Trải qua một thời gian dài gần 2000 năm của giai đoạn Phong kiến, nhà ở nông thôn (NONT) nhìn chung không biến đổi nhiều do của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu kém phát triển. Tổng thể khuôn viên cảnh quan cũng như không gian của ngôi NONT vẫn giữ được những giá trị và khuôn mẫu nhất định cho đến giữa thế kỷ thứ 20. Khoảng 30 năm gần đây, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, không gian NONT đã có nhiều biến đổi khác so với trước đây cả về cảnh quan khuôn viên cũng như không gian nhà ở (NO). Yếu tố nào đã làm nên sự thay đổi này? Thực tế cho thấy có nhiều yếu tố tác động làm biến đổi không gian kiến trúc NONT nhưng yếu tố tác động nhiều nhất là điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu dự báo các loại hình NONT trong tương lai phù hợp với quá trình phát triển cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp là yếu tố cơ bản để làm thay đổi không gian kiến trúc NONT, đó chính là sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế, sự thay đổi phương thức sản xuất, mô hình sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ (hộ gia đình cá thể) sang sản xuất nông nghiệp tập trung (cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp tư nhân, tổng công ty nông nghiệp); Từ mô hình sản xuất kinh tế thuần nông chuyển sang các mô hình kinh tế khác như làm dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, chuyển giao công nghệ và chế biến nông sản, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, làm dịch vụ du lịch nông nghiệp.

Khác với NO đô thị, NONT gắn liền với sản xuất tự cung tự cấp, sản xuất tiểu nông và quá trình sản xuất kinh tế luôn gắn với cấu trúc gia đình, gắn với lao động gia đình và với điều kiện sản xuất kinh tế gia đình. Do đó, không gian kiến trúc NONT cũng sẽ phải thay đổi theo kịp với cơ cấu và mô hình sản xuất kinh tế của gia đình người nông dân.
Trong giới hạn nghiên cứu, chúng tôi không tính đến loại hình NO dành cho cán bộ viên chức đang sinh sống tại nông thôn như giáo viên, bộ đội, công an, cán bộ xã hoặc loại hình nhà vườn dành cho dân cư đô thị về nghỉ cuối tuần hưởng thụ môi trường sống nông thôn – Do các loại hình NO này có mô hình phát triển kinh tế khác với cư dân nông thôn.
Trong tương lai, mô hình NONT sẽ có nhiều thay đổi, nếu như trước đây chủ yếu là NO thuần nông thì giai đoạn hiện nay đã có nhiều loại hình NONT khác đáp ứng nhu cầu ăn, ở sinh hoạt và phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc tổ chức quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn cũng như không gian NONT đáp ứng điều kiện tiện nghi, điều kiện sản xuất kinh tế nông nghiệp tập trung như?:
- Phố làng – loại hình nhà ở tại các thị tứ làng, xã;
- Đô thị làng, xã – đô thị được hình thành nên bởi việc thu hút lao động sản xuất nông nghiệp tập trung từ các địa phương khác của một làng, hoặc một xã nông nghiệp;
- Đô thị tiểu vùng – hình thành bởi việc tạo lập trung tâm tiểu vùng của một cụm xã nông nghiệp;
- Đô thị nông nghiệp hình thành do nhu cầu phát triển môi trường ở của làng, xã;
- Nhóm nhà ở – hình thành bởi nhà ở phục vụ xã viên các hợp tác xã nông nghiệp”;… Đó là những mô hình dân cư nông thôn trong thời gian tới.

Dự báo có những loại hình NONT như sau:
Nhà ở đáp ứng sản xuất kinh tế hộ gia đình: Mô hình sản xuất hộ gia đình chính là loại hình sản xuất cá thể, nhỏ lẻ, kể cả mô hình sản xuất kiểu công ty gia đình. Mô hình kinh tế này hiện đang chiếm số đông trong các làng, xã nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, mô hình này sẽ giảm, thay thế vào đó là các mô hình sản xuất tập trung lớn như mô hình hợp tác xã, mô hình công ty cổ phần dịch vụ nông nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

- NO làm nông nghiệp: Là loại hình NO dành cho dân cư làm kinh kế thuần nông, toàn bộ hoạt động kinh tế của hộ gia đình là tập trung làm nông nghiệp. Hiện có hai loại:
- Nhà ở truyền thống, là NO xây dựng tại các làng cũ, rất phù hợp với sản xuất kinh tế nông nghiệp do đáp ứng đầy đủ điều kiện của ngôi nhà dân gian với khuôn viên đầy đủ sân vườn, ao cá, các chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp;
- Nhà chia lô: Là loại NO chia lô đất theo kiểu nhà mặt phố trên các đô thị, diện tích mỗi lô đất bình quân khoảng 100m2 (rộng 5m, dài 20m). Nhà chia lô xây dựng tại các điểm dân cư nông thôn mới, trung tâm thị tứ, ven đường liên thôn, xã. Nhà chia lô không phù hợp với nhu cầu ăn, ở và sản xuất nông nghiệp của người dân do thiếu sân, vườn, thiếu các chức năng sản xuất, mật độ xây dựng có tỷ lệ xây dựng quá cao, không thân thiện với môi trường làm tiêu tốn năng lượng. Tuy nhiên, do thực tế việc chia lô đất đang diễn ra nên chế sử dụng cho loại hình NO làm nông nghiệp. Khi quy hoạch, nên bố trí loại hình nhà này ra vùng ven của trung tâm thị tứ, xa trung tâm làng vừa giảm thiểu giá thành (tính/m2), vừa gần với khu vực đồng ruộng, đáp ứng điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp đồng thời tăng diện tích khu đất rộng hơn từ 150 -200m2 là phù hợp.
- NO kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản: Là loại hình NONT mới xuất hiện những năm gần đây, dành cho dân cư chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa phục vụ đầy đủ tiện nghi cho ăn, ở nghỉ ngơi cho con người nhưng đáp ứng điều kiện sản xuất kinh tế theo mô hình trang trại, làm vườn. NO này do thấp tầng, nằm đan xen với cảnh quan thiên nhiên nên được cho là loại nhà vườn, thân thiện với môi trường tự nhiên.
- NO kết hợp sản xuất thủ công: Được chia thành hai loại; Loại NO dành cho dân cư làm nông nghiệp kết hợp làm thêm nghề phụ lúc nông nhàn như đan lát, thêu, ren,… Nhà này có cấu trúc chức năng giống như nhà ở truyền thống kể trên, chỉ khác có thêm không gian bếp, nhà phụ kết hợp với sản xuất, không có không gian sản xuất riêng; Loại thứ hai là NO dành cho dân cư chuyên làm nghề thủ công tại các làng nghề thuyền thống, ngoài các không gian ăn ở, sinh hoạt gia đình còn có không gian sản xuất riêng, kho chứa thành phẩm, kho nguyên liệu, không gian giới thiệu sản phẩm.
- NO kết hợp làm dịch vụ, thương mại: Loại hình nhà ở xuất hiện từ khi có nền kinh tế thị trường, cho dân cư chuyên làm dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, buôn bán, trao đổi hàng hóa. NO làm dịch vụ, thương mại có cấu trúc không gian như nhà mặt phố trong đô thị, bố trí ven các trục đường làng tạo nên nhà “phố làng” hoặc được bố trí tại “trung tâm thị tứ”, tại “đô thị làng, xã” hay “đô thị tiểu vùng”, “đô thị nông nghiệp”…
- NO kết hợp với dịch vụ du lịch nông nghiệp: Là loại hình NO làm nông nghiệp hoặc làm nghề thủ công có bổ sung thêm chức năng phục vụ du lịch (loại hình du lịch Homestay). Tùy theo NO làm nông nghiệp hoặc nghề truyền thống mà kết hợp giữa không gian giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công đoạn làm nghề cũng như giới thiệu văn hóa ẩm thực, văn hóa vật thể, phi vật thể của làng.
Nhà ở đáp ứng kinh tế hợp tác xã: Là mô hình kinh tế hiện đang triển khai tại nông thôn. Theo luật hợp tác xã năm 2012, “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, có ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”. Như vậy, một số người dân sau khi tham gia thành xã viên hợp tác xã sẽ tự nguyện sản xuất trên đất đai của mình và đóng góp cho tập thể một phần sản phẩm. Xã viên hợp tác xã theo mô hình kinh tế này có thể là những người thân trong gia đình, cùng dòng tộc hoặc dân cư trong cùng làng tình nguyện nhóm họp với nhau để cùng làm sản xuất kinh tế.
NO đáp ứng mô hình sản xuất kinh tế hợp tác xã, hay liên hiệp hợp tác xã ngoài việc sử dụng các ngôi NO riêng lẻ như trước đây, còn có thể sử dụng hai loại hình NO như sau:
- NO nhóm gia đình lớn: Là loại nhà ở dùng cho gia đình đa thế hệ trước đây, thay bằng việc chia nhỏ khu đất để chia cho con cháu xây dựng nhà ở riêng biệt thì chia khu đất theo nhóm gia đình. Đó là nhóm nhà ở mà anh em họ hàng ruột thịt hay dòng tộc cùng sinh sống. Trung tâm của nhóm nhà ở này gồm có ngôi nhà truyền thống, sân phơi, giếng nước, bố trí xung quanh là các ngôi nhà ở thành viên kiểu khối ghép hoặc biệt thự song lập từ 2-3 tầng, mái dốc lợp ngói. Mỗi gia đình có vườn cây, vườn trồng rau riêng. Ngôi nhà ở truyền thống giữ lại vừa l à nơi thờ cúng tổ tiên, vừa là nơi sinh hoạt chung, phòng truyền thống kết hợp thư viện đọc sách của các thành viên trong gia đình; Sân chung là nơi tổ chức các lễ cưới, lễ tang, phơi nông sản ngày mùa… cũng như nơi vui chơi giải trí cho các thành viên của gia đình; Giếng nước là nơi sinh hoạt chung, từ đây có thể bơm nước về bể chứa của mỗi gia đình sử dụng. Như vậy, với cấu trúc này, chúng ta sẽ giữ lại được hình thức và không gian truyền thống của NONT mà vẫn đáp ứng được điều kiện sinh hoạt theo gia đình nhỏ, đồng thời đáp ứng điều kiện sản xuất kinh tế hợp tác xã nông nghiệp.
- NO nông trang: Là loại NO cũng có mô hình tổ chức như NO nhóm gia đình lớn nhưng các thành viên không nhất thiết là cùng dòng tộc, huyết thống mà là các xã viên trong hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, khu vực trung tâm khu đất bố trí sân phơi nông sản, khu vực sản xuất, chế biến và kho chứa sản phẩm, các NO riêng lẻ bố trí xung quanh khu trung tâm sản xuất. Khu đất xây dựng NO nông trang nằm trong khu đất giãn dân, tại điểm dân cư nông thôn mới; Các khu đất này bố trí xa khu vực trung tâm và gần với khu vực sản xuất, gần với đồng ruộng.
Nhà ở đáp ứng sản xuất kinh tế tập trung: Là mô hình NO đáp ứng điều kiện sản xuất kinh tế doanh nghiệp tập trung như Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp; Dịch vụ nông nghiệp; Nông nghiệp công nghệ cao; Nông nghiệp sạch;… Các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sử dụng công cụ sản xuất bằng máy móc trang thiết bị hiện đại trên những cánh đồng mẫu lớn trong một làng hay một xã, cụm xã. Các doanh nghiệp làm dịch vụ nông nghiệp như cung cấp dịch vụ phục vụ nông nghiệp; thu mua và chế biến các sản phẩm nông nghiệp cho một làng hay một xã hoặc cụm xã. Các hoạt động sản xuất kinh tế nông nghiệp này đều là cực hút lao động đến từ làng, xã hay các khu vực xung quanh và dần tạo nên các Trung tâm đô thị tiểu vùng; Đô thị làng, xã; Đô thị nông nghiệp. Lực lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp với vai trò là những công nhân nông nghiệp lao động cùng với máy móc hiện đại, cũng đồng thời họ còn là cổ đông trong các doanh nghiệp nông nghiệp (người nông dân đóng góp tài sản như đất đai, nhà cửa vào doanh nghiệp). Doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng các loại hình NO, các công trình phục vụ công cộng đáp ứng nhu cầu ăn, ở, học tập, nâng cao trình độ cho lực lượng lao động nông nghiệp trong các “Đô thị nông nghiệp”. Các loại hình NO đáp ứng nhu cầu của lao động trong doanh nghiệp tập trung được kể đến như sau:
- NO liên kế có sân vườn: Là loại hình NO xây dựng theo các lô đất chia lô nhưng bố trí thêm diện tích sân, vườn. Mật độ xây dựng từ 60-80% diện tích khu đất, chiều cao từ 2-3 tầng. NO liên kế dành cho hộ gia đình phát triển (gia đình hai thế hệ). Loại NO này có thể bán cho các gia đình nông dân mà gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Nhà ở có sân vườn - NO khối ghép: Là loại hình NO xây dựng kiểu khối ghép hai tầng xếp kề liền nhau, hộ thứ nhất ở tầng một có sân phía trước và hộ thứ hai ở tầng hai có cầu thang riêng và sân phía sau. Loại NO này dành cho các hộ gia đình phát triển, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
- NO chung cư: Là loại hình NO dành cho căn hộ, có thể cho thuê hoặc bán cho các gia đình nông dân. NO kiểu ghép các đơn nguyên hành lang bên hoặc giữa, mỗi đơn nguyên từ 8-10 hộ gia đình, diện tích từ 48-120m2/căn hộ dành cho các loại từ gia đình hạt nhân đến gia đình phát triển. Chung cư có chiều cao tối đa từ 5-7 tầng, không sử dụng thang máy. Nếu chung cư cao 7 tầng thì hai tầng trên là căn hộ thông tầng, có cầu thang riêng cho mỗi căn hộ.
- NO tập thể (kiểu ký túc xá): Là loại chung cư tập thể nhiều tầng, từ 5-6 tầng không sử dụng thang máy. NO chia thành nhiều phòng ở riêng lẻ hoặc tập thể từ 2-6 người, dành cho các lao động độc thân thuê ở.
Kết luận
Tóm lại, nền kinh tế thị trường cũng như quá trình sản xuất kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại sẽ dẫn đến thay đổi mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ đó môi trường ở nông thôn thay đổi thích ứng và NO cũng biến đổi theo cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.
Trong tương lai gần, tại các vùng nông thôn sẽ có nhiều loại hình NO khác nhau và xu hướng đô thị nông nghiệp xuất hiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần và cuộc sống hiện đại của dân cư nông thôn. Mặc dù có các chức năng phục vụ giống như một đô thị văn minh nhưng các “đô thị nông nghiệp” cũng có những đặc điểm riêng, với môi trường ở mang đậm nét nông thôn và không hoàn toàn giống như đô thị thuần túy.
Việc người nông dân làm việc trên nông trường như một công nhân công nghiệp với trình độ lao động và ý thức công nghiệp cao sẽ dẫn đến văn hóa, lối sống hoàn toàn khác trước đây và NO của họ cũng sẽ khác trước đây. NO nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh tế hộ cá thể dự báo sẽ có 05 loại hình NO; Đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh tế hợp tác xã sẽ có 02 loại và NO đáp ứng sản xuất kinh tế doanh nghiệp tập trung sẽ có 04 loại.
Tương lai xa sẽ có thêm một số loại hình NONT khác và lúc đó NONT và NO đô thị sẽ giao thoa nhau cùng phát triển, ranh giới đô thị nông thôn sẽ không còn phân biệt theo địa giới hành chính mà chỉ còn phân biệt trong văn hóa, lối sống, phong tục tập quán và thói quen.
Tài liệu tham khảo:
1. Hội KTS Việt Nam. Mô hình cấu trúc cộng đồng dân cư nông thôn trong xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Hà Nội – 2003.
2. Nguyễn Đình Thi – Kiến trúc Nhà ở nông thôn, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội – 2011.
3. Nguyễn Đình Thi. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp chuyển đổi không gian nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ trong quá trình đô thị hóa, Đề tài NC Khoa học và Công nghệ cấp Bộ- trường Đại học Xây dựng, năm 2011.
PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi
Trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc – Số 12-2015)