Nghị quyết số 43 – NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định chủ trương xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đô thị du lịch biển đẳng cấp Châu Á. Đây chính là cơ hội, động lực để phát triển Đà Nẵng lên một tầm cao mới.
UBND TP Đà Nẵng đã công bố danh sách 44 dự án dự kiến kêu gọi đầu tư trong năm 2019, 8 dự án chuẩn bị cấp chủ trương nhà đầu tư trong nước, 16 dự án trọng điểm đang đàm phán, xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư đầy tiềm năng như tập đoàn Sembcorp (Singapore), tập đoàn Mitsui & Co (Nhật Bản), tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kong). Trong đó có rất nhiều dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Một quần thể kiến trúc độc đáo cho thành phố
Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, nhận thức những cơ hội và thách thức về phát triển đô thị mà Đà Nẵng đã đạt được trong 20 năm qua, các nhà đầu tư và giới KTS đã và đang nỗ lực tiếp tục tìm kiếm những hình thái kiến trúc mới để mang lại diện mạo mới cho Đà Nẵng xứng tầm với kỳ vọng.
Trong lễ kí kết Hợp đồng tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, Ông Philip Tan – Chủ tịch Công ty Surbana Jurong – đơn vị thực hiện Quy hoạch chung Đà Nẵng đã chia sẻ : “Chúng tôi nghiên cứu các chức năng của Đà Nẵng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và có tính bao trùm, lan toả. Vì vậy, công tác quy hoạch và quản lý đô thị phải thúc đẩy phát triển các không gian công cộng, không gian mở, góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động kết nối cộng đồng, phục vụ công việc, học tập và vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tốt là điều kiện quan trọng để đảm bảo thành phố phát triển bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường”.
Các chuyên gia thiết kế Nikken Sekkei Ltd, đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới về các công trình cao tầng, đã nhấn mạnh: “Cảnh quan đô thị ven biển Đà Nẵng thách thức chúng tôi tìm kiếm một hình thức kiến trúc cao tầng hiện đại, bền vững theo thời gian cho đô thị Đà Nẵng. Chúng tôi quan tâm tới phát triển kiến trúc bền vững. Đó không chỉ là ứng dụng những kĩ thuật xây dựng hiện đại mà còn hướng tới tạo nên những Không gian mở – nơi các yếu tố Xanh từ hạ tầng, kiến trúc công trình được lan toả uyển chuyển sống động, hài hoà với cảnh thiên nhiên để kiến trúc Đà Nẵng xứng tầm là thành phố du lịch đẳng cấp Châu Á”. Một trong những dự án mà Nikken Sekkei đang dày công nghiên cứu, thiết kế là Dự án That nằm trên đường Võ Nguyên Giáp ngay khu trung tâm thành phố. Dự án được thiết kế với các toà tháp có hình dạng vòng cung duyên dáng theo phương thẳng đứng, các toà tháp được thiết kế mô phỏng từ những hình ảnh biểu tượng của thành phố Đà Nẵng, nhưng đều thống nhất ở hình dáng nhỏ dần về phía đế và khối mái được mở rộng đã tạo nên một tổ hợp công trình ấn tượng. Nhìn từ xa, công trình được kỳ vọng như một biểu tượng chào đón người dân và cả du khách đến với Đà Nẵng.
Dự án That mà Nikken Sekkei thiết kế được dựa trên sự nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng các công trình ven biển tại các nước Mỹ, Úc, Thái lan, Tokyo, Dubai …Theo đó, các công trình cao tầng vẫn được thiết kế dọc bờ biển, đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hạ tầng, quy hoạch và thiết kế đô thị. Tại dự án này, các chuyên gia Nikken Sekkei đã nghiên cứu kĩ địa hình của khu đất và đề xuất giải pháp kiến trúc Xanh, thân thiện với môi trường, hoà nhập cộng đồng. Các toà tháp được thiết kế mặt đứng phía Tây có hướng nhìn về khu trung tâm thành phố được xanh hoá, tạo thành một thảm thực vật theo phương đứng nhằm mục đích chắn nắng, hạ nhiệt đô thị thân thiện với môi trường. Đồng thời, mô phỏng khí động học cho thấy, hình dạng đặc biệt của các toà tháp giúp điều tiết không khí từ biển thổi vào, làm mát và tạo môi trường dễ chịu cho khu vực.
Đặc biệt, lối tiếp cận từ đường chính được thiết kế với cảnh quan rộng mở tứ hướng chào đón người dân và du khách. Các đường kết nối với công viên ven biển được bố trí hài hoà, thu hút người dân sử dụng. Khu vực ven biển được thiết kế như là công viên và bãi tắm công cộng phục vụ cộng đồng, kết hợp với các tiện ích đa dạng như hồ bơi, nhà hàng, mua sắm, khu khách sạn cao cấp 5 sao…. tạo nên một quần thể công cộng sinh động, tiện ích, hấp dẫn. Bên cạnh đó, tổ hợp That còn đóng góp thêm cho Thành phố như một khu công viên sống động cả ngày lẫn đêm được thiết kế trong không gian kiến trúc sáng tạo, độc đáo tại các khu vực vị trí xung quanh tứ hướng và trên các đỉnh cao của các toà tháp. Có thể nói, Tổ hợp công trình được thiết kế trở thành một tổ hợp Xanh, từ thiết kế bên trong đến kiến trúc bên ngoài làm lan toả sắc Xanh ra tới cảnh quan bãi biển và cảnh quan thiên nhiên xung quanh.
Các ý tưởng thiết kế của đơn vị hàng đầu thế giới Nikken Sekkei đã được Thành ủy UBND Thành phố Đà Nẵng đánh giá cao qua các cuộc báo cáo trước hội đồng của thành phố và đã được UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án That. Cho đến nay, Nikken Sekkei đang nỗ lực hoàn thành công trình kiến trúc độc đáo này, đem đến cho Đà Nẵng một công trình đạt các chỉ tiêu mang tiêu chuẩn quốc tế như mật độ xây dựng dưới 20%, hệ số sử dụng đất dưới 5,6 lần, khu vực (cây xanh, lối đi bộ, hồ nước đến 80%) trên tổng khu dự án.
Tin rằng, trong tương lai không xa, Thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố đáng sống tầm vóc Châu Á, nơi đây sẽ hình thành nên những công trình điểm nhấn xứng tầm của cả khu vực. Điều này rất cần sự đồng thuận của các nhà quy hoạch trong nước và quốc tế cũng như nhà quản lý, chủ đầu tư dựa trên tầm nhìn về vai trò, vị thế của các dự án cao tầng ven biển đối với sự phát triển của đô thị lớn mới hiện thực hóa được tổ hợp công trình cao tầng đẳng cấp Châu Á.
Hy vọng rằng những công trình được dựng nên bởi bàn tay và trí óc con người thực sự xứng tầm với những tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng cho Thành phố Đà Nẵng.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019)