Theo một quy ước bất biến, Thủ đô của tất cả các nước đương nhiên là nơi bố trí các công trình kiến trúc tiêu biểu có tính chất biểu tượng, đại diện cho quốc gia – dân tộc. Do vậy, ở đó thường có những công trình đẹp nhất, hàm chứa những thông điệp, ẩn chứa tuyên ngôn đặc biệt và được bố trí ở khu vực trung tâm – trái tim của thành phố được chọn làm Thủ đô, với những thủ pháp thiết kế đô thị nghiêm cẩn.
Nói đến đây, hẳn mỗi người Việt Nam và không ít người nước ngoài đều nghĩ đến Khu trung tâm Ba Đình lịch sử ở Hà Nội. Tuy nhiên, chưa hẳn nhiều người đã biết đến những giá trị đặc sắc, riêng có của nơi linh thiêng và quan trọng bậc nhất của đất nước nếu không nhìn rộng trên khía cạnh không gian, với độ sâu về thời gian và đối chiếu với những Thủ đô của những nước khác trên thế giới.
Lịch sử đô thị cho thấy sự khác biệt nhất định giữa các nước phương Đông với các nước phương Tây về việc lựa chọn vị trí Thủ đô, hay còn gọi là kinh đô thời phong kiến. Thủ đô của các nước phương Tây thường có tính kế thừa – liên tục, ít thay đổi từ thời phong kiến cho đến ngày nay. Chính vì lẽ đó, ở những thành phố này, có sự đồng nhất tương đối về phong cách kiến trúc của các công trình tại từng khu vực, đại diện cho từng giai đoạn phát triển với sự phân khu rõ nét. Ngược lại, ở các nước phương Đông, nơi chế độ phong kiến kết thúc muộn hơn, các triều đại hay tìm cách chuyển kinh đô, thường phá bỏ mà không sử dụng lại các công trình có từ thời kỳ trước, như một cách khẳng định tính chính danh. Cũng vì vậy, cho đến ngày nay, trong cấu trúc không gian khu trung tâm thủ đô các đô thị châu Á thường chỉ tồn tại các di sản kiến trúc cuối thời trung đại bên cạnh những công trình thời cận đại và hiện đại.
Có thể nói, lịch sử Hà Nội vừa mang trong mình đặc điểm chung của các nước phương Đông khi triều đình nhà Nguyễn lựa chọn Huế làm kinh đô kéo theo sự suy tàn của Thăng Long – Hà Nội sau 8 thế kỷ huy hoàng. Sự suy tàn ấy hiển thị rõ nét nhất chính tại thành Thăng Long – Khu trung tâm Ba Đình ngày nay. Tính đến khi người Pháp xây dựng những công trình đầu tiên ở Hà Nội – năm 1875 và đến tận năm 1888, khu vực này chỉ còn mang tính chất hành chính, quân sự của một thủ phủ tỉnh lỵ trên nền của những đổ vỡ, hoang phế bởi binh đao. Giai đoạn 1888-1920, chứng kiến những va chạm Đông – Tây dữ dội khiến nơi đây mất đi di sản quý giá nhất hệ thống thành cổ qua các thời kỳ. Nhưng cũng kể từ đó, nơi đây lại chứng kiến sự trở lại của Trung tâm chính trị hành pháp quan trọng nhất của đất nước. Đó là sự khác biệt mang tư tưởng hiện đại phương Tây về sự kế thừa các giá trị truyền thống, đặc biệt trên khía cạnh địa – chính trị – văn hóa. Cho dù đó là thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ chiến tranh – cấm vận 1954-1986 và giai đoại sau “Đổi mới” 1986 đến nay, tư tưởng ấy vẫn được tiếp nối – trao truyền bền bỉ bất kể sự đổi thay của thời cuộc.

Quá trình biến đổi cấu trúc không gian đô thị đã khiến Khu trung tâm Ba Đình trở thành một ngoại lệ hiếm có về sự pha trộn, chồng lớp không gian giữa các thời kỳ lịch sử so với các Thủ đô khác trên thế giới. Hơn thế, những đặc sắc về tổ chức không gian đô thị mang tính kế thừa – tiếp nối khiến nơi đây thấm đượm tinh hoa suốt chiều dài lịch sử đất nước, từ trước cả thời khắc định đô với tầm nhìn thiên tài của hoàng đế Lý Công Uẩn. Sự khác biệt này thể hiện sức sống bền bỉ, niềm kiêu hãnh của một dân tộc nhỏ bé và khát vọng vươn lên bằng trí tuệ của các thế hệ người Việt.
Cấu trúc không gian khu vực Ba Đình bị chi phối rõ rệt bởi các dấu tích của thành cổ, đặc biệt bởi hệ thống tường thành và phương vị của các trục không gian của thành. Thời nay, ít người biết được những tuyến đường chính hay trục không gian theo mô hình phương Tây trong khu trung tâm Ba Đình hầu hết trùng khít với hệ thống thành quách thời phong kiến đã bị người Pháp phá bỏ. Trải qua bao sự đổi thay, khu vực này cũng là nơi mất đi nhiều nhất những công trình vô giá, dấu tích huy hoàng của những triều đại phong kiến trước đó. Với những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, trên những tầng văn hóa chồng xếp lên nhau ở di sản văn hóa thế giới: Hoàng Thành Thăng Long đã trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Điểm thú vị là nghệ thuật tổ chức không gian được tiếp nối từ quá khứ đến tận ngày nay tạo nên một tổng thể chỉn chu – nghiêm cẩn với các công trình công cộng quan trọng mang phong cách kiến trúc của từng giai đoạn lịch sử đứng ở trung tâm của các tuyến trục, hướng nhìn. Theo trình tự thời gian đó là các công trình kiến trúc truyền thống trên trục thần đạo: Cửa Bắc – Điện Kính thiên – Đoan môn – Kỳ Đài; Phủ Chủ tịch mang kiến trúc phục hưng hậu kỳ châu Âu; trụ sở bộ ngoại giao với kiến trúc Đông Dương – Phong cách giao hòa Âu Á; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng mang tên Người và Đài liệt sỹ vô danh – dấu ấn kiến trúc xã hội chủ nghĩa; Nhà Quốc hội với kiến trúc mang hơi hướng hiện đại. Mảng xanh của quần thể công viên Bách Thảo và Khu di tích Phủ Chủ tịch cùng với những cấu trúc xây dựng theo mô hình thành phố vườn bao bọc quảng trường Ba Đình và những kiến trúc cổ – kim làm nên những mảng đặc, khoảng rỗng tựa chỉnh thể âm – dương cân bằng.

Có thể nói: Sự đan xen các phong cách kiến trúc, cảnh quan đô thị ở khu trung tâm Ba Đình như những lát cắt thời gian tạc trong một không gian được chồng lớp, biểu hiện đặc trưng lịch sử dân tộc thực sự đã tạo nên một quần thể đô thị hiếm có.
Trong sự đan xen, hay chồng xếp không gian ấy, hình ảnh biểu trưng cho lịch sử đất nước như hiển hiện ở mọi nơi, trên cả những cấu trúc vật thể hay ẩn chứa sâu lắng trong đó. Vết đạn in hằn trên cổng thành Cửa Bắc, hào quang anh linh của những anh hùng liệt sỹ khắc âm trong lòng đài liệt sỹ vô danh… Như một lời nhắc nhở cho muôn đời sau về lịch sử và giá trị không gì đong đếm được của độc lập – tự do – hạnh phúc của đất nước, nhân dân. Chùa Một cột – ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, thể hiện tính dân tộc đậm nét thông qua hình tượng đóa hoa sen nở trên mặt nước – loài hoa tượng trưng cho sự tinh khiết và cao quý của Phật pháp. Hình ảnh mái đình, mái chùa và những chi tiết kiến trúc truyền thống được trang trí ở các công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương hay được cách điệu ẩn chứa trong các kiến trúc thời đại Hồ Chí Minh như một sự tiếp biến truyền thống dân tộc. Hình tượng bánh chưng, bánh dày hay hội trường mang cái tên Diên Hồng – thông điệp về sức mạnh của lòng dân của tòa nhà quốc hội mới. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc ở nơi cửa Tây thành cũ nơi đặt lễ đài Người đọc bản tuyên ngôn lập bất hủ khai sinh nước Việt Nam hiện đại… Tất cả chính là thông điệp về lòng tự tôn và những giá trị cao quý nhất của dân tộc.
Có một điểm đặc biệt thú vị trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng: Khi khu vực Ba Đình là nơi duy nhất trong khu trung tâm lịch sử Hà Nội được lập quy hoạch chi tiết theo phương pháp hiện đại, kể từ khi KTS xuất sắc Ernest Hébrard công bố năm 1924 cho đến ngày nay. Và dường như nơi này tiềm ẩn lực hấp dẫn lạ kỳ đối với mỗi KTS. Sự thiêng liêng của những tầng văn hóa như khiến họ rất cẩn trọng đối với từng nét vẽ, từng tính toán chi ly. Có lẽ ngoài tầm vóc về trình độ, sự thẩm thấu về văn hóa, còn cần một tình cảm lớn mới xứng đáng với mảnh đất địa linh này. Còn thú vị hơn khi chưa bao giờ khu vực này thiếu dư địa cho những nghiên cứu, khoa học, đề xuất quy hoạch hay bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong quá trình phát triển.
KTS Vũ Hoài Đức
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2019)