Hội nghị Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam do Hội KTS Việt Nam tổ chức tại thành phố Huế cổ kính và xinh đẹp đã được sự hưởng ứng, tham dự của nhiều anh chị em KTS khắp cả nước. Ban tổ chức đã nhận được 40 tham luận và 28 trả lời phỏng vấn của cộng đồng KTS từ các KTS lão thành đến KTS trẻ và KTS nước ngoài, những người hiểu và gắn bó với kiến trúc Việt Nam nhiều năm qua.
Nội dung đề cập của tham luận và trao đổi tại hội nghị gồm:
– Nhìn nhận các xu hướng phát triển kiến trúc Việt Nam quá khứ hiện tại và tương lai;
– Thực trạng công tác lý luận phê bình kiến trúc ở Việt Nam;
– Đội ngũ làm công tác lý luận phê bình kiến trúc;
– Xu hướng phát triển kiến trúc thế giới, nhìn lại kiến trúc Việt Nam;
– Di sản kiến trúc Việt Nam – Công tác bảo tồn và kinh nghiệm quốc tế;
– Những vấn đề cơ bản của khoa học lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam.
Hội nghị đã thảo luận những khía cạnh về lý luận và thực tiễn, nhìn thẳng vào sự thật tình hình kiến trúc Việt Nam – Đô thị Việt Nam và vai trò công tác lý luận kiến trúc trong quá trình phát triển.
1. Về hoạt động thiết kế kiến trúc và quy hoạch đô thị ở Việt Nam
Trải qua các giai đoạn phát triển thăng trầm, kiến trúc và đô thị Việt Nam đã có sự chuyển mình từ sau đổi mới và hội nhập quốc tế. Sự phát triển thể hiện qua sự hình thành, phát triển hệ thống đô thị quốc gia với hơn 813 đô thị lớn nhỏ thành những trung tâm đầu tàu phát triển kinh tế – xã hội. Các công trình kiến trúc đa dạng về qui mô, chủng loại, hình thái với công nghệ hiện đại, những khu đô thị mới đã tạo ra cuộc sống và lối sống mới tiên tiến và hiện đại với dịch vụ tương xứng…
Các xu hướng kiến trúc mới được phát triển, cổ súy: Kiến trúc xanh, kiến trúc vì cộng đồng, kiến trúc hạnh phúc, kiến trúc sinh thái… Kiến trúc nông thôn đang từng bước khoác lên mình một cái áo mới đầy hứng khởi, phong trào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng phát triển đến từng ngõ xóm.
Hội nghị cũng nêu ra vấn đề kiến trúc đô thị và nông thôn. Xin nêu ra đây nhận xét của KTS Salvador trong cuốn sách “Cuộc đời và trải nghiệm” về kiến trúc Việt Nam đương đại: “Vào thời điểm hiện nay, kiến trúc Việt Nam có vẻ đang ngập chìm trong những hình ảnh kiến trúc nhập khẩu từ nước ngoài mà không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng… Một số công trình chỉ đơn giản là kết quả của việc “chép và dán”. Hệ thống tri thức dựa trên cơ sở lý luận dần dần dịch chuyển sang những tiếp nhận hình ảnh mà từ đó nhận thức trở nên thụ động, chỉ tiếp nhận mà không thấy tranh luận, không phê phán, không biết và không quan tâm đến nguồn gốc cũng như điển tích của sự vật”.
Nếu nghiêm túc hơn, có thể nhận xét rằng bức tranh kiến trúc Việt, hình thái kiến trúc Việt Nam đang bị điều tiết theo ý muốn của các đại gia bất động sản, không nhìn thấy vai trò chỉ đạo, điều tiết, dẫn dắt của những người trách nhiệm, của KTS Việt Nam.
Mảng tối của kiến trúc nông thôn cũng được một chuyên gia nhận xét:
– Cấu trúc làng truyền thống bị phá vỡ, cấu trúc làng kiểu mới không kịp định hình, thiếu qui hoạch để bảo tồn và phát triển phù hợp cuộc sống đương đại;
– Hạ tầng quá tải, môi trường sống ô nhiễm;
– Kiến trúc truyền thống mai một, kiến trúc mới lai căng phi bản sắc và chưa có hướng đi;
Công tác bảo tồn trùng tu di tích – di sản méo mó, bị động;
Và kết luận rằng: “Kiến trúc” – Vấn đề của nông thôn còn khó giải hơn thành thị hoặc không kém đô thị nhưng ít được quan tâm.
2. Về công tác LL-PB kiến trúc hiện nay: Chưa được quan tâm đúng mức, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển đúng hướng của kiến trúc Việt Nam nói riêng và cũng là hiện tượng của kiến trúc thế giới. Hội nghị đã phân tích, đi tìm nguyên nhân của sự yếu kém đó:
– Những người hành nghề kiến trúc có thói quen phân tích những xu hướng, tìm triết lý mà đồ án kiến trúc cần hướng đến, và cũng không quen chờ đợi những bài bình luận, phê bình của đồng nghiệp để soi rọi lao động của mình;
– Lý luận và phê bình kiến trúc là một công việc khó và phức tạp, cần những người giàu kinh nghiệm về hoạt động xã hội, nghề nghiệp, lịch sử, triết học,…;
– Hoạt động lý luận phê bình kiến trúc chưa có lực lượng chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, sống bằng nghề viết, bình và phản biện;
– Môi trường xã hội Việt Nam chưa có truyền thống văn hóa phản biện và phê bình, chưa có văn hóa phê bình, nghe phê bình, phản biện để phát triển và nâng cao hiệu quả công việc;
– Chính vì vậy, việc đào tạo trong nhà trường cũng lãng quên và không hình thành phát triển những sinh viên có năng khiếu về nghiên cứu lý luận, phê bình;
Cộng đồng xã hội Việt Nam, từ người dân đến chủ đầu tư, đến nhà quản lý các cấp chưa được trang bị kiến thức về mỹ học kiến trúc, chủ yếu họ tiếp nhận và hiểu kiến trúc bằng trực giác khi tiếp cận các công trình kiến trúc thế giới qua các giai đoạn, không qua phân tích. Nhiều người Việt thích và vương vấn kiến trúc Pháp thời thuộc địa muốn duy trì, áp dụng cho thời kiến trúc hiện đại, bất luận nó là công trình cao tầng, là siêu thị, trường học, trụ sở công quyền.
Đó chính là mặt yếu kém của hoạt động phê bình của Hội KTS Việt Nam, của những người làm nghề kiến trúc. Đồng thời cũng là mặt trái cả xã hội xét về khía cạnh văn hóa, cảm nhận nghệ thuật của cộng đồng.
3. Hội nghị thảo luận những cơ sở của khoa học lý luận phê bình kiến trúc trong giai đoạn phát triển hiện nay và những năm tới của kiến trúc Việt Nam. Các đại biểu đã nghe và thảo luận vị trí của kiến trúc, những lý luận hàn lâm của kiến trúc, những xu hướng của kiến trúc trong thế kỷ 21, kiến trúc giai đoạn công nghệ 4.0, các biểu hiện, biểu tượng của kiến trúc trong giai đoạn mở cửa hội nhập… Và đã đưa đến kết luận: Hoạt động lý luận phê bình kiến trúc trong thời kỳ mới cần tập trung các nhiệm vụ:
– Trải qua các giai đoạn phát triển, kiến trúc đã được nhận biết, không chỉ là một nghệ thuật mà còn là ngành khoa học (khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học thích ứng). Do vậy, công tác lý luận phải đáp ứng, dẫn dắt, định hướng cho hoạt động kiến trúc trong cuộc cách mạng công nghiệp mới, làm sao để công nghệ tiên tiến không đối đầu với văn hóa, hội nhập gắn với chuyển giao công nghệ nhưng không làm mất bản sắc văn hóa và phải được chuyển hóa, thích ứng với điều kiện kinh tế, văn hóa của đất nước. Công nghệ càng cao, gốc về văn hóa càng cần sâu và bền vững;
– Công tác lý luận phê bình phải được phát triển tương thích với phát triển công nghệ và nghiên cứu kiến trúc, không bảo thủ nhưng cũng không tụt hậu;
– Cần làm sáng tỏ về mặt lý luận; Bản sắc văn hóa của kiến trúc trong kiến trúc hiện đại có sự tác động mạnh mẽ của công nghệ, khi hình dáng kiến trúc không còn là hình ảnh thể hiện bản sắc như nhiều người thường cảm thụ mà thể hiện ở cách sống, nếp sống và thể hiện trong cấu trúc tỷ lệ không gian kiến trúc Việt;
– Bằng nhiều giải pháp và bước đi, Hội KTS Việt Nam góp sức, chủ động trong đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên sâu về nghiên cứu lý luận, xu hướng cần đổi mới trong hoạt động kiến trúc. Trước hết là nội dung giảng dạy trong trường đại học, phát hiện bồi dưỡng những tài năng về nghiên cứu lý luận phê bình từ trong nhà trường;
– Tổ chức thường kỳ các sinh hoạt, hội thảo về các nghiên cứu lý luận phê bình, tôn vinh những tác phẩm và nhà phê bình xuất sắc, đặc biệt tại các kỳ giải thưởng kiến trúc quốc gia;
– Tiến hành biên soạn tài liệu bồi dưỡng lý luận nghiên cứu phê bình kiến trúc để thông qua hoạt động thực tế tại các đô thị, qua các trại sáng tác – lý luận hàng năm do Hội KTS Việt Nam tổ chức.
– Trong hoạt động tuyên truyền về kiến trúc tới cộng đồng, thông tin trên các phương tiện truyền thông về mỹ học kiến trúc, hướng phát triển kiến trúc của Việt Nam và thế giới; đồng thời phân tích phê phán những xu hướng ngược chiều lịch sử, làm sao lôi kéo xã hội đồng hành với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; rút ngắn sự tụt hậu về nhận thức thẩm mỹ của cộng đồng; tiếp tục duy trì trang “đen” trên Tạp chí Kiến trúc của Hội, phân tích, phê phán các công trình kiến trúc đi ngược chiều với xu hướng thời đại. Đồng thời, cổ súy các tác phẩm mới, tiến bộ, khai phá, cho kiến trúc mới phát triển.
– Đẩy mạnh phản biện kiến trúc của các KTS, của Hội đồng kiến trúc đối với các dự án phát triển đô thị, với các dự án kiến trúc ở vị trí chiến lược, không chỉ ở hiệu quả đầu tư mà về văn hóa kiến trúc, về tính bền vững của nền kiến trúc nước nhà.
Khó có thể kết luận hết những vấn đề được bàn luận và trình bày, tuy nhiên hội nghị về phê bình kiến trúc Việt Nam lần này, một điều chắc chắn là đã góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi người, cùng chung tay xây đắp kho tàng lý luận của kiến trúc Việt Nam, coi đó là cơ sở vững chắc thúc đẩy sáng tạo kiến trúc, thúc đẩy hoạt động phê bình kiến trúc, phản biện của KTS, của Hội KTS Việt Nam trong những năm tháng tới. Chúng ta sẽ gặp nhau trong hội nghị phê bình kiến trúc lần sau với nhiều nhà nghiên cứu, phê bình mới, trẻ, sắc sảo và hiệu quả lan tỏa cao.
KTS Nguyễn Tấn Vạn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2018)