của toàn xã hội. Lỗi có một phần do khâu nghiên cứu và truyền bá lý luận kiến trúc của ta hiện còn đang cực kỳ ấu trĩ và yếu kém.

Một dẫn chứng: Vị đứng đầu Viện Quy hoạch Hà Nội có lần nói đùa: Quy hoạch của chúng tôi chẳng qua chỉ là quy hoạch… “chữ thập”. Nghĩa là cứ tìm chỗ nào có đất trống, có nhà cũ nát thì đánh một dấu chữ thập để giới thiệu cho nhà đầu tư đến làm việc. Xưa chỉ nơi nhỏ, nay chỉ nơi lớn, nhưng tựu chung vẫn chỉ là kiểu quy hoạch chữ thập mà thôi. Còn công trình thì cóp chỗ này, sao chỗ nọ miễn sao ông chủ hài lòng.

Đúng như Arroyo, một KTS Tây Ban Nha đã nói về kiến trúc Việt Nam đương đại trong cuốn “Cuộc đời và thử nghiệm” của ông: “Vào thời điểm hiện nay, kiến trúc Việt Nam có vẻ như đang ngập ngụa trong những hình ảnh nhập khẩu từ nước ngoài mà không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng… Một số công trình chỉ đơn giản là kết quả của việc “chép và dán”… Hệ thống trí thức dựa trên cơ sở lý luận dần dịch chuyển sang những tiếp nhận hình ảnh mà từ đó nhận thức trở nên thụ động, chỉ tiếp nhận mà không tranh luận, không phê phán, không biết và không quan tâm đến nguồn gốc cũng như điển tích của sự vật …” ( trang 10, sđd )

Trên đây chỉ là nét chấm phá nhỏ nhoi trong bức tranh tổng thể mô tả con đường dài gấp ghềnh của sự phát triển kiến trúc nước nhà. Liệu chúng ta có cảm thấy buồn hay không?

Cung hoà nhạc ở Los Angeles

3. Những năm gần đây, một số đơn vị được đầu tư chuyên sâu để nghiên cứu lý luận kiến trúc, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Gần đây có chương trình nghiên cứu Kiến trúc Hiện đại Việt Nam, theo tôi, thực ra đối tượng nghiên cứu phải là Kiến trúc Việt Nam Đương đại. Trào lưu Kiến trúc Hiện đại trên thế giới đã bị khai tử vào những năm 1970, bắt đầu từ Mỹ. Những đệ tử trung thành của trường phái này như Richard Meier hay Tadao Ando nay chỉ còn là các thần tượng của quá khứ. Điều này có lẽ nên được tham khảo khi chúng ta liên hệ với kiến trúc Việt Nam. Lý luận phê bình cần song hành với thời cuộc.

Nhà hát Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu, Việt Nam

Vậy thì phải làm sao ?

Thiết nghĩ trước mắt có thể tiến hành mấy việc sau đây :

Một là, bằng các phương tiện truyền hình làm cho mọi người, đặc biệt là giới lãnh đạo, hiểu được giá trị, ý nghĩa, vai trò lớn lao của quy hoạch – kiến trúc trong việc tổ chức xã hội văn minh, giúp cho mọi người dân được sống bình đẳng, giảm tối đa sự phân biệt giàu nghèo, qua việc chủ động cấu trúc các đô thị khoa học, sắp xếp nơi sinh hoạt và đi lại tối ưu… Quan điểm đánh đồng và hạ thấp vị trí vai trò của quy hoạch kiến trúc trong quan niệm của xã hội như ta thấy hiện nay là một sai lầm.

Hai là, có lộ trình và biện pháp thiết thực, chắc chắn để hình thành một nhóm người (tiến tới một đội ngũ) những người (chủ yếu là KTS) làm bình luận viên kiến trúc. Nếu không có lộ trình và biện pháp tốt thì mục tiêu chính đáng này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Ở đây, từng cá nhân nhà bình luận giữ vai trò chủ động. Họ cần được nâng niu, quý trọng và đưa đi bồi dưỡng nghiệp vụ, được đề cao tài năng và uy tín. Nguồn nhân lực này có thể từ các trường Đại học Kiến trúc hoặc từ các công ty lớn. Nếu các phương tiện tuyên truyền hàng tuần, hàng tháng có chuyên mục trò chuyện về quy hoạch – kiến trúc thì có lẽ sẽ là một biện pháp tốt. Một tổ chức như Ashui đang làm tốt việc truyền bá kiến thức, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu làm được việc bình phẩm về quy hoạch – kiến trúc Việt Nam đương đại.

Ba là, kích hoạt giới nghề hào hứng tham gia vào các hoạt động bình luận kiến trúc. Hợp đồng công việc làm ăn của các công ty tuy có là quan trọng, nhưng vận mệnh của nghệ thuật kiến trúc nước nhà thiết tưởng cũng không nên coi nhẹ. Bởi chính nó mới là nhân tố hỗ trợ và thúc đẩy các tài năng sáng tạo của KTS phát triển một cách lành mạnh. Sự thờ ơ vô cảm của một bộ phận KTS với lĩnh vực phê bình lý luận sẽ khó đẩy nghệ thuật kiến trúc nước nhà lên được những tầm cao nào đó.

Mấy điều nêu trên có thể đúng, có thể sai, có thể được đồng tình mà cũng có thể bị xem thường. Nhưng dù gì chăng nữa thì chắc cũng sẽ không ai làm theo. Ở ta nó vậy. Hãy nghe ai đó nói, nhưng đừng mất công xem họ làm. Bởi có ai làm gì đâu để có cái mà xem.

Nên, viết sẽ chỉ để chơi cho vui thôi. Bởi nếu không làm gì, nhiều năm nữa lý luận – phê bình kiến trúc vẫn chỉ là một khoảng trống lớn trong kiến trúc Việt Nam đương đại.

Trần Trọng Chi

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)