Không gian và nghệ thuật công cộng thủ đô

Không chỉ đơn thuần là loại hình nghệ thuật phục vụ công chúng, không gian công cộng (KGCC) và nghệ thuật công cộng (NTCC) tại Hà Nội còn phải thể hiện được Chất – Tầm của đô thị với đặc tính Thủ đô: Đại diện, tiêu biểu và tinh tế văn hóa Việt.

Thực trạng không gian công cộng Hà Nội

KGCC được xác lập trong quy hoạch chung của đô thị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có thể nói KGCC Hà Nội chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cộng đồng dân cư và yêu cầu của một đô thị Thủ đô phát triển và bản sắc:

– Thiếu về số lượng: Tuy dân số nội thành từ 1954 đến nay tăng gấp 60 lần (1952 – 273,732 ngàn người; trước khi sáp nhập khoảng 3 triệu và từ 01/8/2008 lên hơn 5 triệu người) nhưng đến nay Hà Nội mới chỉ có 04 khu vực được đặt tên Quảng trường (QT): Cách mạng Tháng 8 (khu vực Nhà hát Thành phố); Quốc tế Lao động 1-5 (Cung Hữu nghị Hà Nội); Ba Đình (Khu Trung tâm chính trị Ba Đình) và Mỹ Đình (Khu liên hiệp TDTT Mỹ Đình). Như vậy quảng trường không chỉ quá thiếu về số lượng mà còn phân bổ không đều: chỉ 3/14 quận huyện (trước mở rộng).

Các không gian khác khi cần thiết được sử dụng chức năng như quảng trường đó là các không gian trống trước các công trình: Nhà hàng Hồng Vân – Long Vân, Ngân hàng Nhà nước, đền Bà Kiệu, công viên Lê Nin… trong đó có công viên Lý Thái Tổ đắc địa về vị trí, được thiết kế bài bản về quy hoạch, kiến trúc, không gian, mang được dấu ấn văn hoá và được tổ chức thường xuyên các sự kiện, hoạt động của Thủ đô thì lại chưa được đặt tên quảng trường.

– Yếu về cấp độ: Ngoài khu Ba Đình có chức năng là trung tâm chính trị Trung ương thì 03 quảng trường còn lại và các không gian trống khác vẫn chưa xác định được chức năng cụ thể. Sự không rõ ràng về cấp độ, quy mô, chủ yếu thời gian chỉ được sử dụng là đảo giao thông (không gian trống trước Ngân hàng, QT Cách mạng tháng 8)… đã làm cho KGCC Hà Nội vốn thiếu về số lượng lại càng yếu về chất lượng sử dụng.

Trong các quận nội thành cũ: Trước đây, với nền kinh tế tập trung, quy họach mang tính chỉ đạo từ trên xuống, bản vẽ xác định chức năng, KGCC tại vị trí nào thì người dân chấp nhận, sử dụng theo. Tuy nhiên, với dân số ít, các chỉ tiêu thiết kế theo quy chuẩn các nước XHCN, các KGCC trong các khu tập thể cũ, đủ phân chia thành các khu vực hoạt động khác nhau. Khái niệm NTCC cũng giản đơn với các tranh, áp phích cổ động kèm bảng tin.

Từ năm 1986 đến nay: Mọi thành phần kinh tế tham gia quy hoạch, đầu tư xây dựng, quan niệm và cách thức làm quy hoạch thay đổi. Một số dự án của nhà đầu tư lớn xây dựng đồng bộ tạo sự khác biệt, đẳng cấp nhằm thu hút khách mua hàng nên đã quan tâm đến quy hoạch, tổ chức không gian, xây dựng biểu tượng khu đô thị như Ciputra, Royal City, Time City… nhưng chủ yếu phục vụ cho cư dân của khu đô thị đó, dù đôi khi có hoạt động mang tầm vóc lớn thu hút cư dân Hà Nội như lễ hội âm nhạc ở Ecopark. Còn lại, các dự án nhỏ lẻ khác mới chỉ quan tâm lợi ích của chủ đầu tư, tập trung khai thác xây dựng chức năng ở, nhanh chóng kinh doanh thu lợi nhuận, chưa xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội hoặc có chăng chỉ đầu tư tuyến đường trục chính làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng của cả khu ở.

Thời gian vừa qua, Thành phố triển khai thí điểm thành công không gian đi bộ vào cuối tuần khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm (từ 01/9/2016), đoạn phố bích họa Phùng Hưng (02/2/2018) và phố Trịnh Công Sơn quận Tây Hồ (11/5/2018)… là những nỗ lực góp phần bổ khuyết KGCC Thủ đô, nâng cao chất lượng cuộc sống khu vực nội đô lịch sử. Mặc dù bộ mặt các tuyến phố xung quanh hồ: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay được cải tạo chỉnh trang nhưng chủ yếu vẫn chỉ là bổ sung các chức năng dịch vụ, loại hình văn hóa nghệ thuật tại các không gian chứ chưa thực sự bổ khuyết các hạng mục đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đô thị, nâng cao và phát huy giá trị cảnh quan khu vực trung tâm này.

– Thiếu sự gắn kết giữa không gian, địa danh và sinh hoạt cộng đồng trong tổng thể chung: Ngoại trừ quảng trường Ba Đình, công viên Lý Thái Tổ được thiết kế, sử dụng đúng nghĩa quảng trường (công trình/ tượng đài là chủ thể, không gian trống làm nơi tập trung, nghi thức và các công trình vây hợp phía sau/ dẫn hướng ở phía trước), các KGCC khác là không gian trước các công trình lớn, khi có sự kiện, lễ hội mới xây dựng biểu trưng văn hóa hay sân khấu tạm, dỡ bỏ sau dịp lễ.

NTCC tại các khu vực KGCC chưa thực sự được để tâm nghiên cứu thấu đáo: Khu vực hồ Hoàn Kiếm, xuất phát điểm của Km số 0 tại Bưu điện Thành phố, dù đã triển khai đi bộ được gần 2 năm nhưng điểm mốc mang tính dấu ấn này lại chưa được duyệt để triển khai xây dựng; tượng đài lãnh tụ (hoặc nhóm tượng đài thể hiện sự đoàn kết dân tộc) trong công viên Thống nhất không nằm ở vị trí kết thúc trục từ phía cổng chính đường Trần Nhân Tông vào; khu Ngọc Hồi với tượng đài 3 mũi tên không liên kết với không gian chùa liền kề để tạo thành tổng thể thống nhất mà chỉ tính toán sắp đặt trong phạm vi tường rào ranh giới dự án.

Việc xã hội hóa KGCC tuy lợi ích trước mắt là giảm kinh phí đầu tư Nhà nước nhưng tiềm ẩn sự phân hóa sử dụng và không kiểm soát được cảnh quan, quy hoạch sử dụng đất làm cho KGCC bị thương mại hóa, lấn chiếm trái phép, dịch vụ tự phát, tạm bợ cả lề lối đến hình thức. Đó là kết quả của công tác quy hoạch với tầm nhìn hạn hẹp, chưa tham khảo ý kiến cộng đồng, chuyên gia, nhà khoa học, cư dân bản địa – yếu tố quyết định thành công của việc xây dựng và sử dụng theo quy hoạch.

Trong thời đại phát triển và giao lưu, những sinh hoạt mới chỉ xuất hiện ở đô thị lớn cũng là thách thức, đòi hỏi đối với KGCC và NTCC. Bên cạnh những dự án thành công trong việc thay đổi thẩm mỹ đô thị theo hướng văn minh, tiếp cận nghệ thuật thế giới: Quy mô lớn như Con đường gốm sứ sông Hồng (2010) được tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới (xấp xỉ 3,85 km); đoạn phố bích họa Phùng Hưng và nhỏ hơn là các bức tranh tường hai bên dẫn lên cầu thang của các khu tập thể cũ, các lớp sơn phủ, hình vẽ tại các tủ điện trên một số tuyến phố quận Hoàn Kiếm… thì vẫn còn những hạt sạn trong việc sắp đặt của NTCC như: Việc bố trí ngược tầm nhìn của mô hình đồng hồ Thụy Sỹ tại góc phố Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay (lối vào khu vực hồ Hoàn Kiếm); số lượng lớn các thể loại tượng sau những cuộc thi nghệ thuật tập trung bên cạnh tháp Bút, đền Ngọc Sơn trước cửa Sở Văn hóa Thể thao; tỷ xích giữa hình, sự liên kết nội dung tổng thể các bức họa trên phố Phùng Hưng; hình thức, phong cách kiến trúc, tượng điêu khắc tại các cổng khu đô thị mới dọc các tuyến đường chính, cửa ngõ Thủ đô….

Nâng tầm không gian và nghệ thuật công cộng thủ đô

1. Về Quy hoạch

– Hệ thống – Phân cấp: KGCC và NTCC tương quan mật thiết với nhau và phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, xã hội và gắn với địa danh. Do đó, KGCC phải được hoạch định từ quy hoạch tổng thể, thiết kế đô thị trên cơ sở phân loại cấp độ, chức năng sử dụng của mỗi KGCC kết nối trong Quy hoạch mạng lưới KGCC: Trung ương – thành phố – quận huyện – phường xã, Đô thị – Nông thôn đúng tiêu chuẩn quy hoạch (phạm vi, loại hình, chức năng, quy mô, diện tích), từ đó xác định chủ đề, loại hình NTCC tương thích, tham vấn ý kiến cộng đồng về chức năng công cộng thiết yếu và văn hóa địa bàn phù hợp rồi mới lựa chọn đầu tư có trọng điểm, tránh được tình trạng đầu tư lãng phí hoặc bỏ hoang, loại bỏ NTCC có hình thức hoặc nội dung tạm bợ, sai lạc địa danh, truyền thống địa phương hoặc copy sao chép nhau.

Cần thiết phải bảo tồn KGCC cũ, tôn trọng giá trị văn hoá lịch sử đồng thời xây dựng KGCC mới, góp phần tránh tập trung quá tải tại các KGCC khu vực trung tâm cũ vào ngày lễ hội lớn.

– Rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung KGCC: Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới KGCC thành phố, xác định khu vực trọng yếu đầu tư, xây dựng. Đối với khu vực nội đô lịch sử, cần có thi tuyển thiết kế đô thị với việc xác định đầu bài chỉnh trang, nâng cao chất lượng, giá trị di sản đô thị, cảnh quan, tăng cường chức năng trong đó có các KGCC, phục vụ cộng đồng thì sản phẩm mới xác định cụ thể yếu tố bảo tồn, loại bỏ, khu vực nào có thể khai thác phát triển, đề xuất chính sách để Nhà nước hay Thành phố mua lại sở hữu tư nhân tại các không gian trọng điểm, tiêu biểu, khu vực có giá trị (trung tâm) phục vụ mục đích chung.

  • Đối với khu phố cổ, cũ: Tận dụng khoảng trống kết hợp bổ khuyết các hạng mục, loại hình NTCC trước công trình lớn;
  • Đối với các KGCC hiện có: Điều chuyển chức năng thích ứng vị trí: chuyển Trụ sở UBND Thành phố vào vị trí Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng di dời ra khu trung tâm tài chính, giảm tải ách tắc trung tâm cũ) để kết hợp với công viên Lý Thái Tổ sẽ hoàn thiện trục không gian tổng thể quảng trường hành chính Thành phố, tôn thêm giá trị không gian tượng đài Lý Thái Tổ;
  • Đối với không gian có thể mở rộng: Bổ sung chức năng, hoàn thiện các hạng mục NTCC tại QT Mỹ Đình: Tăng thêm chức năng mới, nơi sinh hoạt thể thao, văn hóa thường xuyên của cư dân khu vực; bổ sung NTCC như các phù điêu, tranh tượng thể thao;
  • Đối với không gian sinh hoạt nông thôn: Tu bổ, khai thác không gian sinh hoạt truyền thống tại đình làng với sự đi đầu, gương mẫu của các cơ quan đoàn thể Nhà nước tổ chức hội họp, tòa án lưu động… tại đây sẽ vừa duy trì được nếp làng, vừa tiết kiệm ngân sách xây dựng nhà văn hóa, hội trường….

– Đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh KGCC

  • Các trung tâm mới của Hà Nội: Xác định các KGCC ở cấp độ quốc gia để xây dựng tiêu chí tương xứng vị thế Thủ đô, đầu tư trọng điểm và thích đáng (Khu trụ sở các bộ ngành Trung ương tại Mỹ Đình, Mễ Trì; khu trung tâm mới Tây hồ Tây); nghiên cứu, xác lập KGCC và chủ đề, cấp độ NTCC, góp phần giảm tải tập trung trong trung tâm lịch sử. Các KGCC này được tổ chức hiện đại, đa chức năng, tạo nhiều “sân chơi” thu hút thanh niên, cộng đồng chung cũng như cho các hoạt động chuyên biệt, lọai hình mới. Xây dựng quy định hay yêu cầu bắt buộc trong thiết kế từng loại hình, cấp độ, tổ chức không gian, thiết kế đô thị, NTCC cũng như ứng xử, quản lý, sử dụng tương thích;
  • Các khu đô thị mới: Xây dựng đồng bộ, kết hợp tiết kiệm đất, kết nối các KGCC, thực hiện cơ chế xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh chức năng công cộng theo quy hoạch… như một tiêu chí bắt buộc đánh giá chất lượng đối với các dự án nhà ở chính sách, xã hội, tái định cư hay cao cấp. Xây dựng chế tài, kiểm tra, có cơ chế bắt buộc chủ đầu tư khi xây dựng các khu đô thị mới phải triển khai đồng bộ việc xây dựng các khu công cộng, hạ tầng kỹ thuật trước các khu ở.
Các công trình giả cổ dựng tạm trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn

2. Về kiến trúc:

Mỗi KGCC cần dược xác định công năng, chủ đề nhất định, nhất là với quảng trường, hình thành từ sự vây hợp hoặc hạn định của công trình kiến trúc và ngược lại, kết nối những thành tố độc lập tạo thành một tổng thể, từ tiểu phẩm tiêu chí chủ đề, những không gian kiến trúc và không gian hoạt động công cộng; có tác dụng mở rộng nối tiếp ra bên ngoài và đồng thời không gian bên ngoài lại tác động tương hỗ, bổ sung cho không gian bên trong.

– Hoàn thiện không gian công cộng:

  • Ổn định và hoàn thiện tổng thể không gian công cộng, đặc biệt là khu vực trọng yếu, trung tâm thành phố, có ảnh hưởng lớn trong không gian đô thị, các quảng trường hiện có cũng như tại các trung tâm lớn theo quy hoạch của Hà Nội. Mỗi KGCC cần có quy định kiểm soát quy hoạch kiến trúc cụ thể: Xác định công trình chủ thể, phong cách kiến trúc chung toàn khu vực; độ cao, quy mô, khoảng lùi, tầm nhìn… của cả các công trình lân cận nhằm nhấn mạnh chủ thể của KGCC.

    Đối với không gian quảng trường: Khác với châu Âu, quảng trường Hà Nội là không gian mở, không vây kín. Vì vậy, cần có quy định rõ kích thước và quy mô trên cơ sở kích thước, quy mô và hình thể của công trình bao quanh quảng trường, với tỷ xích của con người với công trình chủ thể, giữa chủ thể với các yếu tố ảnh hưởng tới hình thái không gian quảng trường; Quan hệ giữa quảng trường và đường phố; Phương thức và mức độ vây hợp của công trình quanh quảng trường…
  • Điểu chuyển, loại bỏ chức năng không phù hợp: Tổ chức, sắp xếp giao thông để quảng trường không sử dụng thành đảo giao thông, tăng an toàn cho người tiếp cận sử dụng; Tổ chức liên kết thuận tiện với phương tiện giao thông công cộng tiếp cận KGCC: Nghiên cứu phá bỏ Nhà hát kịch Việt Nam phía sau Nhà hát Thành phố để tạo thành tuyến giao thông không đi vào khu vực quảng trường, kết hợp tổ chức giao thông và thương mại ngầm toàn bộ khu vực công viên Lý Thái Tổ, trước Ngân hàng và Nhà hát Thành phố, góp phần tăng cường và làm sống động cho khu trung tâm Hồ Gươm;
  • Tăng cường chức năng, loại hình NTCC mới: Bổ sung, chỉnh trang công trình chủ thể hoặc hệ thống phù điêu, tượng đài phù hợp tính chất, chức năng quảng trường, xác định chủ đề, loại hình NTCC tương thích hài hòa phong cách kiến trúc khu vực KGCC; bổ sung cây xanh, bồn hoa, xác định các khu vực triển lãm tranh ảnh, tượng; tạo dựng không gian kết nối địa danh…

– Kiểm soát chức năng khu vực lân cận: Ngoài việc chỉnh trang công trình chủ thể, cần kiểm soát tốt tổng thể không gian kiến trúc, chức năng công trình và đặc biệt là NTCC trong khu vực không gian thụ cảm thẩm mỹ quảng trường, KGCC; Sắp xếp văn minh các loại hình kinh doanh dịch vụ dọc phố…

Tại KGCC lớn như hồ Gươm: Nên phá bỏ hàng rào của các công trình xung quanh hồ để góp phần mở rộng không gian sinh hoạt công cộng cũng như không gian cảm thụ thẩm mỹ, vì sự phát triển đô thị văn minh để cộng đồng được dễ dàng tiếp cận không gian thiên nhiên và trách nhiệm trong bảo vệ, gìn giữ.

– Gắn kết sinh hoạt cộng đồng với KGCC từ khi quy hoạch là cần thiết. Trang bị kiến thức và định hướng cộng đồng tham gia đóng góp ý kiến đối với dự án liên quan để cùng lựa chọn giải pháp tối ưu cho không gian và NTCC đô thị, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch. Xây dựng lối sống văn minh đô thị, ứng xử văn hóa của mọi tầng lớp dân cư tại các không gian công cộng đô thị đây là nơi biểu hiện rõ nét nhất nề nếp của một đô thị Văn minh – Văn hóa đô thị Thủ đô… Hiệu quả trước hết là huy động được sức mạnh từ cộng đồng và kết quả mà dự án đạt được sẽ vượt sự mong đợi của tất cả mọi người.

Đối với các khu vực KGCC truyền thống như đình làng: Cần khôi phục lại các hoạt động như: Lễ hội, sinh hoạt đã gắn liền với KGCC từ lúc sản sinh hay gắn với lịch sử của địa danh để công trình kiến trúc truyền thống xưa đó được sống, hòa quyện với hồn, tinh thần thời đại nay.

Hà Nội là nơi mà sự hội nhập kinh tế, du nhập văn hoá nhanh, mạnh, đòi hỏi sự giao tiếp, thông thương lớn nên nhu cầu về KGCC và NTCC càng cấp thiết với quy mô, chất lượng, thẩm mỹ cao hơn. Sự sang trọng, văn hóa, tính đại diện, tiêu biểu là Chất và Hồn cốt của Thủ đô phát triển văn minh, bền vững, làm nên bản sắc đô thị Hà Nội – niềm tự hào của cả một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

KTS Nguyễn Phú Đức

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)