Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa…
Dường như mỗi con phố, mỗi địa điểm của Hà Nội đều được ghi dấu ấn bởi một loại cây, một loài hoa nào đó, để khi xa Hà Nội người ta nhớ về Thủ đô với những hình ảnh như gốc cây Bàng khẳng khiu vào mùa đông, hoa Sưa nở trên đường Thanh Niên vào mùa Xuân, đầm Sen Hồ Tây thơm mát vào mùa hè, hoa Sữa rụng trên hè phố Nguyễn Du vào mùa thu… Trong tim nhiều người, hình ảnh đô thị của Hà Nội chưa hẳn đã là những công trình kiến trúc hoành tráng sang trọng, những tuyến đường lung linh đèn màu cửa hiệu, mà chỉ là một gốc phố lá bàng rụng, một ghế đá thơm mùi hoa Sữa.
Những lý luận về hình ảnh đô thị (sự ghi nhớ của cư dân đô thị về các tuyến phố, nút giao thông, công trình điểm nhấn, khu vực dân cư, vành đai…) có thể đúng với các đô thị khác, còn với Hà Nội thì chưa hẳn. Bởi người Hà Nội và du khách sẽ nhớ nhiều hơn tới cây sưa cạnh chùa Trấn Quốc, hàng cây hoa ban trước lăng Bác, mùi hoa sữa ở hồ Thiền Quang, lá bàng rụng trên hè phố Mã Mây… Những địa điểm đô thị cuốn hút ở Hà Nội không hẳn là quảng trường, trung tâm thương mại, nhà hát… mà là những nhành hoa, là những quán cóc ở các góc phố… Nét đặc trưng trong cách sinh hoạt và cách cảm nhận của người dân Hà Nội về đô thị đã gợi mở cho chúng tôi cách tiếp cận thiết kế đô thị ở Hà Nội theo hướng kiến tạo địa điểm (placemaking) với cây xanh là yếu tố chủ đạo.
Những đặc trưng của địa điểm cây xanh
Thực tế cho thấy rằng, nhiều địa điểm đẹp ở Hà Nội có liên quan tới cây xanh và hoa và chỉ tồn tại theo mùa. Cứ đến một mùa hoa nào đó là người dân Hà Nội lại rủ nhau tới để chụp ảnh, ngắm cảnh, hẹn hò… từ đó hình thành những địa điểm cộng đồng đặc trưng theo mùa của Hà Nội. Ví dụ, mùa Xuân có vườn Đào Nhật Tân, hoa Ban ở Lăng Bác, hoa Sưa ở đường Thanh Niên, Hoàng Hoa Thám; mùa Hè có đầm Sen ở gần công viên nước Hồ Tây, vườn Nhãn ở chân cầu Vĩnh Tuy; mùa Thu có hoa Sữa ở nhiều con phố; mùa Đông có hoa Cải ở chân cầu Đuống, lá vàng rơi ở phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Kim Mã… Những hoạt động ở các địa điểm này là tự nhiên, tồn tại theo quy luật của trời đất, mùa nào địa điểm ấy. Có lẽ, lối sống gần gũi với thiên nhiên của người Việt Nam nói chung và của người dân Hà Nội nói riêng đã tạo ra những địa điểm đô thị gắn bó với thiên nhiên, khí hậu.
Những địa điểm cây xanh ở Hà Nội được hình thành và phát triển một cách tự phát, do người dân tự kiến tạo nên chứ không phải do định hướng của các nhà chuyên môn. Tất nhiên, ở đây chúng ta không thể phủ nhận sự tác động của truyền thông nên việc hình thành các địa điểm. Từ một số ảnh chụp đẹp của một số người dân, các phương tiện báo chí và mạng xã hội phát tán rộng rãi những bức ảnh đó, tạo nên cơn sốt trong dư luận, nhất là đối với các bạn trẻ. Từ những lời đồn đoán, người ta đua chen nhau tới các địa điểm để giao lưu và chụp ảnh. Việc kiến tạo các địa điểm đô thị này không mất nhiều chi phí đầu tư của nhà nước, bởi nó được nhân dân sáng tạo ra, nhân dân tự khai thác. Chính quyền thành phố đã chi nhiều tiền để tu sửa và xây mới các công viên và quảng trường như công viên Cầu Giấy, công viên Hòa Bình, quảng trường Lao Động… nhưng nó không cuốn hút nhiều người dân sáng tạo và tham gia các hoạt động bằng một cây sưa già lẻ loi hay một vườn đào cỏ dại hoang sơ. Người Hà Nội không hào hứng sáng tạo tại những địa điểm công cộng do chính quyền lập ra, họ thích tự khám phá và sáng tạo thành phố theo cách của mình nhưng phải theo trào lưu. Chất ngẫu hứng và lãng mạn, tâm lý bầy đàn và thích chụp ảnh của người dân Hà Nội trong việc kiến tạo các địa điểm rất khó có thể tìm thấy trong các đô thị khác trên thế giới. Có lẽ vì vậy mà việc áp dụng các lý thuyết thiết kế đô thị của thế giới vào Hà Nội không hề đơn giản và nên chăng Hà Nội cần xây dựng một đường lối thiết kế đô thị của riêng mình, phù hợp với tâm lý dân cư, nếp sống của người dân Hà Nội.
Người dân Hà Nội chọn những địa điểm cây xanh để kiến tạo không chỉ có hình ảnh thị giác đẹp mà còn có khả năng đánh thức tất cả các giác quan khác, cũng như khơi gợi khả năng sáng tác nghệ thuật, thôi thúc sáng tạo hoạt động cho người dân. Đó là những góc phố ngào ngạt hoa Sữa với vị chát của chén trà mạn và tiếng xe xuôi ngược trên đường; đó là vẻ trắng tinh khiết của hoa Sưa với gió hồ Tây man mát làn da và tiếng chuông chùa Trấn Quốc; đó là đầm Sen với sắc hồng của hoa và sắc xanh của lá chen lẫn tiếng gọi í ới của các bạn trẻ tìm góc chụp ảnh. Rồi biết bao bài thơ, câu hát nói về những góc phố lá rơi, quán vỉa hè ban đêm thơm mùi hoa sữa… Ở đây, chúng ta có thể thấy rằng, người dân ít chọn các địa điểm trong bối cảnh các công trình kiến trúc mà chủ yếu trong bối cảnh thiên nhiên, hoặc trong bối cảnh các hoạt động khác của đô thị. Nói cách khác, yếu tố thiên nhiên và yếu tố hoạt động được đề cao hơn là yếu tố công trình kiến trúc trong các địa điểm cây xanh ở Hà Nội.
Một số vấn đề tồn tại và giải pháp
Thứ nhất, các địa điểm cây xanh xuất hiện theo mùa với cường độ hoạt động rất cao chỉ trong một số ngày dẫn đến khó khăn trong việc quản lý các hoạt động tại đó. Ví dụ, đến mùa sen nở, các đầm sen chật cứng người, giá trông xe tăng vọt, giá vào chụp ảnh cũng rất cao (nhưng người dân phải chấp nhận mức giá cắt cổ bởi đó là trào lưu đám đông mà họ không cưỡng lại được). Các bãi trông xe ở đó cũng hoàn toàn tự phát, một số đối tượng lấn chiếm lòng đường để làm dịch vụ gửi xe. Tình hình mất an ninh trật tự và mỹ quan tại các địa điểm khi vào mùa hoa nở đòi hỏi cần có sự kiểm soát ở chừng mực nào đó của các cơ quan chức năng.
Thứ hai, các địa điểm được hình thành một cách tự phát và cũng có thể biến mất một cách tự phát khi địa điểm đó không được coi là “hot” nữa, cũng giống như sự tan rã của trào lưu trà chanh ở trước cửa Nhà Thờ Lớn. Tính không bền vững của địa điểm cũng như sự thay đổi thị hiếu của người dân dẫn đến sự khó khăn trong việc hoạch định, đầu tư cải tạo, gia tăng giá trị cho địa điểm. Rất có thể nếu chúng ta đầu tư trang trí thêm ghế ngồi hay đèn chiếu sáng ở địa điểm cây Sưa trên đường Thanh Niên thì nó sẽ không còn sức hấp dẫn đối với người dân nữa. Tuy nhiên, nếu nắm bắt được sự thay đổi thị hiếu của người dân chúng ta có thể làm mới địa điểm hoặc gợi mở các địa điểm cây xanh khác cho người dân.
Thứ ba, các loại hoạt động ở các địa điểm cây xanh rất hạn chế, chủ yếu là chụp ảnh và hẹn hò. Chúng ta cần khơi gợi cho người dân sáng tạo các hoạt động khác để làm phong phú cho địa điểm ví dụ như tổ chức các nhóm nhảy đường phố, chơi nhạc, vẽ ký họa…
Thứ tư, truyền thông, mạng xã hội và những lời đồn đại có vai trò lớn trong việc tạo “sóng” dư luận để hình thành các địa điểm. Rất nhiều người dân đến hoạt động ở địa điểm không phải vì nó đẹp mà vì bắt chước bạn bè. Với sự giúp đỡ của truyền thông, các chuyên gia về đô thị có thể tiến hành cải tạo địa điểm và tìm kiếm địa điểm mới phù hợp với nhu cầu thay đổi của người dân cũng như phù hợp với chiến lược thiết kế đô thị tổng thể.
Thứ năm, một số địa điểm cây xanh do tư nhân quản lý như đầm sen hồ Tây, vườn hoa Nhật Tân… và các chủ đất đó thoải mái đưa ra mức giá vé vào cắt cổ. Các dịch vụ công cộng đi kèm như nhà vệ sinh, chỗ gửi xe, café… cũng không được bảo đảm chất lượng. Điều này làm giảm giá trị xã hội và tính nhân văn của địa điểm. Chính quyền cần có sự quản lý kinh tế nhất định đối với thị trường béo bở này để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Kết luận
Lý thuyết kiến tạo địa điểm trong thiết kế đô thị hiện nay đang phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới và đã đạt được những thành công nhất định bởi nó khuyến khích và đề cao các hoạt động của người dân tại địa điểm. Nó cũng đã giúp chúng ta hiểu được những cơn sốt chụp ảnh tại một số địa điểm có hoa Sưa, hoa Cải, vườn Nhãn… vài năm gần đây ở Hà Nội thực ra là những biểu hiện của việc thiết kế đô thị với sự chủ động tham gia và sáng tạo của người dân. Tuy nhiên, vai trò của chính quyền trong việc kiến tạo địa điểm cây xanh chưa được thể hiện rõ, làm cho các địa điểm bị thiếu đi tính chuyên nghiệp, chưa thuận tiện và văn minh như không có chỗ đỗ xe, không có các dịch vụ công cộng, nhà vệ sinh, không có quy định về mức phí hay nội quy sử dụng… Khả năng sáng tạo địa điểm của người dân rất đa dạng và thú vị, tuy nhiên cũng cần phải có sự hoạch định và hỗ trợ của nhà nước thì mới có thể duy trì và phát huy các địa điểm cây xanh một cách chất lượng, bền vững.
Tài liệu tham khảo:
[1] Нефедов В.А. Ландшафтный дизайн и устойчивость среды. Санкт Петербург, 2002г.
[2] Cliff Moughtin, Rafael Cuesta, Christine Sarris, Paola Signoretta. Urban design, method and techniques. Architectural press, 2003
[3] http://www.pps.org
KTS Vũ Hiệp