Hồ là địa hình đặc trưng của Hà Nội. Đây là phần không gian mở tự nhiên len lỏi, xen kẽ trong không gian xây dựng và là một hệ sinh thái tự nhiên trong đô thị, góp phần hình thành hệ thống hạ tầng xanh, giúp Hà Nội thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Không chỉ vậy, đó còn là nơi lưu giữ không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của quá trình phát triển đô thị. Ngày nay, quá trình đô thị hóa đang có xu hướng lấn chiếm, xâm hại các hồ vì những mục tiêu kinh tế. Cần nhìn nhận việc bảo tồn, tôn tạo các hồ là một giải pháp thiết kế đô thị nhằm tạo lập bản sắc cho không gian kiến trúc Hà Nội.
Từ năm 1986 trở lại đây, với chủ trương đổi mới và hội nhập của nền kinh tế cả nước, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, làm cho bộ mặt kiến trúc của Hà Nội thay đổi từng ngày. Từ 4 quận nội thành, hiện nay Hà Nội đã mở rộng thành 9 quận, nhiều khu vực thuộc các xã, huyện ngoại thành trước đây nay đã trở thành các quận mới trong thành phố, cùng với đó là quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy như ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Cầu Giấy… nhiều vùng đất ngập nước và bán ngập trong các khu vực ngoại thành trước đây đang trở thành các khu vực tập trung xây dựng mật độ cao, tác động mạnh tới các giá trị đặc trưng về tự nhiên mà Hà Nội đang được sở hữu.
Thực tế cho thấy các nhu cầu về giao thông, về đất ở… dẫn đến những giải pháp ngắn hạn trước mắt như lấn chiếm đất ao hồ làm đất xây dựng, lấp ao, hồ, kênh mương để làm đường giao thông… phá bỏ những giá trị đích thực để đổi lấy những lợi ích ngắn hạn đang là mối đe dọa tới mỹ quan cũng như chất lượng sống của người dân Hà Nội. Tại nhiều nơi trên thế giới, xu hướng “nhường lại đất cho nước” ở Hà Lan đang thay thế xu hướng “lấy đất từ nước”, hay những đường cao tốc sầm uất nhất Seoul đã bị tháo dỡ để trả lại dòng suối Cheonggycheon, là dòng suối trước đây đã bị lấp đi để làm đường. Dự án cải tạo suối Cheonggycheon của Hàn Quốc là một dự án tốn rất nhiều tiền và nếu xét về khía cạnh kinh tế thì hoàn toàn sẽ khó có thể chấp nhận (gần 1 tỷ USD). Nhưng nếu xét về các giá trị môi trường và tiến bộ xã hội thì đó lại là một thắng lợi lớn, đem lại sự phát triển bền vững hơn cho thành phố Seoul, đem lại chất lượng thẩm mỹ và chất lượng sống cao hơn cho người dân. PGS Kim Youngmin (Văn phòng kiến trúc quy hoạch, đại học Seoul) cho biết: “Cheonggyecheon là câu trả lời rõ ràng cho tranh luận gay gắt bàn về xu hướng phát triển đô thị, giữa một bên định hướng hạ tầng thuận tiện cho ôtô và một bên thân thiện với người đi bộ”.
Vì vậy, để Hà Nội phát triển bền vững, chúng ta cần phải lựa chọn các giải pháp cho quy hoạch kiến trúc của Thủ đô – Không vì các mục tiêu ngắn hạn, mà phải có chiến lược dài hạn với mục tiêu hướng tới chất lượng sống của người dân thành phố. Đã tới lúc chúng ta không thể đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường. Do đó bảo tồn, tôn tạo và quản lý các Hồ của Hà Nội là một giải pháp cần thiết hướng tới các mục tiêu dài hạn đó.
Những giá trị đặc trưng của hệ thống hồ Hà Nội
Hồ là một vùng nước được bao quanh bởi đất liền. Nguồn gốc của hồ được hình thành bởi những khúc cong của các đoạn sông còn lại khi dòng sông bị đổi dòng, hoặc được hình thành bởi các vùng đất trũng chứa nước mưa. Nhìn chung, hồ của Hà Nội là dấu tích của các dòng sông cổ đã đổi dòng.
Hồ của Hà Nội là một trong những thành phần quan trọng trong cấu trúc không gian cũng như môi trường của thành phố. Hầu hết là hồ tự nhiên, có nguồn gốc từ các nhánh sông Hồng, vì vậy trong quá khứ, các hồ là một thành phần của các nhánh sông nhỏ, kết nối với nhau và chảy ra sông Hồng. Sau này, quá trình đô thị hóa đã dần tách các hồ ra độc lập với nhau, diện tích một số hồ cũng bị thu nhỏ lại để tăng diện tích giao thông và đất ở. Nhìn vào sự phân bố của các hồ ở Hà Nội, có thể nhận thấy được lịch sử kiến tạo địa chất của vùng đất “tụ thủy” Hà Nội, vùng đất “phong thủy” nhiều “địa linh, nhân kiệt”.
Nói đến các giá trị văn hóa của Hà Nội, không thể tách rời địa danh của các hồ, vì đó cũng chính là nơi cội nguồn sinh ra các đặc trưng văn hóa: Hồ Gươm gắn với truyền thuyết vua Lê và các đình đền xung quanh. Hồ Tây, Hồ Thuyền Quang gắn với các làng nghề truyền thống và các đình chùa gần đó. Hồ Giám gắn với trường đại học đầu tiên của Việt Nam – Quốc tử Giám…
Trong thời đại hiện nay, những năm đầu của thế kỷ 21, một trong những tiêu chí của đô thị bền vững, đô thị đáng sống chính là chất lượng sống của người dân đô thị. Yếu tố phản ánh chất lượng đó được biểu hiện bằng sự đa dạng và sầm uất của các không gian công cộng. Hầu hết các hồ của Hà Nội hiện nay đang là một thành phần quan trọng của không gian mở công cộng, vì vậy hồ Hà Nội còn mang một giá trị về chất lượng sống của người dân. Với ý nghĩa là không gian mở trong đô thị, hồ Hà Nội đã cho phép giảm mật độ xây dựng, tạo nên các không gian xanh xen kẽ, len lỏi trong các khu vực chức năng, tạo thành các vùng “trũng” có điều kiện vi khí hậu tốt nhất trong đô thị, làm nền, làm “phần âm” cho các công trình kiến trúc vươn cao – phần hình, “phần dương”, góp phần làm cân bằng mối quan hệ hình – nền, hướng tới sự hài hòa, cân đối của đô thị.
Bên cạnh các giá trị về văn hóa, các hồ Hà Nội còn có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường vi khí hậu cho Hà Nội như tăng độ ẩm làm mát không khí, lọc bụi, giảm tiếng ồn, giảm bức xạ của mặt trời. Ngoài ra, hồ còn giữ chức năng là các hồ điều hòa trong việc chống úng ngập cục bộ, nâng cao mực nước ngầm trong đô thị, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ… bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên còn lại trong đô thị. Nếu nhìn nhận rộng hơn, các hồ Hà Nội chính là một thành phần quan trọng của hạ tầng xanh, không chỉ điều hòa nước, mà còn phần nào kết hợp với hệ thống cây xanh thảm cỏ, lọc đi một phần nào những ô nhiễm của đô thị
Nếu xét về khía cạnh thẩm mỹ, chúng ta có thể căn cứ vào lý luận về hình ảnh đô thị của Kevin Lynch để minh chứng cho vai trò của các hồ Hà Nội đã tạo nên hình ảnh và bản sắc đô thị như thế nào. Các hồ là những không gian mở đặc biệt, liên kết các công trình công cộng, các công trình nhà ở…thành những khu vực có chất lượng thẩm mỹ cao và các hoạt động đặc trưng cho mỗi khu vực đó (ẩm thực, tâm linh, giải trí, nghỉ ngơi, thể thao…). Giá trị bất động sản quanh các hồ luôn là nơi có giá trị cao nhất về kinh tế và thẩm mỹ so với khu vực xung quanh.
Từ những nhận định trên, cho thấy việc bảo tồn, tôn tạo, quản lý hồ ở Hà Nội là một vấn đề có tính liên ngành, tổng hợp nhiều lĩnh vực chuyên môn và đặt dưới sự quản lý của nhiều ban ngành chức năng. Điều này cho thấy để nâng cao hiệu quả bảo tồn, tôn tạo, quản lý hồ, cần có các giải pháp tiếp cận mang tính hệ thống, đảm bảo sự đồng bộ cho các giải pháp được phát huy một cách hiệu quả nhất.
Thực trạng hệ thống hồ Hà Nội và những vấn đề cần giải quyết
Những thập niên 80, 90 của thế kỷ 20, các hồ ở Hà Nội bị lấn chiếm và san lấp tương đối nhiều (ngay cả Hồ Tây cũng bị lấn chiếm, mặt nước bị thu hẹp). Việc lấn chiếm mặt nước tự nhiên của Hà Nội đã dẫn đến hậu quả về môi trường, nhiều hồ đã không còn khả năng điều hòa nước, dẫn đến ngập thường xuyên trong đô thị sau các trận mưa. Hồ trở thành nơi vứt rác, xả thải… dẫn đến ô nhiễm môi trường cả một vùng chung quanh hồ. Những giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ, hình ảnh đô thị thông qua các không gian công cộng bị lu mờ và méo mó bởi hậu quả lấn chiếm mặt nước hồ. Cụ thể về số lượng hồ, từ năm 2010 – 2015, có 17 hồ đã bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung. Như vậy, tổng số lượng ao, hồ Hà Nội trong năm 2015 là 112, giảm 10 cái so với năm 2010. Về diện tích mặt nước hồ: Tổng diện tích nước mặt hồ năm 2015 là 6.959.305 m2, giảm 72.540 m2 so với năm 2010. (sách “Báo cáo Hồ Hà Nội 2015” – Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng )

Việc bảo vệ và phát triển quỹ đất ven hồ cần đặc biệt chú trọng cân bằng lợi ích giữa các nhà đầu tư, cộng đồng và nhà quản lý.
Hiện nay, thành phố đã quan tâm nhiều hơn đến vai trò của hồ ở Hà Nội. Nhiều hội thảo và các nghiên cứu của một số viện nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng và hướng bảo tồn, tôn tạo cũng như quản lý các hồ này.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn, tôn tạo cũng như quản lý các hồ sẽ không thể giống nhau vì mỗi hồ sẽ có những giá trị nổi bật riêng, bên cạnh những giá trị chung như đã đề cập ở phần trên. Thực trạng cho thấy những vấn đề sau đối với hồ ở Hà Nội.
- Lấn chiếm đất hồ: Thực trạng hồ bị, lấn chiếm cả về chiều ngang lẫn chiều cao. Những hồ chưa được kè, có nguy cơ bị lấn chiếm theo chiều ngang; còn những hồ đã được kè và làm đường bao chống lấn chiếm lại có nguy cơ bị xâm lấn bởi chiều cao của các nhà cao tầng đã và sẽ được xây dựng. Không gian hồ có nguy cơ bị lấn át bởi các nhà cao tầng. Không gian mở có xu hướng bị thu hẹp bởi các chức năng, hoạt động kinh tế ven các hồ;
- Xả thải, gây ô nhiễm hồ: Thống kê của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – cho thấy: Tính đến cuối năm 2015, tổng số lượng ao, hồ ở Hà Nội là 112 với tổng diện tích mặt nước hồ là 6.969.305 m2. Theo đó, có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Có thể kể đến các hồ: Linh Quang, Thiền Quang, Kim Liên, Ba Mẫu, Ao phủ… Các sông cũng trong tình trạng tương tự như: Kim Ngưu, Tô Lịch… Nguyên nhân chủ yếu do nước thải sinh hoạt từ cống nhỏ chảy thẳng ra các sông, hồ này.
Với diện tích hơn 5,6 ha, hồ Thiền Quang (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) là một trong những hồ lớn của Hà Nội. Đây là hồ thuộc hệ thống hồ tự nhiên thông ngầm với hồ Bảy Mẫu (trong công viên Lê – nin), có chức năng điều hòa nước và tạo cảnh quan cho khu vực. Nhiều năm tiếp nhận nước thải từ hệ thống thoát nước trong khu vực và các hàng quán ven hồ, hồ Thiền Quang cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên, quận Đống Đa) thuộc hệ thống tự nhiên thông với hồ Bẩy Mẫu, không thoát khỏi tình trạng ô nhiễm.
Các giải pháp bảo tồn, tôn tạo, xây dựng bản sắc không gian hồ ở Hà Nội
Từ những phân tích ở phần trên, việc bảo tồn, tôn tạo và phát triển không gian hồ ở Hà Nội phải là các giải pháp định hướng cho sự hình thành, phát triển các không gian văn hóa cộng đồng trong các không gian mở ven hồ, vì vậy việc bảo vệ và phát triển quỹ đất ven hồ cần đặc biệt chú trọng cân bằng lợi ích giữa các nhà đầu tư, cộng đồng và nhà quản lý. Nhà đầu tư luôn có xu hướng lấn chiếm và lấp hồ nhằm giành quỹ đất cho xây dựng (gần đây nhất là vụ việc của hồ Thành Công). Cần hiểu khái niệm cộng đồng ở đây không chỉ là cư dân khu vực ven hồ, mà còn là của tất cả những người dân, khách du lịch muốn tới tham gia vào các hoạt động ven hồ.
Để có các giải pháp phù hợp, chúng ta cần phân loại hồ theo vị trí, quy mô cũng như các giá trị đặc trưng để có thể có các giải pháp tiếp cận mang tính hệ thống, đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu phát huy giá trị của hệ thống hồ ở Hà Nội.
- Trước hết cần phân loại hồ Hà Nội theo vị trí: Giúp tập trung các nguồn lực và giải pháp trọng tâm cho các hồ Hà Nội.
- Các hồ tại 4 quận nội thành cũ: Trong đó bao gồm các hồ ở cấp thành phố (là các hồ có vai trò là không gian mở tự nhiên kết nối các công trình hành chính, văn phòng, các công trình công cộng… của thành phố hoặc cấp quận như hồ Gươm, hồ Tây, hồ Thuyền Quang, hồ Đống Đa, hồ Trúc Bạch…); các hồ cấp khu vực nằm bên trong các khu ở như hồ Giảng võ, hồ Văn Chương,…); các hồ có vị trí trong các công viên như hồ Bảy Mẫu, hồ Thủ Lệ, hồ Thanh Nhàn…
Không gian mở ven các hồ nội thành nhìn chung đã tương đối ổn định, tuy nhiên diện tích không gian mở không lớn so với mật độ cư trú, do đó cần có các giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị giúp nâng cao hiệu quả sử dụng. Mỗi hồ, tùy theo đặc điểm riêng, nên phát triển theo hướng tạo ra các đặc trưng khu vực, tạo ra sự độc đáo riêng của mình (hồ có đặc trưng về tâm linh, hồ ngắm cảnh và nghỉ ngơi, hồ hấp dẫn về thể thao, hoạt động giải trí, hồ hấp dẫn bởi ẩm thực và các hoạt động giao lưu, giao tiếp cộng đồng….). Riêng đối với hồ lớn như hồ Tây, tùy theo mỗi vị trí xung quanh hồ, có thể kết hợp nhiều chức năng khác nhau
- Các hồ tại các quận mới, là khu vực đang phát triển, do đó việc bảo vệ, chống lấn chiếm hồ làm diện tích xây dựng là một việc làm cần thiết và cấp bách. Quản lý và hạn chế các hoạt động xây dựng không đúng theo quy hoạch. Cần có các giải pháp thiết kế đô thị và kiến trúc cảnh quan ven hồ, làm cơ sở bảo vệ và định hướng phát triển không gian mở công cộng ven hồ. Nâng cao chất lượng không gian hồ bằng cách khống chế chiều cao các công trình xây dựng theo dạng đường cong “lòng chảo”, lõm về phía mặt nước để bảo vệ sự thông thoáng của không gian hồ. Hình thành không gian cây xanh đủ lớn cùng với hệ thống đường đi bộ ven hồ, đáp ứng nhu cầu cho sinh hoạt cộng đồng
- Các hồ ngoại thành cần được nhìn nhận như các không gian mặt nước có vai trò trữ nước và xử lý sinh học cho nước thải đô thị trước khi đưa ra sông. Các hồ này liên kết với các hồ nội thành như một thành phần của hệ thống hạ tầng xanh đô thị. Không gian mở ven các hồ ngoại thành sẽ được tổ chức kiến trúc cảnh quan theo hướng nghỉ dưỡng, thu hút người dân đô thị ra nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần và nghỉ lễ, hướng tới sự phục hồi sức lao động và nâng cao chất lượng sống
- Giải pháp kết nối các hồ: Giúp hình thành hạ tầng xanh, nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị
- Một trong những nhược điểm cơ bản của các hồ trong bốn quận cũ là thiếu tính kết nối. Nhiều hồ là những điểm không gian mở độc lập, xét trên quan điểm là một không gian công cộng thì các hồ không hỗ trợ được cho nhau, làm giảm đi khả năng tiếp cận đến các hồ, thiếu tính cộng sinh, không phải chỉ riêng về phương diện sinh học, mà còn cả các phương diện hoạt động xã hội và dịch vụ công cộng. Ví dụ chúng ta có những cụm hồ rất gần nhau về vị trí, nhưng lại khó tiếp cận vì bị giao thông chia cắt như các cụm hồ trong công viên thống nhất với hồ Thiền Quang, hồ Ba Mẫu….
Việc nghiên cứu các giải pháp liên kết các hồ với nhau và với các mảng xanh tập trung trong thành phố sẽ còn có ý nghĩa tiếp cận với việc hình thành một hệ thống hạ tầng xanh có đủ năng lực hỗ trợ cho việc cân bằng hệ sinh thái đô thị, giúp điều hòa nước mưa, hạn chế úng ngập cục bộ, tăng lượng nước ngầm cho thành phố đồng thời nâng cao chất lượng thẩm mỹ, chất lượng sống của người dân. - Đối với các hồ trong các quận mới đang phát triển, cần có ngay các giải pháp thiết kế đô thị, liên kết các hồ, công viên và cây xanh thành một hệ thống. Ngoài ra, cần có giải pháp liên kết các hồ cho phép người dân dễ dàng di chuyển đến các không gian hồ, đồng thời phát triển các hồ thành các trung tâm dịch vụ công cộng (thể thao, vui chơi, giải trí…) ở nhiều cấp độ phục vụ khác nhau (thường xuyên và không thường xuyên). Từ đó, có thể hình thành các đặc trưng khu vực trên cơ sở các đặc điểm giá trị nổi trội của các hồ, giúp hình thành hình ảnh đặc trưng đô thị, thông qua hình ảnh đặc trưng của các hồ Hà Nội
- Đối với các hồ ngoại thành, cần được bảo vệ và khai thác dưới hình thức là các hồ điều hòa, kết hợp không gian nghỉ dưỡng cuối tuần, tạo nên một vùng sinh thái ngoại ô giúp cân bằng và hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng sống của người dân Hà Nội.
- Giải pháp về môi trường, nâng cao chất lượng vi khí hậu không gian mở công cộng ven hồ:
- Theo kinh nghiệm của thế giới, cần tách nước thải sinh hoạt ra khỏi nước đổ vào hồ. Trong hồ chỉ chứa nước mưa, nước ngầm;
- Riêng các hồ lớn ở ngoại thành, có thể được sử dụng thành hồ sinh học, nhưng phải được các cơ quan quản lý môi trường giám sát;
- Giải pháp quản lý
- Hiện nay, mỗi hồ thường có 3 đơn vị quản lý chính: Công ty cấp thoát nước quản lý nước hồ và lòng hồ, Công ty công viên cây xanh quản lý cây xanh ở hành lang bờ, Công ty môi trường đô thị chịu trách nhiệm về vệ sinh xung quanh bờ. Các công ty này làm việc qua hợp đồng giao nhiệm vụ của Sở Xây dựng, quận hoặc phường trực thuộc tùy theo phân cấp của mỗi hồ. Công tác quản lý của mỗi đơn vị được thực hiện biệt lập, do đó cần cơ chế phối hợp hiệu quả hơn;
- Cần phải có chế tài cụ thể đối với những bên vi phạm các quy định của TP về bảo vệ hồ; Xây dựng một nguồn quỹ hỗ trợ cộng đồng để có thể phát huy các sáng kiến. Cần có kế hoạch sử dụng nguồn quỹ này nhằm đạt được các kết quả cụ thể và giải quyết vấn đề, khuyến khích sáng tạo, sự tham gia của cộng đồng.
- Cần tạo ra sự thuận lợi về giao thông tiếp cận (giao thông động và tĩnh), nhằm thu hút các hoạt động cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý không gian sinh hoạt của mình
Kết luận
- Các hồ của Hà Nội là hệ thống không gian mở phản ánh nhiều giá trị đặc trưng về địa hình và văn hóa, lịch sử Hà Nội;
- Cần quan niệm bản sắc là những yếu tố khác biệt làm nên giá trị, vì vậy sự khác biệt không tạo nên giá trị sẽ không phải là bản sắc. Các dân tộc, vùng miền có thể có những không gian văn hóa, không gian kiến trúc… khác nhau, nhưng bản sắc chỉ có thể là những yếu tố có giá trị riêng trong các không gian đó;
- Các hồ của Hà Nội, là nơi hội tụ các yếu tố làm nên giá trị cơ bản là những đặc trưng địa hình mặt nước hồ và các giá trị văn hóa lịch sử hình thành ven hồ. Do đó việc khai thác, phát triển các giá trị đó sẽ giúp tạo nên bản sắc của Hà Nội;
- Cần có các giải pháp kiến trúc cảnh quan cụ thể cho việc phát triển không gian công cộng ven hồ trở thành các điểm nhấn khu vực. Một không gian công cộng hoạt động hiệu quả ven hồ sẽ là giải pháp gián tiếp quản lý hồ với sự tham gia của cộng đồng;
- Bảo tồn, tôn tạo và quản lý tốt các hồ Hà Nội, là một giải pháp bảo tồn và phát triển, tạo nên bản sắc của chính Hà Nội;
- Bảo tồn, tôn tạo và quản lý tốt các hồ Hà Nội là giải pháp định hướng tới sự phát triển hạ tầng xanh, giúp nâng cao chất lượng sống của người dân Hà Nội trong thế kỷ 21.
PGS.TS. Nguyễn Nam – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 8/2017)