Không gian cao tầng ven biển: Cơ hội và thách thức

Việt Nam có đường bờ biển dài khoảng 3260km, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển và các đô thị ven biển. Toạ đàm chuyên môn về Không gian kiến trúc ven biển do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và Hội KTS Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 4/7 tại TP biển Đà Nẵng đã đề cập đến những cơ hội và thách thức trong việc quy hoạch, phát triển kiến trúc cao tầng ven biển, những tác động đến sự phát triển bền vững, hợp lý, bền vững và có bản sắc của các đô thị ven biển ở nước ta, trong đó Đà Nẵng là trường hợp tiêu biểu, được đề cập đến đầu tiên trong chuỗi các hoạt động chuyên môn của giới KTS – Hướng đến Chào mừng ĐH Hội KTS Việt Nam khoá X.

Việt Nam có bờ biển dài, hàng năm đón một lượng du khách lớn. Quỹ đất ven biển giá trị ngày càng cao, nhu cầu đầu tư xây dựng ngày càng lớn, do đó xu hướng phát triển các công trình kiến trúc cao tầng phục vụ du lịch là tất yếu và phù hợp quy luật kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, thực tế là không gian kiến trúc cảnh quan đô thị chịu nhiều tác động khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển, hay nói cách khác, những không gian cao tầng ven biển đem đến nhiều cơ hội và cả thách thức lớn cho sự phát triển đô thị. Chính vì thế, đây là vấn đề cần được giới nghề nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất giải pháp hiệu quả cho các đô thị Việt – Đó cũng là nội dung chính mà các chuyên gia, nhà nghiên cứu, KTS và các nhà quản lý, chủ đầu tư đã cùng thảo luận tại Toạ đàm “Không gian kiến trúc cao tầng ven biển – Tầm nhìn và giải pháp”.

Kiến trúc cao tầng ven biển: Xu hướng tất yếu trên thế giới

Phát triển đô thị hướng biển đã và đang trở thành xu hướng tất yếu ở nhiều đô thị trên thế giới. Tại Việt Nam, những tăng trưởng nóng bởi phát triển du lịch, bất động sản trong giai đoạn vừa qua đã cảnh báo những biến dạng và làm suy giảm phần nào giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo của những tài nguyên ven biển như Hạ Long, Nha Trang. Cùng với thực trạng đó là những hiện tượng chiếm hữu không gian công cộng ven biển, xây dựng khu biệt, kém hiệu quả về sử dụng đất, không gian ven biển bị lấn át, chia cắt bởi các dự án đầu tư xây dựng…

Chính vì lẽ đó, các đại biểu tham dự toạ đàm đều cho rằng Chủ đề bàn luận về kiến trúc cao tầng ven biển đang là chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của nhiều giới, nhiều ngành và dư luận xã hội. TS.KTS Lã Kim Ngân, Viện phó Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh: “Rất cần những trao đổi về quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tổ chức cảnh quan, thiết kế kiến trúc, kiến trúc cao tầng và kiến trúc điểm nhấn cho các không gian đô thị ven biển để hạn chế những tác động tiêu cực đối với cảnh quan, tạo lập đặc trưng đô thị biển, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều đô thị tiếp cận biển – khi môi trường đầu tư và nhu cầu phát triển du lịch đang rất hấp dẫn ở Việt Nam. Chủ đề của toạ đàm lần này thực sự cần thiết, bổ ích cho các chính quyền đô thị, giới nghề và cộng đồng.”

Trên cơ sở phân tích các đô thị ven biển như New York, TP Fortalezja (thủ phủ của bang Ceará, Đông Bắc Brazil) và một vài trường hợp điển hình khác, các bài học kinh nghiệm phát triển kiến trúc cao tầng ven biển đã được các chuyên gia nghiêm túc trao đổi và bàn luận. Từ bài học của TP New York, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích 8 định hướng chiến lược quy hoạch tổng thể đô thị ven sông, biển như sau:

  1. Mở rộng kết nối công cộng;
  2. Kích thích phát triển khu vực ven bờ;
  3. Hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động đa dạng ven bờ;
  4. Cải thiện chất lượng nước;
  5. Phục hồi giá trị thiên nhiên ven bờ;
  6. Nâng cấp hệ thống giao thông thuỷ blue network;
  7. Nâng cao vai trò quản lý của chính quyền;
  8. Gia tăng sự thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, 8 định hướng chiến lược này hoàn toàn có thể áp dụng một cách phù hợp ở Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu kỹ và chọn lọc giải pháp phù hợp đối với bối cảnh cụ thể ở từng đô thị.

Trên thực tế, suy nghĩ về đô thị biển và giải pháp phát triển đô thị ven biển ở Việt Nam còn nhiều quan điểm trái chiều, dẫn đến các giải pháp được triển khai chưa thực sự thấu đáo và còn nhiều khiếm khuyết. Về điều này, KTS Nguyễn Thế Phương (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên minh Thiết kế Quốc tế Finko) đã rất thẳng thắn khẳng định quan điểm Phát triển đô thị ven biển và không gian kiến trúc cao tầng cần những giải pháp tổng thể, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Sự khác biệt rõ nét nhất và làm nên nét đặc trưng của các đô thị biển chính là không gian đô thị ven biển và rõ ràng không thể thiếu những kiến trúc cao tầng – Sức hấp dẫn của các đô thị biển không chỉ bắt nguồn từ du lịch mà bắt nguồn từ những chiến lược phát triển đô thị dựa trên những dự án và công trình đặc biệt, ở những vị trí đặc biệt.

Mr Shigeru Yoshino – Giám đốc điều hành – KTS trưởng Nikken Seikkei đã trao đổi kinh nghiệm thông qua việc nghiên cứu hiện trạng đô thị biển Đà Nẵng và phân tích một số dự án cao tầng ven biển do Nikken Seikkei thiết kế. Ông nêu ra một số tiêu chí khi thiết kế kiến trúc cao tầng ven biển: Thiết kế một biểu tượng cho TP biển, mang lại lợi ích cho cộng đồng, tối ưu hóa tiềm năng của khu đất trong giới hạn phù hợp.

Không chỉ dừng lại ở việc nêu ra những bài học kinh nghiệm cho các đô thị trên thế giới, với cuộc toạ đàm: Không gian kiến trúc cao tầng ven biển – Tầm nhìn và giải pháp, các chuyên gia đã cùng tìm đáp án cho những câu hỏi thiết yếu: Phát triển kiến trúc cao tầng đã trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, nhưng có phù hợp với các đô thị ven biển ở Việt Nam? Và đối với các trường hợp cụ thể như TP Đà Nẵng, mô hình đô thị nào là phù hợp, cho phép phát triển kiến trúc cao tầng mà vẫn đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên: Chủ đầu tư, chính quyền và cộng đồng dân cư đô thị?

Đi tìm giải pháp phát triển kiến trúc cao tầng ven sông, biển tại Đà Nẵng

Trong khi xu hướng phát triển kiến trúc cao tầng ven sông, biển tại các đô thị lớn trên thế giới đã trở thành tất yếu và đem đến những cơ hội lớn để phát triển đô thị, khai thác hết những tiềm năng mà một quỹ đất ven biển có thể mang lại; thì tại Việt Nam, điều tất yếu này lại tiềm ẩn nhiều thách thức hơn là cơ hội phát triển vốn có. Ngay cả tại Đà Nẵng, đô thị ven biển được xác định sẽ trở thành đô thị sinh thái biển đẳng cấp châu Á, điều này cũng không ngoại lệ.

Với hai mặt tiếp xúc với biển, có chiều dài bờ biển khoảng 74km và đường bờ biển ôm trọn TP, Đà Nẵng được các chuyên gia khẳng định là có điều kiện để xây dựng các không gian kiến trúc cảnh quan mang đậm sắc thái biển, trong đó, không thể không kể đến vai trò của các công trình kiến trúc cao tầng ven biển. Theo đánh giá của KTS Phan Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng thì các kiến trúc cao tầng ven biển là yếu tố quan trọng tạo nên không gian kiến trúc cảnh quan đô thị biển Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và tạo động lực cho ngành du lịch phát triển. Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển nóng này cũng cho thấy những nguy cơ nhất định, chẳng hạn như: Xu hướng phát triển nhà cao tầng bám sát chiều dài mặt biển, ngăn cản gió, nắng và tầm nhìn ra biển. Thêm vào đó, việc xây dựng nhà cao tầng ven biển với mật độ dày đặc gây tác động tiêu cực đến cảnh quan và hạ tầng đô thị.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Viện Phó Viện Nghiên Cứu Kiến trúc – Bộ Xây dựng nêu câu hỏi: “Chúng ta đã thống nhất quan điểm: Kiến trúc cao tầng là xu hướng tất yếu. Vậy chúng ta sẽ từ chối hay đón nhận nó? Và, điều quan trọng hơn là: Chúng ta đón nhận như thế nào để nhà cao tầng ven biển trở thành động lực phát triển và hình ảnh quảng bá của Đà Nẵng?”

Rất nhiều ý kiến và giải pháp đã được đề xuất cho Đà Nẵng, trong đó, KTS Phan Đức Hải nhấn mạnh một số định hướng phát triển không gian kiến trúc đặc biệt này: “1. Bảo tồn và phát huy bản sắc đặc trưng của đô thị Đà Nẵng: Biển, sông, núi. Phát triển kiến trúc hài hoà với cảnh quan, địa hình tự nhiên, phát huy không gian mặt nước, gò đồi, núi; từng bước phát triển cảnh quan kiến trúc với mật độ cây xanh cao; 2. Quy hoạch đô thị ven biển cần được định hình lại và kiểm soát tốt hơn để tạo nên một không gian đô thị có bản sắc, hướng tới hình ảnh đô thị ven biển xanh, có nhiều cây xanh, quảng trường và bóng mát; 3. Công trình cao tầng phải được thiết kế theo xu hướng kiến trúc hiện đại, thẩm hỹ và thích dụng. Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phù hợp với khí hậu địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Chia sẻ về những trăn trở trong việc phát triển không gian kiến trúc cao tầng ven biển tại Đà Nẵng, KTS Vũ Quang Hùng, Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng cho biết: “Chủ đề của tọa đàm đang là sự quan tâm chung ở nhiều đô thị biển ở Việt Nam, Đà Nẵng có may mắn là TP đầu tiên được trao đổi chuyên môn về vấn đề này. Sự phát triển cao tầng ở Đà Nẵng đang là điểm nóng. Trước năm 2015, Đà Nẵng khao khát nhà cao tầng. Thực tế là cũng có rất nhiều quy định cho việc quản lý này, các nhà cao tầng phải đặc biệt tuân thủ những quy định về phát triển hạ tầng. Chủ trương của TP là rà soát lại các dự án nhà cao tầng, yêu cầu tuân thủ chặt chẽ về hạ tầng theo các dự án. Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên đón nhận những dự án nhà cao tầng nhưng với điều kiện đảm bảo tiêu chí hạ tầng”.

Thay lời kết

Trong khuôn khổ một cuộc toạ đàm, thời gian dường như không đủ cho một chủ đề “nóng” được giới nghề và dư luận xã hội quan tâm. GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập TCKT chia sẻ: “Đây là hoạt động chuyên môn mở đầu cho chuỗi hoạt động của giới nghề, hướng đến chào mừng Đại hội Hội KTS khoá X. Chủ đề này cũng sẽ được tiếp tục tổ chức tại các đô thị ven biển trên cả nước như: Nha Trang, Hạ Long… Những ý kiến và giải pháp được đề xuất tại đây sẽ được tập hợp và gửi đến các cơ quan chức năng. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích trước khi ban hành những quyết định quan trọng – Hướng đến sự phát triển của những đô thị xanh và bền vững!”

Thảo Nguyên

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019)