Nhà phố – thể loại nhà ở quen thuộc tại các đô thị Việt Nam tỏ ra có sức sống rất mạnh mẽ bởi những lý do kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển tràn lan của chúng lại ẩn chứa nhiều hiểm họa thậm chí có thể là gánh nặng cho các thế hệ tương lai.
Một chút lịch sử
Chẳng cần có kiến thức về kiến trúc đô thị cũng có thể dễ dàng nhận thấy, một trong những nét đặc trưng của các thành phố ở Việt Nam là những ngôi nhà chia lô chạy dọc theo các tuyến giao thông, đôi khi dài đến nỗi chẳng biết đâu là điểm kết thúc. Không ai biết chính xác kiểu nhà này xuất hiện từ bao giờ, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy vào thế kỷ 17-18, loại nhà này đã trở nên khá phổ biến tại khu 36 phố phường Hà Nội và khu phố cổ Hội An. Trong bối cảnh kinh tế xã hội thời kỳ đó, đây là kiểu nhà rất phù hợp bởi một số lý do: Thứ nhất nó cho phép tập trung dân cư mật độ cao trong một khu vực tương đối chật hẹp – bởi bản chất của những khu phố này chính là chợ – nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa. Thứ hai, nó hoàn toàn phù hợp với phương thức sống và phương thức mưu sinh của cư dân đô thị thời bấy giờ – sinh sống, làm nghề (thủ công) và giao lưu buôn bán tại cùng một chỗ, trong cùng một ngôi nhà, trong đó mặt tiền thường là nơi bán hàng, ngay phía sau là không gian sản xuất và trong cùng là nơi ở. Nhận xét về loại hình cư trú này, nhà nghiên cứu người Pháp Philippe Papin cho rằng, “Đây chính là nét độc đáo của một cơ chế linh động, đặc biệt phù hợp với những hộ buôn bán nhỏ”.

Sang đầu thế kỷ 20, người Pháp đã cơ bản phát triển Hà Nội theo mô hình đô thị phương Tây với sự mạch lạc của các không gian trung tâm và những tuyến phố thẳng tắp dẫn tới những tòa biệt thự kiểu châu Âu ẩn mình trong lùm cây xanh mát. Tuy nhiên, cùng với việc giữ lại những phố hàng đã có lịch sử tồn tại hàng trăm năm, trong giai đoạn đô thị hóa lần thứ 2 (vào khoảng những năm 1930) họ đã cho xây dựng một số khu phố dành cho các viên chức bản xứ với những dãy nhà liên kế theo kiểu truyền thống san sát nhau bám theo mặt đường, mà điển hình là các phố thuộc phường Bùi Thị Xuân ngày nay. Đáng chú ý là những khu phố này thời đó được xây dựng chủ yếu cho mục đích ở. Điều đó biểu hiện tập tục mang tính văn hóa trong xây dựng nhà cửa vốn phổ biến trong các nền kiến trúc dân gian, dù rằng những chức năng hay lối sống khởi nguyên – lý do chính cho cấu trúc và bố cục của chúng đã ít nhiều bị biến đổi. Tuy vậy, chẳng bao lâu sau, do nhu cầu của cuộc sống đô thị, những ngôi nhà tại các khu phố này đã dần thay đổi, tích hợp thêm chức năng kinh doanh và đôi khi cả sản xuất tại chỗ, để cuối cùng định hình nên những phố hàng kiểu mới như “phố thời trang” Trần Nhân Tông, “phố ẩm thực” Mai Hắc Đế hay “phố Café” Triệu Việt Vương…

Đến cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, trong khi những thành phố lớn ở khu vực Đông Nam Á như Singapore, Bangkok… không còn mặn mà với thể loại nhà này, hoặc chỉ giữ lại một phần ở khu nội đô lịch sử như là minh chứng cho thời kỳ đã qua, thì tại Việt Nam kiểu nhà phố vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở. Đặc biệt là từ sau thời kỳ mở cửa, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” kiểu nhà này lại được dịp bùng phát mạnh mẽ như nấm sau mưa. Chúng tràn ra các vùng ven đô của các thành phố lớn. Chúng rồng rắn xếp hàng dọc theo các tuyến đường giao thông mới mở. Chúng chạy lên miền núi, xuôi ra miền biển. Chúng xóa nhòa ranh giới giữa đô thị và nông thôn. Chúng phá bỏ “hàng rào ngăn cách” giữa đô thị đồng bằng và đô thị miền núi, len lỏi cả đến những làng quê xa xôi, hẻo lánh… Lo sợ ảnh hưởng của kiểu nhà này đến mỹ quan đô thị, đã có thời Hà Nội ra văn bản cấm xây dựng nhà chia lô trong các khu đô thị mới. Nhưng đến nay chẳng mấy ai còn nhớ đến sự tồn tại của nó.
Đôi lời lý giải
Vậy tại sao nhà phố lại có sức sống mãnh liệt đến vậy dù sự phát triển của chúng chẳng hề phù hợp với các nguyên tắc của quy hoạch hiện đại? Tại sao nhiều người vẫn trung thành với kiểu nhà truyền thống này trong khi hoàn toàn có điều kiện “nâng cấp” lên các căn hộ cao tầng tiện nghi và hợp vệ sinh hơn nhiều? Có nhiều cách lý giải cho hiện tượng này, nhưng có lẽ hợp lý hơn cả là đi tìm nguyên nhân từ khía cạnh kinh tế – xã hội và tâm lý ở của cư dân đô thị.
Trước tiên, cần khẳng định ngay rằng kiểu nhà này cho đến nay vẫn tiếp tục phù hợp với phần lớn cư dân đô thị ở Việt Nam, bởi việc tiếp cận trực tiếp với đường phố của những ngôi nhà này giúp chủ nhân của chúng có thể mưu sinh ngay tại nơi ở của mình. Một khi thu nhập từ đồng lương còn quá thiếu so với nhu cầu thì việc mở cửa hàng tại nhà hay cho thuê một phần diện tích – điều khó thực hiện ở căn hộ chung cư – có thể giúp gia tăng thu nhập một cách hiệu quả. Ở đây chúng ta lại bắt gặp phương thức kinh doanh nhỏ lẻ truyền thống có lịch sử tồn tại và phát triển từ hàng trăm năm trước từng làm nên sức hấp dẫn mạnh mẽ cho khu 36 phố phường Hà Nội. Đáng chú ý là thói quen tiêu dùng hiện tại của người Việt cũng cổ súy cho xu hướng này, khi mà đa phần cư dân đô thị vẫn ưa chuộng các cửa hàng nhỏ ở gần nơi cư trú hay tiện đường đi làm về, nơi họ có thể dễ dàng dừng xe máy hay xe đạp để nhanh chóng mua những mặt hàng thiết yếu hay vài món đồ lặt vặt.
Thứ hai, đó là do quan niệm sống “gắn chặt với đất” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Quan niệm này làm gia tăng khát vọng có được ít nhất một “mảnh đất cắm dùi” để xây dựng nhà cửa. Do vậy tại các đô thị và ngay cả các vùng quê đất chật người đông, khi chia đất đai cho con cháu cách thức phổ biến nhất mà người Việt lựa chọn là chia thành các mảnh chạy dài vuông góc với mặt đường. Điều đó hẳn nhiên càng khuyến khích sự phát triển của loại hình nhà phố.
Tiếp theo, kiểu nhà này cho phép phát huy một trong những đặc điểm nổi trội trong lối sống của người Việt là sự linh hoạt trong ứng xử theo kiểu “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Quả vậy, ngoài việc có thể linh hoạt thay đổi chức năng của không gian sát mặt đường tùy theo nhu cầu và tùy theo thời điểm trong ngày, họ có thể phát triển hoạt động ra cả không gian vỉa hè và coi đó như phần mở rộng ngôi nhà của mình – điều mà các cư dân chung cư khó lòng có được. Ở đây, chúng ta cũng bắt gặp cách sử dụng không gian đa năng giống như ở các ngôi nhà dân gian truyền thống vùng ngoại ô, nơi hầu như không có không gian nào trong nhà chỉ dành cho một chức năng duy nhất.
Viễn cảnh tương lai
Để có thể tìm kiếm câu trả lời về viễn cảnh của nhà phố, chúng ta hãy xem xét đối thủ cạnh tranh trực tiếp được dự báo sẽ thay thế chúng trong tương lai là chung cư cao tầng. Những lợi ích của loại nhà này đối với các đô thị hiện đại là điều dễ thấy, bởi nó cho phép tiết kiệm đất đô thị khi tăng tối đa số người cư trú trong các tòa nhà cao tầng, đồng thời giải phóng mặt đất cho không gian xanh và tiện ích đô thị. Các cư dân đô thị mới sẽ được tận hưởng môi trường sống văn minh hơn, thoáng đãng và tràn đầy ánh sáng. Tiếc rằng, sức hấp dẫn của các khu chung cư này đã và đang giảm đi rất nhiều khi đa phần chúng chỉ là một dạng đô thị – phòng ngủ, thiếu cơ hội việc làm tại chỗ và thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu, trong khi các tuyến giao thông kết nối chúng với phần còn lại của thành phố luôn chịu sự quá tải do không bắt kịp được nhu cầu, còn hệ thống giao thông công cộng thì vẫn “mãi không chịu lớn”. Nguy hiểm hơn, một số nơi còn tận dụng phần lớn đất trống đáng lẽ là khuôn viên cây xanh hay sân chơi trẻ em để “nhồi nhét” thêm các tòa chung cư và biến chúng thành một dạng “nhà phố cao tầng”.

Theo số liệu tính toán sơ bộ dựa trên Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam 2008 trong quy hoạch nhà ở, bình quân diện tích chiếm đất trên đầu người của nhà lô phố dao động trong khoảng 12 – 16m2. Trong khi đó bình quân diện tích chiếm đất trên đầu người của chung cư có chiều cao 10 tầng chỉ là 2,4 – 3m2. Chung cư càng cao chỉ tiêu này càng giảm, tương ứng là khoảng 1,6 – 2m2 đối với chung cư 15 tầng và 1,2 – 1,5m2 đối với chung cư 20 tầng.
Nếu như không có những thay đổi đột biến về kinh tế – xã hội, về tư duy quản lý và giải pháp quy hoạch kiến trúc các khu chung cư cao tầng, và cả về lối sống đô thị, không khó để có thể thấy rằng nhà phố nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục là lựa chọn hàng đầu. Và cũng không khó để có thể hình dung viễn cảnh ảm đạm của các thành phố, thị trấn, thị tứ trong tương lai. Sự bành trướng một cách thiếu kiểm soát của kiểu nhà này ra vùng ngoại ô ẩn chứa nhiều hiểm họa. Một mặt, nó làm suy giảm giá trị và sức hấp dẫn của khu trung tâm thành phố và ảnh hưởng đến thẩm mỹ đô thị; mặt khác nó gây lãng phí do hiệu quả sử dụng đất kém. Các hệ thống hạ tầng cũng vì vậy mà trở nên phức tạp và kém hiệu quả hơn. Còn môi trường sống thì ngày càng trở nên khó kiểm soát, cản trở nhu cầu nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị…
Những hệ lụy mà “bệnh dịch nhà phố” mang lại cho các đô thị khi đó chắc hẳn sẽ để lại gánh nặng ngày càng lớn cho các thế hệ tương lai, mà có lẽ phải rất lâu sau mới có thể giải quyết hết.
PGS.TS. Khuất Tân Hưng
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01 – 2017)