Hội thảo thu hút sự tham gia của 220 kiến trúc sư hội viên, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau. Hội thảo vinh dự được đón tiếp ông Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo ban-ngành, quận-huyện của thành phố. Đây chính là nghị quyết của đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã trở thành chương trình hành động xuyên suốt nhiệm kỳ 2015-2020 của Hội Kiến trúc sư TP HCM. Chương trình hành động này đã được mở đầu bằng hội thảo có cùng tên gọi diễn ra ngày 27.4.2016 nhân dịp kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam.
“Trong giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình đồng thời với việc phải phát triển các khu đô thị mới, thành phố sẽ thực hiện triển nhiều giải pháp chỉnh trang khu vực nội thành và ngoại thành. Hàng loạt chương trình, công trình cần đến bàn tay, khối óc của giới KTS như chương trình xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, xây dựng và phát triển mạnh các khu đô thị mới, hiện đại, có quy mô lớn… Đó là những vinh dự và trọng trách đối với chúng ta. Các nhà quản lý, giới kiến trúc, quy hoạch phải hoàn thành với nhiều quyết tâm, kỹ năng chuyên môn cao nhất mà đất nước và thành phố giao phó. Công tác kiến trúc vừa là nghệ thuật vừa là khoa học. Lãnh đạo thành phố mong rằng sau Hội thảo kiến trúc vì thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình hôm nay, các hội viên Hội KTS TP HCM sẽ có nhiều sáng kiến mới, quan trọng đóng góp cho việc xây dựng, phát triển thành phố trong giai đoạn hội nhập sâu rộng”
(trích phát biểu của ông Lê Thanh Liêm, Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM tại hội thảo)
Trong lời đề dẫn, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP HCM đặt vấn đề. “Chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, thì bất kỳ đâu, thành phố hay nông thôn cũng là mục tiêu hướng tới của con người. Nhưng ngoài cái văn mình, hiện đại, sống chất lượng thì hiện nay trên thế giới người ta xây dựng các triết Ký đô thị như Manila “Hướng tới một đô thị nhân văn tầm quốc tế”; BangKok là “Thành phố hòa bình, văn minh và nụ cười”; Kuala Lumpur với “Thành phố tiện nghi và văn hóa”… Như vậy, “Phải chăng “NGHĨA TÌNH” là một triết lý cho TP HCM, nhằm mục đích làm cho hạnh phúc của mỗi cá nhân và của toàn xã hội nói chung đạt mức tối đa.”
Với tham luận mở đầu “Kiến trúc cho TP.HCM có chất lượng sống tốt bắt đầu từ đâu?”, KTS Nguyễn Văn Tất khẳng định: “Ngành kiến trúc quy hoạch có vai trò không nhỏ trong việc nâng cao ý thức và hiệu quả đóng góp cho mục tiêu xây TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Hội KTS TP HCM bắt đầu công việc dài hơi này bằng cuộc hội thảo đầu tiên nhân Ngày Kiến trúc Việt Nam (27.4) và hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Hội KTS TP.HCM. Nội dung hội thảo có tính chất nhận định thực trạng, những ý tưởng gợi mở về phương pháp thực hiện… nhằm thu hút trí tuệ của giới KTS thành phố tham gia tư duy nghề nghiệp vào mục tiêu tốt đẹp vì cộng đồng, vì sự phát triển lành mạnh – tự hào với tên gọi TP HCM.
Tham luận của TS. KTS Nguyễn Thiềm “Đô thị hẻm – vấn đề và giải pháp” gây chú ý khi cho rằng “Hẻm phố là nơi hạ tầng đô thị kém, mật độ dân cư cao, thiếu vườn hoa, công viên, cây xanh, công trình công cộng”. Theo TS. KTS Nguyễn Thiềm, hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng hẻm phố của TP HCM qua các thời kỳ lịch sử, tuy nhiên số lượng người dân sống trong các hẻm phố có thể lên đến 60-65% dân số thành phố”. Bên cạnh giải pháp quản lý không để phát sinh thêm hẻm phố tự phát, TS.KTS Nguyễn Thiềm đề nghị sử dụng tự điều chỉnh đất (land readjustment law) để xử lý như một số đô thị trên thế giới đã làm.
Trong khi đó, KTS Nguyễn Ngọc Dũng với tham luận “Góp thêm một góc nhìn từ người làm nghề kiến trúc để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình” thể hiện và mong ước của những thị dân cụ thể như anh Tư Trời Biển, anh Hai Lúa, anh Chín xích lô, chị Năm tàu hũ… KTS Nguyễn Ngọc Dũng đưa ra hình ảnh “thành phố nghĩa tình nhưng ngăn nắp trật tự”. Theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, “Nghĩa tình còn phải thể hiện trong cách đối xử với người dân bị giải tỏa đền bù trong các dự án phát triển đô thị, xây dựng mới. Người dân có đất có quyền thương thảo với các nhà đầu tư hoặc chính quyền để được hưởng lợi nhuận trong công trình sắp xây dựng, các đô thị mới sắp đầu…”. TS.KTS Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng TP.HCM có tham luận “TP.HCM – phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. KTS Lê Văn Năm nêu vấn đề “Bảy chương trình đột phá và kỹ thuật hóa quản lý gắn với mục tiêu hoàn thiện đô thị” và cảnh báo: “Nếu hoạt động cải tạo chỉnh trang đô thị không đặt mục tiêu tổng quát là hoàn thiện đô thị thì kết quả của hoạt động này vẫn còn nguy cơ manh mún, dàn trải và thiếu đồng bộ.”
Trong phát biểu của mình, TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng: “Chất lượng đô thị sống tốt – con đường thiên lý không có điểm dừng”. TS Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy ở một số nước không khá giả vẫn có thể cùng lúc xây dựng chất lượng sống đô thị trên cả hai bình diện tổ chức vật chất và đời sống tinh thần nhân văn, hạnh phúc ngay cả khi có ít tiền. “Tôi hy vọng ngày không xa nữa, đo lường sự phát triển ở TP.HCM không còn là những con số định lượng như tiền, m2, calorie, kilowatt mà là hài lòng, thỏa mãn, thú vị, tuyệt vời”
KTS Nguyễn Văn Tất nhấn mạnh: “Đô thị có chất lượng sống tốt là giá trị tổng hòa của rất nhiều các yếu tố cộng hưởng, các bước nghiên cứu, chuẩn bị, thực hiện… đều cần đặt ra trong một hệ thống ra quyết định có hiệu quả, đó là vai trò quan trọng thực sự của nghiên cứu xã hội học đô thị và một chính quyền đô thị đủ tầm”.
Trong lời tổng kết hội thảo, KTS Phạm Tứ Phó chủ tịch Hội KTS TP.HCM cho biết: Hội đồng kiến trúc của Hội KTS sẽ tổng kết nội dung hội thảo để báo cáo thành phố. Với chủ đề chung “Kiến trúc vì một TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, Hội KTS TP HCM yêu cầu các chi hội và cá nhân có những hoạt động chuyên môn thiết thực phù hợp với điều kiện của chi hội và cá nhân. Nhân dịp này, Hội KTS TP HCM cũng đề nghị thành phố giao nhiệm vụ cụ thể trong chương trình đột phá thứ 7: “Chỉnh trang và phát phát triển đô thị”. Thực hiện nhiệm vụ thành phố giao là hành động thiết thực của giới KTS tham gia xây dựng và phát triển TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện địa, nghĩa tình…
BÀI HY HƯNG ( Ảnh Thu Vân )
( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04/2016 )