Nam Từ Liêm là một “Đô thị trẻ” so với các đơn vị hành chính quận, huyện khác của Hà Nội nhưng có tốc độ đô thị hóa hết sức nhanh. Việc nghiên cứu, đánh giá cũng như phân tích những tiềm năng, lợi thế, hạn chế và định hướng cho quy hoạch xây dựng và phát triển kiến trúc đô thị của quận Nam Từ Liêm không những nhận diện được những giá trị, thành tựu, dấu ấn đạt được, mà còn tìm ra những bài học kinh nghiệm để định hướng cho sự phát triển, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị hành chính khác được tái thiết lập hoặc nâng cấp đô thị trong tương lai.
Những tiềm năng, lợi thế và thành tựu đạt được
Như chúng ta đã biết, năm 2008, Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, mở ra một chiến lược và định hướng mới về quy hoạch xây dựng phát triển về phía Tây và Tây Bắc của Thủ đô. Huyện Từ Liêm (cũ) khi đó và Nam Từ Liêm (hiện nay) là đơn vị có phần diện tích đất tiếp giáp lớn nhất với Hà Tây so với các quận, huyện khác. Bên cạnh đó, do nhu cầu phát triển các công trình hành chính chính trị, văn hóa thể thao đòi hỏi có quy mô, công suất, sức chứa lớn hoặc các công trình giao thông mang tính kết nối vùng miền nên một loạt các công trình lớn, trọng điểm đã được Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trước khi thành lập quận Nam Từ Liêm như Trung tâm Hội nghị Quốc gia (2006), Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (2003), Bảo tàng Hà Nội (2010), Đại lộ Thăng Long (2010), Tòa nhà phức hợp Keangnam Hà Nội Landmark Tower (2011), Tuyến đường trên cao vành đai 3 (2012), Khách sạn Marriott (2013)… và hiện nay là tuyến đường 32 gắn với tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Nội đến Nhổn. Sự hiện diện của các công trình này cùng với sự phát triển về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, cây xanh, quảng trường… Những lợi thế về hạ tầng kỹ thuật đã tạo điều kiện thuận lợi để Nam Từ Liêm trở thành nơi có sức hút ghê gớm về phát triển đô thị. Đây có thể nói là một cơ hội lớn nhất, mở ra những tiềm năng mới để Nam Từ Liêm có thể vừa phát huy được thế mạnh của mình, vừa gánh vác sứ mệnh có tính lịch sử và góp phần giải tỏa những áp lực lớn về dân số, nhà ở, các công trình phúc lợi… với nội đô Hà Nội tính từ đường vành đai 3 trở ra.
Không giống như một số các đơn vị hành chính khác như Quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ trước đây, quận Nam Từ Liêm khi thành lập, đã được quy hoạch tương đối bài bản, ít bị khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng. Một phần các dự án đã và đang thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà các công trình dân sinh, trụ sở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… lại được đầu tư xây dựng rộng khắp ở Nam Từ Liêm, đặc biệt là việc hình thành nhiều khu đô thị mới với nhiều loại hình nhà ở khác nhau từ cao tầng đến thấp tầng như khu đô thị mới Miêu Nha, Nam Trung Yên, Vinaconex 9, Xuân Ngọc, Xuân Phương Viglacera, Vinhome Green Bay Mễ Trì, FLC Garden City, Vinhome Green Bay, Five Star Mỹ Đình, Mễ Trì Thượng, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Cầu Giấy, Xuân Phương, Trung Văn, Phùng Khoang, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mễ Trì Hạ, Mỹ Đình Sông Đà – Sudico, Vinhome Gardenia… Mà ở đó, cảnh quan không gian kiến trúc đô thị cũng như phong cách nghệ thuật kiến trúc ở một số khu vực có nét hiện đại tương đối tương đồng với một số đô thị, thành phố của Châu Á, Asean…đang hiện diện. Từng trục đường, từng khu đô thị, hay nói đúng hơn là các không gian công cộng trong đô thị đã được quan tâm và chú ý nhiều hơn, kết nối với nhau hơn, bố trí và trang bị các tiện ích đô thị ngày một hoàn thiện hơn…
Song hành với việc phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thượng tầng kiến trúc đô thị – Nam Từ Liêm cũng hết sức lưu ý đến quy hoạch, xây dựng các hệ thống công viên cây xanh kết hợp hồ điều hòa như công viên Mễ Trì, Mỹ Đình, Phùng Khoang… Việc này đã được triển khai song hành với từng bước cải tạo dòng chảy của Sông Nhuệ cũng như các làng nghề truyền thống như cốm Mễ Trì, bún Phú Đô, rèm mành Xuân Phương, nhựa tái chế Trung Văn và cùng với việc bảo tồn, tôn tạo, chấn hưng các lễ hội và các di tích văn hóa lịch sử, các di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị …

Các thành tựu và kết quả đạt được đó, bên cạnh những tiềm năng cơ hội, cũng cần phải nhắc tới sự bài bản và thành công bước đầu trong công tác quản trị của chính quyền đô thị thông qua các quy định, cơ chế, chính sách ban hành có tính xuyên suốt, đồng bộ và thực hiện quản lý, giám sát linh hoạt và có hiệu quả từ cấp Quận đến các cấp phường, thôn, tổ dân phố …. Thực tế đó đã và đang chứng minh Nam Từ Liêm là một đô thị khởi sắc, xây dựng đô thị theo hướng văn minh và hiện đại, trở thành nơi đáng sống, làm việc, đầu tư, tham quan du lịch…
Định hướng phát triển đô thị theo hướng sinh thái, thông minh và bền vững
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Quận Nam Từ Liêm, đất nông nghiệp sẽ chiếm 5,54% (178,92 ha), đất phi nông nghiệp chiếm 94,07% (3036 ha) và còn lại 0,39% là dành cho quỹ đất chưa sử dụng. Như vậy có thể thấy quỹ đất dành cho nông nghiệp và dự trữ phát triển là quá ít. Tuy nhiên, phát triển đô thị không có nghĩa là nhanh chóng phủ kín quy hoạch thông qua các dự án đầu tư xây dựng. Đất đai là một nguồn lực trong bốn nguồn lực để phát triển bao gồm thêm cả sức lao động, nguồn vốn và công nghệ. Nhưng đất đai luôn có giới hạn, nên ngay từ lúc này, Nam Từ Liêm cần có chiến lược kiểm soát quỹ đất, khai thác có hiệu quả, hạn chế các dự án treo, đồ án quy hoạch treo… Trong tương lai không xa, Nam Từ Liêm có xu thế trở thành một đô thị có tính chất nén, do đó cần định hướng trong việc phát triển các không gian ngầm, được kết nối với không gian trên mặt đất và chuỗi liên hoàn các tuyến đường bộ như quốc lộ 32, tỉnh lộ 70A, đường vành đai 3, Đại lộ Thăng Long và các tuyến đường sắt đô thị đã được quy hoạch đi qua như tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông), tuyến số 3 (Trôi – Nhổn – Yên Sở), tuyến số 5 (Hồ Tây – An Khánh), tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh – Ngọc Hồi), tuyến số 8 (An Khánh – Dương Xá), đường sắt vận chuyển hàng hóa Bắc Hồng – Văn Điển. Ngoài ra, các không gian giao thông hoặc công cộng ngầm còn cần phải kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp với hệ thống xe buýt, các khu đô thị mới, các quảng trường và công trình công cộng có quy mô và sức chứa lớn… Điều này góp phần định hướng cho việc giảm tải mật độ và tắc nghẽn giao thông và từng bước tạo điều kiện cho người dân chuyển dần sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Với các khu đô thị mới và các công trình công cộng chuẩn bị được đầu tư xây dựng – Nam Từ Liêm cần chú trọng việc lựa chọn, khuyến khích các công trình theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng và quản trị tòa nhà thông minh (BMS) trong quy hoạch xây dựng và thiết kế công trình. Cần phải thấy rõ hệ thống hạ tầng xã hội không chỉ đơn thuần là các công trình phúc lợi, dịch vụ, vui chơi giải trí như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa thể thao, chợ hoặc các trung tâm thương mại, mà không gian công cộng chính là một phần của hạ tầng xã hội, là hợp phần của không gian đô thị, nếu khéo léo tổ chức, sẽ tạo nên bản sắc, nơi chốn của đô thị. Các không gian công cộng này cần phải được nghiên cứu, kết nối hữu cơ với nhau, chúng đóng vai trò vừa là hạ tầng xã hội vừa là hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt là các không gian đi bộ, tản bộ theo các điểm hoặc tuyến, chúng chính là nền tảng để đón nhận với các hệ thống giao thông công cộng liên hoàn sau này… Nữ KTS Zaha Hadid người Anh gốc Iraq đã từng chia sẻ: “Không gian thì đa chiều, cớ gì cứ phải giam mình cùng những tiêu chuẩn cũ rích”. Vấn đề ở chỗ, tiện ích được tạo nên thông qua thủ pháp thiết kế đô thị đương nhiên được kết hợp với công nghệ và kỹ thuật hiện đại nhưng phải đưa đến sự bình đẳng, công bằng cho mọi cư dân trong xã hội được tiếp cận và sử dụng. Nhà ở trong các khu đô thị mới có thể ở dạng chung cư cao cấp, thương mại hoặc xã hội; biệt thự hay liền kề và riêng lẻ… có thể khác biệt ở tiện ích cá thể và dịch vụ nhưng không gian công cộng trong từng đơn vị ở đến cấp độ đô thị phải là của cả cộng đồng, tránh phân biệt giai tầng. Bài học từ các khu nhà ở biệt thự, liền kề… bị bỏ hoang, không người ở, tài sản của tầng lớp trung lưu và hơn thế, ít nhiều ảnh hưởng đến cảnh quan, thẩm mỹ và không gian công cộng của đô thị vẫn còn đó, như những vật chứng sống.

Theo thống kê hiện nay, địa bàn Nam Từ Liêm gồm có 45 ao hồ với tổng diện tích mặt nước khoảng 195.000 m2 (chiếm 12% diện tích mặt nước của toàn quận). Quan sát dễ thấy, dòng sông Nhuệ gần như chảy qua chính giữa địa bàn quận theo trục Bắc – Nam. Trước đây, Từ Liêm (cũ) vẫn nằm trong quy hoạch là vành đai xanh của khu nội đô với hệ thống canh tác nông nghiệp tương đối phong phú. Cần hiểu rõ, không phải còn ít diện tích đất nông nghiệp là trở thành đô thị, vì nếu phiến diện như vậy, sẽ dần có nguy cơ mất hết chức năng dịch vụ và cộng sinh với nội đô về sản vật và thảm xanh từ nông nghiệp. Vấn đề ở chỗ, chính quyền đô thị không nên tuyệt đối hóa trong việc xóa bỏ các làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời. Cần bố trí khu vực sản xuất thành nơi tập trung theo cụm công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Nhà ở và các không gian kiến trúc tại các làng nghề có thể phát triển theo các hình thức dịch vụ thương mại của sản phẩm nghề, du lịch thăm quan, trải nghiệm, khám phá; hoặc có thể kết hợp du lịch lưu trú cộng đồng homestay… Như thế, trong Thị có Nông hoặc trong Nông có Thị, hay nói đúng hơn sẽ có Nông thị trong đô thị Nam Từ Liêm ứng với các hình thức canh tác đa dạng như canh Trì, canh Viên, canh Điền. Đó là không gian hiếm quý có tính chất chuyển tiếp từ phần lõi ra phía ngoài. Chúng sẽ không bị mờ phai mà vẫn hội tụ được nhiều giá trị như bảo tồn được giá trị văn hóa, lịch sử của các làng nghề, các lễ hội, các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, các không gian làng xã…Tôn vinh các sản vật gắn liền với các Địa danh, Thủy danh, Nghề danh, Tộc danh… kết hợp với dòng sông Nhuệ để tạo thành không gian xanh cho đô thị, đảm bảo chức năng tưới, tiêu và điều hòa nước một phần cho đô thị – Đúng như KTS Peter Zumthor người Thụy Sỹ đã từng nói: “Trước nhất, kiến trúc phải tôn trọng địa điểm, không gian văn hóa bản địa và các bài học vô giá của lịch sử”. Định hướng đó cũng đồng nghĩa với việc cần phải kết nối, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các tiểu khu đô thị với các xóm làng, nơi sinh kế của cư dân với mô hình đất ở thổ cư truyền thống. Điều đó cũng đúng với tâm nguyện và ước vọng của cộng đồng cư dân khi thành lập quận, vẫn chung thủy với hai chữ “Từ Liêm” dấu yêu.

Thay lời kết
Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ tiếp tục thành lập các đơn vị hành chính cấp quận mới. Nam Từ Liêm cần tiếp tục khẳng định những tiềm năng và thế mạnh, xác định rõ các cơ hội, lựa chọn hướng phát triển trên cơ sở tích hợp của nhiều công nghệ thông minh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần phải xây dựng, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cán bộ công nhân viên chức có trình độ quản lý, quản trị đô thị một cách năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp. Đó cũng chính là cơ hội, là động lực để Nam Từ Liêm tiến tới trở thành đô thị tiêu biểu, hiện đại và giàu có bản sắc, truyền đạt lại nhiều kinh nghiệm cho các đô thị khác.
Chú trọng việc quy hoạch xây dựng hệ thống trạm (nhà máy) xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất… thông qua quy hoạch chung của hệ thống xử lý nước thải Hà Nội, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, việc này có tính chất quyết định đến việc quận Nam Từ Liêm sẽ trở thành một đô thị kiểu mẫu, sinh thái, thông minh, bền vững và đáng sống trong tương lai.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên Cao cấp – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)