Hình thái công nghiệp tiểu thủ công nghiệp cho xu hướng phát triển bền vững

Hình thái công nghiệp tiểu thủ công nghiệp cho xu hướng phát triển bền vững

Bối cảnh chung

Những năm gần đây, phát triển ngành công nghiệp là một trong những mục tiêu được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hàng loạt chính sách tập trung vào công nghiệp, đáp ứng nhu cầu trong nước và góp phần tăng nhanh xuất khẩu; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu; khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo nguồn nhân lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH) theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh giai đoạn sau năm 2020. Chiến lược này đã được khẳng định rõ trong Qui hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt (QĐ 880/QĐ-TTg, ngày 9/6/2014).

Phân tích yếu tố “Nội- Ngoại lực” của cụm CN-TTCN- T.P Thái Nguyên
 

Ở cấp Tỉnh – Thành, các địa phương cũng xác định mục tiêu phát triển khu, cụm công nghiệp tập trung, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị; phân bố hợp lý các loại hình sản xuất, quy mô theo địa bàn và trong các khu, cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; từng bước hiện đại hóa ngành công nghiệp. Trong đó, Thái Nguyên là một trong nhiều ví dụ cho thấy chủ trương đúng đắn trên của Nhà nước. Nhìn một cách khác, phát triển ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) được qui định dựa trên cơ sở phân cấp quản lý (decentralisation) nhằm phát huy tối đa các nguồn lực từng vùng. Do vậy, nhiều địa phương tiến hành xây dựng qui hoạch phát triển CN – TTCN làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng “nội lực” bản thân, nhất là hướng công nghiệp hóa nông thôn, nhằm hoà cùng xu thế phát triển chung của đất nước.

Thực tế cho thấy chủ trương này có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Hàng loạt các cụm CN – TTCN ra đời với hình thức “trăm hoa đua nở” cả về qui mô lẫn hình thức, trong đó không ít dự án mới chỉ tính toán đến hiệu quả kinh tế trước mắt mà sao nhãng lĩnh vực môi trường sinh thái – cảnh quan thiên nhiên. Hậu quả là các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn và chất thải công nghiệp, đặc biệt là phải kể đến hiện tượng “nóng cục bộ” (heat island) trong các KCN nói chung và cụm CN – TTCN nói riêng gây mất cân bằng sinh thái, huỷ hoại môi trường ngày càng nghiêm trọng và điều chắc chắn là rất khó có thể khôi phục lại những gì đã mất. Câu hỏi đặt ra (?): Liệu cái “được” từ cụm CN – TTCN so với cái “mất” của môi trường sinh thái cảnh quan thiên nhiên thì cái nào lớn hơn? Nên chăng, chúng ta cần phải xem xét vấn đề này khi còn trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án qui hoạch, hơn hết vẫn là: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Khai thác cụm CN – TTCN hiệu quả và bảo vệ môi trường chính là mục tiêu của xu hướng phát triển bền vững, đồng thời là giải pháp toàn diện cho môi trường xã hội “xanh, sạch, đẹp”, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị – nông thôn. Do vậy, một minh hoạ cụ thể cho xu hướng này đã được nghiên cứu thông qua dự án qui hoạch cụm CN – TTCN tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Cụm CN-TTCN thành phố Thái Nguyên

Những đòi hỏi và thách thức của quá trình đô thị, hoạt động CN – TTCN của thành phố Thái Nguyên có qui mô sản xuất nhỏ, thiết bị công nghệ “già cỗi” và hiệu quả chưa cao. Cụm CN – TTCN này có qui mô vừa, bao gồm các ngành nghề phụ trợ cho CN luyện kim và cơ khí, chế tạo động cơ, SX hàng tiêu dùng, chế biến nông lâm sản, sản phẩm sản xuất ra sẽ thay thế hàng nhập khẩu, phần lớn sẽ phục vụ cho sự phát triển của khu vực và xuất khẩu hàng công nghiệp có ưu thế cạnh tranh.

– Quan điểm chung cho việc thực hiện cụm CN – TTCN này là: (i) Lấy hiệu quả kinh tế – xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ. Đầu tư chiều sâu để khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có; (ii) Tạo việc làm nhiều hơn, số lao động tăng thêm hàng năm, giảm đáng kể thất nghiệp; (iii) Cải thiện chất lượng cuộc sống, môi trường đô thị; (iv) Đổi mới căn bản tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đổi mới và phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác từ thấp đến cao. Phát triển các hình thức liên doanh liên kết trực tiếp giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau, giữa kinh tế nhà nước với kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, cá thể và các công ty nước ngoài.

– Mục đích chính: (v) Cụm CN – TTCN hỗ trợ phát triển ngành Công nghiệp có vai trò là động lực và nòng cốt quá trình HĐH – CNH khu vực; (vi) Khai thác triệt để các nguồn nội lực và thu hút sử dụng có hiệu quả các nguồn ngoại lực (input), tiếp nhận vốn và chuyển giao công nghệ tiến tiến, hiện đại và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Trên cơ sở nhu cầu phát triển, quan điểm, mục đích mà việc lựa chọn những ngành công nghiệp theo nhóm công nghiệp chủ đạo, ưu tiên như: 1) công nghiệp VLXD; 2) cơ khí phục vụ nông lâm; 3) sản xuất và gia công thép nguội; 4) chế biến nông- lâm sản thực phẩm và; 5) sản xuất hàng tiêu dùng. Quan trọng hơn hết là phải đảm bảo mọi chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật do Nhà nước qui định đối với các KCN nói chung và cụm CN – TTCN nói riêng.

Đối với xu hướng phát triển bền vững thì sự quan tâm đến mọi lĩnh vực, đa ngành là rất cần thiết bởi mô hình “simulation” (mô phỏng) hình thành sẽ đánh giá toàn bộ ảnh hưởng diễn ra trong mọi quá trình vận hành của cụm CN – TTCN nói chung và từng nhà máy, XNCN nói riêng. Ngoài những yêu cầu đối với qui hoạch cụm CN – TTCN theo qui chuẩn, qui phạm của Bộ Xây dựng về việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng thì dự án còn quan tâm thêm những lĩnh vực như:

– Chuẩn bị công tác qui hoạch;

– Mô phỏng những ảnh hưởng, tác động qui hoạch (Output);

– Đánh giá vòng đời của dự án qui hoạch (Life Cycle Assesment);

1. Chuẩn bị công tác qui hoạch

Công tác chuẩn bị qui hoạch đòi hỏi dựa trên những phản ảnh thực tế để rồi lồng ghép một cách hiệu quả, tương thích với những khía cạnh kinh tế – xã hội, xây dựng, quản lý đô thị và môi trường. Tuy nhiên, có lẽ hầu hết các cụm CN – TTCN chưa quan tâm đầy đủ đến sự cân bằng giữa “cung – cầu”, sự chênh lệch giữa hai thái cực này càng trở thành chủ đề chính và cần có sự tham gia của nhiều ngành – Bởi bất kỳ sự biến động giữa “cung – cầu” đều ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển bền vững nói chung. Theo số liệu đã nghiên cứu về nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên cho thấy đây chính là tiềm năng lớn trong khu vực, cụm CN – TTCN đã thu hút sự quan tâm sâu sát của họ ngay từ giai đoạn lập qui hoạch, đó cũng là một yếu tố tích cực của xu hướng này. Vì vậy, việc sắp xếp, bố trí các XNCN và các chức năng khác cần phải tuân theo những nguyên tắc, tổ hợp về qui hoạch công nghiệp (theo kiểu hợp khối liên tục, đơn nguyên, chu vi… Tuy nhiên, tổ chức qui hoạch này chưa thực sự đi vào cuộc sống khi chưa tính toán và xem xét cẩn trọng đến hiện tượng “nóng cục bộ” trong lõi cụm CN và đô thị.

Hiện tượng này là một trong những nguyên nhân tác động làm biến đổi khí hậu, gia tăng hiệu ứng nhà kính, hấp thụ hâm “nóng” lõi các đô thị hiện đại và cụm CN vào ban ngày và tán “lạnh” đột ngột vào ban đêm, hậu quả là tạo ra những cơn lốc xoáy trong khu vực nội thị, trong KCN rồi bốc lên cao biến toàn khu vực như một chảo nóng – lạnh khổng lồ mà con người sẽ phải gánh chịu cùng với những hiểm họa khôn lường.

Phương án qui hoạch cụm CN – TTCN ở thành phố Thái Nguyên bước đầu được thiết kế trên quan điểm tôn trọng địa hình thiên nhiên, đây chính là ưu điểm mà cảnh quan thiên nhiên vùng Việt Bắc ban tặng. Tỷ lệ “xanh” hoá tăng và được phân bố linh hoạt – hài hoà với tổng thể cụm CN – TTCN, có tác dụng làm giảm, thậm chí có thể hoá giải được hiện tượng nóng lên cục bộ và làm cho môi trường ngày càng trở nên lý tưởng. Phương án có hướng lồng ghép các chức năng với các đồi cây xanh sinh thái trở thành quần thể kiến trúc cảnh quan sinh động trong hệ sinh thái toàn vùng. Tuy nhiên, giải quyết đồng bộ vấn đề này phụ thuộc trực tiếp giữa các mối liên hệ về cơ cấu phân khu chức năng cụm CN – TTCN với cộng đồng dân cư xung quanh để khai thác tối đa các nguồn lực: (1) nguồn nguyên liệu; (2) nguồn nhân lực; (3) nguồn tài nguyên thiên nhiên; (4) khả năng quản lý, vận hành cụm CN – TTCN song hành với hệ thống hành chính Tỉnh, Thành phố. Do đó, phương pháp mô phỏng và đánh giá sự giao thoa nguồn lực sẽ có thể là công cụ mang tính chiến lược, hữu hiệu cho cụm CN – TTCN này.

2. Mô phỏng những ảnh hưởng, tác động từ hoạt động của cụm CN – TTCN

“Simulation” được hiểu như một mô hình khép kín được tính toán từ: (1) đầu vào (input) của nguồn (2) những sản phẩm chính – phụ thông quá trình vận hành; (3) đầu ra là thành phẩm cuối cùng của mỗi dây chuyền. Bên cạnh đó, hoạt động của cụm CN – TTCN thành phố Thái Nguyên sẽ có những ảnh hưởng và tác động nhất định qua hai loại dây chuyền chính đó là: Dây chuyền tổng thể và dây chuyền trong mỗi XNCN theo từng tính chất, loại hình và đặc điểm chung của chúng.

a. Dây chuyền tổng thể cụm CN – TTCN

Mục tiêu của dây chuyền gắn liền với tiêu chí phát triển chung cụm CN – TTCN sao cho tác dụng, ý nghĩa của nó đóng góp tích cực vào tiến trình sản xuất, qua đó tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư khu vực, một số mục tiêu đó là:

– Bảo vệ môi trường phát triển bền vững đô thị và vùng lân cận;

– Nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư;

– Giải quyết triệt để hiện tượng “nóng cục bộ”;

– Sử dụng hiệu quả nguồn lực, và xử lý chất thải công nghiệp;

– Hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội và gần gũi với thiên nhiên (green productions và environmental friendly);

– Tạo hành lang pháp lý nổi trội cho hoạt động, hấp dẫn đầu tư vào cụm CN – TTCN.

Những điều này luôn gắn liền với sự tồn tại lâu dài cụm CN – TTCN bởi những ràng buộc nhất định, có ý nghĩa thúc đẩy quá trình HĐH – CNH khu vực. Qui hoạch bước đầu xem xét, xác định và định tính những yếu tố bất lợi có thể khi đưa vào vận hành bằng cách phân loại nhà máy theo mức độ ô nhiễm như các XNCN: (1) sạch; (2) có thể gây ô nhiễm; (3) ít gây ô nhiễm; (4) ô nhiễm. Và sau cùng, các “chất thải đã qua sử dụng triệt để” được đưa vào khu xử lý làm sạch nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cho phép trước khi thải vào hệ thống thoát chung của Thành phố thông qua hệ thống quan trắc (monitoring) và bảo vệ tối đa, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phải nói rằng, việc bố trí các hình thái kiến trúc CN ở đây sẽ tạo nên một bộ mặt kiến trúc – cảnh quan đô thị khang trang, hiện đại phù hợp, hài hoà với công năng, cụm dân cư và đặc biệt là tuyến quốc lộ 3 huyết mạch liên kết Thái Nguyên với Hà Nội nói riêng và vùng Việt Bắc nói chung. Để tránh lặp lại trường hợp trên tuyến QL. 5, cụm CN – TTCN thành phố Thái Nguyên được kết nối những dải cây xanh cách ly cùng với khoảng lùi lớn rất linh hoạt cho quá trình phát triển đô thị cũng như khả năng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 trong tương lai.

b. Dây chuyền khép kín trong mỗi XNCN

Dây chuyền khép kín trong mỗi XNCN là thành phần cấu thành nên dây chuyền tổng thể cụm CN – TTCN này, nó được lồng ghép thích hợp vào trong vòng quay chung và đóng góp vào sự thành công của mô hình phát triển bền vững tương lai. Mỗi dây chuyền đó cần phải được tính toán thông qua các tiêu chí cụ thể về: (1) công nghệ; (2) hiệu quả kinh tế; (3) chất lượng sản phẩm ; (4) quá trình vận hành, bảo trì và (5) niên hạn. Để có thể xuất khẩu sản phẩm có chất lượng và hội nhập quốc tế thì việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn ISO 9001-2015, đặc biệt ISO 14000 và 14001 hay hệ thống EMS (Environmental Management System) sẽ làm tăng hiệu quả khai thác dây chuyền khép kín cũng như dây chuyền tổng thể vô cùng lớn.

c. Đánh giá vòng đời của dự án qui hoạch (Life Cycle Assesment)

Ở từng giai đoạn phân kỳ sẽ phân định những tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết nhằm đưa ra những đánh giá xác thực tại thời điểm đó, qui trình này sẽ được thực hiện liên tục và lâu dài trong toàn bộ quá trình hoạt động cụm CN – TTCN. Dựa trên những kết quả từ các trạm quan trắc “monitoring” phối kết hợp với cơ quan chuyên ngành để ưa ra những điều chỉnh cụ thể nhằm làm tăng giá trị và thời gian hoạt động cụm CN như đã định từ thủa ban đầu đảm bảo thành công cho mô hình phát triển bền vững.

Thay lời kết

Từ đó cho thấy, qui hoạch chi tiết CCN – TTCN thành phố Thái Nguyên đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Nhà nước đối với ngành công nghiệp, lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế cho quá trình HĐH – CNH. Đặc biệt mô hình CN – TTCN theo xu hướng phát triển bền vững ít nhiều có tác động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển đô thị – nông thôn mới của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. QĐ 2501/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 28/9/2016.

2. QĐ 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, ngày 9 tháng 6 năm 2014.

3. Bộ Xây dựng. Quy hoạch quản lý và phát triển các khu công nghiệp ở Việt nam, Nhà xuất bản xây dưng, Hà nội, 1998.

4. Statistic publishing house, “Master plan of sectors and National programs in Vietnam to the years after 2000”, Hanoi, 12.1997.

TS.KTS Ngô Minh Hùng