Sáng 9/12/2017, tại Hội trường Thống nhất – TP Tân An (Long An), Hội KTS Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức hội thảo với chủ đề: “KTS với cụm tuyến dân cư vượt lũ và nông thôn mới vùng ĐBSCL”. Đây là hoạt động thường niên của Hội KTS Việt Nam với tên gọi Gặp gỡ Mùa Thu. Chương trình gồm nhiều hoạt động của giới KTS toàn quốc như: Triển lãm kiến trúc, tham quan các cụm tuyến dân cư và vùng nông thôn mới, Hội thảo và giao lưu nghề nghiệp….
Cuộc Gặp gỡ Mùa thu 2017 được Hội KTS Việt Nam tổ chức tại Long An, một trong 13 tỉnh thành của vùng ĐBSCL. Với những đặc trưng của vùng châu thổ phì nhiêu, sông nước đặc thù, ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức vô cùng nghiêm trọng, mang tính sống còn do tác động của biến đổi khí hậu, do những phát triển thiếu bền vững trong khu vực. Ngay trong phát biểu khai mạc hội thảo, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh: Chủ đề của hội thảo được chọn với mục tiêu xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của giới KTS, những người vừa nghiên cứu, đề xướng, vừa là đối tượng thực thi những ý tưởng đó: “Giới KTS, anh chị em KTS sống và làm việc tại vùng ĐBSCL đã gắn bó nhiều năm, chia sẻ trách nhiệm để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của địa phương. Trong bối cảnh BĐKH, chúng ta, những người trong cuộc cũng cần nhìn nhận một cách khách quan những thành công và hạn chế của việc quy hoạch, kiến trúc mà chúng ta thực hiện trong thời gian qua để tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn.”
Theo đó, nội dung hội thảo tập trung những vấn đề sau:
- Nhìn nhận mô hình tôn nền – vượt lũ để sống chung với lũ đã triển khai trong giai đoạn vừa qua. Những đề xuất, giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu sống và sinh hoạt của nhân dân;
- Để chủ động sống chung với BĐKH, thích ứng với mô hình sản xuất mới, các giải pháp nào là phù hợp với người dân ĐBSCL?
- KTS – Hội KTS Việt Nam có thể tham gia, triển khai chương trình như thế nào, để các điểm dân cư và hệ thống đô thị ĐBSCL phát triển bền vững.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã cung cấp những thông tin mới của Long An trong quá trình triển khai chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và xây dựng nông thôn mới. Ông cho biết: “Chủ đề tại Hội thảo là những nội dung quan trọng gắn với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của các tỉnh vùng ĐBSCL trong vài thập kỷ tới. Long An vẫn còn nhiều khó khăn thách thức để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra. Trước diễn biến phức tạp về biến đổi khí hậu và nước biển dâng như hiện nay, việc đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với thực tế và quy luật phát triển đòi hỏi quá trình nghiên cứu có tập trung, có chủ điểm, trong đó, giải pháp cho quy hoạch kiến trúc, xây dựng vì sự phát triển thịnh vượng của ĐBSCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”.
Ông Phạm Văn Cảnh cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo, các nhà nghiên cứu, những chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, những KTS, kỹ sư chuyên ngành sẽ góp ý kiến, thảo luận, trao đổi chia sẻ, giới thiệu kinh nghiệm hay, các giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả thực hiện của chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ ĐBSCL và chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và toàn vùng trong thời gian tới.

Phát biểu về các yếu tố tác động đến phát triển đô thị và kiến trúc vùng ĐBSCL, bà Phan Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Đây là hội thảo rất kịp thời, thể hiện sự đồng hành của giới KTS với ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trên cơ sở hình thái phát triển của đô thị, việc nghiên cứu các hình thái kiến trúc có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng các đô thị, đảm bảo các mục tiêu: Phát triển bền vững, biến thách thức của BĐKH thành cơ hội để nghiên cứu, duy trì và tạo ra bản sắc kiến trúc cho vùng đô thị sông nước ĐBSCL”.
Với các báo cáo về “Kiến trúc và không gian công cộng vùng ĐBSCL” (KTS Khương Văn Mười – KTS Lưu Đình Khẩn), “Cụm tuyến dân cư vùng lũ – Thành công và hạn chế” (TS Nguyễn Thanh Nguyên), “Mô hình cư trú dân cư nông thôn ĐBSCL thích ứng với BĐKH” (KTS Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia), “Nhà ở nông thôn tỉnh Sóc Trăng” (KTS Huỳnh Thanh Phong – Chủ tịch Hội KTS Sóc Trăng), các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng nắm bắt những vấn đề tổng quan của vùng ĐBSCL, từ xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ đến các mô hình phát triển nông thôn mới.
Phiên thảo luận tại hội thảo đã diễn ra sôi nổi với sự chủ trì của: PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, TS Nguyễn Thanh Nguyên, KTS Đỗ Thanh Tùng, KTS Lưu Đình Khẩn, KTS Huỳnh Thanh Phong. Các giải pháp cho ĐBSCL, những vấn đề còn trăn trở trong thực tế và nghiên cứu đều được đề cập đến và thảo luận với tinh thần xây dựng.
Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn: “Việc kiến trúc là việc của toàn xã hội!” – Với ý nghĩa này, Gặp gỡ Mùa thu 2017 đã có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Quy hoạch, kiến trúc, nông nghiệp, các doanh nghiệp, đại diện các Hội KTS từ trung ương đến các tỉnh thành trong cả nước, các doanh nghiệp… Hội thảo đã trở thành một Diễn đàn, cùng trao đổi những vấn đề liên quan đến Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ, các mô hình và giải pháp cho quy hoạch, kiến trúc – Vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Vùng ĐBSCL.
Vật liệu xây dựng nào sẽ phù hợp với nông thôn mới ĐBSCL ?
KTS Nguyễn Văn Siêu (Phó Chủ tịch Hội KTS An Giang): Lá dừa nước của người nghèo được khai thác như thế nào (trong điều kiện nhà gỗ, nhà đúc nặng hơn so với nền móng sông nước). Theo tôi, tấm rơm ép là vật liệu phù hợp, cần được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi.
KTS Đỗ Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia): Hiện nay nguồn vật liệu địa phương, chế từ rơm rạ, chế phẩm nông nghiệp rất nhiều nhưng ta chưa khai thác được. Nếu áp dụng đơn lẻ thì giá thành đắt, khó áp dụng. Điều này cũng cần xem lại việc tạo điều kiện phát triển công nghệ tại địa phương, hiện nay chỉ những dự án tái định cư lớn mới có điều kiện để áp dụng công nghệ. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng: Một trong những nghiên cứu cho vùng ĐBSCL cho thấy những vật liệu thông thường như gạch, tôn, ngói là những kết cấu cứng, dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
TS Nguyễn Thanh Nguyên (Nguyên Chủ tịch TP Tân An): Ở Long An có trấu, bã mía… nhưng cũng không thai thác được. Vấn đề không phải là công nghệ mà là giá thành. Hiện đang có dự án nghiên cứu làm vách bằng nhựa ép với trấu nhưng cũng chưa thực hiện được. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và ủng hộ những dự án như vậy.
Những giải pháp xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL ?
KTS Nguyễn Văn Tất (Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc – Nhà đẹp): Xây dựng nông thôn mới là vấn đề lớn, chương trình tôn nền vượt lũ đã được triển khai. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ tính chất lũ của ĐBSCL, từ xưa gọi là mùa nước nổi, nay gọi là gì? ĐBSCL có hơn 40.000km đường thủy, xưa là giao thông chính. Hiện nay có chính sách phát triển giao thông thủy thích hợp cho ĐBSCL?
PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi (Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị – ĐH Xây dựng): ĐBSCL có cấu trúc thiên nhiên rất đặc biệt. Tôi cho rằng giải pháp hiệu quả là việc nghiên cứu và ứng dụng kiến thức sinh thái – hữu cơ, thân thiện với môi trường như tinh thần của người châu Á: Chung sống với thiên nhiên. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH và chung sống với thiên nhiên? – Có mấy điều cần lưu tâm:
- Từ xưa đến nay, người dân sống theo con nước, khi nước ngọt rút đi, nước mặn tràn vào thành nước lợ. Cây gì thích ứng được điều kiện này để được khai thác tốt hơn?
- Mẫu nhà ở cho vùng ĐBSCL được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, công nghệ có thể ảnh hưởng đến cảnh quan ven sông. Làm thế nào để những mẫu nhà không tác động đến, không làm “cứng” hóa cảnh quan thiên nhiên?
- Khi tạo ra một kết cấu an toàn cho xã, làm thành một thị tứ trong làng, liệu có làm mất yếu tố “mềm” của đô thị sông nước.
- ĐBSCL trong lịch sử có lối sống thích ứng, có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm sống của người Khme trước đây?
KTS Lưu Đức Cường (Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng): ĐBSCL giờ gần như không còn lũ lớn, dòng chảy thay đổi, thậm chí còn hạn hán, dòng chảy ngày càng suy yếu, chủ yếu do các đập thủy điện ở thượng lưu nằm ngoài biên giới Việt Nam. Cần có một chiến lược linh hoạt, trong đó tôn nền chỉ là một giải pháp. Cần xuất phát từ những khó khăn, thách thức của người dân địa phương để đề xuất hệ thống giải pháp toàn diện: Nước sạch, giao thông, môi trường…
TS.KTS Trần Thanh Bình (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc trường học): Tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới hiện nay đang là: Điện – đường – trường – trạm. Thực tế là trường học hiện nay còn đang rất thiếu – Việc trú ngụ và mưu sinh chi phối sự tồn tại của trường học. Xây dựng nông thôn mới cần có chính sách chú trọng hơn đến trường học với các tiêu chí phát triển bền vững.
Ngay trước ngày khai mạc Hội thảo chuyên đề, các đại biểu tham dự Gặp gỡ Mùa thu 2017 đã xúc động đến dâng hương tại Đài tưởng niệm Liệt sỹ Trung đoàn 207 tại Khu di tích Đá Biên (Thạnh Hóa – Long An). Trung đoàn 207 năm xưa gồm những chiến sỹ trẻ, phần đông là SV trường ĐH Xây dựng, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và hy sinh tại Đá Biên. Khu di tích do trường ĐH Xây dựng chủ trì thiết kế và xây dựng năm 2016.
Các đại biểu cũng tham gia nhiều hoạt động chuyên môn thiết thực như: Triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2017, tham quan cụm tuyến dân cư vượt lũ và điển hình nông thôn mới, Gala giao lưu với các Hội KTS vùng ĐBSCL…
Thảo Nguyên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2017)