Gánh nặng trên vai thế hệ KTS hôm nay

1. Hơn 70 năm qua, trong muôn vàn khó khăn từ bối cảnh xã hội đến con người, đặc biệt về nghề nghiệp, cả trong tư duy đến thực tiễn đời sống, nhưng ở góc độ xem bản chất kiến trúc là phục vụ con người thì có thể mạnh dạn nói rằng: Kiến trúc – xây dựng 70 năm qua đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội ở mọi giai đoạn lịch sử giải phóng, bảo vệ, xây dựng tổ quốc, tạo dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật cho phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.

Từ “gia sản” của thời kỳ phong kiến và Pháp thuộc để lại, đến nay một vốn liếng khổng lồ về xây dựng cơ bản trên khắp mọi miền đất nước (như đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp, kiến trúc dân dụng đa dạng phong phú). Điều này đã góp phần làm thay đổi nếp sống con người, môi trường sống xã hội và bộ mặt đất nước từ đô thị đến nông thôn.

Cho dù còn nhiều mặt bất cập, song có thể tự hào, trước hết với các bậc tiền bối, trong đó có lời nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” trong đó có những đóng góp đáng kể của giới KTS.

2. Tuy vậy, thành công không có nghĩa đã hoàn mỹ. Nếu ở góc độ để kiến trúc là “công cụ” thì các sản phẩm của giới nghề đã làm được chức năng ấy khá tốt, kịp thời và đa diện. Còn nếu xét thêm ở góc độ kiến trúc còn là “đối tượng” để hưởng thụ thì kết quả còn ít ỏi – Và cũng thật khó để đánh giá về tác phẩm Văn học – Nghệ thuật (trong đó có lĩnh vực kiến trúc), với rất nhiều “sản phẩm” nhưng thiếu “tác phẩm” xứng tầm.

Khi thẳng thắn nhìn nhận tổng quát về kiến trúc Việt Nam hiện nay có thể nói một cách văn nghệ: Là một bức tranh khá đẹp nhưng chỉ lúc sương mù ban mai, cái đẹp thấp thoáng mờ ảo. Điều đó nói lên rằng, nếu soi vào thực chất, chi tiết về giá trị thì kiến trúc Việt Nam còn rất nhiều vấn đề để tiến tới sự hoàn mỹ. Đa phần sản phẩm kiến trúc của ta (kể cả của nước ngoài xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam) có thể ví như người làm chính trị mà không có tư tưởng, người hoạt động văn hóa mà thiếu tâm hồn, chú trọng vẻ bên ngoài không rõ bên trong, mà vẻ bên ngoài thì nhãn quan khác nhau, như việc lựa chọn hoa hậu vậy…

Khi kiến trúc thiếu tư tưởng, giá trị sẽ không lâu bền theo thời gian, tác phẩm quan trọng ở yếu tố tinh thần, mất khát vọng khám phá, giải quyết công năng tức thời theo đặt hàng mà không góp phần định hướng môi trường sống tương lai cho con người và cộng đồng, chỉ giải quyết nhu cầu vẻ ngoài của chủ đầu tư hiện tại mà không lường xu thế biến đổi cũng như cảm nhận thẩm mỹ riêng của từng người và chung của xã hội.

Nói cách khác, sáng tạo kiến trúc thiếu xuất phát điểm từ tư tưởng thì sẽ khó xây dựng được trường phái, hay chí ít thì cũng khó tạo lập bút pháp mang cá tính của tác giả. Tư tưởng kiến trúc phải được bắt đầu trong quy hoạch xây dựng, đồ án quy hoạch phải có cái cốt lõi, đảm bảo sự xuyên suốt qua thời gian, tránh thay đổi lớn thậm chí phá sản. Tư tưởng trong quy hoạch xây dựng là cơ sở để có được cái đặc thù của mỗi đô thị, vùng miền, hay từng dân tộc.

Tư tưởng trong công trình kiến trúc tiếp nối tư tưởng trong quy hoạch thành một bản giao hưởng có bản sắc, khắc phục tính hòa đồng trong xu thế toàn cầu hóa hội nhập, trong một quốc gia là sự xóa nhòa ranh giới giữa đô thị nông thôn, giữa các khu vực, giữa các cộng đồng.

3. Với ý thức đó, các KTS thế hệ đầu tiên đã cố gắng đặt nền móng cho kiến trúc mới nước nhà, tiếp nhận các thành tựu của phương Tây nhưng tìm tòi, vận động vào bản địa cho phù hợp và có được tính cách riêng.

Tiếp nối, thế hệ KTS thứ 2, đặc biệt ở miền Bắc, đã phát triển một xu hướng kiến trúc theo chủ nghĩa hiện thực XHCN. Với điều kiện khắc khổ của bối cảnh xã hội bấy giờ, kiến trúc được tạo lập với phương châm “thích dụng, bền vững, kinh tế và đẹp trong điều kiện có thể”. Kiến trúc tìm cách thích ứng tối đa với thiên nhiên, khí hậu để có được môi trường tốt nhất cho con người nhưng cũng tiết kiệm nhất chi phí…. Điều này ngẫu nhiên lại trùng lặp với xu thế kiến trúc xanh bảo vệ môi trường hiện nay trước hiểm họa biến đổi khí hậu.

Thế hệ KTS ngày nay, trở thành trụ cột vào thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa, có được cơ hội cho việc nâng tầm kiến trúc, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, vật liệu mới, thiết bị đa dạng…

Bên cạnh thành tựu phát triển “rầm rộ” là thời kỳ bùng nổ kinh tế, nhiều công trình có quy mô lớn và rộng khắp, đặc biệt là loại kiến trúc nhỏ ở địa phương, nhà ở tư nhân… trăm hoa đua nở. Đó cũng là lúc có nhiều mặt tiêu cực nhất như: Sáng tác chạy theo thị trường, tùy tiện, kiến trúc thiếu tính tư tưởng, tác giả bị gạt bỏ chủ kiến, nhà nước bỏ hổng quản lý mặt này và Hội nghề nghiệp không tụ hội, định hướng một cách có hiệu quả để ngăn ngừa.

Đổi mới, mở cửa, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, có nhiều nguồn đầu tư khác nhau… dẫn đến hoạt động của KTS tùy nghi và manh mún, sự định hướng và kiểm soát của Nhà nước kém hiệu lực, kết quả sản phẩm kiến trúc phong phú như trong cửa hàng tạp hóa, nhưng lại lu mờ một hệ chính thống cho mỗi đối tượng đến một quốc gia. Trong khi nguồn đầu tư của nhà nước còn khá lớn, song kiến trúc của Nhà nước lại không làm nổi chức năng chủ đạo dẫn dắt và mẫu mực ấy.

Trong bối cảnh ấy, giải thưởng Kiến trúc Quốc gia ra đời, góp phần làm công cụ cho Hội điều chỉnh được dần tình trạng trên, cùng với Nhà nước xây dựng rõ nét định hướng chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam.

4. Bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ, thiên nên kỷ mới, kiến trúc Việt Nam gửi gắm và trao tay cho thế hệ hôm nay. Cũng như các lĩnh vực khác, cơ hội, thuận lợi nhiều song khó khăn, thử thách không ít.

KTS trẻ năng động, nhiệt huyết, ham sáng tạo – Đó là động lực tốt nhất là trong điều kiện mọi mặt và môi trường hay hơn nhiều so với trước đây… Sự tiến bộ của KH-CN và các thành tựu liên quan tới kiến trúc – xây dựng giúp cho KTS dễ dàng tạo lập các tác phẩm của mình ở tầm cao hơn.

Hoạt động của KTS nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh kinh tế xã hội cũng như hành nghề hiện tại, cạnh tranh trong xu thế hội nhập, sự tùy nghi và manh mún nhỏ lẻ sẽ không tồn tại được trong không gian và thời gian của CMCN 4.0.

Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam bền vững, trước hết cần hiện thực (về điều kiện kinh tế, môi trường xã hội, con người và đặc thù thiên nhiên) có như vậy mới có cơ sở tạo nên bản sắc và cũng là phù hợp xu thế sinh thái xanh mà mục tiêu toàn cầu đang hướng tới.

Kiến trúc chứa đầy tư tưởng, có tính nghệ thuật tinh thần, nhân văn của người Việt Nam, trên đất Việt Nam… Đó là ước vọng lớn của các thế hệ KTS, nhưng cũng là gánh nặng trên vai của KTS thế hệ hôm nay. Tin tưởng rằng, họ sẽ làm được, làm tốt trách nhiệm xã hội của giới nghề trong tương lai.

KTS Nguyễn Thúc Hoàng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)