GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu: Người thầy của tôi…

Những ngày đầu đông này, bao giờ tôi cũng nhớ về ngày kỉ niệm lần đầu tiên gặp người thầy, người “sếp” mà tôi vô cùng yêu mến: GS. TS. KTS Nguyễn Việt Châu.

Cuối năm 2004, tôi từ Đài Truyền hình Việt Nam chuyển sang làm việc tại Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (TCKTVN) thuộc Viện Nghiên cứu Kiến trúc – Bộ Xây dựng. KTS Phạm Thanh Tùng lúc đó là Tổng Biên tập TCKT Việt Nam đã dẫn tôi đến gặp GS. TS. KTS Nguyễn Việt Châu – lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc – Bộ Xây dựng để giới thiệu phóng viên mới của Tạp chí. Tôi nhớ như in ấn tượng về chú hôm đó, hình ảnh của một KTS với mái tóc đen nghệ sĩ trên khuôn mặt chữ điền, giọng nói, phong thái đều toát lên khí chất của một nhà lãnh đạo tài hoa.

Trong thời gian 05 năm tôi làm việc tại TCKT Việt Nam do chú làm Tổng Biên tập và Viện trưởng, nhưng tôi ít có dịp tiếp xúc với chú. Năm 2008, một năm sau khi khi chú nghỉ hưu và về làm Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, tôi cũng chuyển về Tạp chí Kiến trúc làm việc với mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động của giới nghề và sáng tác kiến trúc.

Tôi vẫn nhớ mãi những ngày đầu tiên đi làm ở trụ sở Hội KTS Việt Nam trên phố Đinh Tiên Hoàng, toà soạn Tạp chí trên tầng 3 và phải leo lên 1 cầu thang gỗ dựng ngược. Phòng của Tổng Biên tập là một căn phòng bé xíu chỉ 5 m2 nhưng vẫn được chú bày biện đàng hoàng, ngăn nắp. Toà soạn có 9 cán bộ tổ chức thực hiện số hàng tháng nên tôi gần gụi với chú nhiều hơn. Với vai trò là Thư ký toà soạn, tôi thường xuyên trao đổi với Tổng Biên tập để xây dựng nội dung số và các hoạt động của Tạp chí. Tôi luôn khâm phục trí nhớ tuyệt vời của chú, một thư viện về các vấn đề lý luận kiến trúc, quy hoạch. Không những thế, Tổng Biên tập còn là người nhạy bén và cập nhật các vấn đề thực tiễn, vì vậy, được làm việc với chú chính là cơ hội để tôi học tập và tiếp cận với lĩnh vực kiến trúc , quy hoạch trong nước và thế giới. Vì thế, với tôi, chú Châu không chỉ là người Tổng Biên tập mà còn là người thầy dạy bảo tôi khi làm báo chí chuyên ngành. Tôi luôn ấn tượng với cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của chú, nhanh nhạy, sắc bén và thông tuệ. Các vấn đề kiến trúc đôi khi bị lặp lại từ năm này sang năm khác, tuy nhiên, Tổng Biên tập luôn hướng dẫn tôi cách tổng kết các vấn đề lớn và đưa ra những quyết định sáng suốt để tìm ra một chủ đề mới mẻ và riêng để Tạp chí luôn đổi mới nội dung.

Thấm thoát, tôi đã gắn bó với chú và Tạp chí Kiến trúc gần 10 năm. Tôi nhớ mãi hình ảnh của chú, khoẻ mạnh, phong độ. Hàng sáng, chú xuất hiện ở cơ quan trên tay cầm tờ báo Bóng đá, miệng cười tươi với các câu chuyện hài hước, và gõ đầu từng đứa nhắc nhở chuyện này chuyện nọ. Chú luôn coi chúng tôi như một lũ trẻ cần được dạy bảo, trong khi, chúng tôi luôn thầm buồn cười chú vì những niềm vui rất trẻ con.

Tôi nhớ hồi đó nếu số nào doanh thu quảng cáo tăng, chú lúc nào cũng hồ hởi chiêu đãi chúng tôi 1 chầu bia và pizza. Chú luôn chọn 1 cốc bia đen nhỏ để thưởng thức và nói chuyện, phấn khởi, khích lệ chúng tôi không ngừng. Lúc đó thì rất vui, nhưng cứ vào ngày họp giao ban hàng tuần, chúng tôi áp lực “kinh khủng” khi sếp gõ đầu từng đứa truy quảng cáo! Chúng tôi hay đùa nhau là sao giáo sư mà sát sàn sạt thế? Nhưng tính chú cực kỳ nhanh nhạy về kinh tế và thị trường. Trong bối cảnh hội nhập và khủng hoảng kinh tế, chú đã chèo lái con tàu Tạp chí hoạt động ổn định, đó là một nỗ lực rất lớn, mà sau này, khi chú mất, tôi phải gánh vác quản lý Tạp chí trong một thời gian, tôi mới hiểu gánh nặng đó lớn đến thế nào?

Chuyên mục Những dự án làm đẹp đất nước do chú khởi xướng đã thực sự trở thành cầu nối gắn kết các chủ đầu tư – nhà sản xuất vật liệu với giới KTS. Trong nhiều năm, chuyên mục đã giới thiệu nhiều công trình tiêu biểu trên cả nước, tôn vinh các KTS và chủ đầu tư tâm huyết, từ đó định hình những phong cách kiến trúc của Việt Nam thời kỳ mới.

Trong thời kỳ này, TCKT đã tăng cường hợp tác hoạt động truyền thông kiến trúc trong nước và quốc tế. Ở đâu, chú cũng được các thế hệ học trò chào đón và giúp đỡ nên Tạp chí đã triển khai thành công nhiều chuyên đề tại các địa phương khắp cả nước. Những bài viết phản biện của chú về kiến trúc quy hoạch xây dựng địa phương luôn sắc sảo đã làm cho các chuyên đề trên TCKT thực sự có sức sống và hữu ích.

Đặc biệt, TCKT đã tổ chức nhiều cuộc thi tuyển kiến trúc quốc tế quy mô lớn, khi Tổng Biên tập tham gia Hội đồng giám khảo, chúng tôi luôn chờ đợi những ý kiến nhận xét sắc xảo của một chuyên gia giàu kinh nghiệm và tâm huyết về từng phương án, những tư vấn quí báu cho chủ đầu tư và góp ý sáng suốt về chuyên môn cho các đơn vị tư vấn. Đến giờ, trong mỗi cuộc thi do Tạp chí Kiến trúc tổ chức, tôi vẫn cảm thấy sự thiếu vắng, đôi khi tôi vẫn tự hỏi trong đầu: “Giá có ở đây, chú Châu sẽ phát biểu thế nào?”.

Thoắt một cái, chú đã đi xa mấy năm, nhưng hình ảnh chú vẫn nằm trong tim tôi và các anh chị em Tạp chí. Chúng tôi nhớ về chú là người thầy, người sếp tuyệt vời!

Bài chú viết nhân kỉ niệm 30 năm Tạp chí, hôm nay đọc lại vẫn nguyên giá trị và TCKT vẫn đang thực hiện theo những sứ mệnh mà chú mong mỏi.

Chặng đường 35 năm TCKT đặt ra những thách thức mới, nhưng cái lũ trẻ con đã dần trưởng thành và thật sự mong muốn đóng góp để xây dựng TCKT là tờ báo uy tín của giới nghề và của ngành kiến trúc Việt Nam. Trên trời cao, chú dẫn đường cho chúng cháu, chú nhé…!!!!

*Bùi Thanh Hương

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)